SGTT.VN - Văn giới những ngày cuối năm Thìn bỗng dưng
ồn ào xoay quanh giải thưởng của hội Nhà văn Việt Nam 2012. Có hai nhà
văn được trao bằng khen trong đợt này chối từ việc nhận vì cho rằng đây
là giải thưởng thiếu khách quan và thuyết phục.
Nhà văn Trần Thị NgH.
|
Từ ngữ thời thượng “lợi ích nhóm” được dùng trong lời
qua tiếng lại khiến cho sự việc thêm phần nghiêm trọng đối với một giải
thưởng bấy lâu được coi chính thống, nhưng sức tác động đến đời sống thị
trường xuất bản và những đóng góp thuộc về giá trị văn học yếu đến mức
khó nhận biết.
Thế nhưng, đây không phải lần đầu có những vụ lùm xùm
hậu giải thưởng hội Nhà văn. Điều này cho thấy, hình như với nhiều nhà
văn có dính líu đến đời sống tổ chức văn chương được cho là của “hội
nghề nghiệp”, đây vẫn là thước đo, bảo chứng giá trị nào đó đáng để bận
tâm. Nghĩa là còn nhiều người viết đặt kỳ vọng và niềm tin vào sự công
bằng trong thẩm định của một ban giám khảo cùng hội cùng thuyền (bởi nếu
không có kỳ vọng sẽ không có thất vọng, không từng trao gửi niềm tin
thì làm sao có cảm giác suy sụp?)
Sự việc kêu ca về giải thưởng hội Nhà văn 2012 sẽ ồn ào
trên báo chí được vài hôm, rồi đâu lại vào đó như bao lần. Nhất là
trong bối cảnh đời sống có quá nhiều điều để bận tâm. Nếu những cuộc
tranh luận không xuất phát từ trung tâm của nó, đó là giá trị những tác
phẩm đủ sức tạo ra những thách đố đa chiều trong tiếp nhận phê bình, mà
chỉ dừng ở tính bề mặt, ngoại vi thuộc về bộ cánh và vị trí của các tác
giả thì đó chỉ là một sự kiện truyền thông nhất thời chóng vánh.
Ở một nơi khác, lặng lẽ và ấm cúng bên ngoài những ồn
ào về giải thưởng hội Nhà văn 2012, một sự kiện về sách có sức lay động
thực sự cho những độc giả có quan tâm đến đời sống văn học: sự trở lại
của nhà văn Trần Thị NgH – cây bút nữ từng là hiện tượng văn học thập
niên 70 thế kỷ trước tại miền Nam – với ba cuốn: Lạc đạn, Nhà có cửa
khoá trái và Nhăn rúm (Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn liên kết
xuất bản).
Trong buổi ra mắt sách có chủ đề Trở về mái nhà xưa
(19.1 tại Phương Nam Ebook Vincom, Q.1, TP.HCM) “cây bút nữ ngỗ nghịch”
một thời không giấu được sự ngạc nhiên thú vị khi có người đọc trẻ hôm
nay sưu tập được những ấn bản tuyển tập truyện ngắn cũ có tác phẩm Trần
Thị NgH, tìm đến bà để xin thủ bút. Nhiều người khác lại quan tâm đến
đời sống, công việc và sáng tác của bà sau năm 1975. Rồi sau những
chuyện kể thăng trầm đời sống của người viết, người đọc gặp lại những
truyện ngắn mình yêu thích, gặp sự độc lập, tinh thần sáng tạo quyết
liệt ở những sáng tác sau năm 1975 ở nhà văn này.
Sinh năm 1948, là một trong năm cây bút nữ gây chú ý
trên văn đàn Sài Gòn thập cuối 1960 đầu 1970, bà được biết đến với nhiều
truyện ngắn đột phá, đậm dấu ấn phong cách riêng. Hầu hết tác phẩm của
bà xuất hiện trên báo chí và các tuyển tập văn học lớn, uy tín của miền
Nam thời bấy giờ. Tập truyện ngắn riêng Những ngày rất thong thả của bà
chưa kịp in. Sau năm 1975, Trần Thị NgH sống ở hai nơi, Sài Gòn và
Paris, làm nhiều nghề, sáng tác đa dạng trên nhiều lĩnh vực: viết văn,
vẽ, làm nhạc...
Sự trở lại với bạn đọc trong nước sau gần 40 năm của
Trần Thị NgH với ba đầu sách này, theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – người sống
cùng thời với nhà văn chia sẻ cùng phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị sau buổi
ra mắt sách, cho thấy những tác phẩm có giá trị văn chương thực sự luôn
đủ sức vượt thời gian và những biến cố xã hội. Mà không cần đến giải
thưởng nào.
Nguyễn Vinh
http://sgtt.vn/Van-hoa/174533/Dieu-gi-con-lai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét