Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Tác giả và tác phẩm bị coi thường

Tác giả và tác phẩm bị coi thường  
Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam muốn bạn đọc tự đánh giá tác phẩm của mình.

(LĐ) - Số 19 - Thứ tư 23/01/2013 06:20

Giải thưởng Hội Nhà văn 2012 vừa được công bố thì lập tức gây xôn xao dư luận. Việc cả hai nhà văn được trao bằng khen của Hội Nhà văn VN đã từ chối là Y Ban - tác giả của “Trò hủy diệt cảm xúc” và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam - tác giả của “Thế kỷ bị mất” không chỉ như gáo nước lạnh tạt vào hội, mà điều khiến người ta quan tâm hơn là những nghi ngờ tắc trách, thậm chí tiêu cực của hội đồng giải...
Đến tìm nhà văn, chúng tôi lại gặp thầy thuốc đông y Phạm Ngọc Cảnh Nam. Ông nói, tôi là “nhà văn chân đất”, viết văn chỉ là niềm đam mê chứ chưa bao giờ là nghề chính. Ông Nam tốt nghiệp ĐH Luật và ĐH Kinh tế từ trước giải phóng, nhưng sau 1975, ông lại chuyển nghề thuốc gia truyền nhiều đời của dòng họ. Ông Nam đã nổi tiếng với thể loại truyện ngắn từ hơn 20 năm trước, tác phẩm của ông được đông đảo bạn đọc đón nhận trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật. Nhưng gần chục năm nay vắng bóng trên văn đàn, đùng một cái, ông tung ra cuốn tiểu thuyết đầu tay “Thế kỷ bị mất” và được chấm lọt vào vòng chung khảo của giải thưởng Hội Nhà văn VN 2012.

Khác hẳn với nhà văn Y Ban, ông Phạm Ngọc Cảnh Nam không biết nhiều đến “chuyện bếp núc trình đình” ở Hội Nhà văn VN. Thậm chí, ông Nam không biết được hết thành viên BCH hội và ông cũng không tham gia hoạt động hội. Bởi vậy, hẳn nhiên ông không biết rõ quy trình chấm giải, cách thức bỏ phiếu, chấm chọn các tác phẩm diễn ra như thế nào. Vậy sao ông lại từ chối nhận bằng khen danh giá này?

Thầy thuốc - nhà văn này tỏ ra bình thản trước chấn động dư luận về việc ông từ chối giải thưởng. Ông nói: “Tôi không muốn tham gia giải thưởng mà tôi luôn nghĩ là rất danh giá này. Tác phẩm được in năm 2011, nhưng tôi không gửi dự thi vì nghĩ mình làm sao lọt được vào “chốn cung đình” đó với tác phẩm đầu tay. Nhưng khi bạn tôi - nhà văn Thái Bá Lợi - nhiều lần thúc giục, bảo nhiều nhà văn ở hội đã đọc, rất thích và đánh giá cao “Thế kỷ bị mất” nên tôi mới gửi ra hội. “Đứa con đầu lòng” được đánh giá cao, chạm đến giải thưởng lớn, ai mà không mừng, nhưng vì cách đối xử của họ nên tôi quyết định từ chối”.

Ông Nam cho biết, không phải đến khi nhà văn Y Ban nói toạc ra trên báo chí, mà ngay từ đầu ông đã rất bức xúc. Đầu tiên là thông tin đăng công bố những tác phẩm đoạt giải năm 2012 của nhà thơ Văn Công Hùng - thành viên của hội đồng giải. Ông Hùng tham gia chấm giải, nhưng lại viết sai cả tên sách thành “Một thế kỷ đã mất”. Khi ông điện thoại cho nhà văn Trần Trung Kỳ để nhắc ông Hùng, nhưng ông ấy tiếp tục sai khi sửa lại là “Một thế kỷ bị mất”. “Điều này minh chứng cho lời nói của Y Ban là có thành viên ban giám khảo không đọc tác phẩm, nhưng vẫn bỏ phiếu chấm giải” - ông Nam bức xúc.

Từ chiều 16.1, kết quả đã có, nhưng đến 18.1, một cô xưng là Hoàng Tuyên - không rõ là nhân viên văn phòng hay nhà văn - điện thoại, báo cho ông Nam chuẩn bị ra nhận bằng khen. Ông gửi lời từ chối luôn. Ông không viết thư ngỏ để từ chối, vì họ chỉ báo miệng qua điện thoại. Cái cách họ đối xử với tác giả, tác phẩm như vậy thì chẳng nhà văn nào muốn nhận giải cả. “Tôi không muốn gây ồn ào, nhưng từ chối giải là mong muốn các giải thưởng văn học được xét theo đúng tiêu chí văn chương và cũng để cho sự trung thực còn có được sự trú ngụ trong ngôi đền thiêng là văn học” - ông Nam giãi bày.

Tiểu thuyết “Thế kỷ bị mất” của nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam gần như là “cuốn sử” đầu tiên viết về phong trào Duy Tân - một phong trào vận động cách mạng khởi phát từ Quảng Nam rồi nhanh chóng lan dần ra các tỉnh duyên hải miền Trung và phạm vi cả nước thời kháng Pháp. Với cách viết “thấm đẫm chất quê mùa, mộc mạc, vừa êm đềm, quyết liệt, mang dấu ấn riêng của một vùng đất luôn hứng chịu nhiều gian nan, khó nhọc... Tác phẩm đã thật sự nổi bật” - ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Sử học Đà Nẵng - đã nhận xét như vậy. Phạm Ngọc Cảnh Nam được nhận xét là cây bút tiêu biểu của miền Trung từ sau 1975 đến nay.

Nguồn :  http://laodong.com.vn

Không có nhận xét nào: