Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Thơ Hoàng Lộc - Phạm Đạt Nhân








Hoàng Lộc: Dân Quảng Nam.
Từ năm 1960 đến nay, có thơ trên các báo Sài Gòn và hải ngoại.
Trung Tâm Văn Bút Việt Nam trao tặng giải thi ca năm 1970.
* Thơ đã in:
- Thơ Học Trò (1965)
- Trái Tim Còn Lại (1971)
- Qua Mấy Trời Sương Mưa (1999)
- Cho Dẫu Phù Vân (2012)
* Sắp in: Ngăn ngắn tình si


v kiếp khác






anh đi tới nhà thờ
Chúa dang tay chắn lối
anh đi qua cửa chùa
Phật mỉm cười, không hỏi

biết mình chẳng đủ phước
vào được Cõi Êm Đềm
biết mình loài háo sắc

chỉ có thể tìm em

em thì ngồi trong bếp
mải mê việc nhà ai
(mối tình kia chết tiệt
mà làm phiền nhau hoài)

anh cứ thằng ngỗ ngược
Chúa  Phật đều không dung
mai mốt về kiếp khác
biết làm người nữa không!
(và có được em không?)

(9-2014)


 
bn r đi tu









nản lòng gái sớm rượu trưa
bạn bè tôi bỏ đi tu cả rồi
hình như chỉ có mình tôi
và em, là trả nợ đời chưa xong?

đại thừa - xe bạn vừa dong
vừa lo, nên rủ tôi cùng đi tu.

ngó kia mấy cõi ta bà
cõi mô cũng giống cõi mô –
hết hồn
biết rằng tu tập là khôn
mà không tu cũng không buồn được thêm

mai chiều
bè bạn bay lên
còn tôi
tụt xuống cùng em
mịt mờ...


(8-2014)
Hoàng Lộc



Phm Đt Nhân: Ch Tình trong Thơ Hoàng Lc



Chữ tình hay cái tình trong thơ Hoàng Lộc không tuyền là tình yêu đôi lứa . Chữ tình trong thơ Hoàng Lộc có cả tình quê, tình bạn và cả tình đời dâu bể. Mới xem ra chữ tình trong thơ anh là tình mơ tình mộng, tình sầu tình hận...vì những cuộc tình dang dở, những cuộc tình mong manh chập chờn thoáng chốc. Đành là vậy, nhưng trong những cuộc tình lỡ, tình hờ, tình muộn ...vẫn cứ đan xen ẩn chứa những băn khoăn, thao thức, những khắc khoải vời vợi bao nỗi nhớ quê nhà, nhớ bạn bè và cả nỗi đau đời trong cuộc nhân sinh. Hoàng Lộc đích thị là kẻ đa tình: "Bồ tát tâm rất Phật, như ta đây đa tình"
Ngay trong tình yêu đôi lứa, Hoàng Lộc cũng khác với những nhà thơ chuyên viết thơ tình như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Bính,.... Điểm khác biệt dễ thấy nhất là tư thái điềm đạm, bao dung, độ lượng của Hoàng Lộc. Tư thái nầy xuất phát từ một tình yêu vô cầu vô nhiểm. Yêu như một cái cớ để làm thơ, để thủ thỉ, để tâm sự ...chứ không phải để chiếm hữu người tình. Thi sĩ thường vẫn vậy, yêu rất nhiều mà vợ thì chỉ một mà thôi; khác với bọn trọc phú vợ thì nhiều mà chẳng biết yêu cho ra hồn. Hoàng Lộc tự cho mình là con bướm già đời vẫn thức:  


Năm mươi năm đời ta hoài con bướm thức 
Hoa vàng nhà em - đêm khờ trở giấc

Thì ra có thiệt mùa xuân
Bướm đã già rồi, tội lắm tình nhân!                                   


Hoàng Lộc là con bướm lượn lờ đôi cánh chiêm ngưỡng trên những khóm hoa. Ngay những năm đầu của bậc trung học, Hoàng Lộc đã bối rối yêu và bối rối làm thơ:     


thuở mới lớn anh rình cô bạn học 
tháng ngày ai thơm áo trắng không ngờ
khi cô thả tóc thề ngang cửa lớp
là khi lòng cậu bé rối câu thơ

Rồi sau những cuộc tình lỡ muộn, Hoàng Lộc vẫn lẻo đẻo đi theo con đường thơ "quá chừng cô độc":
   

không thể theo nhau thôi đừng ngó lại
cô đi theo chồng, anh đi theo thơ


Già nửa cuộc đời đi theo thơ:  

Hơn bốn mươi năm anh cứ dật dờ
Con đường của thơ ngời ngời oan nghiệt   
Gần khép trần gian mà thơ mù biệt 
Mới hiểu ngậm ngùi mấy kẻ thành danh


Cụm từ "ngời ngời oan nghiệt" nói lên nghịch lý của cuộc đời thi sĩ:

ngời ngời mà oan nghiệt. Thi sĩ là người đưa ra ánh sáng những gì ẩn chứa dưới nền đất. Thi sĩ khó mà sống nổi bằng thơ mà cũng không gì tôn vinh bằng thi sĩ. Dù sao thì Hoàng Lộc vẫn đi theo thơ, vẫn cột chặt thể mệnh đời mình cùng với thi ca:  


Anh khập khiểng chân thêm ngàn bước nữa
Mà vẫn đành hun hút lối tình si

Con đường thi ca là con đường đi mà không tới?

Đi không tới bởi thôi rồi cạn kiếp
Gió suy vi thổi rã những cành tàn
Rồi đến một ngày (sắp đi x) anh vẫn không quên chuyện cũ:
   

Rồi mắt khép cũng ngập ngừng cố sự
Lũ mưa chiều nắng sớm ghé phân ưu

Một kiếp nữa với dặm ngàn lữ thứ
Anh còn bay đâu đó với mây trời

Tình yêu trong thơ Hoàng Lộc chỉ là sương khói. Nó lãng đãng chập chờn trong thoáng chốc như gió thoảng mây trôi. Đó là những giọt tình lấp lánh như sương mai trong nắng.

Một lần gặp lại người xưa -sắp làm mẹ:

Cái bụng của nàng sao mà chướng vậy

Ta đứng trông theo bất giác đau lòng

Chiếc áo dưỡng thai che mười-phần-gã-ấy
Có phần nào sương khói của ta không?
Có phần nào sương khói của ta không?

Chắc chắn rằng không. Chính vì vậy mà anh đau lòng!
Lắm khi nhà thơ cảm thấy mệt mõi vì tình, mệt vì tình phụ, mệt vì điều tiếng thị phi:

   
Có những thứ tóc xanh phải lòng đầu bạc
Thì mắc chi thiên hạ lo phiền  
Ví đống tuổi nầy rứt ra mà bán được
Thì chắc buổi chiều anh xuống phố cùng em 


Mệt mỏi, phiền phức quá bèn kiếm chỗ nghỉ ngơi:
   

Kiếm một chỗ nằm, nghe mình hối lỗi
Về một chữ tình đáng lẽ không nên

Dầu thì hao, bấc thì cạn, gió vẫn nổi,
...Hối vì "một chữ tình đáng lẽ  không nên".

Trong cõi nhân sinh, tình yêu vừa là dược tố vừa là độc tố . Về điểm nầy,Tuệ Sỹ - luận gia về tính không - nói rất rõ: "Tình yêu và tri thức nào nhấn con người xuống vũng sình của ngu muội và ngông cuồng đặt cho nó cái tên là Ái và Kiến. Tình yêu và tri thức nào chắp cánh cho con người bay vào hư không vô tận, chúng được gọi là đại bi đại trí "


Tình yêu trong thơ Hoàng Lộc không có độc tố phiền não vì không sầu bi khổ lụy. Tình yêu trong thơ Hoàng Lộc vô cầu vô nhiểm; cho nên dù có yêu thêm muôn kiếp nữa thì "anh vẫn bay đâu đó giữa mây trời"

"Yêu em yêu thêm tình phụ

Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ "
(Trịnh công Sơn).

Có điều đáng trân quý ở tấm lòng nhà thơ đó là chung thủy:
  

Tóc ta thay màu và em thay áo
Vì thế cho nên có chuyện đổi dời...
  ...Ta ai hoài em ngời ngời tai kiếp
Tóc ta thay màu mà lòng thì không

Con đường thơ thì ngời ngời oan nghiệt , còn đường tình thì  ngời ngời tai kiếp  .Dù oan nghiệt hay tai kiếp gì thì vẫn cứ ngời ngời. Bởi thế mới có thơ rằng: "Cái tình là cái chi chi, dù chi chi cũng chi chi với tình (Nguyễn công Trứ).

Người yêu cuối  cùng quanh quẩn cuối đời cùng với nhà thơ chính là "mẹ các con".
Nếu gia đình là thánh đường thì tín đồ tình yêu trở về với gia đình, ở đó có các con và mẹ các con:


Em thế nầy đây mà ta đã tán
Láng giềng ơi! cái thuở rất không ngờ 
Em thế nầy đây mà ta lãnh đạn
Có đứa phải lòng em đòi mổ bụng gã làm thơ.

Nhà thơ không chỉ ca ngợi nhan sắc một thời của "mẹ các con" mà còn cảm thán đức hạnh kham nhẫn, chịu đựng của người bạn đời trong các bước thăng trầm cùng anh. 
   
Em thế nầy đây mà ta đã cưới
Phải cùng ta chịu chừng ấy thăng trầm

Từng làm vợ quan, làm vợ thằng tù tội
Rồi cũng đành làm vợ một tha hương

Cuối cùng thì cái nhan sắc đáng được ngưỡng mộ nhất vẫn là diện mạo của người tình trăm năm: 

Em thế nầy đây mà ta ngưỡng mộ
Tha hương tha hương hề em buồn không?
Tóc cùng hoa râm, ít nhiều bở ngỡ
Vẫn ngó nhau cười bên cạnh các con 

Đúng  là "Áo xưa dù nhàu  cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau" (Trịnh công Sơn).
 Chữ tình hay cái tình trong thơ Hoàng Lộc thật là mênh mông, chan chứa ...
 

Về tình yêu quê hương đất nước đối với anh thật là đặc biệt: tình cố hương và tình cố quốc! Càng xa quê anh càng nhớ quê. Ra đi xa cố hương, xa tổ quốc đối với anh là chuyện bất đắc dĩ:
   

Cây đã già đời đem bứng gốc
Sót đôi chút rể, vứt bên trời
Tiếng kêu cứu gửi từ tâm đất
Dơ dáng hình cây đứng lẻ loi   

Ta đã già rồi qua xứ khác
Tiêu điều thân thế bóng cây khô

Hiểu sao quít ngọt về Giang Bắc
Giỏi bấy tay trồng cũng hóa chua

Quít trồng ở Giang Nam thì rất ngọt bứng đem về trồng Giang Bắc lại hóa chua; ấy là vì không hợp với thổ ngơi thổ nhưỡng ...Nơi xứ lạ quê người, Hoàng Lộc cảm thấy lẻ loi, đơn độc .Nhiều năm trời nơi đất khách, Hoàng Lộc bỏ bê nghiên bút, bởi có làm thơ thì "viết cho ai, ai biết mà đưa"

"Giao du khắp thiên hạ
Tri âm được mấy người"

Cơm áo nghe ra đời quá cực
Bỏ bê nghiên bút kể nhiều năm

Hiểu sao nhị cú tam niên đắc
Chỉ nửa câu đây đủ khóc ròng  

Nhị cú  tam niên đắc: ba năm viết được hai câu (lấy từ ý thơ của Giả Đảo):
   

Ba năm được hai câu
Đọc lên mà muốn khóc

Tri âm không còn ai
Về núi xưa ngủ trớt
 

Còn đối với Hoàng Lộc chỉ mới nửa câu "đủ khóc ròng". Ấy mới hiểu vì sao Bá Nha đập vỡ cây đàn!

Định cư trên đất Mỹ mà Hoàng Lộc vẫn mang tâm trạng ăn nhờ ở đậu:
    

Ngồi góc quê người, coi lá rớt
Bỗng mừng khi lá mắc trên cây
Thà khô héo chết theo cành mục
Hơn phải sa cơ rụng đất nầy

Lá rụng về cội: cội nguồn quê cha đất tổ!
Một hôm, ngồi vọng về Thái Bình Dương để định hình cõi nước:
   

Nhiều lần anh ra biển
Ngó qua Thái Bình dương

Hun hút tầm con mắt
Biết cõi nào Việt nam !

Nhớ nước nhớ quê, nhớ cả những người đồng hương Xứ Quảng ở tận ...xứ Bến Tre:

Gởi Quảng Bến Tre
Dân Quảng Nam đi đâu cũng ưa lập hội 
Đi đâu cũng cố nối tình quê
Hội thơ Bảy Hiền, hội Quảng ở Cali, Boston, Atlanta, Dallas…    
Sao anh mãi nao lòng vì em, Quảng-Bến-Tre
Rồi từ trái tim đến trái tim, tình yêu mới gợi được tình yêu: một em Quảng Bến Tre "gởi anh Quảng xa xứ"  
    

Đọc bài thơ gởi Quảng
Mấy chục mạng nao lòng

Thương anh Quảng xa xứ
Một chữ TÌNH nên THƠ

Quê xứ hoài xa xăm
Biết khi mô anh về!


Tình đồng hương, tình cố hương , tình bạn bè đã khiến anh:   



Từng mơ về lại Bến Tre
Nôn nao vì nỗi bạn bè, đồng hương
 

Nhưng chưa về đã lo nỗi chia xa:
     

Ra đi là chuyện trời đày
Về thăm cũng chỉ đôi ngày lại xa 
 

Nhớ đồng hương rồi lại nhớ bạn hiền, nhớ Đồng Đức Bốn, nhớ Đinh Trầm Ca ,...Một bữa, ngồi uống rượu với Uyên Hà ở Tennessee:    


lâu lắm mới được ngồi với bạn
nhắc chuyện xưa và kể chuyện nay

một ngày nói với dễ chi đủ
rượu rót hoài mà không biết say
 

Đúng là "Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu"

cùng điểm danh từng đứa bạn cũ
trong lòng có lúc lặng - nhìn nhau

bao nhiêu đứa đã không về nữa
thầm biết mình chẳng còn bao lâu ...

Sinh ly tử biệt là nỗi đau khôn cùng của giống hữu tình. Hoàng Lộc là đệ nhất hữu tình bởi lòng anh trang trải cho nhiều người ở khắp mọi nơi:

nhắn bạn mai chiều lại cố quán
thấy ai quen cũng nói lời thăm

thấy mỗi nàng thơ ta xiêu tán
đều cho ta rớt hạt lệ buồn ...

Hoàng Lộc không những yêu người mà yêu cả cuộc đời, mong cho cây đơi mãi mãi xanh tươi, mong cho sông suối, mương rạch, mạch ngầm đủ nước nuôi cây:

Mùa đã khô rồi sông hết nước
Và ta, cây đã không còn cây

Mặt trời cứ tận cùng sức nóng
Như muốn thiêu tan trái đất nầy

Nước sông mỗi ngày một cạn, người người đều ô trọc. Trong cái lò thiêu của trời đất, biết ai là giống hữu tình đây?  
    

Giang hà nhật hạ nhân ô trọc
Vũ trụ lô trung thục hữu tình?

Người người ô trọc vì quá thực dụng rồi trở nên riết róng vô cảm:

Không thể rồi em, đời cạn kiệt
Không còn những thứ để nuôi nhau

Để nuôi ta - nuôi tình một thuở
Để xanh em cho ta bạc đầu

Con người tàn hại môi sinh , vắt cạn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đua nhau chiếm hữu đất đai, chiếm hữu quyền lực, tiền bạc, danh vọng; không hề quan tâm đếm xỉa đến chữ tình, chữ nghĩa:

Nắng rát mặt mùa - đất đã nứt
Cây ta duỗi thẳng những cành trơ

Cả những mạch ngầm nước cũng tắt
Chỉ mắt em còn mấy giọt khô  

Riết rồi em không còn nước mắt để khóc!. Thế đấy, cái tình cái tâm của Hoàng Lộc bao trùm suốt cõi nhân sinh. Như Hoàng Lộc, đích thị là nhà thơ đa tình - " Đa tình thị Phật tâm" như anh từng thú nhận

Bồ tát tâm rất Phật
như ta đây đa tình

Hoàng Lộc là người con yêu của xứ Quảng - là tinh hoa tích tụ của văn minh sông Thu, của đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Người Quảng Nam mẫn tiệp nhạy bén như đất - dân Quảng Nam luôn tiên phong trong các phong trào chính trị, xã hội, thi ca (Phan Khôi là người đầu tiên khởi xướng phong trào thơ mới).

Đất Quảng Nam  sinh ra những nhà thơ nổi tiếng như Bùi Giáng, Luân Hoán, Hoàng Lộc, Tường Linh, Nguyễn Nho Sa Mạc, Đinh Trầm Ca,...Đó là nhờ hấp thụ khí thiêng sông núi - con sông Thu Bồn khởi nguyên từ dãy Trường Sơn chảy qua vùng thượng du, trung du rồi xuôi về Hội An, Cửa Đại ...đã bồi đắp nên những bãi bờ dâu xanh bát ngát.


Phạm Đạt Nhân
(từ: lá thư úc châu)

chép lại từ  http://banvannghe.com

Không có nhận xét nào: