Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Lê Vĩnh Tài: Thơ hôm nay nên “khó” đọc hay “khó” đăng?

1.Tôi chưa bao giờ quyết định rằng mình sẽ làm một bài thơ. Những câu chuyện vẩn vơ đâu đâu hay những giấc mơ thường bất ngờ bám lấy tôi và “bắt” tôi phải viết. Có lẽ vậy mà tôi thường viết rất nhanh. Tôi luôn luôn thấy những lỏng lẻo khi mình phải “cấu trúc” một bài thơ. Khi tôi phải nhớ lại mình đã làm một bài thơ như thế nào thì chỉ còn một cảm giác mơ hồ, chứ không phải là một kinh nghiệm. Nó chỉ là một phản ứng ngôn ngữ của tôi ngay lúc ấy, với câu chuyện ấy, và bây giờ thì không còn ám ảnh mình nữa, vậy thôi. Đó là lý do tại sao tôi rất thích sự phi lý trong quá trình sáng tạo. Nhưng tôi cũng tin rằng, sự phi lý này phải được chuyển tải đến người đọc. Thật mệt mỏi khi anh đánh đố mọi người mà cuối cùng câu trả lời của anh lại chẳng có vấn đề gì trầm trọng. Mà thơ thì không thể giấu. Đó không chỉ là trí tuệ mà còn là thế giới quan của thi sĩ. Anh không nói hết những ý nghĩ của chính mình thì còn ai có thể nói thay anh? Rồi khi tuổi đời đã mòn, cảm xúc đã cạn lại đành hồi ức tiếc nuối đâu đâu…
Hòa tan cảm xúc của mình vào sự bí ẩn, nhưng nhà thơ cần phải gửi gắm vào đó những yêu thương và căm ghét. Tôi thích những nhà thơ quyến rũ bạn đọc bằng tư tưởng của mình, không phải những phiêu lưu tối mò và kỹ thuật vô ích.
Về phần tôi, tôi tin rằng sự tinh tế của nhà thơ làm nên sự “khó” của thơ hôm nay (những giai đoạn khác thì tôi không biết), nếu có thể, thì chỉ nên khó đăng chứ không nên khó hiểu. Đã đành không ai dám xếp thơ vào một nhu cầu không quan trọng, nhưng trong cuộc sống còn khó khăn mệt mỏi, đọc thơ là một nhu cầu có thể “miễn trừ” đối với nhu cầu kiếm đủ áo cơm. Vì thế, người đọc cần đọc ngay vào những cái mà họ thấy yêu thương hay cay đắng (dĩ nhiên bằng một ngôn ngữ có thể đầy “vật lộn” chỉ có ở nhà thơ). Sự vòng vèo vô ích của nhà thơ tối tăm đôi khi làm người đọc chán không phải vì “khó” mà vì cuối cùng anh cũng không mang lại cho người đọc được những gì mà họ mong mỏi. Những kịch tính ấy xưa nay là đặc quyền của các nhà văn xuôi, nhưng có lẽ đã đến lúc nhà thơ cần chia xẻ trách nhiệm này. Không phải không có lý khi người ta không chỉ chán ngán mà còn đang oán trách các nhà thơ thời nay viết quá nhiều những bài thơ tùy tiện du dương và vô nghĩa. Sự “khó” của thơ nên mang lại cho người đọc một ngụ ngôn về cuộc đời dù với những biên tập kiểm duyệt mà con người ta vẫn có thể lang thang trên những bài thơ đầy khai mở, chứ sự “khó” không bao giờ làm thơ thành một thứ hàng hóa xa xỉ. Nhà thơ sáng chế ra sự “khó” làm thành những hư cấu về cuộc sống, dù dịu dàng hay tàn ác thế nào đi nữa, vẫn đáng sống và vẫn gần gũi trong tầm tay mọi người. Bạn đọc muốn nhà thơ hãy nhường phần hy vọng xa xôi tận đâu cho tôn giáo với những công bằng của thiên đàng địa ngục ở kiếp sau.
2.Tôi không thấy một rào cản nào của “thơ trẻ” hiện nay với bạn đọc cả. Cũng không có rào cản của thơ nói chung. Có thể có vài ba rào cản nào đó, nhưng đó không phải rào cản anh đang ám chỉ mà là những chuyện ngoài thơ. Chẳng còn ai muốn nghe nữa. Sự phát triển của xã hội làm người đọc thơ hôm nay không còn tấm màng che hai bên mắt ngựa và các nhà thơ cũng không còn trói buộc vào một chủ nghĩa hay phương pháp sáng tác nào. Điều vui sướng của người đọc bây giờ là đọc xong một bài thơ mà vẫn lưu giữ những ý nghĩa lẩn quất trong đầu, dù niềm vui ấy có bị đe dọa về sự không sáng rõ do những bí ẩn của bài thơ mà nhà thơ vô tình mang lại.
Tôi vẫn nghĩ thơ luôn luôn là tên gọi của một nỗi buồn. Đó là lý do các nhà thơ tiếp tục mộng mơ, tiếp tục viết, tiếp tục lý giải về những phận người đã và đang bị ruỗng mòn bởi sự tàn ác, thời gian… và cuối cùng là cái chết. Sự múa may và vô nghĩa trong thơ nhằm làm cho mọi người lim dim ngủ như ngấm thuốc phiện là một tội mà chắc bạn đọc sau này khó tha thứ. Một nhà thơ bẩm sinh luôn luôn có khả năng mang bạn đọc đi theo tới cùng nhằm nhận được sự sáng rõ của mình sau những rối loạn đáng yêu của tất cả các giác quan. Hình như đó mới là quyền lực của thơ và những nhà thơ thực sự.

http://phebinhvanhoc.com.vn/?p=1611

Không có nhận xét nào: