Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Về Chu Trầm Nguyên Minh

Về Chu Trầm Nguyên Minh


Chu Trầm Nguyên Minh
chu_tram_nguyen_minh_3
Nhà văn, nhà thơ Chu Trầm Nguyện Minh (1943-2014)

Xin công bố tiểu sử anh Chu Trầm Nguyên Minh do chính anh viết với ý nguyện chỉ phổ biến sau khi mất
(Đặng Châu Long)
Thời thơ ấu: Phú Bình, Hầm Đá, Ninh Thuận, Rừng Già, Rãy Nổ, khu Lê Hồng Phong, Rừng Tròn, Đá Bàn.
Nguyên quán: Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Sinh 1943 tại Phú Bình, Hàm Liêm một vùng ngoại ô Phan Thiết. Rồi chuyển về ở Hầm Đá, trên QL8, cách Phan Thiết 6km5, hướng Bắc.
Có 6 chị em: chị hai Trần thị Sâm [chết khi tròn tuổi], chị ba Trần thị Nhung, chị tư Trần thị Trung, chị năm Trần thị Hiếu, thứ sáu Trần đức Tâm [CTNM], con trai út Trần hữu Thành.
Cha theo Việt Minh thỉnh thoảng mới tạt về. Mẹ làm nghề may vá, nuôi 5 chị em.
Thời gian này, kinh tế gia đình sung túc, gia đình có căn nhà ngói đỏ, kiềng đá xanh 1 trong 2 căn nhà xây ở khu Hầm Đá.
Bỗng một đêm, người cha về cùng một số đồng đội, đập, phá nát căn nhà thành đống gạch vụn, lý do: “không để Tây đóng đồn.”
Giòng nước mắt Mẹ rơi, cũng là lúc CTNM nhận cuộc đời nổi trôi của phận mình.

Ngay đêm đó Cha đưa vợ con vào vùng “Xôi Đậu” – Tây tàn sát tự do – thôn Ninh Thuận Xã Hàm Chính, gần Chiến Khu Rừng Già, nơi người cha đang ở, thuộc khu Tam Giác Bình Thuận có ba đỉnh là Mường Mán, Ma lâm, Phan Thiết.
“Ở đậu” sau một trận càn là đổi chổ ở, ba người chị và mẹ đi gặt thuê, CTNM được đi học “lớp Bình Dân Học Vụ’ của Việt Minh, học ban đêm, mỗi người mang theo đèn dầu “hột Xoài” loại đèn nhỏ, ít hao dầu.
Pháp treo giài thưởng, ai bắt hay đem đầu Trần Hoành bí danh Tư Úc, cha của CTNM, rồi sau đó đến vợ, con. Một thời CTNM sống trên lưng ‘đồng chí’ của cha, chạy trốn từ Rãy Nổ, Rừng Già, Xóm Rơ, Ninh Thuận, Bàu Sẻ….
Cha bị Pháp bao vây, không đầu hàng, bị bắn chết khi đơn thân độc mã chống lại cả đại đội Pháp. Mộ chôn tại Chiến Khu Rừng Già. Khoảng 1947.
Mẹ đem các con lên rừng, cất chòi, sống bên mộ cha – ở đây có điều không quên:
Chòi cất dưới cây Cức Mọc, loại cây rất cao, ở cháng 3 trên ngọn, có một tổ chim làm bằng cây khô nhỏ của vợ chồng Đại Bàng, [hay Kênh Kênh, Ó…] sáng chiều chúng gắp rắn, gà, thỏ,,, mang về cho con ăn, nhất là rắn, vắt một vệt dài màu đen trên nền trời …và tiếng la..hoang dã, dị thường. Gia đình: Chị và mẹ không đủ quần để mặc, phải mặc chung, CTNM và đứa em..ở truồng là chính. Mền đắp hằng đêm là bao bố đựng gạo tháo chỉ, thức ăn chính khoai mì [sắn].
Gần chòi là nơi đóng quân của Đại Đội Phạm Hồng Thái, một đêm đánh đồn Ma Lâm, rút về. Lần đầu tiên CTNM thấy người chết và bị thương nhiều như vậy, nỗi kinh hoàng thành ám ảnh.
Tiếng chim đa đa…
Hình ảnh Mẹ …chiều chiều ngồi bên mộ Cha
Mãn tang cha, mẹ đưa gia đình về lại Ninh Thuận, lập lại cuộc đời cũ, gặt thuê, làm mướn, mẹ và các chị chung tay nuôi gia đình, thời này có mấy việc:
Người chị Cả, Trần thị Nhung, có chồng – một cán bộ Việt Minh – Chị về làm dâu ở Phan Thiết. Em út, Trần hữu Thành bị móc chê Pháp câu chết.
Quân Pháp thua ở Nà Sản phía Bắc, rút về Nam, chúng chọn Tam Giác để báo thù, trận bố kinh hoàng xảy ra, “Trận Bố Ba Ngày”, biết bao xương máu đồng bào Tam Giác đổ xuống trên quê hương này. CTNM ngơ ngác trong nỗi kinh hoàng.
CTNM và người chị kế Trần thị Hiếu, được “nhà nước Việt Minh” đưa đi học ở trường Trung Bình tại chiến khu Lê Hồng Phong [thời chống Pháp, Việt Minh có ba trường ở Miền Nam, trường ở Đồng bằng Sông Cửu Long (tôi quên tên), trường Lê Khiết ở Quảng Ngãi và trường ở Cực Nam Trung Bộ, ở giữa, nên là Trung Bình]. Người “trên tỉnh” về đưa chị em CTNM đi là cán bộ nữ tên Nguyệt, phải nhiều lần hẹn giao liên, Chị Nguyệt đưa chúng tôi vượt QL8 vào một đêm tối, có lúc phải nằm mẹp, có lúc bò, có lúc chạy..qua Xoai Quỳ, Sa Ra, Giếng Chanh và đến khu Lê. CTNM học ở đây gần hai năm..thì “má bệnh nặng, hai em về gấp ”, chị em chúng tôi lại nhờ “tổ chức” đưa từ khu Lê về Phan Thiết.
Trước khi đến nhà anh Từ Thế Mộng, chừng 50m, bên phải, ngày xưa có dãy nhà gạch dài, đó là “nhà thương thí” mẹ CTNM đang nằm ở đây.
Hai chị em, đi như chạy trên hành lang..bỗng cả hai quỳ xuống ôm cứng cái xác chết mà người ta trùm kín, trên băng ca, đem xuống nhà xác..cả hai cùng òa khóc “Má ơi”.
Sau này, tôi hỏi chị: từ đâu chị nhận ra Má, chị nói:” cái mền đã theo gia đình ta bao năm..” Phần tôi, tôi nhận ra má tôi từ bàn tay ló ra khỏi chiếc mền cũ màu xám đó
Hôm sau, hai chị em CTNM theo xác má về chôn ở Phú Bình, nơi chị em CTNM và người mẹ sinh ra.. Buổi chiều đó, mộ chưa đắp xong, thì có tin Tây từ Xung Phong kéo lên, phải chạy, khi mộ mẹ chưa đắp xong.
Khi con về đó muộn màng
Mẹ từ dương thế khói vàng lung linh
[hành lang vĩnh biệt]
Trong thời gian học ở khu Lê:
Lớp học khoét dưới gốc cây Tâm Lan, trong rừng Tâm Lan, nhiều Dông, Thỏ và Cọp, [có nữ sinh tên Hồng, trên đường đến trường, bị Cọp chụp và na đi, ba ngày sau tìm được chỉ còn cái đầu]. Mỗi học sinh khi đến trường ngoài giấy bút còn cây súng gỗ, ruột tượng gạo, bidong nước..khi chào nhau nắm bàn tay lại đưa lên giữa trán. Đêm còn tăng gia sản xuất rau, củ.
25 chiếc Dakota chở lính “lê dương” nhảy dù xuống khu Lê, ba ngày sau mới biết ai còn ai mất, và cũng ba ngày sau, cái áo của CTNM mặc còn hôi mùi thuốc súng.
Trong rừng Tâm Lan có 12 nấm mộ của các văn công đoàn Sao Vàng, mỗi lần đến đó, CTNM thấy buồn.
Ba chị em về lại Ninh Thuận, lại tá túc nhà người quen, ở đậu, làm thuê nuôi nhau. CTNM và Chị Hiếu không trở lại khu Lê nữa..
Tình hình chiến sự nghiêng về địch, Việt Minh không giữ nổi Tam Giác, đã dần trở thành vùng bị chiếm. Có 3 giải pháp, 1 – theo Pháp ở yên tại chỗ, 2 – về thành tức về Phan Thiết, 3 – vượt đường sắt lên Rừng Tròn, Đá Bàn.. (giáp Trường Sơn, Lâm Đồng) theo “kháng chiến tức Việt Minh. Ba chị em CTNM chọn giải pháp thứ ba..
Rừng Tròn – Đá Bàn: cây cao đan dày, ánh sáng chỉ chen qua khe lá “trên Đá Bàn thân trùng lấy bóng”, có con suối, tre lồ ồ ngã che kín, “nước suối thiêng soi đâu thấy mặt mình” ..và biết bao chuyện của rừng thiêng, nước độc. Đàn khỉ dễ chừng cả nghìn con, đại bàng, ó. “Bóng ó bay tiếng rớt ngậm ngùi” và có đêm 4, 5 chú cọp nhảy giỡn trăng nơi sườn núi có phiến đá bằng phẳng như cái bàn…và tiếng hú lúc nửa đêm …của một loài ó hay một linh vật [?]…chỉ biết, khi tiếng hú cất lên thì từ các loài thú trong rừng, đến con ngươi đều…sợ. Tất cả đều im lặng..tiếng hú dài nhỏ dần rồi chìm mất trong đêm tối. Thời gian ở đây, CTNM nghe tiếng hú thần bí đó một lần và nhiều năm sau, khi nhớ lại còn “ớn lạnh”.
Khi đến đây, CTNM được nhắc để nhớ: không đụng đến bất cứ cây, đồ vật, con vật nào …nhìn thấy..Ớt chín vàng, cây Thị trĩu trái, đu đủ…không biết ai trồng..và, trời ạ, Rắn, không biết cơ man nào mà kể, rắn vắt vẻo trên mái chòi làm bằng lá dầu, lểnh nghểnh ngoài sân…dài, ngắn, có khoang đen trắng, đủ loại, đủ cỡ …nhớ không “đụng”đến bằng bất cứ hình thức nào..
CTNM phạm phải điều kiêng kỵ, suýt chết, [kể ra như chuyện “phong thần” rất khó tin, nhưng thật hơn 100%] …
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, hiệp định Geneve ký kết.. hòa bình lập lại, chia hai đất nước. Trong danh sách những người dân được Tập Kết, có tên chị Trần thị Hiếu và Trần đức Tâm tức CTNM. Anh rể – một cán bộ VM cấp cao – nói: “Các em ở lại học tập tốt là được rồi”. Vì cứ nghĩ hai năm nữa là Thống Nhất, hai chị em không đi
Căn nhà ở Hầm Đá chỉ là cái kiền đá xanh, bị cạy lấy đá nham nhở, ba chị em lơ ngơ rồi quyết định về Phú Bình, nơi có mộ Má, ở đây còn bà Ngoại và ông chú thứ Năm, em ruột Ba. Từ đây, một vài lần xuống Phan Thiết, CTNM thấy nhiều điều lạ, người đẹp, nhà đẹp, học sinh đến trường..những cảnh mà trong đời CTNM chưa thấy, và, nghiệm ra một điều, muốn hòa nhập cái xã hội xa lạ này, con đường duy nhất là học, và phải học thành tài..Ở tuồi 12, trên đường về, lúc qua hết cái cầu làm bằng sắt – bây giờ gọi là Cầu Giữa – CTNM đứng lại, nhìn cái château d’eau trong vườn bông, nhìn giòng nước con sông Mường Mán, thề rằng: “không học đỗ tú tài, tôi sẽ nhảy xuống đây mà chết”
Thời niên thiếu – thanh niên: Phan Thiết, Nha Trang.
Lúc đầu, xin học trường làng, nhưng bị từ chối vì “cộng sản con”, trường xa, trường gần …đều gạt tên cùng một lý do. Hai người chị, nhất là chị Trung, bị bắt ngay sau hòa bình, chị Hiếu cũng không yên. Ba chị em quyết định, thay tên đổi họ để không là “CS con”. Trần Đức Tâm [CTNM] về ở với cậu tại Phan Thiết, làm lại khai sanh tên: Phạm Minh Tâm, chị tư Trần thị Trung, đổi thành: Nguyễn thị Trung, về ở với chú Năm, em cha, tại Hàm Liêm. Chị năm Trần thị Hiếu thành Phạm thị Hiếu về ở với Dì, chị của Má ở Bàn Cờ Sài Gòn…Cho mãi đến bây giờ, về mặt pháp lý, chị em tôi cũng không phải ruột thịt.
CTNM về ở với cậu, tại 45 Lý Thường Kiệt Phan Thiết học lớp Nhì [L4] trường tiểu học Đức Thắng.
3g sáng, thức dậy, vớt gạo ngâm, xay thành bột.- đâm lá dứa, – xẻ ớt và đâm nhỏ – xếp chén đĩa vào mâm – bỏ một lò lửa lớn quạt cho lừng lên. – [hai ngươi lớn bợ cái lò lửa đang bừng cháy này để lên đầu CTNM] – đội lò lửa ra bên kia đường, chổ ngồi bán bánh bèo ăn chén [hai người bợ lên, đi theo, đỡ lò lửa xuống..] rửa mặt, ôm sách, vở và ….…chạy… đến trường.. 12g – 17g: dọn cơm cho cả nhà [6 người ăn], rửa chén, chén bánh bèo [hơn 100 chén] – Ngâm gạo, luộc ớt, rửa lá dứa,chuẩn bị cái lò ….và ủi đồ cho cả nhà. Hôm nào không ủi đồ, thì làm khuy, đơm nút áo [Cậu làm nghề may]…Hể thấy tôi cầm vở học là bà Mợ có chuyện để bảo làm.
Việc làm vừa nói trên, với CTNM, không nhằm nhò gì, nhưng có điều xảy ra, người Mợ xem cháu của chồng như đứa ở, khai thác tận cùng sức lao động, không cho giờ nào rảnh để học, cư xử không tình người, Mợ muốn không cho tôi đi học…
Mâu thuẩn giữa Cậu và Mợ, kẻ thương cháu, người thì ghét, Cậu không vui.
Cậu CTNM, đứng ở giữa, lại có chút sợ vợ, nên bị kích động bởi sự xúc xiểm của vợ. Có một lần cậu vừa đánh vừa khóc. CTNM nhìn dòng nước mắt của Cậu khi vung roi lên người đưa cháu. CTNM cắn răng và quyết định ra đi.
Thôi cậu hỡi thương con đừng khóc
Đời mồ côi con xin sống qua ngày
[trong phận chàng]
Bà Mợ kinh ngạc rồi hối tiếc, khi CTNM nói: con xin lạy tạ Cậu Mợ đã nuôi dạy con lâu nay. Con về lại Phú Bình chỉ vì muốn ở bên mộ Má con
Khi rời nhà cậu, có hai việc tôi nhớ: dòng nước mắt của Cậu khi đánh tôi và gần như suốt thời gian ở nhà Cậu Mợ, lúc xay bột, khoảng 3g30 sáng, ở ngoài đường vọng vô: giọng đứa con trai cỡ tôi: Bánh mì..Bánh bao..là Bánh chiên Bánh chiên..bánh bao ..là bánh mì âm thanh đó, như một lời nhắc nhở, một động lực cho tôi thực hiện lời thề. Người bạn đó, nay còn cũng 70, như tôi. Bạn không bao giờ biết có người mang ơn bạn và mãi mãi nhớ tiếng bạn cất lên đêm đêm ngày nào. Tôi mong cuộc đời này không đày đọa bạn như đã đày đọa tôi.
Tôi ở nhà Cậu tư lớp Nhì đến gần hết năm lớp nhất, hơn một năm.
Về ở với chú, về lại Phú bình
Chị tư Trung nói: “ Con xin làm mọi việc dù nặng nhọc xin chú thiếm cho em con chỗ ở và cơm ăn..để đi học ”. Chú thiếm chấp thuận. Chú Năm là người em trai kế cha tôi, cha tôi đã đưa chú từ Quảng Ngãi vào, cha má tôi đã dựng nhà cho Chú Thiếm. Chú Nam là nông dân rặt, tính hiền, ít nói.
Lúc này, không nói, nhưng ba chị em tôi, ai có nhiệm vụ nấy: Chị tư Trung lo cho tôi cơm, áo. Chị năm Hiếu lo cho tôi sách vở, còn tôi phải học thành tài.
Từ Phú Bình đến thị xã Phan Thiết áng chừng 5, hay7 km, tôi dậy sớm, nhận từ tay chị Tư gà mèn cơm, theo sau những chị gánh củi, vác tre xuống Phan Thiết bán. Họ đi rất nhanh, tôi phải chạy lúp xúp mới theo kịp, treo cơm trên cây Muồng, bên Sân Tennis, trong vườn bông, rồi đến trường. Buổi trưa, trở lại, ngôi ăn trên ghế đá, nhìn đàn én bay quanh château d’eau.
Tôi thi đậu Tiểu Học, Đệ Thất, Trung Học, Tú tài 1 ở trường Phan Bội Châu, Phan Thiết, từ lớp đệ Lục [lớp7], tôi đã đi dạy kèm.
Tôi muốn sống được bằng sức của mình, muốn hai chị tôi không vì tôi mà để tuổi thanh xuân trôi qua. Hai chị từ chối hôn nhân, với lý do phải nuôi tôi đến lúc thành tài. Rồi hai chị có gia đình và tôi có cháu gọi bằng cậu..
Ngày đó, Phan Thiết chưa có trường nào, – kể cả Phan Bội Châu – mở lớp đệ nhất [lớp 12]
Học sinh đậu tú tài 1, có điều kiện thì vào Saigon học tiếp, nhưng học trường tư. Học sinh nghèo thì ra Nha Trang học ở Võ Tánh, trường công. Tôi không có tiền, kể cả tiền xe đò để đi. Tôi nhờ bạn Thừa, Chiếu, Quế..ra Nha Trang nhập học, tìm cho tôi một chỗ dạy kèm, hay một việc gỉ đó kiếm đủ tiền ăn…tôi chờ tin bạn..Thời gian chờ đợi tin bạn, cứ một tuần tôi viết cho thầy hiệu trưởng Võ Tánh một lá thư, nói hoàn cảnh và xin đừng xóa tên..Chị tôi đã bao lần đòi bán chiếc khoen, nhỏ xíu, ngày cưới, cho tôi làm lộ phí, nhưng tôi cương quyết không chịu, “Chị bán là em bỏ học”. Ông anh rể tốt bụng Lê trung Nhị “bây giờ cần bán đi..mai kia em thành tài em mua cái khác cho chị”. Tôi vẫn “không” và dọa “bỏ học”..Nhưng không được nữa rồi, trễ thêm trường Võ Tánh sẽ xóa tên.,Tôi đành “ chị giúp em ,” khi trao cho tôi số tiền, mà chị tính, chỉ đủ một vòng xe và 7 ngày ăn..chị nắm tay tôi..nước mắt nghẹn ngào..và “em à..” rồi không nói thêm được lời nào. Tôi đi mang theo hình bóng chị tôi cùng một cuốn vở học trò chép những bài thơ đã viết và mối tình đầu, biết bao sâu nặng, kỷ niệm. Tôi và Trần Huyền Sâm, tên nàng, gặp nhau tình cờ, trên đường phố, nàng bên kia, tôi bên này, cả hai như dừng lại nhìn nhau, và chúng tôi yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên ấy, lúc đó nàng mới học lớp Đệ Ngũ [lớp 8] còn tôi lớp đệ Tam [lớp 10], H.Sâm nổi tiếng đẹp, rất đẹp, khi mối tình được công khai, nhiều người nhận xét, chúng tôi xứng đôi và đẹp đôi, [ngày đó tôi cũng được nữ sinh trầm trồ “đẹp trai” ] Tôi đỗ Tú Tài 1, Sâm biết sắp xa nhau, và “anh về thăm Mẹ nhé “ Sâm đưa tôi về Mũi Né, quê Sâm, Căn nhà ngói mó, rêu phong, trên một đụn cát cao, trước sân có cây khế đang mùa ra hoa[?]. Khi xa, tôi nhớ mãi người Mẹ, đó là người Mẹ tuyệt vời, rất ít nói. Bà tiếp tôi như đón người con đi xa về..Bữa ăn bà dọn đơn sơ, ít món, nhưng ngon miệng, bà ngồi nhìn tôi và Sâm ăn, chốc chốc lại cười, nụ cười rất hiền, rất nhân từ …và tiếng sóng, nhà nàng chỉ cách biển mươi mét..tiếng sóng của đêm hôm đó theo tôi đến suốt cuộc đời .
Xe Phi Long thả tôi xuống ngã 6, lúc nửa đêm, tôi lần theo tiếng sóng đi về hướng biển. Đêm đầu tiên, tôi khoanh tròn dưới gốc dương, nghe sóng vỗ.. [những cây dương cao lớn bây giờ trên đường Trần Phú lúc đó chỉ thấp lè tè ]. Tôi học lớp đệ nhất B4 …, khuân vác ở chợ Phước Hải, dán tem, viết thư thuê ở Bưu Điện…làm đủ nghề trong những lúc có thể, để kiếm sống …Sau chợ Phước Hải có xe cơm, chuyên bán cho người lao dộng nghèo, tôi ăn ở đây và cũng từ đây quen và được những người cùng khổ chia sẻ việc làm: Ngày học, làm …tối khoanh dưới gốc dương … nghe tiếng sóng đêm đêm thì thầm….Rồi tôi xin được việc làm: dạy kèm cho hai đứa con ông Hiệu trưởng của một trường tư, và chấm bài lớp tiếp liên môn Toán và Văn.
Tôi được ở cùng đứa con út của thầy Hiệu Trưởng và cũng là học trò tôi dạy kèm – tên N, trên một căn gác nhỏ, lộng gió.. Hai người con gái của thầy hiệu trưởng nói yêu CTNM. Hoàn cảnh như vậy “yêu là chết “ vả lại CTNM còn Sâm, đang chờ ở quê nhà…
Tôi đậu Tú Tài 2 ban B, em đã hoàn thành lời hứa với chị – chị ơi – và ta đã giừ tròn lời thề năm xưa với Phan Thiết – Phan Thiết ơi.
Thời Trưởng Thành: Sài Gòn, Qui Nhơn
Sài Gòn
Tôi ghé Phú Bình chào chị, bà ngoại, chú thiếm và hai đứa em thúc bá. Tôi đi vào Sài Gòn quyết lấy “cử nhân”…lại làm đủ nghề…ngồi ở Thanh Thế…nơi những người cầm viết, cầm cọ thường ngồi…ngồi Ngã Tư Quốc tế…nơi nghệ sĩ cải lương thường đến…quen và biết nhiều người trong giới văn – nghệ – sĩ …có cả dân làm chính trị..
Có ba người để lại nơi tôi nhiều cảm mến: anh Văn Lương, tác giả bài hát: “Tía em má em hừng đông đi cày bừa” anh nhận tôi làm việc vặt ở tòa soạn một nhật báo mà anh làm chủ bút, lần lần anh cho viết bài “trang tư”, trang viết những chuyện tầm phào, thỉnh thoảng được chạy một bài thơ..nhuận bút cũng chỉ đủ cầm hơi qua ngày, nhạc sĩ Trúc Phương, anh cho ở ké cùng phòng trọ anh thuê [hẻm Cao Thắng ] anh gọi “em trai” và thường xoa đầu khen “đẹp trai” và Dzũng Chinh, bằng tuổi tôi, tác giả phổ bản nhạc “Những Đồi Hoa Sim”. Mỗi lần gặp: vỗ vai, tạm biệt: vỗ vai. Cái vỗ vai ân tình..
Thời gian này tôi viết nhiều, đủ thể loại mà “trang tư” các báo cần, với nhiều bút hiệu.
Nhưng chỉ được “lắp” khi thiếu bài thôi, ba “cột” là nhiều. Viết, chạy suốt ngày, vẫn phải “nhá” cơm cháy..và, trời ạ, vào giảng đường, quạt máy mát, chỗ ngồi êm…dù cố cỡ nào tôi cũng liền… ngủ khì..
Thời gian này tôi đã trưởng thành, đã chín đời, viết nhiều, nhưng toàn chuyện tào lao, bá vơ..không giữ lại..
Và sống, chính thức nhờ thau cơm cháy . Ngày đó ở đường Bùi Viện, Q.Nhì [tên đường này vẫn giữ đến ngày nay, Q1] có quán cơm ANH VŨ, đây là quán cơm, được chính quyền bù lỗ, dành cho Sinh Viên nghèo. Ở phía vách bên phải, có một hàng lổ tò vò, hình chữ nhật, bên trong là người phục vụ và thức ăn, bên ngoài, cách vách có lổ tò vò chừng 0m8, người ta gắn một thanh sắt hình tròn cao 1m, dài suốt theo lổ tò vò Sinh viên vào ăn trưa, chiều đều phải xếp hàng di chuyển bên trong thanh sắt tròn này..Lổ 1: thẻ Sinh Viên, mua phiếu. Lổ 2: lấy mâm. Lổ 3 lấy canh, Lổ 4 lấy món mặn, nước chấm. Lổ 5 lấy cơm và đưa phiếu vừa mua, bước thêm vài bước, ra bàn ngồi ăn …Lổ 5 là lổ to nhất – để “thọt” thau cơm cháy qua – và được CTNM đặt biệt chú ý. Cứ 25- 26 Sinh viên đi qua, họ thọt ra ngoài một thau cơm cháy, ai muốn ăn cứ lấy, cho không, khỏi trả tiền CTNM ngồi, đếm số 1,2,3…và vào hàng, sao cho khi di chuyển đến lổ số 5 thì thau cơm không trả tiền”thọt”ra, bợ liền,dấn thêm vài bước, ra bàn và ngồi…nhá [nhai chậm].
Có lúc đến lổ số 5, thau cơm không chịu thọt ra, lại xếp hàng, làm lại keo khác. Nên nhớ, những Sinh Viên cần thau cơm cháy như CTNM là không ít, sau này, anh em liên kết lại “tiền hô,hậu ủng” vào hàng là bợ được thau cơm. Anh em thay phiên nhau, không tốn thời gian. Ngồi nhai cơm cháy, đôi khi nghĩ, như đang nhai đời mình ..
Qui Nhơn
Lúc này, Chị tư Trung có ba cháu, một trai, hai gái, chồng chết – Chị năm Hiếu có bốn cháu gái – chồng làm diệt trừ sốt rét. Nhìn các cháu khổ, chị khổ…thôi thì, bỏ đại học, thi vào SP cấp tốc Qui Nhơn – giấc mộng “cử nhân” không thành “ra Qui Nhơn nằm nghe gió thổi đêm”.
Lúc này, CTNM viết thêm kịch – thể loại CTNM thích nhất – vở “Trước Giờ Chia Tay” in ở đặc san Sinh Hoạt SPQN – 1962 là một trong vài vở viết trong giai đọan này và cũng viết những vấn đề xã hội..như “Du Đảng dưới mắt nhà giáo”..v..v..
Lần xa xứ này, may mắn tôi được người Cậu ở Phan Thiết, mà tôi nói đến ở phần trên, giới thiệu “Cô Ba”, người Phan Thiết ra Qui Nhơn, bán vải ở đường Gia Long, tôi kèm cho 3 đứa cháu của Cô Ba học. Đây thời gian tôi được ăn đủ, ăn ngon nhất kể từ ngày tự lập nuôi thân – quen ba người: Trịnh Công Sơn, Thanh Hải và Nguyễn Huề. Ngày đó Hải nổi tiếng hơn Sơn..Tôi chỉ nói tên người “vô danh” Nguyễn Huề, anh người gốc Quảng Trị, cân nặng, ngồi cùng lớp Cấp Tốc 2[?]. Tôi chỉ có một bộ quần áo, mặc đi học,…Một hôm cái móc cửa bật của lớp học móc rách một lổ trước ngực, phải vá lại..và từ đó các bạn biết tôi chỉ có duy nhất một cái áo…đây là lời thú nhận, hay bằng chứng.. tôi thuộc lớp “vô sản”. nghèo “rớt mồng tơi”..Một hôm, người bạn cùng lớp, không thân, trao cho tôi môt cái gói, gói bằng tờ nhật báo “cậu mang về ..rồi hãy mở ra” và.. “có cái thư mình viết cho cậu”. Tôi mở ra, đó là bộ quần áo cũ, nhưng còn khá mới, quần màu xám đen, áo dài tay màu trắng…nội dung lá thư..Huề viết nhiều về giai cấp “vô sản”…
Từ đó, CTNM chơi thân với Nguyễn Huề, [bộ quần áo CTNM giữ đến tháng 4/1975]
Huề lúc đó: hoạt động nội thành mảng Sinh Viên, Học Sinh – viết cho báo giải phóng – ký Dương Sử Loan
Tôi và Huề dự định, cùng viết vở kịch, nhan “Vở Kịch Chúng Ta Đóng” nhưng chưa gì thì xa nhau. Tôi còn gặp lại Huề hai lần, ở Huế – thời nhổ râu Đỗ Cao Trí – và Sài gòn – lúc trái cối 60 từ Bàn Cờ câu vào Dinh Độc Lập..Từ đó bặt tin cho đến nay..
Phan Rang, 19 năm
Tôi đến Phan Rang, nơi trước đây tôi có đến và ngủ ở trường tiểu học Mỹ Hương 5 đêm, để dự thi tú tài 1. hội đồng Duy Tân. Chỉ biết, chếch bên kia đường có tiệm sách, ở đó có người con gái tuyệt đẹp, tên Hằng Nga, ngoài ra, chẳng biết gì thêm.
Tôi trình diện Ty Tiểu Học Ninh Thuận và được bổ nhiệm “giáo viên trường Tân Thành – Tây Giang”. Đó là trường nhỏ, xây gạch, bên cửa biển, nơi sông Dinh chảy qua. Ở đây tôi nhìn, bên kia là Sơn Hài, chếch phía đông là biển, học trò tôi là cô, cậu bé làng chài, đen nhẻm, đó là năm học 1963 – 1964. Rồi năm sau, tôi chuyển về Phủ Hà, trung tâm thị xã.
Tình đầu tan vỡ
Khi về nhận nhiệm sở ở Phan Rang, tôi nhận thư Sâm, trước đây nội dung thư Sâm là động viên, an ủi..và những lời yêu thương nhớ nhung, thư này Sâm chỉ viết “ em muốn mình cưới nhau ” thư trả lời, tôi viết,” chị và các cháu cần anh, em đợi anh vài năm các cháu lớn..”
Những thư sau đó Sâm không nhắc đến việc cưới nhau nữa, và vài tháng sau: “ anh về, em muốn gặp anh ”. Chúng tôi gặp lại nhau sau thời gian xa cách khá lâu, không nói sao hết hạnh phúc chúng tôi trao nhau. Cũng trên căn gác nhỏ, có cửa sổ nhìn ra bầu trời, có đàn én bay…mà Sâm thuê để đi học. Sâm vùi đầu trên tay tôi, thủ thỉ.. rồi hai ngày sau “ em phải về Mũi Né ” và “ anh đi, em không tiển ”…Lúc này tôi mới nhận ra, nỗi buồn lạ trong mắt Sâm.. “anh cầm vật này,nếu còn nhớ em thì hãy giữ”. Và…vật này là tấm hình của Sâm mà tôi thích nhất lộng vô khuôn màu đen, trên hình Sâm ghi “ trọn vẹn trao anh thủa ban đầu ”.
Một tháng sau Sâm lấy chồng, năm đó Sâm học Đệ Nhị [lớp 11], chồng là một kỹ sư Điện vừa ra trường, chân đi khập khểnh.
Tôi đau đớn trở về, mang hết kỷ vật của tình đầu: cây viết Parker màu đen, một tập vở chép những bài thơ tôi viết cho Sâm, cho mối tình đầu, khuôn hình “trọn vẹn trao anh thủa ban đầu”…ném xuống sông Mường Mán, chỗ ngày xưa tôi đứng cất cao lời thề..
Sau này, tôi cứ tiếc mãi tập vở chép kín những bài thơ tình yêu ban đầu.
Tôi ghi danh học hàm thụ từ lúc vào Sư Phạm QN, rồi dự thi và đậu Sư Phạm Trung Cấp
Năm học 1965- 1966 tôi được chuyển lên trường Trung Học Duy Tân, dạy môn Toán 1967 – 1969. Bị động viên K.25 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.+ trường hạ sĩ quan Đồng Đế.
1969 biệt phái về dạy trường cũ Duy Tân – 1975 Trung úy Bộ Binh + giáo sư Toán..
Sau 1975
Học tập cải tạo ở A.38
Đi vào Sài gòn
Sống bằng nhiều nghề
Bỏ viết từ 4/1975 đến 7/2012 [Ngỏ / Lời Tình Buồn ]
Thêm một chút về tình Yêu
Những mối tình:
Phan Thiết: Huyền Sâm, Kim Minh, Thúy Phượng
Phan Rang: Thi Phương, Nhị Em, Thúy Loan …một nữ giáo sư cùng trường
Nha Trang: Thi Ngọc
Qui Nhơn: Bích Sơn, Ngọc Bích
Sai Gon: Kim Hoa, Hoàng Thiêm ….
Vợ: Nguyễn thị Tùng Vân – ra trường Thủ Đức tôi được về đơn vị không tác chiến. Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, dịp này tôi gặp lại một người bạn, Vân – vợ tôi – là cháu gọi bằng Cậu của người bạn này.
Tôi yêu ai cũng có kỷ niệm, nước mắt.. cũng sâu nặng, say mê, hết lòng …nhưng “nặng” nhất có lẽ là mối tình đầu với Sâm và tình cuối với Vân, vợ tôi bây giờ.
Về Thơ
Đã in 4 tập
- Trong Mặt Trời Buồn – bìa Trịnh Cung, phụ bản nhạc Vũ Thành An, NXB Văn Học 1967
- Quê Hương Thơ Và Nước Mắt – bìa Thanh Hồ, phụ bản nhạc Hồ Đăng Kế NXB Mai 1968
- Cuộc Tình Người – bìa Nguyễn Tài, phụ bản Đinh Cường, Thanh Hồ, Phạm Kim Khải NXB Kỷ Nguyên 1969
- Lời Tinh Buồn – bìa Thanh Hồ, phụ bản Đinh Cường, Thân trọng Minh, Phan Ni Tấn, Phạm cao Hoàng…NXB Thanh niên 20012.
Có mặt trong Bộ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam [về Thơ]–Thư Ấn Quán, USA
Thơ phổ nhạc
Lời Tình Buồn – phổ nhạc: Vũ thành An – 1967 (nghe ở các mạng âm nhạc)
Năm Mới – phổ nhạc Phan Ni Tấn – 1970 (nghe ở ducavn.com )
Đêm Tạ Từ – phổ nhạc: Hồ Đăng Kế – 1968
Thôi Em Về – phổ nhạc: Bảo Chấn – 2012
Về Thôi Em Ơi – phổ nhạc: Nguyễn Phú Yên – 2012
Biển Tình Anh – phổ nhạc: Nguyển Phú Yên – 2012
Thơ sau 1975:
Thơ Viết Ngày Xa Em [vanchuongviet] Thơ Viết Trên Cầu Thạch Hãn [blog Pham cao Hoàng] Người Lính “Ngụy” già viếng Nghĩa Trang Trường Sơn [luanhoan.net], Vĩ Cầm, Ngày về Đà Lạt [quán văn]……
Về Văn
Trước 1975, Có truyện ngắn đăng ở Văn Học, Ý Thức.. sau 1975, đăng ở Quán Văn và các Mạng Văn Học.
Có truyện trong Văn Miền Nam – tập 1, Thư Ấn Quán, USA
Hiện cộng tác với tạp chí văn học Quán Văn, xuất bản tại Sài Gòn
Một chút về nội dung đã gởi trong thơ
- Tình yêu nam nữ: Lời tình buồn, Đêm tạ từ, Dấu tình chung, Tình yêu của tháp, Dự tưởng buổi sáng…
- Tình yêu gia đình: Hành lang vĩnh biệt, Thư cho con sắp chào đời [1], Năm mới, Ngày Ca Dao chào đời, Khi về Phan thiết để tang chị…
- Nổi bâng khuâng về thân phận, kiếp người: Lúc gởi đến, Kiếp người, Ngẫm mình, Ngưỡng cửa hư vô, Cuộc tôi, Đường hành hương…
- Và với chiến tranh: Mùa mưa ở Quân Trường, Việt Nam 1968, Đêm dưới chân Trường Sơn, Thơ viết trên cầu Thạch Hãn… [xin đọc những bài này và [1] ở sangtao.org vì những bài viết về nội dung này không cho in trong Lời Tình Buồn].
CTNM phát hiện U gan vào tháng 5/2012
Hiện vẫn “trụ” được. Thơ viết ở phòng MRI, viết tiếp ở phòng MRI, bài cuối viết ở phòng MRI…đang thượng đài đấu với Tử Thần [vanchuongviet, Quán Văn…]
Chỉ mong viết xong những điều cần viết, dù ngã đài cũng …vui.
Đó là những hoàn cảnh, những thành tố tác động lên cuộc đời tôi để có cái tên CTNM.
Tôi xin gởi những dòng trên cho bạn rất thân của tôi, và bạn chưa thân, nhưng nơi lòng tôi rất quí trọng và nghĩ sẽ thân.
Bài này, xin không phổ biến đến khi tôi không còn trên cõi đời này.
Saigon 12/4/2013
Chu Trầm Nguyên Minh
Nguồn: Đặng Châu Long gửi
Chép lại từ sangtao.org

TIN VĂN TỪ LUANHOAN.NET:
Tin Bun


Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh.
tên thật Phạm Minh Tâm
sinh năm tại 1943 tại Bình Thuận (Phan Thiết)
vừa qua đời lúc 14 giờ 30 ngày 19-02-2014 (thọ 71 tuổi)
sau thời gian ngắn điều trị bệnh ung thư.
Nghi thức tẩm liệm lúc 21 giờ 00 ngày 20 tháng giêng
năm Giáp Ngọ.
Linh cửu quàn tại nhà riêng số 44/3 đường số 5 Bình Thới,
Lãnh Bình Thăng, Phường 3 quận 11 Sài gòn.
Lễ động quan lúc 5 giờ  ngày chủ nhật, 23-02-2014.

cùng xúc động báo tin đến bạn văn bốn phương.
Thành thật chia buồn cùng gia đình nhà thơ.
Thương tiếc tiễn đưa bạn hiền lên đường nhẹ nhàng.

Vĩnh Thọ, Nguyên Minh, Trương Văn Dân, Elena, Lữ Kiều,Đinh Cường, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Hoài Thư, Đặng Châu Long,Lữ Quỳnh, Phạm Cao Hoàng, Luân Hoán, Hân, Phạm Văn Nhàn, Ngô Nguyên Nghiễm, Đặng Lệ Khanh, Từ Hoài Tấn, Thị Kim,Trần Thiện Hiệp, Thành Tôn, Chinh Văn, Nguyễn Phú Yên, Khuất Đẩu, Kinh Dương Vương

Thơ ĐINH CƯỜNG Khi nhận @ Lữ Quỳnh fw tin buồn (Tưởng nhớ Chu Trầm Nguyên Minh)

 




cái tôi một sớm điêu tàn
chân dò bước ngã, ngày vàng bay cao
( Chu Trầm Nguyên Minh )
Trời làm tuyết đọng vun cao
rồi nay trời nắng tan mau bớt rồi
vòng quanh trong xóm về ngồi
mở computer thấy tin buồn ...ai đây
Lữ Quỳnh ơi mau vậy thay
hình kia mới chụp tháng 12 vừa rồi
Chu Trầm Nguyên Minh còn cạnh ngồi
mà hôm nay đã về trời rồi sao
hay về ngủ ngọn me cao [1]
người thi sĩ ấy dạt dào tình yêu
bạn bè một thuở còn nhiêu?
cho tôi gởi với tiếng chiều tụng kinh .
Virginia, Feb.19, 2014
Đinh Cường
[1] tôi về ngủ ngọn me cao
nghe mưa rơi đã như sầu kín bưng
( Đêm mưa ở Tân Định , Chu Trầm Nguyên Minh -
Cuộc Tình Người - Kỷ Nguyên xb 1969 )


 
- Bià tập thơ Cuộc Tình Người , Kỷ Nguyên  1969



- Phụ bản vẽ cho  Cuộc Tình Người khi gặp CTNM trong quân trường Thủ Đức 1968 



- Chữ ký tặng CTNM 12- 2013
- Nguyên Minh- Đỗ Hồng Ngọc- Đinh Cường- Thân Trọng Minh- Chu Trầm Nguyên Minh - Elena- Lữ Quỳnh ( Quán Văn 12- 2013 )

Chép lại từ Blog : http://phamcaohoang.blogspot.com/


Lời tình buồn



Nhạc: Vũ Thành An; Tiếng hát: Khánh Ly




anh đi rồi còn ai vuốt tóc
lời tình thơm sách vở học trò
đêm xuống rồi em buồn không hở?
trời sa mù tầm tay với âu lo

anh đi rồi còn ai đưa đón
áo em bay khuất mất thiên đường
tuổi hai mươi trong vòng tay chờ đợi
ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương

anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng
cổ em cao tay mười ngón thiên thần
tóc em xanh trùng dương sóng lượn
anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng

anh đi rồi còn ai tình tự
đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ
phúc yêu em dấu lần quá khứ
nụ hôn đầu rụng xuống hư vô


Chu Trầm Nguyên Minh
1967

Nghe bài hát :
http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/loi-tinh-buon-vu-thanh-an-khanh-ly.fpSvY2bYT6.html
Khánh Ly hát

http://www.youtube.com/watch?v=I4aW2jBsVmE#t=72
Ngọc Lan hát


MỘT VÀI KỶ NIỆM BẰNG HÌNH ẢNH VỚI CHU TRẦM NGUYÊN MINH:

- Ra mắt Quán Văn 7 tại Văn phòng anh Trương Thìn (Chủ nhật 19/8/2012)
:
Hoàng Vũ Thuật - Lê Thánh Thư - Chu Trầm Nguyên Minh - Từ Hoài Tấn


- Những hình ảnh chụp tại cafe 64 TQT tháng 11 năm 2012:

Chu Trầm Nguyên Minh - Từ Hoài Tấn
Chu Trầm Nguyên Minh - Viêm Tịnh
 

Đứng : Nguyễn Vân Thiên - Từ Hoài Tấn - Nguyệt Mai / Ngồi : Nguyễn Miên Thảo - Chu Trầm Nguyên Minh - Viêm Tịnh  - Phù Hư

Chu Trầm Nguyên Minh - Nguyệt Mai

Trần Áng Sơn - Chu Trầm Nguyên MInh - Phan Kim Thịnh - Viêm Tịnh
 
Từ Hoài Tấn - Ngọc Quý - Nguyệt Mai (đứng) Chu Trầm Nguyên Minh - Viêm Tịnh - Phú Hư

ThÁNG 9 - 2013 - CAFE lUẬT - Ra mắt tập san Quán Văn







Không có nhận xét nào: