Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn

TT - Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vừa hoàn thành tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945), với hình ảnh và khảo cứu tổng thể về phẩm phục từ vua đến các chức quan, từ hoàng tộc đến các sắc lính...
Tác giả Trần Đình Sơn giới thiệu tập sách vừa in xong, do Công ty Cửu Đức liên kết NXb Hồng Đức ấn hành, dày 272 trang, khổ 27x27cm -Ảnh: L.Điền

Năm 2011, thông tin bộ tranh quý về triều Nguyễn chào bán tại Mỹ (Tuổi Trẻ Cuối Tuầnngày 4-5-2011) gây xôn xao dư luận với ý kiến của các nhà nghiên cứu bày tỏ mong muốn làm sao để bộ sưu tập này “quay về” với Việt Nam. Ðiều mong muốn ấy không thành, nhưng trước đó từ năm 2009, nhà nghiên cứu Trần Ðình Sơn từng được một người bạn ở Pháp gửi về tặng bản chụp toàn bộ bộ tranh quý ấy.
“Khi bắt tay soạn sách, tôi tìm thấy bức tranh thờ tại tổ đình Tường Vân do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ vào năm 1895.
Thông tin trên bức tranh này cho biết Nguyễn Văn Nhân quê ở Hà Nội, làm chức ký lục tòa khâm sứ tại kinh đô.
Còn bên ngoài túi đựng bộ tranh truyền thần Đại lễ phục của triều đình An Nam có thông tin cho biết Nguyễn Văn Nhân là “biên tu Viện hàn lâm hưu trí” vào thời điểm vẽ (1902)”.
TRẦN ĐÌNH SƠN
Ông Trần Ðình Sơn gọi đây là một cơ duyên, vì người bạn ở Pháp khi được mời giám định bộ tranh đã xin chụp lại một bản và gửi về cho ông.
Và nay, từ bản chụp bộ tranh quý ấy, cộng với quá trình khảo cứu những nội dung quy định thể thức áo mão phẩm phục của triều Nguyễn từ bộ sách Ðại Nam hội điển sự lệ(sau đây gọi là Hội điển), nhà nghiên cứu Trần Ðình Sơn đã biên soạn tập sách Ðại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945).
Trước lễ ra mắt sách sẽ tổ chức tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM vào sáng 1-3, ông Trần Đình Sơn dành cho Thế giới sách cuộc trao đổi.
* Từ những quan tâm theo đuổi của ông về đề tài áo mão phẩm phục hoàng triều cho đến ý tưởng soạn một bộ sách về đề tài này diễn ra như thế nào?
- Tôi vốn có ý định sau khi nghiên cứu về đồ sứ men lam Huế sẽ bắt tay nghiên cứu về áo mão phẩm phục triều đình Huế. Nhưng các bộ phẩm phục hoàng triều tàng trữ ở nhà không nhiều, mà nếu chỉ nghiên cứu dựa trên tư liệu như trong Hội điển thì người đọc sẽ khó hình dung vì không có hình minh họa. Đến khi có ảnh chụp toàn bộ các bức tranh này với hình ảnh rất rõ, đầy đủ các loại phẩm phục triều đình Huế, tôi biết là tư liệu quý. Nhưng giá chào bán lúc đó đâu 8.000-9.000 euro, mua không nổi.
Khi nhận được bộ ảnh chụp từ người bạn chuyên theo dõi cổ vật tại Paris, tôi tham khảo ý kiến luật sư và nhiều bạn bè, tất cả đều đồng tình là nên có công trình nghiên cứu về lễ phục triều Nguyễn mà bộ hình ảnh này là cơ sở quan trọng.
Năm 2011 báo Tuổi Trẻ công bố sự kiện này, đến năm 2013 tôi bắt tay vào soạn sách.
* Như vậy có thể xem tập sách là công trình nghiên cứu lần đầu tiên dựa trên một bộ tranh truyền thần vẽ từ vua tới các quan, từ hoàng triều, tôn thất đến binh lính. Theo ông, tầm quan trọng ấy có những tác động thế nào đối với người đọc?
- Bộ tranh của Nguyễn Văn Nhân vẽ vào năm 1902 theo cách truyền thần, tức vẽ người thật. Trong đó có ba nội dung chính: hình ảnh của hoàng gia gồm đủ các chức tước, các vị trí trong hoàng tộc (tự thiên tử chí tôn thất); hình ảnh quan lại: từ quan phẩm thứ nhất đến phẩm thứ chín, đủ cả văn võ, đủ cả chánh phẩm và tòng phẩm với phẩm phục bao gồm cả thường triều (mặc đi làm việc) và đại triều (mặc vào lạy vua); và thích thú nhất với tôi là hình ảnh sắc phục các loại lính: cận vệ, nấu ăn, lính hầu trà, lính lễ thanh minh, bảo vệ, các đội kinh tượng, chiến mã..., sắc phục có đủ trong những lúc bình thường và khi làm lễ.
Đây là một tư liệu đặc biệt quý hiếm và quan trọng, cần thiết cho nhiều giới. Giới nghiên cứu lịch sử có thể tìm thấy từ đây hình ảnh, ghi chú về lễ tế Nam giao; để khi tái hiện những phim ảnh lịch sử, nếu vào thời Nguyễn thì hình ảnh này là chuẩn rồi, không sai được.
Những hình ảnh trong sách này cũng là cơ sở để phục dựng các hình ảnh về vua quan thời Nguyễn tại Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, để du khách nước ngoài có đến tham quan chiêm ngưỡng cũng thấy được các hình thức phẩm phục chính xác.
Hơn nữa, tập sách này cũng cần cho những người hoạt động thời trang, nhất là những người đang sáng tạo mẫu lễ phục, quốc phục Việt Nam, chắc chắn cần tìm hiểu các lễ phục xưa để nắm bắt những yếu tố: nghiêm túc, trang trọng, bản sắc.
LAM ĐIỀN thực hiện
tuoitre.vn

Không có nhận xét nào: