Trong bài viết “Xem Tranh” (trong cuốn Mỹ Thuật Việt Nam - Những Vấn Đề Xoay Quanh,
trang 29-33), tôi có nêu một cách tượng trưng 3 trường hợp xem tranh:
trường hợp một Đệ Nhất Phu Nhân của nước Nga thời Cộng Sản đến xem tranh
trừu tượng của Soulages, một hoạ sĩ nổi tiếng người Pháp ở Paris, để
cho thấy sự dẫn giải nội dung tranh trừu tượng của một người xem tranh
thiếu cẩn trọng trong phát ngôn của mình khi đối diện với tác giả;
trường hợp thứ 2 là một sự thách đố để nhận biết giữa 2 bức tranh thuỷ
mặc đâu là thật đâu là giả, để cho thấy việc xem tranh cần có nhiều kiến
thức; trường hợp thứ 3 rút ra từ hồi ký của bà Bill Clinton, về việc
nhờ hiểu biết nghệ thuật mà ông Bill Clinton đã chinh phục trái tim của
bà khi họ còn là sinh viên. Tôi đã từ 3 trường hợp ấy để đi đến nhận
định rằng: việc xem tranh là một việc không thể dùng cảm tính để đánh
giá, nhất là khi mình lại thiếu hiểu biết về nó và sự đánh giá đó lại
được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tất nhiên, tự do phát biểu là quyền tối thượng của mỗi
con người, nhưng không phải vì thế mà bất cứ ý kiến nào cũng đều có giá
trị. Và hình như còn có một thứ quyền tối thượng hơn nữa, đó là quyền
của mỗi cá nhân tự cân nhắc các ý kiến trước khi công bố nó để tránh
phải nhận lãnh những hậu quả tai hại mà nó mang lại.
Ngay trong lãnh vực nghệ thuật – văn học, các nghệ sĩ,
nhà văn, cũng không ai có thể am tường hiểu biết hết được mọi thứ trong
lãnh vực của mình nếu không biết luôn tự mở rộng tầm nhìn bằng việc đọc
thêm, nghe thêm, xem thêm các tác phẩm khác. Họ đều phải không ngừng cập
nhật và nâng cấp hiểu biết của mình không chỉ trong riêng lãnh vực của
mình, mà còn phải quan tâm đến các ngôn ngữ trong lãnh vực nghệ thuật
khác, thậm chí soi rọi, đặt nó bên cạnh những màu sắc mang tính “bản
địa” của các dân tộc khác, để tránh cái nhìn chủ quan, thiển cận sẽ làm
tổn thương không chỉ các tác giả của những tác phẩm ấy, mà người đánh
giá còn bị chính sự phê phán vội vã, xốc nổi của mình quay lại làm tổn
thương mình.
Cụ thể của Câu Chuyện Nghệ Thuật trên Da Màu hôm nay, tôi muốn đề cập đến việc bức tranh sơn dầu Ngựa Tinh Sương của hoạ sĩ Đinh Cường đã được post trong Tác phẩm nghệ thuật của tuần hôm 28 tháng Giêng 2014, đã nhận được ý kiến đánh giá của nhà thơ Quỳnh Thi nguyên văn như sau: “Họa
sĩ Đinh Cường là một họa sĩ có nhiều tranh đẹp, song. Bức tranh ”Ngựa
và thiếu nữ” của Đinh Cường nhiều người xem có nhận xét rất “phản cảm”.
Tranh khỏa thân thường là gợi cảm. Nhưng phải tự nhiên để phô bày cái
đẹp. Tôi chưa thấy người đẹp ở truồng nguyên vẹn nào cởi truồng phi ngựa
như vậy. Vì lông ngựa sẽ cọ vào ngứa lắm.”
Bằng nhận xét của mình, nhà thơ Quỳnh Thi đã bộc lộ không
chỉ sự yếu kém trong trình độ “đọc” tranh của mình, mà còn cho thấy sự
yếu kém về văn hoá phê bình nghệ thuật khi dựa lưng hiện thực chủ nghĩa
để nhìn nhận đầy thô tục về hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm.
Ngựa và thiếu nữ tinh sương (1995)
sơn sầu trên giấy plast 26 x 16in
Trong khi tranh Đinh Cường từ hơn 5 thập niên qua vẫn đi
theo con đường phi hiện thực, luôn mộng mị, nhẹ nhàng như thi ca lãng
mạn. Anh luôn làm cho cuộc đời trong tranh anh bình an, đáng yêu, nhẹ
tênh, dù cuộc đời của anh cũng trải qua không ít chìm nổi. Bức Ngựa Tinh Sương
với một không gian sương hồng, mỏng manh cả người lẫn ngựa, đầy tính
thơ và rất tượng trưng. Nó hoàn toàn phi hiện thực. Vậy mà một nhà thơ
như Quỳnh Thi lại không nhìn ra vẻ thanh khiết của linh hồn bức tranh,
lại dùng phương pháp liên tưởng hiện thực chủ nghĩa để đưa cái đẹp của
bức tranh đi về hướng trần tục thô bỉ? Nếu coi đây là một lời bông đùa
thì lời bông đùa không đúng chỗ này đã xúc phạm đến tác giả và nhiều
người yêu nghệ thuật khác trên một trang bàn về nghệ thuật nghiêm túc và
chuyên nghiệp như Da Màu.
May thay, có một nhà thơ khác, Hoàng Xuân Sơn, đã nhận ra
ngay cái quá đáng trong lời bình của Quỳnh Thi, dù lời lẽ khá “hữu
nghị”: “Trong sương hồng có ngựa hồng. Cỏ hồng, tóc
và bờm quyện vào nhau một ma xát nhẹ nhàng e nảy sinh ra một tia mặt
trời buổi hồng hoang chăng? Góp ý vui vui với anh Quỳnh Thi!”
Mong rằng, những gì tôi đề cập ở trên không làm mất đi tình cảm dành cho tác phẩm nghệ thuật của nhà thơ Quỳnh Thi cũng như “nhiều người xem” có cùng kiểu nhận xét “phản cảm” như trên mà Quỳnh Thi đã gom chung vào và thay mặt họ nhận xét.
Mùng 4 Tết con Ngựa 2014
Nguồn : tienve.org
Nguồn : tienve.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét