Người đọc dễ dãi có thể làm hư người viết
NVTPHCM- Với
câu hỏi “Văn học ngôn tình Trung Quốc có ảnh hưởng ra sao với văn học
trẻ Việt Nam hiện nay?”, biên tập viên các công ty chuyên làm sách trẻ
có chung câu trả lời: “Ảnh hưởng rất rõ rệt”. Còn liệu có thể gọi tên đó
là hiện tượng “ngôn tình hóa” hay không, họ có nhiều ý kiến khác nhau,
nhưng không ai phủ nhận.
Trong
năm 2014, hiện tượng “văn học trẻ Việt Nam” đã được ghi nhận. Đó là các
tác giả trẻ, tuổi đời trên dưới 20, chủ yếu sống ở Hà Nội và TP.HCM. Họ
có khả năng viết lách, giỏi truyền thông và kết nối với người đọc qua
mạng xã hội, có sách bán chạy lên đến hàng chục nghìn bản.
Không “ảo” như ngôn tình nhưng vẫn ít nhiều tô vẽ
Văn
học trẻ Việt Nam nổi lên trong năm 2014 nhưng đã xuất hiện và bắt đầu
lan tỏa sức hút từ vài năm nay. Nhìn rộng ra, văn học trẻ cũng đang là
trung tâm trong thị trường sách văn học tiếng Việt, xét về doanh số (dù
chỉ dựa theo thống kê của các nhà sách cung cấp và những trang web bán
sách trên mạng nhưng cũng tương đối chính xác), độc giả và sự chú ý của
truyền thông. TP.HCM là nơi quy tụ nhiều nhà văn trẻ nổi tiếng hơn,
nhưng các nhà văn trẻ Hà Nội cũng đang dần có tiếng nói.
Còn
cách đây 9 năm, dòng văn học ngôn tình Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam
tạo nên một cơn sốt đọc thực sự. Đây cũng là một hiện tượng không thể bỏ
qua khi nói về thị trường sách Việt Nam thập niên vừa qua. Văn học ngôn
tình Trung Quốc và văn học trẻ Việt Nam, hai dòng sách gây sốt xếp theo
thứ tự thời gian, có mối liên hệ nào không?
Vũ
Thị Minh Phương, biên tập viên một trang web chuyên đăng truyện ngắn,
truyện dài của các tác giả trẻ, nhận định với Thể thao & Văn hóa
Cuối tuần: “Có thể nói, hàng trăm bạn trẻ hiện nay rất đam mê sáng tác.
Đề tài của họ rất phong phú. Bên cạnh tình yêu đôi lứa luôn chiếm nhiều
giấy mực nhất, những người trẻ cũng quan tâm đến tình cảm gia đình hoặc
tình bạn. Nhưng vẫn phải nói thêm rằng số lượng tác phẩm trong 2 mảng
này ít đến mức khó sánh nổi với số lượng tác phẩm về tình yêu nam nữ”.
Mặc
dù vậy, biên tập viên này cho rằng văn học trẻ Việt Nam không đến nỗi
xa rời thực tế như ngôn tình. Nhân vật trong ngôn tình Trung Quốc thường
được hình tượng hóa nhiều hơn, thậm chí đến mức rất “ảo”, còn các nhân
vật trong văn học trẻ Việt Nam chân thực hơn. Tình yêu không dừng lại ở
màu hồng lãng mạn mà còn có nhiều mâu thuẫn về mối quan hệ xã hội, sự
xuất hiện của người thứ ba, sự thay đổi...
Nhưng
không loại trừ một số người viết trẻ bị ảnh hưởng khá nhiều từ các mô
típ, hình tượng nhân vật trong ngôn tình hoặc lạm dụng triết lý tình cảm
sáo rỗng.
“Là
người quản trị trang web chuyên đăng tác phẩm văn học trẻ, tôi thấy có
những độc giả đọc hời hợt dễ dãi. Họ đọc truyện chỉ để tìm vài câu triết
lý nghe hay hay để chia sẻ trên Facebook. Trên trang web, nhiều khi một
tác phẩm được nhiều người thích và chia sẻ chỉ vì có tiêu đề hay hoặc
câu trích dẫn hay” - Minh Phương nhận định.
“Rất
ít độc giả quan tâm đến nghệ thuật viết, văn phong của tác giả, họ chỉ
cần biết cốt truyện thôi và có khi cũng không đọc hết nội dung. Nếu độc
giả đã như vậy thì từ đó, người viết cũng bị hời hợt theo, chỉ chăm chăm
tô vẽ nhan đề “hot” để sách bán được”.
“Tôi
chưa nhận xét về truyện dài, nhưng với truyện ngắn, nhà làm sách chỉ
cần nội dung nhẹ nhàng, vui vui, dễ đọc. Những tác phẩm nào gây cảm giác
nặng nề thì dù hay hoặc ý nghĩa đến mấy họ cũng không nhận. Họ giải
thích là do thị hiếu”.
“Ngôn tình hóa” văn học trẻ Việt Nam, có hay không?
Với
câu hỏi này, Hà Thu (Trưởng nhóm YOLOBooks, dòng sách văn học trẻ Việt
Nam của BachvietBooks), nhận xét: “Ảnh hưởng của ngôn tình với văn học
trẻ Việt Nam là rất rõ ràng. Các bạn chủ yếu viết về tình yêu đôi lứa
theo cách nhẹ nhàng, theo mô típ trai xinh, gái đẹp, tình yêu hơi ảo, xa
rời thực tế”. Nhưng Hà Thu cho rằng “ngôn tình hóa” là cách nói hơi
mạnh.
Lâu
nay, cách đặt tên nhân vật trong văn học trẻ Việt Nam cũng giống tên
Trung Quốc, chỉ đến gần đây bắt đầu mới thay đổi, Việt hóa, hướng đến
thực tế hơn. Bắt đầu có những cái tên, địa danh, tình tiết, cốt truyện
có chất Việt Nam. “Nhưng những tác giả trẻ có ý thức đưa chất Việt vào
trang viết như Hân Như, Minh Mẫn vẫn còn rất ít” - Hà Thu cho biết.
“Nguyên
nhân là các tác giả trẻ có quá ít trải nghiệm sống. Những tác giả lứa
trước như Trần Thu Trang, Nguyễn Thu Thủy có trải nghiệm nhiều hơn nên
tác phẩm của họ thực hơn. Bây giờ, những tác giả sinh năm 1995 có thể
viết một tác phẩm rất mùi mẫn về tình yêu nhưng thừa nhận họ chưa yêu
bao giờ mà chỉ viết theo trí tưởng tượng, kết hợp với cảm xúc và khả
năng viết văn”.
Nhìn
sự việc từ góc độ khác, Bùi Năm Châu (nhân viên truyền thông Công ty
Sách Quảng Văn), cho rằng: “Vẫn có những tác giả cá tính không đọc và
không bị ảnh hưởng bởi ngôn tình”.
Công
ty Quảng Văn đã nhiều năm làm sách ngôn tình, chỉ bắt đầu ra sách văn
học trẻ Việt Nam hơn một năm nay nhưng dòng sách này đang giành được sự
chú ý của độc giả. Tại Hội sách Hà Nội tháng 9 năm nay, một trong những
đầu sách bán chạy nhất của công ty này là Hãy để anh vào tầm mắt em của
tác giả Chúy (Việt Nam). “Chúy là một cây bút nữ có cá tính, trải
nghiệm sống, sự trưởng thành và già dặn được thể hiện trong trang viết” -
Năm Châu cho biết.
Còn
theo Minh Phương thì câu trả lời là: “Một phần đúng và một phần không.
Nhiều tác giả trẻ Việt Nam cũng là độc giả của ngôn tình, đọc nhiều nên
không thể tránh khỏi hơi hướng bị ảnh hưởng, cả về văn phong lẫn nội
dung”.
Tóm
lại, trong số đông người viết trẻ, có người bị ảnh hưởng bởi ngôn tình
và có người vẫn có những bản sắc riêng, nhưng số có bản sắc lại ít hơn.
Một số đầu sách văn học trẻ bán chạy trong năm nay
Buồn làm sao buông - Anh Khang(dựa theo thống kê của 2 trang web bán sách Tiki và Vinabook): Anh sẽ yêu em mãi chứ?, Hoa Linh Lan - Gào Ai rồi cũng khác - Hamlet Trương Người yêu cũ có người yêu mới - Iris Cao Yêu người yêu người ta - Gia Đoàn Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng - Nồng Nàn Phố Lạc lối giữa cô đơn - Minh Nhật Em là để yêu - Phan Ý Yên Lưng chừng cô đơn, Cô đơn rồi khóc, Khóc giữa Sài Gòn - Nguyễn Ngọc Thạch Hai nửa chông chênh - Nguyễn Phước Huy Có ai giữ giùm những lãng quên - Jun Phạm Những con đường mang tên đừng có nhớ - Tùng Leo Cố chấp yêu - Ploy Truyện đôi Trót lỡ chạm môi nhau - Sơn Paris Yêu đi rồi khóc - Nhiều tác giả Trái đất tròn, lòng người góc cạnh - Minh Mẫn |
Hoàng Nhật (nhà văn, 25 tuổi): “Lối viết ngôn tình” đang chèn ép những lối viết khác
Tôi không đọc và không thích ngôn tình, nhưng tôi biết có
nhiều người viết trẻ rất thích. Mặc dù vậy, trong số những tác giả
trẻ tôi quen thì cũng không ít người như tôi. Chúng tôi không đọc ngôn
tình mà đọc văn học phương Tây, muốn đi theo một hướng đi khác, muốn
viết sâu sắc hơn và hướng đến độc giả lứa tuổi cứng hơn, nhưng chúng
tôi lại chưa thành công.Nhưng không thể phủ nhận ngôn tình và dòng sách Việt chịu ảnh hưởng của ngôn tình đang là thể loại bán chạy, điều đó gây khó khăn, thậm chí chèn ép những người viết muốn tìm hướng đi khác như tôi. Sách của tôi (tập truyện ngắn Người bắt chim lợn) vừa ra mắt đã chìm nghỉm, rất khó giới thiệu, độc giả thì từ 18 tuổi trở xuống hầu như không đọc vì không hợp thị hiếu. Không ngạc nhiên khi nhiều tác giả lứa như tôi đều chọn cách viết giống ngôn tình. |
HẠ HUYỀN/TTVH
Tác giả chưa thành triệu phú nhưng văn hóa đọc đã hóa ao tù
NVTPHCM- Dịch giả Trang Hạ tình cờ trở
thành người đưa văn học ngôn tình Trung Quốc vào Việt Nam qua bản dịch
truyện dài “Xin lỗi em chỉ là con đĩ”. Nói “không cố ý” là vì khi dịch
cuốn sách này, chị có dụng ý khác chứ không phải là phổ biến dòng sách
ngôn tình.
Trao đổi về ảnh
hưởng của dòng sách ngôn tình Trung Quốc với văn học trẻ Việt Nam hiện
nay, dịch giả Trang Hạ cho biết chị cũng bất ngờ với sự phát triển của
dòng sách này tại Việt Nam trong 11 năm qua, sau khi chị giới thiệu
những cuốn đầu tiên.
Ban đầu là thông điệp nhân văn, về sau lại chạy theo đồng tiền
* Chị nghĩ sao khi được coi là người giới thiệu sách ngôn tình vào Việt Nam?
- Nói thế không sai
nhưng đó không phải chủ tâm của tôi mà là chuyện tình cờ. Tôi thường
lập kế hoạch làm việc theo giai đoạn 5 năm. Ở giai đoạn 2003 đến 2008,
tôi thấy lúc đó tiếng cười và nước mắt là hai thứ cần thiết cho xã hội,
nhưng tiếng cười đã có quá nhiều. Vì thế, tôi đặt mục tiêu lấy nước mắt
độc giả, nói khác đi là làm truyền thông về những giá trị nhân văn. Vì
thế tôi dịch Xin lỗi em chỉ là con đĩ, Mẹ điên, Có cánh chuồn nào trên vai em không?...
Khi đó, tôi chủ
trương những tác phẩm này chỉ là một phần trong kế hoạch truyền thông mà
tôi muốn làm, nói lên thông điệp nhân văn mà tôi muốn đưa đến cho độc
giả. Tôi khẳng định mình hoàn toàn không có ý định đưa cả dòng văn học
ngôn tình vào Việt Nam, tôi không lường trước được dòng sách này sẽ gây
ra hiệu ứng xã hội lớn như thế.
* Ngoài vai trò dịch giả ra, chị đã làm những công việc gì xung quanh các bản dịch này?
- Với Xin lỗi em chỉ là con đĩ,
tôi mua bản quyền, ký các hợp đồng tác quyền thông qua văn phòng luật
sư, dịch, xin giấy phép xuất bản, giới thiệu cuốn sách trên truyền
thông. Đó là việc của người tổ chức bản thảo.
Nhưng tôi hoàn toàn
không lường trước việc cuốn sách làm “bùng nổ” thị trường. Sau 3 ngày,
5.000 bản sách đã được bán ra. Lúc đó tôi đang ở nước ngoài, nhà kinh
doanh sách đã gọi điện thông báo việc đó cho tôi và nói đùa: “Bỏ việc về
đây đi vì tiền bán sách sắp đủ mua ô-tô rồi”.
Sau đó, rất nhiều
công ty sách ở Việt Nam đồng loạt chuyển sang làm sách ngôn tình, lấy
sách ngôn tình làm dòng kinh doanh chính. Ngày trước, chúng ta chỉ biết
tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao, còn ngày nay có hẳn một khái niệm là
“ngôn tình” - những tác phẩm về tình yêu sướt mướt, ủy mị, mơ mộng, tên
sách rất dài.
“Đọc 100 cuốn ngôn tình một năm” và hiệu ứng đám đông
* Sự phát triển ồ
ạt của ngôn tình sau đó khiến tất cả chúng ta choáng váng. Lứa học sinh,
sinh viên đọc ngôn tình ở Việt Nam đông đến mức không thể thống kê
được. Chị có bình luận gì không?
- Nhiều độc giả chê
trách tôi là “đầu độc cả một nhóm đông độc giả”, đứng về khía cạnh “cơ
học” thì điều đó đúng. Nhưng ngoài ra, có nhiều lý do để ngôn tình trở
nên được yêu thích đến thế, đó là vì người trẻ Việt Nam quá thiếu thứ để
đọc và ngược lại, quá nhiều thứ để tiêu khiển. Thứ hai, lợi nhuận quá
lớn của dòng sách ngôn tình khiến các nhà làm sách không thể không ăn
theo, nhưng họ lại không có tôn chỉ mang đến những giá trị nhân văn nữa,
mà chỉ theo tôn chỉ đồng tiền. Đó là những lý do giúp ngôn tình đầu độc
xã hội này.
* Sau 9 năm, chị thấy dòng sách ngôn tình ở Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào?
- Nếu nhìn theo
khía cạnh tích cực, ngôn tình mang lại công việc cho rất nhiều dịch giả,
mang lại sách để đọc cho rất nhiều độc giả và mang về lợi nhuận cho rất
nhiều nhà làm sách ở Việt Nam.
Về mặt tinh thần,
ngôn tình khiến cả người viết lẫn người làm xuất bản, truyền thông, làm
kinh doanh văn hóa ở Việt Nam giật mình trước những trách nhiệm xã hội
của bản thân. Họ giật mình khi thấy có độc giả đọc 100 cuốn sách ngôn
tình trong một năm. Các hội chợ sách ở TP.HCM biến thành nơi giao lưu
của các độc giả sách ngôn tình. Và những tác giả trẻ 9X của Việt Nam
cũng viết sách theo phong cách ngôn tình kiểu mới. Sách ngôn tình tạo
nên hiệu ứng đám đông rõ rệt.
Tính nghiêm trọng nằm ở tỷ lệ
* Các nhà văn 9X
Việt Nam chịu ảnh hưởng của sách ngôn tình, hay “ngôn tình hóa” văn học
trẻ Việt Nam, chị có thể nói rõ hơn về ý này?
- Tôi cho rằng
nhiều tác giả trẻ hiện nay lớn lên, đọc và viết theo ngôn tình, nhưng
đáng tiếc họ không mạnh dạn nhận là mình viết sách dạng ngôn tình, họ
lại nói mình là cây bút trẻ thuộc thế hệ mới. Điều đó làm cho độc giả
nhầm tưởng về giá trị của những tác phẩm.
* Chị là người có
kinh nghiệm quan sát và tiếp xúc với thị trường sách Trung Quốc. Vị trí
của ngôn tình ở thị trường đó ra sao, có bị coi là sến hay không?
- Ở Trung Quốc,
ngôn tình được xếp vào dòng sách nghiệp dư, bình dân nhưng vẫn bình đẳng
với các dòng sách khác. Đơn giản vì Trung Quốc quá rộng lớn và đông
dân, chỉ cần một phần nghìn dân chúng đọc sách ngôn tình thì ngôn tình
đã có hàng chục vạn độc giả rồi. Chừng đó đủ giúp tác giả trở thành ngôi
sao, trở thành triệu phú. Ở Trung Quốc, viết ngôn tình rất dễ thành
triệu phú.
Vấn đề là dòng sách
này ở Trung Quốc chỉ chiếm một phần nghìn văn hóa đọc, còn ở Việt Nam,
sách ngôn tình đã chiếm lĩnh văn hóa đọc của giới trẻ. Ở Việt Nam, số
tiền lợi nhuận từ kinh doanh sách của các tác giả trẻ trong nước chưa đủ
để biến tác giả và nhà làm sách thành triệu phú nhưng đã đủ để biến văn
hóa đọc thành một cái ao tù.
Tóm lại, ở Việt Nam
hay Trung Quốc thì sách ngôn tình không có vị trí khác nhau là mấy,
nhưng tính nghiêm trọng ở đây nằm ở tỷ lệ của dòng sách ngôn tình so với
toàn bộ thị trường. Từ một dòng sách nghiệp dư ở Trung Quốc, ngôn tình
được đưa vào vị trí trung tâm ở Việt Nam. Vấn đề là người làm sách đừng
nghĩ theo lối của đầu nậu sách - những người dùng tiền để điều phối thị
trường, hãy nghĩ đến việc đưa những tác phẩm có giá trị nhân văn vào
Việt Nam.
“Nhiều tác giả trẻ hiện nay lớn
lên, đọc và viết theo ngôn tình, nhưng đáng tiếc họ không mạnh dạn
nhận là mình viết sách dạng ngôn tình” - Dịch giả Trang Hạ
|
Một số đầu sách ngôn tình Trung Quốc bán chạy ở Việt Nam từ 2010 - 2013
Bên nhau trọn đời - Cố Mạn(Theo thống kê từ Tiki và Vinabook) Tam sinh tam thế Thập lý đào hoa - Đường Thất Công Tử Hoa tư dẫn - Đường Thất Công Tử Thiên thần sa ngã - Tào Đình Thất tịch không mưa - Lâu Vũ Tình Đến phủ Khai Phong làm nhân viên công vụ - Âu Dương Mặc Tâm Sam Sam đến đây ăn nào - Cố Mạn Chết! Sập bẫy rồi - King Kong Barbie Hóa ra anh vẫn ở đây - Tân Di Ổ Anh có thích nước Mỹ không? - Tân Di Ổ Hãy nhắm mắt khi anh đến - Đinh Mặc Nợ em một đời hạnh phúc - Phỉ Ngã Tư Tồn |
MI LY/TTVH
Trích lại từ trang http://nhavantphcm.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét