THỊ HẾN
.
Hiện nay, nơi xã hội Việt Nam, đang có nhiều người râm ran luận bàn
về chuyện ai có thể được gọi là nhà văn, nhà thơ. Có người còn đề quyết,
khi được Hội nhà văn VN thừa nhận và kết nạp, mới được gọi là nhà văn,
nhà thơ
Cái chuyện cũ mèm, nhàm chán, không liên quan gì tới chuyện đói no
cơm áo gạo tiền thiết thực hằng ngày, hòa bình hay chiến tranh, sống hay
chết sẽ xuất hiện nơi biên giới đất nước, nhất là phía biển Đông hoặc
tham nhũng, lạm phát, vật giá leo thang không dừng do năng lực sản xuất
quốc gia yếu kéo, tình trạng các nhóm lợi ích câu kết nhau hoành hành
đời sống của nhân dân cả nước, di hại dài lâu tới các thế hệ mai sau sẽ
tăng hay giảm trong năm mới này cùng vài ba năm nữa…Nhưng nghe mãi, cũng
ngạc nhiên, cũng tò mò, đành nhín ít thời gian tìm hiểu diện mạo vấn đề
xem sao.
1-Điều 2, Khoản 1 Điều lệ Hội nhà văn VN
chép như sau: “Hội Nhà văn Việt Nam (gọi tắt là Hội) là tổ chức chính
trị-xã hội-nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam (bao gồm những
người sáng tác: thơ, văn xuôi, kịch bản, lý luận phê bình, dịch thuật
văn học) lấy hoạt động văn học là nghề nghiệp của mình”
Rõ ràng, dựa vào Điều 2, Khoản 1 nói trên, trước khi được xét kết
nạp, anh A, chị B nào đó đã là nhà văn, nhà thơ trong con mắt nhìn nhận
của cộng đồng xã hội từ trước đó, và tất nhiên không thể không căn cứ
vào những sáng tác phẩm văn thơ anh A hay chị B đã từng “trình làng,
trình xóm” từ trước đó.
Nghĩa là, trước khi anh A hay chị B được kết nạp, thì đã trở thành
“thầy” rồi, đã trở thành “nhà văn, nhà thơ” rồi, là “miếng kim loại đã
được cộng đồng thừa nhận là vàng 18 hay 24 kara ” rồi, không cứ phải chờ
đến khi xuất hiện sự kiện ra quyết định hành chính nội bộ của BCH hội
nhà văn VN, có nội dung kết nạp vào một “binh chủng văn học” nào đó của
Hội, mới chính thức, mới “nhảy vọt đeo lon” trở thành nhà văn, nhà thơ.
Do vậy, đề quyết rằng, khi được Hội nhà văn VN thừa nhận và kết nạp,
mới được gọi là nhà văn, nhà thơ là hoàn toàn sai. Mà đúng ra, chỉ nên
nói, một đương đơn “đang là nhà văn, nhà thơ” nào đó vừa được kết nạp,
sau khi đã “lọt” qua được khâu thẩm định về tài năng sáng tác thơ văn
của bộ phận chuyên môn do BCH Hội nhà văn phân nhiệm, rồi “lọt” qua tiếp
khâu thẩm định này lần nữa tại chính ngay Hội nghị BCH Hội nhà văn VN,
thì một đương đơn “đang là nhà văn, nhà thơ” nào đó cũng vẫn lại là …
“một nhà văn, nhà thơ” như từng là như vậy từ trước, duy có điều này
được thêm và khác hơn so với trước: Đó là anh không còn là một nhà văn,
nhà thơ “ vô tổ chức chính trị” nữa, mà từ đây trở đi đã là một nhà văn,
nhà thơ “hội viên” của một “tổ chức chính trị – xã hội” được thực thi
bằng “nghiệp vụ” văn thơ, hoạt động “… dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam; … theo đường lối văn hoá văn nghệ (VHVN) của Đảng (Khoản
3, điều 2), cụ thể là theo sự lãnh đạo, theo đường lối của cái BCH vừa
ra quyết định kết nạp anh, thể theo ý chí tự nguyện gia nhập của anh
trong tư cách danh hiệu một nhà văn, nhà thơ “cơ hữu” từ trước, theo
đúng tiêu chí thu tuyển chung từ Điều lệ Hội.
2-Đến đây, sự mắc mứu, nhập nhằng hình như vẫn chưa tháo gỡ xong.
Nhiều người cho rằng, đấy đấy, chính cái lúc những tác phẩm văn thơ điển
hình nhất của anh A, chị B được hai cấp thẩm định chuyên môn tụ hội lại
xem xét, đánh giá, xem chúng “có giá trị văn học” hay không ( Điều 9)
để có thể quyết định kết nạp hay thải nạp, thì cũng là lúc “tập thể cộng
đồng xã hội”, thông qua sự “mặc khải” cho những vị có sứ mạng thẩm định
nói trên, chính thức bày tỏ cụ thể rõ ràng ý kiến tiềm tàng bàng bạc
lâu nay của mình, rằng anh hay chị, thật ra, đã xứng gọi là một nhà văn,
nhà thơ hay chưa; và như vậy, những ai sau đó được đồng ý kết nạp, thì
đương nhiên họ “chính là” những nhà văn, nhà thơ và ngược lại: anh A hay
chị B chỉ là những người không phải, hay từng bị “nhận lầm” là nhà văn,
nhà thơ từ trước đó mà thôi.
Ngẫm ra, lập luận như vậy, vẫn chưa giải quyết rõ rệt, rốt ráo vấn đề
ai có thể được gọi là một nhà văn, nhà thơ; có phải khi được Hội nhà
văn VN thừa nhận và kết nạp, mới được gọi là nhà văn, nhà thơ hay không.
Vì rằng, không có gì chứng minh được những vị từng nằm, đang nằm (hay
sẽ nằm) trong hai cấp thẩm định, đánh giá nói trên, do BCH Hội nhà văn
VN phân nhiệm, là những người có năng lực tư cách đại diện toàn bị, bao
quát cho sự thẩm định của cả một cộng đồng xã hội đầy tính lập phương
rộng rãi đương thời (hay hậu thế); chẳng những vậy, đôi khi trong các vị
này có người hay nhiều người lại còn chưa hẳn đang là một nhà văn, nhà
thơ theo chuẩn tối thiểu của cộng đồng xã hội đương thời (hay hậu thế)
nữa, nếu cần “trưng cầu” xem xét lại họ. Do vậy, các vị này chỉ có thể
đại diện cho sự thẩm định riêng của chính mình, tương ứng với trình độ
văn học đang có nơi mình; giỏi lắm là còn đại diện thêm được cho quan
điểm thẩm định từ cấp trên của họ, những người đang lãnh đạo cùng định
ra một đường lối VHVN như thế nào đó mà họ có trách nhiệm điều lệ phải
tuân theo. Và rồi, giả thiết những vị trong các khâu thẩm định, đánh giá
kia đúng là những nhà văn, nhà thơ tài ba đồng đều cả, từng được cộng
đồng xã hội hiện thực say sưa thừa nhận là đỉnh cao đại diện toàn bị cho
mình trong lĩnh vực văn học, thì sự thẩm định, đánh giá, kết luận thừa
nhận, tái nhận, cùng nhận của các quý vị này cũng luôn phải xảy ra sau
khi một writer ứng viên nào đó đã thành nhà văn, nhà thơ giữa cộng đồng
xã hội trước rồi, từ những sáng tác phẩm được ra đời, được ấn hành, phổ
biến từ trước rồi. Có như thế, điều lệ Hội nhà văn VN mới có thể ghi
mình là tổ chức của các “nhà văn Việt Nam”, bằng không, thì đã ghi là tổ
chức có thẩm quyền, chức năng “tấn phong danh hiệu nhà văn” cho những
người cần thiết và có nguyện vọng, sau khi đương sự có đơn xin gia nhập,
và, trong thực tế, rõ ràng, điều này cũng đâu căn bản tồn tại, vận hành
như thế .
Thành ra, đối với Hội nhà văn VN hiện nay, một ứng viên nào đó đã,
đang, hay sẽ bị thải nhập, vừa có thể là một người không, hay chưa đủ
tài năng văn học tối thiểu chung, vào thời điểm bị thải nhập nào đó. Vừa
có thể đang là một tài năng văn học nhưng không “ứng hợp” với trình độ
văn học “lùn” của một hay nhiều vị đang gác cổng thẩm định. Lại vừa có
khi đang là một người chưa hay không có những quan điểm chính trị về
VHVN “ứng hợp” với đường lối VHVN đã và đang được định ra bởi tổ chức
chính trị cấp trên của Hội nhà văn VN hiện nay. Và, đồng thời, một ứng
viên nào đó đã, vừa hay sẽ được kết nạp vào Hội nhà văn VN, có thể đang
là những tài năng văn học đích thực, vượt trội hơn so với những vị có
chức năng, sứ mạng thẩm định, đánh giá tài năng của họ. Lại vừa có thể
nhờ “ứng hợp” với ngưỡng trình độ “ lùn” trong hiện thời của một hay
nhiều vị vừa giữ vai trò thẩm định, đánh giá họ. Nhưng dù ra sao, thì
cũng đều là những người cầm bút được đánh giá phù hợp với đường lối VHVN
của tổ chức chính trị cấp trên của Hội nhà văn VN, có ý chí, nguyện
vọng mang tài năng văn học của mình đứng bên dưới ngọn cờ lãnh đạo về
VHVN của tổ chức chính trị cấp trên của Hội nhà văn VN mà đại diện là
những nhân sự lãnh đạo nằm trong BCH của cái Hội chính trị-xã hội-nghề
nghiệp mà họ đã, vừa hay sẽ xin vô.
Thành ra, nơi xã hội VN hiện nay, tuy vẫn là những writer như trong
ngôn ngữ của người Anh, người Mỹ khi chỉ về những người chuyên sáng tác
văn thơ nói chung, nhưng lại có những nhà văn, nhà thơ chưa, không muốn,
không được hay đã thôi là hội viên Hội nhà văn VN, tức là những wirte
đang nằm bên ngoài Hội nhà văn VN, nhưng vẫn có thể đang nằm trong một
Hội VHNT cấp hạ tầng cơ sở, thuộc về tỉnh hay huyện nào đó trong nước;
song song đó, lại có những nhà văn, nhà thơ đã và còn đang là hội viên
của Hội nhà văn VN, có trách nhiệm điều lệ, bằng ngòi bút của mình thực
hiện đường lối chính trị về VHVN dưới ngọn cờ lãnh đạo từ cấp trên của
tổ chức Hội nhà văn VN, được đại diện bởi các lãnh đạo nằm trong BCH Hội
nhà văn VN; và cuối cùng, lại có những writer tự ‘nhầm lẫn”, hay từng
“được” cộng đồng xã hội nói chung “nhầm lẫn” là nhà văn, nhà thơ vì
nhiều lý do khác nhau, trong đó có chuyện bị mắc bệnh tự kỷ ám thị thể
hoang tưởng mình đang là nhân tài hay thiên tài văn học, được/ bị PR quá
to, to hơn rất nhiều những gì từng có nơi tài năng, nơi tác phẩm đã
xuất bản của họ…
Tóm lại, đang là hội viên Hội nhà văn VN, cũng có thể là một nhà văn,
nhà thơ đúng chuẩn, như miếng kim loại màu vàng nào đó có đủ 24 kara
hoặc 18 kara chất vàng bên trong, nhưng cũng có thể không phải là một
nhà văn nhà thơ đúng chuẩn, như miếng kim loại màu vàng nào đó chỉ có 14
kara, 12 kara chất vàng, hoặc đôi khi chỉ là một miếng kim loại được
phủ lớp màu vàng hóa chất nhân tạo; và ngược lại, vẫn có những writer
chưa, không muốn, không được, hay đã thôi là hội viên Hội nhà văn VN,
nhưng vẫn là một nhà văn, nhà thơ đúng chuẩn, như miếng kim loại màu
vàng nào đó có đủ 24 kara hoặc 18 kara chất vàng bên trong, nhưng cũng
có thể đang không phải là một nhà văn, nhà thơ đúng chuẩn, như miếng kim
loại màu vàng nào đó chỉ có 14 kara,12 kara chất vàng, hoặc đôi khi chỉ
là một miếng kim loại được phủ lớp màu vàng hóa chất nhân tạo.
Như vậy, danh hiệu nhà văn, nhà thơ, trước tiên, là một dạng tên gọi,
giống như các khái niệm “nhà nông”, “nhà buôn”, “nhà binh”, …mà ngôn
ngữ cuộc sống thường dùng chỉ một writer từng đạt tới mức giỏi giang
tương đối nào đó, với một xu hướng, tính chất sáng tác như thế nào đó,
chứ không phải là một “ ngạch trật, phẩm hàm nhà quan” mà một định chế
xã hội quyền lực bất kỳ nào đó có thể tấn phong, và nếu thực sự có ai đó
có ý tấn phong thì chỉ có giá trị tiêu xài thuần túy nội bộ đối với họ.
Kế đến, nơi danh hiệu nhà văn, nhà thơ dành cho một người nào đó,
luôn tương ứng với một trình độ “ tuổi vàng tài năng sáng tác” nhất định
được xác định, nhìn nhận từ một tầm mặt bằng không gian VHNT, một tầm
lớp mặt bằng không gian VHNT nhất định và luôn được giao kết, chuyển vần
thành tầm cao nơi từng thời kỳ mặt bằng VHNT nhất định, thường do những
thăng trầm giao thoa, chuyển động từ các dòng quá khứ tổng hợp nơi cộng
đồng lưu tồn, tiếp biến định đặt, trừ những thiên tài có giá trị văn
học siêu không gian và thời gian.
Do vậy và vì vậy, nền tảng căn bản đời đời quyết định một người nào
đó có phải là nhà văn, nhà thơ hay không, chính là những sáng tác phẩm
của họ, nơi tập trung cao nhất phẩm chất cùng trình độ phẩm chất nhà
văn, nhà thơ của họ, và tất nhiên cũng phải bị sàng lọc, xếp loại, xếp
loại lại mãi theo “dòng thời gian cuộc đời” luôn trôi chảy, vốn có chung
một “lòng người” mãi hiện diện bất tận ở bên trong. Và, rõ ràng, giữa
một “sat-na” không gian, thời gian nơi thực thể dòng đời đang trôi chảy
trong sự giao nhau liên tục đó, ai có những sáng tác phẩm gây được sự
xôn xao quyến rũ, hấp dẫn say mê cùng uốn nắn, lôi kéo, nâng đỡ được tâm
tư, tình cảm buồn vui nơi người đọc, hướng dần họ về phía “muôn thưở
nơi lòng người” nói trên, chấp nhận có nhiều trình độ phẩm chất cao thấp
tương đối khác nhau, thì có thể đáng gọi là những nhà văn, nhà thơ, dù
chỉ là của một lúc, một khu vực bộ phận giữa mênh mông các khu vực cùng
các nền văn học nơi thế gian này. Bằng không, chỉ là một miếng kim loại
có màu vàng hóa chất nhân tạo mà thôi, và nếu có giá trị gì đó, chỉ là
để đeo tòn ten chơi trên người, giả làm kẻ giàu có, sang trọng, chứ
không thể ký gửi được vào ngân hàng vàng thật của lòng đời, lòng người
có thể trong ấy đang lưu giữ có cả những miếng vàng chưa đủ 24 kara…
Thiết nghĩ, trừ những nhân vật thời trung cổ từ đâu đó nhảy ra tự
xưng mình là vua, là chúa, là thần, là thánh, rồi dùng bạo lực tâm lý
hay vật lý bắt thiên hạ xung quanh phải thần phục, tôn xưng mình là
chúa, là vua, là thần, là thánh như lòng đang khao khát muốn, thì hiện
nay, với vấn đề danh hiệu nơi xã hội, luôn do người đối diện, tức người
khác “định danh” cho mình, khi đã nhận ra đủ những phẩm chất cấu tạo căn
bản đích thực tương ứng đang có nơi mình, căn cứ vào những sản phẩm
tương ứng đã từng làm ra, đã từng hiển lộ giữa cuộc đời. Và trong vấn đề
danh hiệu nhà văn, nhà thơ cũng vậy. Khi anh A, chị B đã có những sáng
tác phẩm khiến anh hay chị không thể không bị/ được thiên hạ định danh
là những nhà văn, nhà thơ, thì đương nhiên anh A hay chị B đã, đang là
một nhà văn, nhà thơ. Mà một khi đã được cộng đồng xã hội “định danh” là
nhà văn, nhà thơ rồi, thì còn đòi hỏi, còn muốn mọi người thừa nhận,
tôn vinh hay luôn muốn tự giới thiệu, tự xưng danh mình là một nhà thơ,
nhà văn làm gì? Có thừa thãi không? Có nhăn nhố không? Và có phải, trong
trường hợp này, ngay khi anh A, chị B đang khát khao mong muốn được gọi
là nhà văn, nhà thơ, cũng chính là lúc đang gián tiếp thừa nhận rằng
mình chưa từng có tác phẩm văn học nào có thể giúp mình được gọi tên,
hay được định danh hiệu là một nhà văn, nhà thơ, dù đã xuất bản, biếu
tặng đi tứ tung rất nhiều?
Và một khi đã chưa là nhà văn, nhà thơ, thì còn làm đơn, hay tính
chuyện làm đơn xin vào Hội nhà văn VN để làm gì? Đây chỉ là “tổ chức
chính trị-xã hội-nghề nghiệp” dành riêng cho những người “đang là nhà
văn, nhà thơ”, đâu phải dành cho những người chưa phải, hay hoàn toàn
không phải là những nhà văn, nhà thơ (chưa bàn tới vấn đề xu hướng chính
trị nơi đây).
Rồi thì, trong trường hợp này, nếu như anh bất ngờ được xét duyệt vào
Hội, một cách đàng hoàng đi nữa, thì vẫn không phải là những nhà văn,
nhà thơ đích thực. Anh chỉ là thành viên của một tổ chức chính trị dành
cho những nhà văn, có chức năng chính trị quy tụ một cách tự nguyện vào
bên trong những ai đang là nhà văn, nhà thơ, mà anh lại không phải là
nhà thơ, nhà văn. Thì rõ ràng anh chỉ có được phân nửa cái thuộc tính
nằm nơi danh xưng hội viên của anh, đó là một thành viên cơ hữu chỉ ở
khía cạnh chính trị của một tổ chức chính trị cầm quyền lãnh đạo nơi xã
hội VN đương thời. Và, trong trường hợp này, anh không đủ phẩm cách được
gọi, càng không thể tự xưng mình đang là một nhà văn, nhà thơ. Cái mà
anh có thể được gọi, hay có thể tự xưng, thậm chí tự hợm hĩnh, kiêu
ngạo, như đang là người thuộc về “cõi trên”, “bề trên”, đó là “tôi đang
là một thành tố chính trị, một thành viên chính trị” thuộc về một trong
những tổ chức chính trị – xã hội nói chung của cấp Đảng TW, có tầm cấp
quản lý, bồi dưỡng, sinh hoạt, sử dụng và có thể có vài thụ hưởng đột
xuất về vật chất và tinh thần từ cấp (Đảng) TW, cao hơn những writer
quần chúng đang được tập hợp, quy tụ nơi các cấp hạ tầng cơ sở, thuộc
tỉnh hay huyện còn lại, và đặc biệt, tôi có thể tận dụng, khai thác hay
phiên chuyển vị trí này cho đời hiện tại của tôi, thậm chí thông qua lý
lịch tới các đời con cháu của tôi trong việc cạnh tranh tìm kiếm, duy
trì một vai trò, một chức vụ chính trị như thế nào đó trong hệ thống các
tổ chức chính trị khác nhau do Đảng lãnh đạo hiện nay, từ cấp TW cho
đến cấp tỉnh, huyện vốn có nhiều quyền hạn và bổng lộc chính trị kèm
theo. Và, một khi như thế rồi, với một nhà văn, nhà thơ hội viên đích
thực thì có thể chấp nhận được ít nhiều vì tính lo-gic của nó, xuất phát
từ bản chất chính trị của tổ chức Hội nhà văn VN hiện nay mà họ đã được
gia nhập một cách đủ chuẩn, có cả khía cạnh tài năng văn học bên trong.
Còn với một người chưa hay không phải là một nhà văn, nhà thơ từ trước
hay ngay khi vừa được gia nhập ư? Rõ ràng, chỉ còn xứng gọi là một tay
hoạt đầu quyền lực chính trị, chí ít cũng là một tay hoạt đầu tìm kiếm
mùi vị hư danh chính trị qua ngõ văn chương, hay đúng hơn là qua ngõ tổ
chức Hội nhà văn VN, dân gian gọi là “đồ dựa hơi kiếm ăn”, chứ đâu phải
là những nhà văn, nhà thơ đích thực, dù cho chỉ đang là những nhà văn,
nhà thơ tuyên huấn của một tổ chức chính trị về VHVN nhất định. Và điều
này hoàn toàn giống nhiều trường hợp công khai từng xảy ra đông đúc vào
thời thực dân -bán phong kiến vừa qua: Dù giàu hay chưa giàu, cũng có
lắm kẻ cố tình tung rải tiền của, rượu thịt ra lòn lủi, chạy vạy mua lấy
cho bằng được một cái “chức hàm” Đốc phủ sứ để treo nơi vách nhà (vì
cũng đang có kẻ chịu bán để thu lại tiền đàng hoàng), dù chưa từng ở
trong giới quan trường ngày nào, chưa từng được đặt cái đít thiệt lên
chiếc “ngai” Đốc phủ sứ thiệt nằm nơi công đường quyền quý, cao sang
thiệt ngày nào. Cũng chỉ vì muốn “lấy le”, “làm hách” cùng người đồng
thời, cho thỏa cái thói sĩ diện thư hùng hào kiệt về tuệ, về tâm vốn
không hề từng có, hay đủ nơi mình, có lẽ cũng từng rỗng tuếch từ bao đời
“tiên vương” của mình, đôi khi cũng là nhằm mưu đồ lưu truyền cái “danh
giá” nhà văn, nhà thơ “ảo” lại cho các đời con cháu mai sau có thể dựa
vào đó mà tiếp tục bịp bợm người đời một cách vô tình hay cố ý.
Có lẽ, chính cái khía cạnh động cơ đầy “quyến rũ sâu sa” này mà thiên
hạ hiện nay có đến gần nửa triệu người, và có lẽ sẽ còn tăng thêm theo
hằng năm, vẫn cứ đang hùn hục tranh nhau xếp hàng rồng rắn lo toan, chen
chút, chạy vạy chờ tới ngày được “lọt” vào, được “nạp” vào Hội nhà văn
VN, để có thể có được một cái “thẻ mề-đay văn thơ” trong tay, bất kể có
phải đang là nhà văn, nhà thơ thứ thiệt hay không; những sáng tác phẩm
văn học làm ra, đem biếu tặng khắp nơi, có ai chịu nhìn, chịu lật vào
một vài trang để đọc hay không, đọc rồi có bị đem ném vào sọt chờ nhúm
lửa hay không; thậm chí chẳng biết chuyện nợ nần làm ăn tới ngày nào
ngân hàng sẽ làm thủ tục tịch biên nhà cửa của mình …
Ôi, phải chi vào thời nông nghiệp bao cấp, từng nông dân kẻ giỏi
người dở nào cũng hăng hái tranh nhau ùn ùn tự nguyện vác ruộng, vác đơn
xin làm hội viên Hội nông dân VN, làm hội viên của những tập đoàn sản
xuất lúa gạo, sắn khoai trên những cánh đồng hợp tác xã, liên hợp tác xã
như những người cầm bút viết văn, làm thơ các loại hiện nay thì hay
biết mấy ? Có khi cả thế giới ùn ùn tới VN để học hỏi cách làm ruộng,
làm giàu…
Hay là, liên tục mịt mù từ trong truyền thống cho tới hiện tại, ở
đâu, và lúc nào cũng bị người khác, hữu diện lẫn vô diện kết hợp nhau
giữ vị trí ban phát, ấn định từng buồn vui, suy nghĩ mãi cho mình, xem
mình như vật thụ nhận cơ học, chưa bao giờ có được tư cách hiện hữu
trước cuộc đời như mình đang là chính mình, một chủ thể có tâm linh và
nhân vị riêng, cũng có khả năng tự biết cảm, biết nghĩ độc lập như ai,
nên từ trong sâu kín nơi lòng nhiều người biết chút chữ nghĩa ngày nay
nẩy mãi lên nỗi khát khao được trở thành nhà văn, nhà thơ, dù chỉ nằm
trong tình trạng náo nhiệt ngụy tín hay miễn cưỡng giả mạo nhằm giải tỏa
được chút nào đó nỗi mặc cảm ấm ức ấy đang âm ỉ tồn tại mãi nơi lòng,
âm thầm khẳng định, chứng tỏ với đất trời vây quanh, rằng đây thật ra
hoàn toàn không phải là phần tử im lìm của một khối hỗn mang vô ngã, như
từng bị đánh giá, đang bị đánh giá, sắp tiếp tục bị đánh giá, trừ
những người có âm mưu hoạt đầu văn học hay mắc bệnh ham sống trong hư
danh phù phiếm qua ngõ văn học, cùng những vị bị/được tạo hóa phân công
giữa cuộc đời này phải gánh mãi nghiệp nhà văn, nhà thơ đủ chuẩn thứ
thiệt, không thể khước từ như đã nói bên trên?
.
2/12/2013
Tác giả gửi cho NTT blog
http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com
Trích lại từ http://viet-studies.info/culture.htm
http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com
Trích lại từ http://viet-studies.info/culture.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét