(TNO) Gần 70 tuổi, Mạc Can vẫn thui thủi một mình. Không nhà cửa cũng chả có tài sản gì nhiều, ngay cả người phụ nữ sinh cho ông cô con gái cũng không chịu gọi ông là chồng. Vậy mà lúc nào ông cũng cười khà khà: 'Quen rồi. Đời tôi kỳ cục vậy đó'.
Nghệ sĩ kiêm “nhà văn trẻ” Mạc Can - Ảnh: Độc Lập |
1. Nghệ sĩ… vô sản
Mạc Can sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Cái chữ “nghèo” hầu như đã đeo theo ông gần trọn cuộc đời. Là gương mặt quen thuộc với khán giả trong những vai diễn nhỏ nhưng mang dấu ấn riêng, Mạc Can còn được biết đến như một “nhà văn trẻ” (cách gọi vui của bạn bè bởi ông cầm bút khá muộn) hay một nhà ảo thuật đường phố tài ba. Ấy vậy mà cả một đời hoạt động nghệ thuật, ông chả mấy khi dư dả, có lúc còn phải chạy ăn nói chi đến chuyện nhà cửa.
|
Ông bảo người ta cứ tưởng nghệ sĩ thì giàu nhưng cái nghề diễn rồi viết lách, thu nhập không đều. Đã có những lúc, trong túi không có một xu, ông chỉ dám vào quán cà phê uống… trà đá, lại có lần phải cầm cố cả máy tính để lo cho cái bụng.
Hỏi ông về nơi ở, ông lại quay sang hỏi người bạn ngồi kế bên: “Tôi ở đâu vậy ông?”. Hầu như chưa bao giờ ông cho ai biết về nơi ở của mình mà chỉ nói số nhà chính là… số điện thoại.
“Sáng nào tôi cũng ngồi ở quán cà phê gần Hội văn học nghệ thuật, sau đó thì chạy sang quán khác ở Hội sân khấu, cứ thế lân la lề đường nói chuyện bạn bè rồi… tính sau. Mệt thì mắc võng ngủ. Lúc nào tôi cũng mang theo chiếc võng trên xe hết”, ông nói.
2. Sang Mỹ làm… bánh mì
Một dạo, bạn bè thân thiết “hết hồn” khi nghe tin Mạc Can sang Mỹ định cư. Vậy rồi chưa đến 3 năm, đã thấy ông quày quả trở về. Ông cười bảo tuổi già không hòa nhập được với xứ người, phần vì lạnh, phần vì cô đơn, nhiều lúc thèm sự nhốn nháo của Sài Gòn mà không có được. Nhiều buổi cô con gái (người đón ông sang Mỹ) đi chơi với bạn bè đến khuya mới về, để ông trơ trọi ở nhà.
Mạc Can trong những ngày sống ở Mỹ - Ảnh: Nghệ sĩ Mạc Can cung cấp |
Công việc ở đây cũng không có nhiều cho ông, đi diễn ảo thuật cũng phải lựa những trung tâm “hiền hiền” một chút. Thế là ông trải nghiệm nhiều công việc khác như làm bánh mì, làm tiệm nail… nhưng rồi những công việc này cũng không đủ át đi nỗi cô đơn trong ông.
|
Có lần ông mang quyển Tấm ván phóng dao của mình ra bán ở chợ dành cho người Việt. Người ta nhận ra ông, trả ông 100 USD cho cuốn sách giá chỉ 25 USD. Từ chối mãi không được, ông nhận cho họ vui, ông cũng vui vì tình cảm của kiều bào dành cho mình.
Bây giờ, ngồi nhâm nhi ly cà phê ở Sài Gòn, nhớ lại những ngày tháng ở Mỹ, ông cười cười, mắt nhướng nhướng: “Đi cho biết đó biết đây. Người ta tưởng sang Mỹ là giàu, chứ ở đâu cũng có người này người nọ. Tôi sang đó vẫn thấy có ông già Mỹ đi lụm lon. Cái nghèo, cái khổ ở đâu cũng giống nhau cả. Người ta cứ tưởng đô la rụng từ trên cây xuống hay sao ấy”.
3. Có con gái nhưng không có vợ
Câu chuyện vợ con của Mạc Can mới thật sự là... kỳ cục. Số là cách đây mấy chục năm, Mạc Can tình cờ quen với một người phụ nữ Nhật tên Yoko. Kết quả của “tình yêu sét đánh” này là một bé gái chào đời. Tuy nhiên, bà Yoko lại không muốn tiến đến hôn nhân.
“Bà ấy nói với tôi rằng ông là cha của con gái tôi nhưng không phải là chồng tôi. Bà ấy không thích có chồng, đến bây giờ vẫn sống vậy với con. Tôi rơi vào hoàn cảnh kỳ cục lắm, bởi vậy mới thành… nhà văn”, Mạc Can nói mà mặt cười như mếu.
Bây giờ, có ai hỏi chuyện vợ con, ông đều bảo mình chỉ là cha của con gái chứ không phải là chồng của mẹ nó. Còn hỏi ông điều trăn trở nhất lúc này, ông đưa mắt nhìn xa xăm rồi bảo: “Trăn trở lớn nhất của tôi là mong muốn bà ấy kêu tôi một tiếng chồng”.
Chuyến đi Mỹ vừa qua là do hai mẹ con bà Yoko lo liệu giúp ông. Hai người bất đồng ngôn ngữ, muốn nói chuyện với nhau phải nhờ… đứa con phiên dịch. Con gái của ông năm nay đã ngoài 30, từng làm thông dịch viên trong một công ty xuất khẩu ở Nhật, sau đó chuyển sang Mỹ sống cùng mẹ. Tuy nhiên, cuộc đoàn tụ ngắn ngủi do ông không thích nghi được cuộc sống ở xứ người, nên đành quay về…
Mạc Can vào vai thầy giáo hóa điên trong loạt phim sitcom Cười để ngẫm - Ảnh: T.H |
Cách đây ít hôm, Mạc Can gọi cho người viết, nói như reo trong điện thoại: “Cô coi phim Hiệp sĩ mù chưa? Có thấy tôi không?”, rồi ông cười khà khà. Mạc Can bảo bây giờ ông ít đi phim (tham gia đoàn làm phim - NV) hơn xưa bởi hầu như chỉ những đạo diễn lớn tuổi, thân quen mới nhớ đến ông.
Nghệ sĩ Mạc Can chia sẻ về đời tư của ông - Clip: Tấn Cư - Thiên Hương |
Ở tuổi này, Mạc Can vẫn giữ sức khỏe khá tốt, ngoại trừ "căn bệnh viêm màng túi kinh niên”. Những lúc chờ tiền nhuận bút hoặc tiền cát sê mòn mỏi, ông gọi là “mùa giáp hạt”. Cũng bởi thu nhập không đều nên dù làm lụng cả đời, ông cũng chẳng dành dụm gì được.
Có lần, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nghe tin ông phải đi mổ tim, bèn ngỏ ý hỗ trợ cho ông. Tuy nhiên, đó chỉ là tin vịt. Thế là nam ca sĩ chuyển số tiền đó cho ông gửi tiết kiệm, phòng khi “giáp hạt”. Vậy rồi những lúc khó khăn, ông đành phải rút ra, xài hết trơn.
5. Có “qua phà” cũng yên tâm
Gần 70 tuổi nhưng Mạc Can nhắc đến cái chết một cách… nhẹ tênh. Hai người bạn thân là nhà văn Sơn Nam và nghệ sĩ Hồ Kiểng đã lần lượt qua đời. Mạc Can giờ đây chỉ có thể ngày ngày ngồi ở những quán cà phê quen thuộc, gặp người này, chào hỏi người kia.
Không nhà cửa, không tài sản, không vợ con bên cạnh nhưng ông tự hào mình đã thủ sẵn mảnh đất để… "ngả lưng". Số là Mạc Can có người bạn, một lần ngồi nói chuyện phiếm, ông buột miệng nói vui: “Ở nghĩa trang trên Bình Dương đã có nhà văn Sơn Nam làm tổ trưởng, Hồ Kiểng làm tổ phó. Mai mốt tôi lên làm tổ phó an ninh cho vui vầy”.
Mạc Can trên sân khấu, trong vở Rạn vỡ - Ảnh: Nghệ sĩ Mạc Can cung cấp |
“Tôi đọc tờ hợp đồng mà không nhịn được cười. Văn phong hành chính, trong đó có câu “phải nghiêm chỉnh chấp hành” nữa. Nhưng dù sao cuối cùng tôi cũng đã có miếng đất đàng hoàng. Giờ yên tâm rồi. Có “qua phà” cũng nằm gần bạn gần bè”, Mạc Can tâm sự.
Ông bảo giờ chỉ ngồi chờ “qua phà” nữa thôi nhưng rồi nhìn trời, nhìn mây lại thở dài: “Uổng quá, phải chi sống nhiều năm hơn để làm được nhiều việc. Không phải tôi háo danh mà tôi muốn viết cái gì đó để mình bằng lòng. Giải thưởng đến với tôi nhiều khi chỉ là duyên may. Có khi độc giả thấy hay nhưng mình chưa thấy hay hoặc chỉ thấy hay chút chút. Nhiều khi viết xong thấy dở, viết tiếp cuốn khác nên tôi cứ viết hoài à”.
Nói chuyện với Mạc Can là vậy. Những câu chuyện “kỳ cục” theo cách gọi của ông cứ cuốn người ta vào vui buồn lẫn lộn cũng giống như những vai diễn của Mạc Can, cười đó rồi khóc đó…
Nguyện vọng của ông là khi qua đời được nằm gần hai người bạn Sơn Nam và Hồ Kiểng - Ảnh: Độc Lập |
Thiên Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét