Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

NGUYÊN MINH viết về CHU TRẦM NGUYÊN MINH


Từ thập niên 1960 anh em trong giới cầm bút vẫn thường nhầm lẫn cứ tưởng Nguyên Minh và Chu Trầm Nguyên Minh là một người.
Đến bây giờ, cùng ngồi chung một chiếu trong tập san văn học nghệ thuật Quán Văn có người vẫn nhầm lẩn. Trong buổi họp mặt ở nhà bác sĩ Nguyễn Chí Thiện ở Pháp, gặp tôi nhà văn Chinh Ba ôm lấy và khen bài thơ tôi viết về sông Seine đăng trên mạng Việt Văn Mới của Từ Vũ hay lắm. Biết là anh nhầm. Tôi cười và nói: Cả đời tôi không biết làm thơ.
Quay sang người đứng bên cạnh, tôi cầm tay anh ta và giới thiệu với mọi người: “Đây mới chính là nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh”.
Tháng 5 năm 2014 anh em chúng tôi gồm Nguyên Minh, Chu Trầm Nguyên Minh, vợ chồng Cao Quảng Văn, Trường Văn Dân và Elena cùng sang Pháp và suốt thời gian 30 ngày cùng ở chung nhà bác sĩ Nguyễn Chí Thiện. Để tránh gọi nhầm tên mọi người gọi anh Chu Trầm Nguyên Minh là Chu Trầm mà thôi.
Trước khi qua Pháp, Lữ Kiều đã cho tôi biết về bệnh tình của anh: Ung thư ở  thời kỳ thứ 3 không biết anh đi theo tôi có phải là một gánh nặng. Anh hỏi ý kiến của bác sĩ đang điều trị cho anh. Mang đầy đủ thuốc theo và không nên ở Pháp quá 30 ngày.
Tưởng anh sẽ là gánh nặng cho tôi. Ai ngờ, ngược lại tôi là gánh nặng với anh. Tôi bị gục ngã bởi những cơn sốt liên miên. Anh luôn luôn ở bên cạnh, ân cần chăm sóc.
Về lại Sài Gòn nhờ có vợ ra sức chăm chút bồi dưỡng chồng và Lữ Kiều (bác sĩ Thân Trọng Minh) chữa trị bệnh tình của tôi mới chóng khỏi.
Chúng tôi tiếp tục làm Quán Văn số đặc biệt về sông Seine.
Sau đó là số về dòng Mường Mán, tôi nhờ anh kết hợp với anh em cầm bút trong và ngoài nước gởi bài vở về. Anh như cánh tay mặt của tôi. Số ra mắt tại Sài Gòn anh không đến tham dự vì cơn bệnh đang dày vò. Như đã dự định từ trước theo ý anh Quán Văn tổ chức buổi giao lưu tại Phan Thiết và một độc giả (dấu tên) qua Chu Trầm Nguyên Minh đặt mua 100 cuốn Quán Văn nhờ chuyển về làm quà tặng các thư viện và giới cầm bút ở Phan Thiết. Buổi họp mặt thân mật với anh em văn nghệ Phan Thiết lại vắng mặt anh.
Cơn bệnh đã đến hồi nguy ngập. Vào nhà thương rồi trở về nhà, tôi cùng vợ chồng Trương Văn Dân – Elena và Hoàng Kim Oanh kéo nhau đến thăm hỏi và động viên. Hẹn nhau cùng làm báo Quán Văn đến số 100.
Anh đến với Quán Văn như một cái duyên tiền định. Như ngày xưa anh đến với Ý Thức thời ronéo ở Phan Rang. Cả anh và tôi cùng học một trường Sư Phạm Qui Nhơn năm đầu tiên nhưng chúng tôi không quen biết nhau. Đến khi cả hai chúng tôi về cùng một thị xã nhỏ là Phan Rang, và tôi cùng một số anh em trong nhóm Gió Mai ở Huế làm nên tạp chí Ý Thức anh đến với bút hiệu Chu Trầm Nguyên Minh. Bấy giờ tôi mới biết Phạm Minh Tâm thường ngày tôi gặp nơi trường học là Chu Trầm Nguyên Minh, và ngược lại anh cũng ngạc nhiên Nguyễn Chí Minh là Nguyên Minh. Khi tôi mang tờ Ý Thức vào Sài Gòn để tiếp tục, với một hình thức khác, bề thế hơn, in typô rồi đến offset, phát hành rộng rãi trên toàn miền Nam, Chu Trầm Nguyên Minh vẫn gởi thơ, văn cộng tác.
   
Sau năm 1975, Ý Thức không còn. Chúng tôi cũng mất liên lạc. Bỗng dưng một buổi sáng đẹp trời, sau 35 năm chúng tôi mới gặp lại nhau, dù cả hai ở cùng một thành phố: Sài Gòn. Trong thời gian dài đăng đẳng đó Chu Trầm Nguyên Minh đã ngừng bút sống một đời thường xa lìa hẳn thế giới văn chương. Biết tôi cũng như anh, sau 25 năm tôi mới trở lại văn đàn và đang làm tập san văn học Quán Văn, qua đó anh bắt gặp những khuôn mặt bạn bè cũ. Tôi động viên anh. Tôi chuyền lửa qua anh. Ban đầu tôi tập họp những bài thơ của anh đăng trên Ý Thức, Văn, Bách Khoa, Văn Học ngày xưa liên kết với nhà xuất bản Thanh Niên ra tập thơ Cuộc tình người. Những lần ra mắt Quán Văn anh em trong giới cầm bút gặp lại Chu Trầm Nguyên Minh với lòng ưu ái. Có người hát lại bản nhạc Lời Tình Buồn thơ của Chu Trầm Nguyên Minh do Vũ Thành An phổ. Bản nhạc này nổi tiếng từ trước 1975 qua giọng ca truyền cảm của Khánh Ly, Tuấn Ngọc, thế mà mãi đến bây giờ anh mới biết, cũng như qua bạn bè cho anh biết nhạc sĩ du ca Phan Ni Tấn phổ bài thơ Năm Mới.
    
Đến với Quán Văn anh như sống lại, dù tuổi đã cao, dù cơn bệnh đang rập rình chờ chụp nhận chìm lấy anh, anh làm thơ mới, anh viết tản văn, truyện ngắn, truyện dài với tất cả tấm lòng. Chị Tùng Vân, vợ anh cảm nhận sự thay đổi hẳn đời sống của chồng mình, trở lại một thời tưởng như đã mất hẳn, chị nói với tôi, chị cám ơn văn chương đã làm anh trẻ lại. Anh yêu đời hơn.
Những lần hai chúng tôi gần bên nhau, tâm sự cùng nhau chuyện đời chuyện văn chương. Tôi kể cho anh nghe những truyện tôi đã ấp ủ trong lòng từ bao nhiêu năm,  từ cuộc đời chúng tôi đã chứng kiến. Chu Trầm Nguyên Minh thúc đẩy tôi phải viết ra. Tôi gật đầu, nhưng chưa đến lúc. Còn anh, như tranh thủ thời gian còn lại trên cõi đời anh vội vàng tuôn ra những vần thơ, những con chữ, truyện ngắn, truyện dài, gởi bản thảo qua email cho tôi gìn giữ như một lời gởi gắm.
Tôi đang chuẩn bị gom góp những bài văn của Chu Trầm Nguyên Minh đăng trên tập san Quán Văn cùng những bài anh em bạn bè viết về  Chu Trầm Nguyên Minh như một quà tặng trong những ngày anh nằm trong bệnh viện, chống chọi với cơn đau, như một liều thuốc an thần.
Sách chuẩn bị in ra, mà Chu Trầm Nguyên Minh không hay biết, vì tôi muốn dành một đặc biệt tình cảm anh em trong giới cầm bút còn lại ở Việt Nam đối với nhau. Chân thành. Thắm thiết. Ý nguyện của tôi chưa thực hiện xong thì anh đã vội… qua đời!
Những ngày Tết năm nay tôi bị sốt chưa ra khỏi nhà, lòng thấy nao nao khó chịu, gọi điện thoại nhờ Đoàn Văn Khánh chở đến bệnh viện Triều An để thăm Chu Trầm Nguyên Minh. Đến nơi mới biết bệnh viện đã chê, cho về nhà rồi. Trên đường về nhà Chu Trầm Nguyên Minh thì Trương Văn Dân báo tin anh đã chết lúc 2 giờ 30.
Vừa bước vào nhà anh, tôi không cầm được nước mắt, khóc òa bên xác anh đang phủ vải liệm. Chị Tùng Vân giao cho tôi một món quà của Chu Trầm Nguyên Minh gởi tặng Nguyên Minh. Anh nhờ một người bạn đến thăm viết thư pháp mấy câu thơ của Chu Trầm Nguyên Minh tặng Nguyên Minh:
Lúc buồn nước mắt dễ rơi
Lúc vui cũng cụng tung trời xé mây
Cụng rồi cụng nữa không say
Nhưng cụng chữ nghĩa lăn quay say mèm.
Tôi đưa tay gỡ tấm vải liệm, nhìn khuôn mặt người bạn văn chí cốt, miệng lẩm bẩm:
- Hãy phù hộ cho Nguyên Minh làm Tập san văn học Quán Văn đúng số 100 rồi hai thằng mình sẽ gặp nhau nơi chín suối.
Tập sách QUÁN VĂN & CHU TRẦM NGUYÊN MINH gồm những bài thơ, văn của anh em trong nhóm và bằng hữu viết về Chu Trầm Nguyên Minh cùng những bài thơ văn của Chu Trầm Nguyên Minh viết đăng trên Tập san Quán Văn mà thôi. Tôi xin tặng chị Tùng Vân đặt trên bàn thờ của anh. Tôi muốn nói với các cháu con anh như thế này: Trước khi chết ông Phạm Minh Tâm để lại gia tài vật chất cho các con. Trước khi chết nhà thơ, nhà văn Chu Trầm Nguyên Minh để lại cho đời những tác phẩm văn chương.
Vĩnh biệt nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh.
Vĩnh biệt nhà văn Chu Trầm Nguyên Minh.

Nguyên Minh
            Sài Gòn 21/02/2014
http://phamcaohoang.blogspot.com/

Không có nhận xét nào: