Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

THÁI NGỌC SAN : Bầy thú hoang dã


Cách đây mười lăm năm tôi có viết một truyện ngắn về vợ chồng ông Lâm. Truyện ấy sau khi đăng trên một tờ báo văn nghệ Sài Gòn tôi liền nhận được một lá thư của ông. Lá thư vỏn vẹn chỉ có một câu như sau: "Cậu là một thằng mất dạy!".
Bầy thú hoang dã
Minh họa: Ngọc Thảo Nguyên
Đọc lá thư tôi cười và đột nhiên nhớ lại một kỷ niệm với ông, kỷ niệm cuối cùng trước khi tôi rời thị trấn Lộc Bảo, nơi tôi và vợ chồng ông Lâm sống cạnh kề nhau một thời. Kỷ niệm ấy chỉ là một chuyện nhỏ nhặt nhưng điển hình về tính cách của ông Lâm. Chuyện như thế này. Ông Lâm có làm một vồng đất để trồng rau sau hè nhà. Đất vừa làm xong, buổi tối tôi đi tiểu vô tình dẫm đạp lên trên để lại một dấu chân lún sâu ở một mé góc. Thế mà, sáng hôm sau, vừa mở mắt dậy, ông Lâm xồng xộc nhảy vào phòng tôi như thể bắt được quả tang thằng ăn trộm hoặc đốt nhà; ông xỉa xói mắng nhiếc tôi một thôi một hồi đến xùi cả bọt mép. Cậu là một thằng mất dậy! Trên đời nầy tôi chưa thấy một thằng nào ích kỷ như cậu, ghen tị như cậu, khốn nạn như cậu... v.v. và v.v... Đại loại như vậy; có nghĩa là ông cho rằng tôi cố tình phá hoại công trình sản xuất của ông, hoặc cố tình chọc tức ông, vì ghen ghét, tị nạnh thành quả lao động của ông. Tính khí của ông tôi đã quen, hễ ông đã bám vào điều gì thì nó phải là như vậy, hoặc giả, ông có phịa ra nữa, ông cũng biến nó thành ra thật và cuối cùng ông cũng tưởng là nó thật. Thế nhưng hôm ấy tôi đã chịu đựng không nổi; tôi tức giận đến nỗi phải tuôn ra một tràng chửi tục ông mới thôi. Và cũng chỉ đến thế thôi bởi vì tiến xa hơn nữa thì ông Lâm không thể làm được, thí dụ như việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay chẳng hạn. Tóm lại là ông chỉ giỏi võ mồm thôi. Nhân chuyện này tôi nhớ một chuyện khác, chuyện này thì do ông Lâm kể cho tôi nghe hồi tôi mới quen ông. Hồi ấy, khi ông vừa hoàn thành tập thơ đầu tay, có một ân nhân, cũng có làm thơ nhưng lại có tiền, đã đứng ra in tập thơ cho ông. Tập thơ in xong hai người có chuyện xích mích to tiếng, to tiếng đến nỗi vị mạnh thường quân đã giáng cho ông Lâm một bạt tai. Dĩ nhiên ông Lâm không trả lại được một bạt tai nào vì nhà thơ kia vừa to, cao lại vừa nổi tiếng là hung dữ. Nhưng ông Lâm đã trả được mối nhục theo cách của ông. Tối hôm ấy ông thủ sẵn hai cục đá to trong túi quần và rình vị ân nhân của mình nơi góc phố ngả rẽ vào nhà ông ta. Kết quả cuối cùng: một cục đá va vào trụ điện, cục kia, may mắn hơn, trúng vào hông của địch thủ. Xong, ông Lâm ba chân bốn cẳng: chạy. Chuyện này ông Lâm chỉ kể cho tôi nghe cụ thể đoạn cuối, còn đoạn đầu do vị ân nhân vô phước của ông kể lại. Tựu chung, tôi nghĩ, sự việc có sao chăng nữa thì chắc chắn xuất phát điểm của nó là do tính khí của ông Lâm mà ra thôi.

Thế nhưng, giữa tôi với ông Lâm hình như có một sợi dây vô hình của số mệnh cột chặt không thể rời. Trong nhiều năm tôi cứ nghĩ mãi điều ấy và chờ đợi một sự thay đổi ở ông như là chờ đợi sự đổi thay của định mệnh. Đối với tôi một sự thay đổi của ông Lâm ngang tầm một biến cố trọng đại của một đời người. Bởi vậy sau ngày giải phóng tôi cố tìm mọi cách để đi lên thị trấn cũ ấy một chuyến mà mục đích là để biết vợ chồng ông Lâm ra sao. Thực ra, trong mười năm nay, tôi cũng có biết ít nhiều về vợ chồng ông qua tin tức đồn đại của những người quen biết. Tất cả đều là chuyện động trời, từ chuyện ông Lâm dẫn vợ con lên sống trong một cái hầm chứa nước ở trên núi cách ly hẳn với mọi người, chuyện sáu thằng con trai ông sống như người rừng... cho đến tin đồn cuối cùng là ông Lâm điên rồi. Nói chung tất cả những tin tức đồn đại ấy đều đúng cả, chỉ trừ chuyện ông Lâm điên. Tôi quả quyết như vậy bởi vì mới đây tôi đã lên thăm được thị trấn cũ ấy và có gặp vợ chồng ông.

***

Bà Phụng gọi tôi đầu con dốc cửa ngõ thị trấn, lúc tôi vừa ở chỗ vợ chồng bà về. Lúc tôi lên chỉ gặp ông Lâm và mấy đứa con. Tôi hỏi bà, ông Lâm nói bà về chợ, nhưng trong bụng tôi ngờ ngợ không tin, cứ nghĩ chắc là bà cố ý tránh tôi... Bây giờ tôi gặp bà ở đây. Ông Tân! Ông Tân phải không? Bà gọi tôi một cách mừng rỡ và kinh ngạc trong lúc đang đẩy chiếc xe đạp thồ những bao bì lỉnh kỉnh, có lẽ là gạo cơm, mắm muối... những thực phẩm cần thiết cho những người ở núi. Thoạt tiên tôi không nhận ra bà, Bà già và khác đi một cách kinh khủng, cái già của một người bị thời gian tràn qua tàn phá một cách dữ dội và nhanh chóng đến nỗi không để lại dấu ấn của tuổi tác. Mãi đến khi bà dựa chiếc xe đạp vào gốc cây bên đường, gỡ tấm khăn trùm đầu lau lớp mồ hôi lết bết trên mặt tôi mới giật mình. Chị Phụng! Trời ơi! tôi vừa lên chỗ chị! Tôi nhận ra bà ở đôi mắt sâu hoắm và tấm thân dài ngoẵng, những vết tích khắc nghiệt còn sót lại của một nhan sắc một thời mà chỉ có những người quen biết nhau lâu mới nhận ra.

Đôi mắt đó ngày xưa tròn và xanh biếc đến bao nhiêu thì nay sâu hoắm và vàng đục bấy nhiêu, còn tấm thân thanh mảnh ngày nào nay đã khô đét và gãy gập như cái cây khô bị dầm dãi nhiều ngày giữa mưa nắng. Tôi định thốt lên sao mà bà già và khác đi đến thế. Nhưng bà đã cướp lời tôi và lại hỏi tôi câu tôi định nói với bà. Sao ông già thế, ông Tân? Câu hỏi của bà làm cho tôi càng bối rối. Nhưng, lại một lần nữa, không đợi tôi trả lời và hình như cũng không biết sự bối rối của tôi, bà lại cướp lời nói huyên thuyên đủ mọi thứ chuyện, bà nói như thể lâu lắm rồi không được nói và sợ không còn dịp nào để nói. Và, vẫn như ngày xưa, câu chuyện chỉ xoay quanh ông Lâm, chồng bà. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu làm sao chỉ trong chừng ấy phút ngắn ngủi mà bà có thể kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện xảy ra trong vòng mười lăm năm tôi xa họ...

***
Minh họa: Ngọc Thảo Nguyên

Căn nhà của họ như một cái chuồng bò nằm lõm sâu giữa ba ngọn đồi cao, trên cái nền cũ của một khu tịnh cốc đã đổ nát. Trước kia một nhà sư có tiếng tăm cùng các đệ tử của ông có ý muốn xây dựng ở dây một trung tâm văn hóa lớn của Phật giáo. Công trình bị phá bỏ vì chiến tranh. Những năm ác liệt nhất của cuộc chiến, khu vực này nằm trong vùng oanh kích tự do. Bom đã xóa sạch, để lại những đống tường vỡ trên những lớp nền loang lổ cây cỏ đã phủ đầy. Vật duy nhất nguyên vẹn còn sót lại là cái hầm chứa nước nổi nằm trên đỉnh ngọn đồi, nơi vợ chồng ông Lâm đã sống trong đó mấy năm trước khi dựng nhà. Từ đó đến nay họa hoằn lắm mới có người qua lại, phần lớn là những người đi làm rừng.

Đứng trên cái hầm chứa nước có thể nhìn rõ ba phía trước mặt. Những đồi chè dưới thấp trải dài mênh mông. Dưới xa hơn nữa là những cụm nhà san sát dọc hai bên đường quốc lộ nối dài đến thị trấn. Đó là những giáo xứ di cư sầm uất, giàu có như một vành đai chiến lược bảo vệ cửa ngõ. Có lẽ một trong những ý của các nhà sư khi xây dựng khu tịnh cốc trên cao là muốn ngăn chặn sự lây lan mỗi ngày mỗi rộng của những cụm nhà bên dưới. Ở đấy cũng có thể nhìn thấy thị trấn Lộc Bảo nổi lên một cụm xanh ngắt của những cây xà cừ cổ thụ trồng từ thời Pháp thuộc. Từ thị trấn đến đây cách khoảng mười cây số đường chim bay. Phía sau là rừng - khu kinh tế của gia đình ông Lâm.

Đến cả bà Phụng cũng không thể trả lời được vì sao ông Lâm trở lại thị trấn và lên chỗ heo hút này sau ngày giải phóng. Trước đó chính họ đã từ bỏ nó trở về quê cũ của bà Phụng ở thị xã Dương Bình, nơi họ có một gian nhà yên tĩnh trong vườn ngôi chùa của ông cậu của bà Phụng trụ trì, khi chết ông trăn trối lại. Bà Phụng nói với tôi: "Cái ông khỉ gió, điên khùng gây gổ người ta làm chi..." Ý bà muốn nói việc ông Lâm gây gổ mạt sát những cán bộ chính quyền địa phương khi họ đến mời ông tham gia công tác. Họ mời ông cũng phải thôi bởi vì ông là một trí thức có cả một quá trình bất hợp tác với chế độ cũ, lại còn bị hành hạ gian truân đủ điều. Nhưng bà Phụng chỉ nói thế thôi, nói như một lời trách móc cam phận, bởi vì bà thừa biết rằng sự gây gổ khiêu khích là bản tính thường trực của chồng bà và cũng không hẳn vì thế mà ông Lâm bỏ đi. Đối với bà từ khi kết chặt đời mình với ông Lâm, mọi quyết định của ông là bất di bất dịch; bà quan niệm nó như là vấn đề của số kiếp đặt để. Cũng bởi vậy cho nên trong những chuyện kể với tôi dù nó được mô tả một cách trần trụi, và có khi, bà gọi ông Lâm là thằng khùng, hoặc nói đến ông như một ngôi thứ ba xa lạ nào đó trong câu chuyện, bà vẫn chấp nhận ông Lâm như là số phận của bà không hề oán trách. Tôi không biết bà Phụng với ông Lâm có yêu nhau không nhưng, ít ra, cũng như loài thú họ đã chọn chung hang ổ để ăn ở với nhau sinh con đẻ cái.

Ông Lâm có sức đề kháng của một con mãnh thú cho nên trông ông ít thay đổi hơn bà Phụng, chỉ có già đi vì năm tháng và những trận sốt rét. Việc tôi xuất hiện đột ngột sau mười lăm năm xa cách, phải vượt cả ngàn cây số và leo cả ba ngọn đồi để đến thăm ông, ông làm như thể, hoặc giả vờ như thế, như là một việc tự nhiên phải vậy, và tỏ ra như ông đã biết trước rồi. A! Cậu đó à? được! Tốt lắm! Nói xong ông chắt chắt cái lưỡi rồi cứ loay hoay như đang bận tâm đến một vấn đề gì rất ghê gớm. Tôi biết như vậy có nghĩa là ông có xúc động, nếu không ông đã phủ đầu tôi tức khắc bằng những câu chưởi xâm xỉa độc địa của ông rồi. Chỉ có một điều làm tôi sửng sốt là sáu đứa con của ông. Mặc dù tôi đã được nghe mô tả từ trước nhưng khi nhìn thấy chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Chúng nó đúng là những con thú con chưa hề bước ra khỏi hang ổ. Chúng nhốn nháo lên khi tôi xuất hiện và nhìn tôi bằng những đôi mắt lấm lét, nghi kỵ, lạ lùng. Thấy vậy ông Lâm hét lên một tiếng, chúng liền sợ hãi dạt ra trốn vào các xó góc như những con chuột ngấp nghé ở miệng hang. Chỉ có thằng nhỏ nhất là khóc ré lên như động kinh trên chiếc võng bện bằng dây rừng. Cả sáu thằng, ngoại trừ thằng đầu, đẻ cách ba năm, và thằng cuối, nằm trên võng, tôi phân biệt được, còn bốn thằng còn lại tôi không tài nào biết đứa nào anh đứa nào em vì chúng đẻ cách nhau năm một và lem luốc như những con dã nhân. Thằng con đầu, đẻ hồi tôi còn ở thị trấn nầy, như vậy là đã đến 15 tuổi. Hồi ấy ông Lâm nói với tôi là ông sẽ đặt tên nó là Đá, nhưng không hiểu sao cuối cùng ông đặt là Thạch. Thạch cũng là đá thôi, tôi nghĩ và cười. Tôi nhớ trước khi đẻ nó ông Lâm đã nói với tôi hai điều: một là ông sẽ đặt tên con như vậy và hai là ông sẽ không cho nó học hành gì cả, tự nó sẽ tìm chỗ của nó giữa trời đất. Như vậy là điều thứ nhất ông có thực hiện một nửa. Còn điều thứ hai thì ông làm triệt để. Trước khi tôi lên đây một năm, có một cô giáo trẻ ở thị trấn nghe kể chuyện về mấy đứa nhỏ đã mua một số kẹo bươn bả lên thăm chúng. Lúc bấy giờ vợ chồng ông Lâm đang hái măng trong rừng. Cô giáo chưa kịp bước vào cửa thì thằng anh cả, tức thằng Thạch, đã chỉ huy mấy đứa em vừa ném đá vừa dùng gậy la hét một cách man rợ làm cho cô gái thất kinh hồn vía tưởng bọn nhỏ sắp ăn thịt mình. Cô phải về đến nhà nằm khóc nức lên vì tức giận và xấu hổ. Câu chuyện đó vang động cả thị trấn một hồi và người ta đồn là ông Lâm sắp điên đến nơi.

Nhưng chắc chắn là ông Lâm không điên. Tôi thấy ông vẫn giống như chục năm về trước, khác chăng là trạng thái tinh thần của ông được đẩy đến mức tận cùng của nó. Đó là tính cuồng ngông ông sử dụng như một cứu cánh để tồn tại. Ông ta giăng lưới và tự đánh bắt mình, tự nhốt ông vào cái rọ do tự ông đan lấy, rồi cứ thế lăn xả vào người khác như những thủ phạm chính đã bức hại ông. Ông luôn luôn trang bị ý thức cảnh giác và tự vệ của những con thú bị săn đuổi. Những đứa con của ông cũng được huấn luyện đầy đủ ý thức ấy và chúng đã thực hiện bằng bản năng hoang dã nguyên sơ của chúng. Trong buổi gặp gỡ với tôi, ông Lâm đã mở đầu bằng một câu chuyện mà ông rất thú vị. Câu chuyện về hũ tương. Ở nhà ông luôn luôn có một hũ tương do ông tự làm lấy. Ban ngày cái hũ được phơi ngoài trời, bên hông nhà. Ở ngay chỗ đó, trên vách, ông Lâm khoét một lỗ tròn vừa đủ mắt nhìn và ông bắt những đứa nhỏ thay phiên nhau canh gác vì sợ kẻ trộm lấy mất hoặc xúc bớt. Ông khẳng định với tôi dứt khoát phải như vậy vì ông tin rằng khả năng ấy có thể xảy ra mặc dù ở chỗ ông họa hoằn lắm mới có người đi qua. Rồi, từ câu chuyện hũ tương, ông Lâm liền bắt ngay vào cuộc đàm đạo một chiều với tôi như tiếp tục câu chuyện mới hôm qua còn bỏ dở. Ông nói: Cái chủ nghĩa tư bản đã thối ình ra rồi, nhưng cái chủ nghĩa xã hội của cậu cũng hỏng bét - Hỏng bét! Cậu biết không? Hôm tay bí thư xã lên đây tôi đã cho y một mẻ, y định cho du kích bắt, nhưng đừng hòng... Rồi cứ thế ông châm chọc người này, xâm xỉa người kia trong các mối quan hệ này khác của ông và tôi. Phép biện chứng của ông được phát triển theo một lô-gích hết sức bất ngờ. Đại loại ông có thể chộp đâu đó một cộng rác rồi sẵn sàng qui kết: Đấy, chủ nghĩa xã hội của cậu là như thế đấy - toàn rác! Vậy cho nên câu chuyện bí thư xã mà ông Lâm nêu thành gương điển hình của sự hỏng bét cũng không lạ gì. Trong khi ông nói, tôi vừa im lặng ngồi nghe không tranh cãi, vừa quan sát cái hang ổ của ông để cố lần ra dấu vết vì sao ông lên chỗ thâm sơn cùng cốc nầy và phải chăng ông đã đoạn tuyệt hẳn thế giới loài người. Đột nhiên ông làm tôi giật mình. Này, cậu có đọc thằng cha này không? Ông Lâm nhắc đến tên một nhà văn mà tôi biết. Thằng cha này viết giỏi đấy, giỏi đấy. Ông nói - Hắn viết như lấy dao thọc vào bụng người ta. Nhưng mà lưỡi dao hắn bằng... nhựa! Còn thằng này nữa - Ông Lâm nói tiếp - Nếu hắn không là đảng viên thì sẽ khá biết bao nhiêu. Ông nhắc đến một nhà văn khác. Không - tôi nói - Ông ấy là người ngoài đảng - Vậy à? Nhưng dù sao hắn cũng nằm trong vòng kìm tỏa của đảng các cậu thôi. Tôi cười ha hả làm ông Lâm bực mình. Cậu cười cái gì? Hai thái dương ông giật giật giật như bị động kinh. Không, tôi không cười về ý kiến của anh đâu. Tôi cười là vì hóa ra anh vẫn chưa đoạn tuyệt hẳn với cuộc đời, văn chương... Như người bị mắc lỡm, ông Lâm văng tục. Tôi ỉa vào cuộc đời các cậu, văn chương các cậu. Nói xong ông đứng dậy bỏ ra ngoài, leo lên cái bể nước hang ổ cũ của vợ chồng ông. Tôi biết như thế là cuộc gặp gỡ đã chấm dứt, tôi theo ông ra ngoài để chia tay. Tôi chỉ tiếc một điều là đã cắt ngang câu chuyện của ông quá sớm để có thể lần ra dấu vết nguyên nhân vì sao ông đưa vợ con lên đây mà trong đó tôi vẫn mơ hồ nghĩ tới một người đàn bà có quan hệ với ông một thời...

***

Việc quen biết giữa tôi và ông Lâm cũng thật hạn hữu, cách đây đã gần hai chục năm. Hồi đó ông Lâm đã là một nhà văn nổi tiếng ở chế độ cũ qua một số tác phẩm. Đột nhiên ông tự quảng cáo và cho xuất bản một tờ báo văn nghệ. Tôi có gửi bài cho tờ báo của ông. Một ngày kia tôi nhận được một lá thư của ông mời tôi cùng vào làm báo với ông. Lúc bấy giờ ông Lâm đang dạy Anh văn cho một trường trung học tư ở Dương Bình, một thị xã ở miền Đông Nam Bộ. Bức thư, tờ báo và những tác phẩm của ông Lâm kích thích tính phiêu lưu của tôi. Tôi quyết định đi. Năm ấy tôi chưa đầy 20 tuổi. Ông Lâm lớn hơn tôi cả chục năm. Tôi rời Huế từ đấy và cũng từ đấy cuộc đời tôi bắt đầu những chuyến viễn du dài. Nhưng quan hệ văn chương và thực tế cuộc đời đôi khi làm người ta thất vọng.

Điều ấy đã xảy ra cho cả tôi và cả ông Lâm khi tôi đến Dương Bình. Bởi vậy, những xung đột liền nẩy sinh và càng ngày càng dữ dội. Ông Lâm mạt sát tôi là thằng bạc nhược, còn tôi cũng nhìn ông bằng con mắt khác. Ông là một con người độc đoán, nghiệt ngã trong mọi công việc, luôn Iuôn khiêu khích gây hấn đến nỗi tôi nghĩ rằng đó là một nhu cầu bẩm sinh xuất phát từ một trạng thái bệnh lý. Tính chất ấy nó được cấu tạo bởi một hoàn cảnh và một thể trạng đặc biệt. Cao một thước năm, đầu gồ, mắt lé, đi loắt thoắt, ông có dáng dấp của một người vượn nguyên thủy. Ông sống cô độc từ nhỏ trong một gia đình tan rã, cha mẹ anh em mỗi người một nơi và người này như là nghiệp chướng của người kia. Bởi vậy cho nên sau một trận gây gổ tôi bỏ đi. Thực ra, nếu không có chuyện ấy tôi cũng phải đi thôi vì tờ báo của ông Lâm chỉ ra được một số duy nhất trên đời. Cuộc chia tay không sớm và cũng không muộn, tất yếu nó phải thế. Tôi cũng gặp bà Phụng ở đấy, trong một ngôi chùa cổ, nơi tôi và ông Lâm thường lui tới. Vị sư trụ trì là một người tốt bụng, là cậu ruột của bà Phụng. Mẹ bà tự tử và gởi bà lên chùa cho người em ruột năm bà mới lên hai. Bà là kết quả của một vụ cưỡng hiếp trong một đợt Tây càn quét qua làng. Năm ấy bà Phụng mới 16 tuổi. Cây trái, sông nước miền Đông, không khí u tịch của cửa thiền và dòng máu lai đã un đúc nên một nhan sắc như tranh vẽ. Bây giờ tôi vẫn không hề quên được hình ảnh của bà thời ấy, cái thân hình thanh mảnh, mái tóc vàng hoe và đôi mắt tròn to xanh biếc của bà như bay tỏa cả rừng cây những buổi chiều lộng gió. Đó là hình bóng của thần tiên bay thoát trên cuộc đời. Nhưng tôi đi một thời gian thì được tin ông Lâm cưới bà. Ông Lâm đã kéo bà ra khỏi thế giới thần tiên và hóa thân bà bằng tất cả sức mạnh nghiệt ngã cường thú của ông. Sau này có lần bà Phụng nói với tôi, sở dĩ bà lấy ông Lâm vì ông Lâm dọa bà nếu không lấy, tôi sẽ nhẩy xuống giếng. Cái giếng dưới chân đồi ngôi chùa cổ sâu ngun ngút toàn đá găm, giả dụ như ông Lâm nhảy xuống chắc chắn bây giờ chẳng còn gì để nói nữa rồi.

Bốn năm sau do hoàn cảnh đưa đẩy tôi lại gặp ông Lâm tại thị trấn này. Căn nhà cũ tôi và ông Lâm sống một thời nằm khuất sau con dốc nơi tôi gặp bà Phụng. Thị trấn yên tĩnh vùng cao nguyên bát ngát những đồi chè và hoa muồng vàng đất đỏ và sương mù, gồm toàn dân tứ xứ, thật an toàn cho những người bị săn đuổi trú ẩn. Lúc bây giờ tôi và ông Lâm đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời. Cả hai đều bị bắt lính, rồi trốn, bị bắt, rồi trốn lại. Căn nhà cũ tôi và vợ chồng ông Lâm ở chung là căn nhà bỏ hoang của một trường trung học chuyên nghiệp, do một giáo viên quen biết cho ở. Phòng tôi và vợ chồng ông Lâm đối diện nhau trong gang tấc, ban đêm có thể nghe được tiếng sương thấm qua những tấm ngói vỡ rơi lách tách. Ông Lâm về đây trước, sau khi ông ra khỏi nhà giam, vài tháng sau bà Phụng mới từ Dương Bình lên.

Những vết lằn nhục trên thân xác mà những trại lính, nhà tù gây ra càng làm ông Lâm không ngớt lời nguyền rủa, nhưng cũng chẳng làm ông khác đi bao nhiêu. Ông vẫn cố chấp nghiệt ngã, nhìn con người, sự vật, lịch sử và cuộc chiến tranh theo lăng kính của ông. Hình như những khái niệm dân tộc, huyết thống, đạo đức, lý tưởng đối với ông không có giá trị gì. Bởi vậy những ngày gặp lại ông Lâm ở Lộc Bảo mối quan hệ giữa tôi với ông Lâm không thay đổi. Tôi gần như tuyệt mù hy vọng sẽ có một biến cố làm cho ông Lâm đổi khác đi. Riêng bà Phụng từ khi ở Dương Bình lên tôi thấy bà lạ hẳn đi. Bà đẹp ra một cách dữ dội, nhất là sau khi sinh đứa con đầu lòng. Nhưng giống như những con người hoang dã vừa tiếp xúc với cuộc đời, bà trở nên cục súc một cách ngây thơ làm cho tôi thất vọng, ngậm ngùi. Đúng là bà vừa bước ra từ một bức tranh vẽ chỉ mới biết cuộc đời trong vòng tay thô bạo của ông Lâm, còn ông Lâm, khi những dục vọng của ông đã thỏa, người đàn bà nầy chỉ còn lại là một sinh vật đồng loại mà thôi, không thể nào trở nên nỗi khát vọng lớn lao của ông được.

Bản chất hư vô cuồng loạn càng ngày tách ông Lâm ra khỏi thế giới đồng loại. Hình như đối với ông những đồng loại được sinh thành chung quanh luôn luôn sẵn sàng tư thế để phủ nhận ông nếu có điều kiện. Bởi vậy, nếu ông có lỡ dành cho ai một chút lòng yêu mến ông liền thủ sẵn cả ngàn sự cố chấp đã trở thành căn bệnh hoài nghi cố hữu. Chỉ duy nhất một người đàn bà mà tôi biết ông hoài niệm suốt đời. Đó không phải là bà Phụng. Người đàn bà ấy đã đi qua đời ông thật ngắn ngủi, nhưng điên cuồng như cơn lốc, đến nay vẫn còn làm ông Lâm choáng ngợp không thể nào xóa đi được hình ảnh của bà. Điều ấy cũng có thể dễ hiểu bởi vì bà ấy đã chết, chết sau khi đến với ông. Cả tôi cả ông Lâm đều có quan hệ với bà: Đó là người đã cho cả chúng tôi trú ẩn trong căn nhà hoang phế kia. Bà chết cùng với đứa con gái mười tuổi bên dòng sông Mê-Kông trong một ngôi chùa biên giới, trong đợt chính quyền ngụy Lonnon "cáp duồn" người Việt. Bà đến đó xuống tóc khi quyết định bỏ chồng sau cuộc gian díu với ông Lâm. Bà là một phụ nữ học thức, không đẹp nhưng kiêu hãnh. Tôi biết bà từ hồi ở Huế, lúc đó bà đã nổi tiếng học giỏi và kiêu ngạo rồi. Chồng bà cũng là một trí thức có tiếng tăm nhưng lại quá bạc nhược với vợ. Chính điều đó làm bà chán nản và đến với Lâm. Sau khi bà chết đi cuộc tình vụng trộm đó mới xôn xao lên trong một số người quen biết. Dĩ nhiên nhiều người lấy làm lạ và không tin. Nhưng tôi thì lại biết rất rõ. Tôi biết cả con đường nào bà thường đến với ông Lâm lúc nửa đêm, thời gian bà Phụng còn ở Dương Bình. Một người đàn bà kiêu hãnh như thế mà đã luồn qua hàng rào, leo qua cửa sổ đến với người đàn ông thô bạo như ông Lâm kể ra cũng là chuyện hiếm có trên đời. Phải chăng đấy là điểm bổ sung tính cách, giữa lòng kiêu hãnh và tính cuồng ngông? Sự ngông cuồng và sức mạnh dã thú của ông Lâm có thể là cả một hấp lực mạnh mẽ kích thích người đàn bà bung phá những ức chế đã kiềm tỏa bà bao nhiêu năm, để cho con quỉ được che phủ bởi bóng đêm sương pha dày đặc vượt ra khỏi nơi giam cầm của nó, kêu lên những tiếng kêu sổ lồng man dại... Cái dáng lom khom của chiếc lưng cong với đôi mắt không bao giờ nhìn lên trong những chiếc áo dài màu lạnh của người đàn bà những buổi chiều một mình trên những con đường đất đỏ xám xịt bóng cây gợi cho tôi hình ảnh của một vị tu kín u uẩn với những cơn sóng ngầm bão táp. Tôi cũng không rõ tình yêu của người đàn bà ấy với ông Lâm ra sao, bởi vì có khi sự cuồng loạn chưa phải là dấu ấn của tình yêu. Một buổi sáng người đàn bà đã dẫn cô con gái ra đi không một ai hay biết, kể cả chồng bà và ông Lâm. Buổi tối hôm ấy ông Lâm lấy chiếc armonica đi suốt trên những con đường của trường trung học, nơi người đàn bà thường đi, thổi vang lên một bài hát buồn quen thuộc. Tiếng kèn vang suốt đêm. Chỉ có những lúc xúc động nhất ông Lâm mới như thế và ông là một trong những người thổi kèn hay mà tôi được biết. Phải chăng đấy là nguyên nhân đưa ông Lâm đến đây?

***

Bà Phụng đã đẻ đứa con thứ hai trong hầm chứa nước của khu tịnh cốc. Bà không la hét, chỉ vùng vẫy một cách đau đớn như con cá đồng bị chằn trên cạn trước mặt ông Lâm và đứa con đầu. Ông Lâm đã làm tất cả mọi việc. Ông cắn nhau, lau đứa nhỏ và mẹ của nó rồi đặt cái sinh vật đỏ hỏn hon kia trong lớp áo quần rách mướp. Ông vừa làm vừa chắt chắt cái lưỡi như mỗi khi ông gặp chuyện xúc động. Còn thằng Thạch, đứa con đầu trong cái hầm tối, nó hoàn toàn không biết chuyện gì xảy ra, nó chỉ phân biệt được tiếng rên đau đớn của mẹ nó khác với mỗi lần ông Lâm đánh bà. Đến khi tiếng oa oa cất lên thì mắt nó đã nhíu lại và nó nằm vật xuống ngủ một giấc như chết. Còn ông Lâm khi làm xong mọi việc, ông leo lên nắp hầm, ông ngồi như thế rất lâu và huýt gió một bài hát quen thuộc của ông giữa bao la núi đồi, nghĩ đến chuyện nhân sinh hệ lụy còn hơi nóng trên bàn tay.

Đó là tất cả hình ảnh mà tôi tưởng tượng ra qua những lời kể đơn giản của bà Phụng. Bà không hề tỏ ra đau đớn, vì tất cả sự đau đớn của các bà mẹ đều giống nhau. Tiếng kêu la của các bà mẹ khi đẻ con một phần do đau đớn, một phần mang ý nghĩa của một lời thông báo về cái việc thiêng liêng của họ với mọi người. Còn bà Phụng, bà đã không kêu la vì bà chẳng cần thông báo cho ai, công việc của bà cũng như các sinh vật, có cưu mang là có sinh đẻ. Đứa con đó đã chết năm nó lên ba, sau một cơn sốt.

Gia đình họ đã sống trong cái hầm chứa nước đó đến mấy năm. Họ đã thả xuống những tảng tường vỡ làm bậc cấp lên xuống cái cửa duy nhất là cái nắp hầm. Đến khi bà Phụng sinh tiếp đứa con sau, một người thợ rừng đi qua đã giúp ông Lâm đập vỡ một khoảnh tường bên, trổ thông một cái cửa mới. Còn những đứa con tiếp theo sinh trong căn nhà mà tôi vừa đến. Căn nhà cũng được dựng lên trên một cái nền cũ bằng tất cả vật dụng phế thải của khu tịnh cốc và cây lá trong rừng. Suốt mấy năm nay họ sống bằng nghề lấy củi, bẻ măng, hái sim như những người nguyên thủy. Khác chăng là thỉnh thoảng bà Phụng hoặc ông Lâm về đổi lấy gạo và những thức dùng cần thiết. Những đứa con họ chưa hề ra khỏi khu tịnh cốc. Chỉ có thằng Thạch được quyền thỉnh thoảng về dưới chân đồi đón bố mẹ nó mỗi khi họ từ thị trấn về mang đồ đạc lỉnh kỉnh giúp đẩy xe lên dốc. Chỉ ngang chừng ấy thôi, chưa bao giờ thằng bé dám vượt qua giới hạn mà ông Lâm đã vạch cho nó. Thằng bé đã mười lăm tuổi nhưng trông nó như mới lên mười, có đôi mắt giống hệt ông Lâm: mắt cáo. Trông đôi mắt nó tôi không thể hiểu nổi nó đang suy nghĩ gì. Nó cứ bám dõi theo tôi không rời trong suốt buổi tôi nói chuyện với ông Lâm, như con thú đang chờ rình chụp con mồi hoặc chờ đợi một điều gì đó. Tôi rất muốn nói chuyện với thằng bé nhưng ông Lâm luôn luôn án ngữ trước mặt. Đó là sự tinh khôn của con cáo già: Ông không muốn ai đụng đến trật tự hang ổ của ông. Trông mắt thằng bé tôi biết uy lực của ông Lâm ghê gớm biết bao nhiêu. Ông cột chặt nó trong vòng đai mà nó chưa hề dám đụng tới để biết nó làm bằng chất gì và vì sao như vậy. Mãi đến khi từ giã ông Lâm về đến dưới chân dốc tôi mới gặp lại thằng bé. Nó đứng thu lu trong một lùm cây dại bên lối mòn, như một con chó đen đủi, hai con mắt lấm lét nhìn tôi vừa sợ hãi vừa kêu cứu. Hình như nó có ý đợi tôi từ lâu. Nhưng khi tôi gọi nó thì đột nhiên nó vùng bỏ chạy, nó chạy một mạch như bị ma đuổi... Ngay cả mẹ nó, bà Phụng, bà cũng giống như con nai tơ bị cáo thuần chủng, khi chưa biết những đồng cỏ xanh đã quen hơi thở của loài mãnh thú. Bởi vậy không ai đến với họ và ngược lại họ cũng chẳng đến với ai. Những năm đầu khi nghe tin vợ chồng ông Lâm trở lại thị trấn một vài người quen cũ có lên thăm nhưng dần dần do thái độ của ông Lâm, mọi người không còn ai đến nữa. Chuyện bí thư xã dưới chân đồi là chuyện có thật và, tất nhiên, không phải như quy kết của ông Lâm. Đồng chí ấy đi thăm một hiện tượng quái lạ trong địa phương để biết ra làm sao thôi, dĩ nhiên là không thể tránh được việc khuyên can, động viên này khác. Sau đó du kích có dọa ông Lâm thật vì thấy ông hung hăng quá, nhưng không ai bắt ông làm gì. Cuối cùng chính quyền xã ghép ông vào loại thần kinh để ông làm gì thì làm trên vùng đồi núi giang sơn của ông. Từ đó đến nay cùng sống với họ chỉ có muông thú và bệnh sốt rét. Bà Phụng kể lại với tôi rằng có lần ông Lâm lên cơn sốt nặng đến nỗi tưởng không qua nổi. Ông vừa sốt vừa đi chảy, bà Phụng phải làm công việc mà ông Lâm không muốn là đưa ông về bệnh viện thị trấn cấp cứu. Bà dìu ông đi suốt gần mười lăm cây số, đến nơi đã nửa đêm. Lúc bấy giờ bà có cảm tưởng như chỉ cần ai đụng khẽ bà một cái là bà đổ sụm xuống như cái cây mục. Thế nhưng bà không thể để sáu đứa nhỏ một mình ban đêm giữa núi đồi. Bởi vậy khi bệnh viện cấp cứu ông Lâm thì bà quay về. Bà không hiểu nhờ đâu mà bà có thể bò lên được con dốc trước cửa nhà. Nhưng, bỗng nhiên, như có một ngọn đèn chiếu rực vào mắt làm bà nổi đom đóm. Bà hét lên bất tỉnh khi biết đó là cái gì. Đến khi bà tỉnh dậy, trong bóng đêm đen kịt lặng ngắt bà như còn ngửi thấy mùi hôi của con cọp. Bà lết vội vào nhà và, cảm ơn trời đất, sáu đứa trẻ vẫn còn nguyên! Chúng lăn mỗi đứa một góc trên cái sạp tre như những con thú dại ngủ say trong hang ổ, bao nhiêu thời đại có đổi thay chắc chúng cũng chẳng cần biết làm gì.

***

Kể xong những câu chuyện bà Phụng như hơi tỉnh hẳn, giống như vừa trút được một gánh nặng từ lâu chất chứa trong người. Và khi sực nhớ đến thực tại, bà vội vàng trùm lại chiếc khăn, chia tay tôi một cách vội vàng rồi tiếp tục đẩy chiếc xe lên dốc. Trong bà như vừa qua một trạm nghỉ. Khi cái dáng khô đét của bà lom khom bên chiếc xe đẩy chỉ còn một chấm nhỏ đằng xa tôi vẫn còn đứng giữa đường. Bỗng nhiên tôi nhớ lại câu nói nửa đùa nửa thật với ông Lâm khi chia tay: "Anh coi chừng đấy, sẽ có ngày bọn nhóc trói gô anh lại, chứ không phải là ai khác đâu!". Dĩ nhiên chỉ nửa đùa nửa thật với ông Lâm thôi, còn tôi đã nghĩ phải như thế. Và chỉ có như thế thôi, đến khi thằng Thạch nó đủ sức vượt qua giới hạn của bố nó đã vạch ra chắc thế giới này mới có đổi thay.

Huế 9-1984/4-1985
T.N.S
(SH28/12-87)
 http://tapchisonghuong.com.vn

1 nhận xét: