Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Những tiếng hát một thuở: Khánh Ly

Thethaovanhoa.vn) - Nói đến những giọng hát vàng ở miền Nam, sau cặp Thái Hằng - Thái Thanh (xem TT&VH Cuối tuần số 50), Khánh Ly là một cái tên không thể bỏ qua. Viết về ca sĩ này thật khó lắm thay, vì nhiều cỡ nào cũng không đủ mà một ít cũng đã là thừa. Bao nhiêu “góc khuất” trong cuộc đời và một sự nghiệp ca hát dài đúng nửa thế kỷ đã được khai thác tưởng như kiệt cùng bởi những nhà “Trịnh học” hay “Khánh Ly học” tự xưng với cơ sở dữ liệu rất thuận lợi là chính những gì được Khánh Ly viết ra, kể lại (nhiều hơn hẳn tất cả các ca sĩ khác cùng thời). Nhưng chính những “luồng sáng” đã được công khai ấy lại góp phần rọi chiếu những “góc khuất” khác…
Tuổi thơ bão táp
Chẳng hạn những hồi ức đầy cảm xúc, chắc chắn là nhiều dồn nén nhưng lại được bọc trong lớp vỏ lạnh lùng, mà Khánh Ly kể lại trong tự truyện Chuyện kể sau 40 năm về những trận đòn (dường như vô cớ hoặc lạm dụng cớ) từ chính người mẹ đẻ và sau đó là người cha dượng trút xuống đầu cô gái Lệ Mai (tên thật của Khánh Ly) đã giải thích nhiều cho tính cách đặc trưng mà Khánh Ly tự nhận là “lỳ”. Vì lỳ mà bị ăn đòn, càng bị ăn đòn thì càng lỳ. Và cái lỳ đó theo cô vào lãnh địa hoa lệ phù phiếm nhưng cũng đầy vinh quang là âm nhạc.
Quãng đời này (lúc Lệ Mai trên 10 tuổi tới trước khi lấy chồng một cách vội vã năm 17 tuổi) được Khánh Ly kể lại với giọng vừa cay đắng vừa ngậm ngùi: “Nhà không giàu lại đông anh chị em, sẽ có đứa bị thiệt thòi. Điều này thường xảy ra. Ác ở chỗ, nó lại rơi trúng tôi”; “Tôi đi học là bởi muốn ra khỏi nhà để khỏi phải nghe những lời mắng nhiếc của mẹ, cái nhìn hầm hầm của bố, tránh những ngọn roi, những cái tát, những chiếc giày đập túi bụi trên đầu trên cổ tôi”; “Tôi không nghĩ là mẹ thích thú khi thấy con mình bị đánh đập nhưng có lẽ bà khó chịu đựng được cái nết lỳ lợm của tôi. Mắng chửi, tôi cãi lại. Đánh đập, tôi không khóc. Bắt xin lỗi, tôi không mở miệng…”.
Khánh Ly thời còn là ca sĩ Lệ Mai
Chính tuổi thơ “dữ dội” như thế đã hình thành nên sự nổi loạn ngầm của cô bé Mai. Cô thích giao du với những người bạn trai (bạn của anh trai), thích khiêu vũ nhảy múa, và càng bị cấm thì đam mê ca hát ngày bé lại càng trỗi dậy (dù có lúc bị mẹ dọa sẽ “từ” bởi “nhà này không có mả cầm ca”). Dù bị cấm làm ca sĩ nhưng trước đó, cô bé Lệ Mai đã có cột mốc đáng kể đánh dấu con đường ca hát: năm 1954, khi mới 9 tuổi, trước khi di cư vào Nam cùng mẹ, Lệ Mai đã dự cuộc thi hát tại một hội chợ ở Hà Nội; hai năm sau, tại Sài Gòn, cô được giải nhì tại một cuộc thi tuyển ca sĩ thiếu nhi.
Vừa đa cảm vừa cứng rắn, vừa lạnh lùng vừa sôi nổi, hài hước mà thâm thúy, đặc biệt rất hay tự trào bản thân, tính cách ấy ảnh hưởng lớn đến phong cách ca hát, biểu diễn của Khánh Ly sau này. Ngay cả nghệ danh Khánh Ly cũng được hình thành từ tên của hai nhân vật đa tính cách luôn luôn ẩn hiện giữa ác và thiện, giữa trung và phản trong truyện Đông Chu Liệt Quốc là Khánh Kỵ và Yêu Ly.
Hồi giữa năm nay, trong một công trình nghiên cứu, một nhà nhạc học Mỹ, ông Donald Cohen, đã xếp Khánh Ly vào một trong số 26 ca sĩ hát tango hay nhất thế giới. Ông Cohen nhận thấy Khánh Ly đặc biệt yêu thích các bài hát với nhịp điệu tango, và đã thu âm tới 5 album toàn nhạc tango (cả nhạc quốc tế lời Việt và nhạc Việt Nam), album nào cũng được thính giả khắp nơi đón nhận. Còn Khánh Ly lý giải nguồn cơn cho sự say mê nhạc tango của mình chính là từ những lần… đấm chân cho mẹ khi bà bị đau nhức: “Ngày nào tôi cũng đấm chân cho bà, và trong những lúc ấy bà hay cho chạy những đĩa nhạc tango. Mẹ tôi không hết nhức mỏi nhưng điệu nhạc tango đã chui vào đầu tôi, đến nỗi những lúc mỏi tay quá, tôi đấm cho bà theo nhịp điệu tango”.
Tuổi thơ bão táp của Khánh Ly chấm dứt khi cô lập gia đình một cách vội vã (vì trót có bầu) với người chồng đầu tiên, và làm mẹ của hai đứa trẻ khi mới 18 tuổi, tạm biệt Sài Gòn trở lại sống ở Đà Lạt. Từ đây, bắt đầu câu chuyện kỳ thú tuyệt vời mà tất cả chúng ta đều đã biết.
Từ trái sang: Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, 3 giọng ca hàng đầu của Sài Gòn trước đây
Khánh Ly và Trịnh Công Sơn
Nếu Trịnh Công Sơn được ví là Bob Dylan Việt Nam, thì Khánh Ly có thể là Joan Baez được chăng, nhất là xét về giọng hát, phong cách có rất nhiều tương đồng: cũng giọng alto khàn đục nhừa nhựa, tinh thần folk và du ca đậm đà trong từng câu hát, tác phong giản dị và lối trình diễn hết mình trong cùng một trào lưu phản chiến. Đó là hình ảnh ở thời đỉnh cao của Khánh Ly. Nói như thế bỗng nhiên lại thấy tiếc ngơ tiếc ngẩn không có cơ hội nào được nghe Khánh Ly hát những bài ngoại quốc như là Crazy Love, Put Your Hand On My Shoulder, Only You, Unchained Melody, Non je Ne Regrette Rien… mà cô kể là đã hát ở nơi đầu tiên đánh dấu sự kiện cô trở thành ca sĩ (phòng trà Anh Vũ, Sài Gòn…
Khánh Ly đã hát, như một ca sĩ vô danh, suốt 5 năm trong một vũ trường ở Đà Lạt. Cô gắn bó với Đà Lạt và yên phận với cuộc sống rất đỗi bình thường ấy, cho nên phải 3 năm sau ngày gặp Trịnh Công Sơn lần đầu (1964) Khánh Ly mới quyết định trở lại Sài Gòn song hành cùng người nhạc sĩ tài ba để từ đó bắt đầu một hành trình âm nhạc tuyệt vời. Dù Khánh Ly có trả lời phỏng vấn nhà báo Trường Kỳ một cách khiêm tốn: “Nếu không có ông Trịnh Công Sơn thì sẽ không có tôi. Có thể tôi vẫn chỉ là một cái bóng mờ nào đó hoặc là tôi sẽ có một cái đường đi nó chật hẹp hơn” thì cũng khó mà phủ nhận sự thực rằng chính sự có mặt đúng lúc của cô - như một định mệnh, vì họ tình cờ gặp lại nhau trên đường phố Sài Gòn chứ không hề chủ định đi tìm nhau - vào thời điểm thăng hoa trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã góp phần quyết định tạo nên tầm vóc Trịnh nhạc sĩ.
Khánh Ly, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Trịnh Vĩnh Trinh
Trong những băng nhạc thời ấy còn lại tới giờ, nhất là bộ Hát cho quê hương Việt Nam và những cuốn băng kiểu bootleg (thu trực tiếp một cách ngẫu hứng) tại Quán Văn có thể thấy Khánh Ly đã từ một ca sĩ phòng trà bình thường, an phận, trở thành biểu tượng một thời như thế nào. Những uẩn ức, dồn nén từ tuổi thơ không bình yên làm nên tính cách cô, và nay tính cách ấy tìm được không gian thích hợp nhất để thể hiện.
Khánh Ly không giật đùng đùng như các nữ hoàng kích động nhạc khi ấy, không sướt mướt ỷ ôi như ca sĩ dòng sến, không ra vẻ mệnh phụ như ca sĩ dòng “sang”. Cô hát theo cách mà chúng ta nói thời nay là bằng “cái đầu lạnh và trái tim nóng”. Cách hát nghe rất “tỉnh” ấy đi thẳng tới trái tim người nghe, không qua nhào nắn uốn lượn bằng những tiểu xảo đặc trưng của nghề hát. Khi cần truyền đạt thông điệp - như với các bài ca phản chiến - thì không gì thích hợp bằng kiểu hát ấy. Tỉnh nhưng mà gần gũi, chia sẻ thông điệp phản chiến trong tư thế tâm tình, là ngôi sao lớn nhưng vẫn giữ hình tượng “nữ hoàng chân đất”. Người ta yêu Khánh Ly chính vì điều đó. Và càng yêu hơn khi nghe cô chia sẻ: “Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn 10 năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào”.
Ngày 24/9 năm nay, Khánh Ly được Cục NTBD cấp phép về Việt Nam biểu diễn (cùng thời điểm cấp phép với Bằng Kiều) tuy nhiên gần như chắc chắn Khánh Ly sẽ không kịp trở về trong thời hạn giấy phép còn hiệu lực (hết tháng 12/2012). Tuy nhiên Khánh Ly vẫn xác nhận mong muốn trở về hát, muốn “được kết thúc” ở nơi “khởi đầu”, “muốn có dịp ra thăm con đường Trịnh Công Sơn ở Huế, ra Hà Nội đi dưới hàng cây hoa sữa, nói với chim sâm cầm”.
Khi đã rất nổi tiếng, Khánh Ly mở phòng trà mang tên mình, mở rộng danh mục biểu diễn tới nhiều nhạc sĩ khác, và cũng rất thành công, đặc biệt với dòng nhạc tiền chiến nhưng đỉnh cao sự nghiệp của cô vẫn là với nhạc Trịnh Công Sơn, nhất là trong cuốn băng nhạc được ca ngợi là “bất hủ” - Sơn Ca 7. Cũng với nhạc Trịnh, Khánh Ly có một sự nghiệp vượt ra khỏi biên giới, trở thành giọng hát được yêu thích tại thị trường Nhật Bản trong những năm 1970. Tới năm 1997, cô còn được một đoàn phim Nhật Bản mời đi cùng về Việt Nam quay hình cho một bộ phim tài liệu về một nhà báo Nhật chết trên chiến trường Việt Nam, trong túi còn cuốn băng Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn. Tới nay, một số khách du lịch người Nhật lớn tuổi qua Sài Gòn vẫn tìm hỏi mua đĩa nhạc Khánh Ly (có bài Diễm xưa hát bằng tiếng Nhật).

Cũng chính vì là “Nàng thơ” của Trịnh Công Sơn nên sau này, những năm đầu ở hải ngoại không dễ dàng gì với Khánh Ly khi nối lại nghề ca hát. Cô đã quá nổi tiếng với nhạc Trịnh nên muốn tái lập sự nghiệp không thể nào thiếu dòng nhạc này. Nhưng do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ấy vẫn còn ở trong nước, lại chủ trương “Nối vòng tay lớn” nên hầu như Khánh Ly không thể “công khai” hát trở lại nhạc Trịnh do gặp sự chống đối của một số nhóm cực đoan. Theo một số nghệ sĩ hải ngoại kể lại, người giúp “phá băng” vụ này là ca sĩ Kim Anh, người bắt đầu sự nghiệp ca hát ngay từ hải ngoại và hầu như không chịu nhiều tác động quanh chuyện chống đối. Sau khi được “phá băng”, Khánh Ly và âm nhạc Trịnh Công Sơn mới có thể coi như chính thức trở lại ở bên kia đại dương, lại làm nên một sự nghiệp nối dài cho Khánh Ly tới tận bây giờ.
Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Không có nhận xét nào: