Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2012: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 117 – 10.7.2012 

Tưởng niệm
955 - Nguyễn Hữu Có
CẢI TẠO 12 NĂM THÀNH “NHÂN SĨ”
Cựu trung tướng VNCH sinh 1925 tại VN – Mất tháng 7.2012 ở TPHCM (88 tuổi).

Tướng chế độ cũ

Nhân sĩ chế độ mới

     Thuộc nhóm tướng Dương Văn Minh đảo chính Ngô Đình Diệm, đến giưa thập niên 1960 từng làm Bộ trưởng Quốc phòng, Phó thủ tướng VNCH.
     Năm 1967 bị phe “tướng trẻ” Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ lừa cho đi công cán Đài Loan, Hàn Quốc rồi… cách chức cấm trở về khiến phải qua sống lưu vong ở Hong Kong.
     Năm 1970 Tổng thống NV Thiệu cho phép về song buộc giải ngũ ra ngoài làm kinh doanh, ngân hàng dân sự.
     Khi tướng Dương văn Minh lên cầm quyền tổng thống vài ngày trước 30.4.1975 riêng mình đã được gọi lại chuẩn bị giao nhiệm vụ nhưng chưa kịp động tay động chân gì thì… giải phóng!
     Bản thân chập chờn nửa đi nửa ở, cuối cùng chấp nhận ở lại không theo Mỹ đi di tản dù cố vấn Mỹ sẵn sàng giúp vì nghĩ mình đã giải ngũ rồi không tội vạ gì với cách mạng. Sau đó muốn vượt biên thì sợ nguy hiểm cho gia đình có đến 12 đứa con nên thôi. Rốt cuộc… đi cải tạo 12 năm tận ngoài Bắc!
     Trong thời gian ở trại đã được “Ơn trên kêu gọi” (vợ con mắc bệnh nặng được cầu nguyện mà khỏi bệnh) tự nguyện bỏ đạo Phật cải đạo Tin Lành năm 1983.
     Năm 1987 được thả về “loanh quanh trong nhà trồng rau, nuôi gà”.
     Đến cuối những năm 1990 được gợi ý tham gia hoạt động xã hội, qua năm 2004 chấp nhận lời mời làm thành viên Uy ban Mặt trận Tổ quốc VN với tư cách “nhân sĩ” (nhân vật của chế độ cũ chấp nhận ở lại sống chung hợp tác với Cộng sản) cổ xúy cho tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc. Được cho đi Mỹ thăm viếng người thân, bạn bè thoải mái.
     Hàng tuần có tham gia phụ việc nấu cháo từ thiện một lần cho bệnh nhân Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

278 - Nguyễn Mộng Giác
VIẾT TRONG THỜI CẤM VIẾT
Nhà văn Việt kiều Mỹ sinh 1940 tại Bình Định - Mất tháng 7.2012 ở Mỹ (73 tuổi).
(Anh 2012)
     Nhà văn xuất thân nhà giáo, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Việt – Hán Huế 1963, ra trường đi dạy trường Đồng Khánh ((lấy vợ Huế) rồi chuyển về quê nhà Quy Nhơn dạy trường Cường Để. Sau lên làm hiệu trưởng rồi làm luôn giám đốc Sở Giáo dục Bình Định.
Song song đó còn viết văn, bắt đầu nổi lên cuối thập niên 60 ở miền Nam với phong cách phân tích tâm lý hiện đại sâu sắc, tiềm ẩn tính triết lý, bút pháp cô đọng qua tập truyện ngắn ”Bão rớt”, các truyện dài “Tiếng chim vườn cũ”, “Qua cầu gió bay”, “Đường một chiều”, tập tiểu luận văn học “Nỗi băn khoăn của Kim Duung” (Kim Dung, tác giả truyện chưởng Hong Kong). Được trao Giải thưởng văn học quốc gia của chế độ cũ.
Vì thế năm 1974 xin nghỉ chức giám đốc Sở chuyển về Bộ Giáo dục ở Sài Gòn làm chuyên viên cao cấp với mục đích muốn có điều kiện thuận lợi theo đuổi lâu dài con đường sáng tác.
      Nhưng xảy ra biến cố 30.4. 75 nên bị cho nghỉ việc tuy tham tâm vẫn muốn hoà nhập, đóng góp với chế độ mới. Đành chấp nhận trở thành thợ… làm mì sợi – món ăn làm từ bột mì Liên Xô viện trợ phổ biến thời bao cấp thiếu đói – vừa làm vừa chở đi bỏ mối.
      Tuy nhiên vẫn không buông bút, không bỏ cuộc văn chương với niềm tin sâu sắc “ngày mai trời lại sáng”. Nên vẫn tiếp tục viết trong giờ nghỉ trưa và tối về cặm cụi ở nhà khu ngoại ô Sài Gòn trong tình cảnh nhà văn “Ngụy” đuơng nhiên không được viết không được in, thậm chí còn có thể bị bắt vì điều đó!.
       Từ đó bắt đầu thai nghén bộ tiểu thuyết trường thiên lịch sử “Sông Côn mùa lũ” viết bút bi trên những cuốn tập vở học trò. Tác phẩm viết về đề tài cuộc khởi nghĩa Tây Sơn diễn ra nơi quê nhà Bình Định xa xưa, khởi thảo 1978 và hoàn thành 1981.
       Nhưng đến đó thấy chờ “trời lại sáng” có vẻ… lâu quá mà xin vào làm báo Tin Sáng (báo TPHCM, của nhóm trí thức nhân sĩ chế độ cũ – “tại chỗ” - được chế độ mới cho phép hoạt động nhằm mục đích tập hợp tầng lớp này tham gia ủng hộ Cách mạng) cũng không đuợc nên đành… vượt biên một mình qua Mỹ (sau mới bảo lãnh vợ con qua). Phải trầm trầy trầm trật mấy lần (có lần bị bắt giam mấy tháng) mới đi thoát được năm 1982.
Thế rồi chính trên đất Mỹ, “Sông Côn mùa lũ” 4 tập dày 2.000 trang mới có cơ hội xuất bản năm 1991. Cùng lúc trở lại góp mặt trên văn đàn hải ngọai, tham gia viết lách trên nhiều báo, tạp chí trong đó có thời gian dài quản lý tạp chí Văn Học, cộng tác thường xuyên với tạp chí Hợp Lưu (thời gian đầu khi tạp chí này còn theo xu hướng chống Cộng ôn hòa kêu gọi hoà hợp dân tộc)…
Tiếp tục viết, in thêm tập truyện ngắn “Ngựa nản chân bon”, “Xuôi dòng”; tập tiểu luận “Nghĩ về văn học hải ngoại”…
       Cuối cùng rồi cũng đến thời “trời lại sáng” - Đổi mới mới  sớm quay về nước tìm kiếm sự đồng cảm đến muộn. Nhờ đó “Sông Côn mùa lũ” được ra mắt đồng bào trong nước năm 1998 (tái bản 2002), còn được một hãng phim trong nước mua bản quyền định chuyển thành phim…  
       Sau đó tiếp tục về nước nhiều lần, về thăm lại Huế quê hương thứ hai dù năm 2004 bị bệnh gan đã phải cắt một phần lá gan
       Trong lúc còn bao nhiêu dự án ấp ủ đang hy vọng thực hiện trên quê mẹ thì trong một chuyến về nước làm việc kết hợp thăm bà con nhân ngày Tết 2009 mới được vài ngày thì bị đột quỵ ngã bệnh nặng phải lập tức được đưa về lại Mỹ chưa trị. 
    Từ đó phải ngồi xe lăn mọi việc trông nhờ vào vợ con chăm sóc, được 3 năm thì qua đời. Sau khi mất được giới phê bình trong nước ghi nhận là một “nhà văn nặng lòng với đất nước”.
1.171 – Bùi Quang Thận
NGƯỜI CẮM CỜ DINH ĐỘC LẬP
Đại tá Quân đội Nhân dân VN sinh 1948 tại Thái Bình – Mất 2012 ở Thái Bình (65 tuổi).
Trong khoảnh khắc lịch sử nhảy xuống xe tăng cầm cờ Mặt trận tiến vào dinh Độc Lập.
     Vào bộ đội năm 1966 ở binh chủng Tăng – Thiết giáp.
     Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam, là đại đội trưởng tăng - thiết giáp chỉ huy một mũi  tiến công đi đầu vào dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất). Bản thân có mặt trên xe tăng 843 là chiếc xe tăng thứ nhì tiến vào trong dinh (xe tăng thứ nhất mang số hiệu 390 đã húc đổ cổng dinh trước đó vài phút) liền nhảy xuống xe cầm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam xông vào dinh lên tận nóc dinh hạ cờ VNCH xuống để kéo lá cờ Mặt trận lên thay thế báo hiệu chế độ chính quyền “đổi chủ”.
     Sau đó về Bắc được đưa đi học Liên Xô cũ 4 năm rồi về lại binh chủng cũ, làm tới chức Chủ nhiệm Tăng – Thiết giáp.
Đương nhiên được đề cử danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân song rốt cuộc không đạt tiêu chuẩn vì địa phương cấp xã không đồng thuận với lý do ông cụ thân sinh ở làng có dấu hiệu… mê tín dị đoan! Quân hàm cũng chỉ lên lon đại tá đến ngày về hưu năm 2000.
Về hưu ở quê nhà, cả ngày đầu tắt mặt tối phụ công việc làm ăn kiếm sống với gia đình, một mình lặn lội làm đầm tôm và phụ vợ mở cửa hàng bán gas, mình lo việc đi xe máy chở bình gas đến cho khách hàng…
1.172 – Đào Thiện Sính
GỬI HƠN 14.000 THƯ BÁO TIN LIỆT SĨ
Bộ đội về hưu sinh 1947 tại Hải Dương. Sống ở Khánh Hòa (2012).
     Bộ đội trên chiến trường Miền Nam, tham gia đánh trận ở Tây Nguyên, miền đông Nam bộ. Năm 1973 được rút về làm Phòng Thông tin T.Ư Cục Miền Nam.
     Sau 1975 xuất ngũ về quê. Nhưng qua 1979 lại được gọi tái ngũ đưa qua chiến trường Campuchia và Lào. Đến 1983 mới ra quân về quê nhà Hải Dương sinh sống. Lấy vợ sinh con, cả nhà sống bám vào nghề nông.
     Năm 1988 đưa cả gia đình vào Khánh Hòa lập nghiệp, riêng mình được nhận vào làm bưu điện huyện.
     Bản thân có một người anh trai cùng đi bộ đội hy sinh tại Miền Nam nhưng hoàn toàn mất tích nên lòng cứ nặng nỗi niềm muốn đi tìm dấu vết, thông tin về mộ phần, hài cốt anh giờ không biết lưu lạc nơi đâu. Lâu nay cố truy tìm tin tức anh trai bằng cách tìm đến các nghĩa trang xem mộ anh tình cờ có nằm ở đó không song gặp hoàn cảnh, điều kiện quá khó khăn nên chưa làm được bao nhiêu.
     Từ khi vào Khánh Hòa mới có điều kiện đi thăm nhiều nghĩa trang liệt sĩ từ Quảng Trị vào Nam để tiếp tục tìm kiếm thông tin về anh trai nhưng vẫn chẳng có tăm hơi gì.
Tuy nhiên bù lại, qua những chuyến đi đó đã gặp gỡ biết bao người đồng cảnh ngộ như mình. Từ đó nảy sinh ra ý nghĩ nhân cơ hội đến nghĩa trang tìm anh mới “một công đôi việc” ghi chép thông tin về các ngôi mộ có dấu hiệu chưa được thân nhân viếng thăm rồi về nhà viết thư báo tin về địa phương (theo quê quán liệt sĩ ghi trên bia mộ) cho biết.
Để làm việc này đã lập cả một danh sách tên tỉnh thành, quận huyện, làng xã thay đổi qua các thời kỳ để đối chiếu tìm ra tên địa phương ngày xưa và bây giờ. Nhờ hồi trước từng làm nhiệm vụ ở phòng thông tin trong chiến khu nên đã có một số kinh nghiệm làm bài bản, khoa học.
Ban đầu phải viết thư tay, sau này mới có điều kiện photocopy mẫu lá thơ báo chỉ việc điền chi tiết vào nhanh chóng tiện lợi hơn. Nhưng phải mất tiền mua phong bì, tem thư so với đồng lương ít ỏi của một viên chức quèn. May mà dần dà nhiều người biết được công việc nghĩa tình thầm lặng này nên giúp đỡ tiền mua bì thư và cả bưu điện cũng cho miễn dán tem luôn.
Hành trình đi đến nghĩa trang bởi thế càng kéo dài ra tính ra đã đến cả hơn 100 nghĩa trang ở Miền Nam, tham dự cả các cuộc quy tập mộ liệt sĩ để góp nhặt thông tin thêm về tổng hợp lại.
Mỗi lần lên đường đều trang bị giống như thời bộ đội vào cuộc hành quân, chỉ có khác là bây giờ thủ sẵn chiếc kính lúp (để đọc những bia mộ qua thời gian mưa gió bị mờ hay nhòe chữ), sau còn có được chiếc máy ảnh con biếu cho để chụp lại toàn văn bia mộ đỡ nhọc công chép lại. Còn chuyện ăn ở thì đơn giản thôi, gặp đâu ăn đó, đụng đâu ngủ đó trong đó nơi tá túc ban đêm thuận lợi hơn cả chính là… nghĩa trang nơi mình đang “tác nghiệp”!
Cứ thế đã viết hơn 14.000 lá thư báo tin về mộ phần liệt sĩ gửi đi. Kết quả nhờ đó khoảng 30% trường hợp báo tin đã giúp người nhà đi tìm được mộ liệt sĩ. Nhưng không dám nhận sự báo đáp nào vì xem đây là việc “góp phần nhỏ làm được điều gì đó nhớ đến đồng đội đã ngã xuống” và “chỉ muốn làm lặng lẽ thôi”.
Tuy nhiên tin tức về anh trai mình thì vẫn biệt vô âm tín. Cho nên tự hứa với lòng mình “Ngày nào còn sống thì còn đi tìm anh, tìm đồng đội.”     
1.173 - Miên Đức Thắng
TỪ NHẠC SINH VIÊN QUA GỐM SỨ
Nhạc sĩ Việt kiều Đức tên thật Phan Văn Thắng sinh 1948 tại Huế. Sống ở Đức (2012).
     Vào Sài Gòn học ĐH Khoa học, từ đó tham gia phong trào sinh viên tranh đấu chống chế độ Thiệu – Kỳ theo Mỹ. Nổi tiếng với một số nhạc phẩm phản chiến hát tập thể như “Hát từ đồng hoang”, “Dậy mà di”…
     Bị chính quyền VNCH bắt đưa ra tòa về tội chống đối rồi nhân đó đẩy đi lính trường Thủ Đức năm 1969. Ra trường sĩ quan chấp nhận lệnh bố trí đi làm đơn vị hậu phương quân đội ở Tây Nguyên.
     Có lẽ vì vậy mà “mất điểm” với Cách mạng nên sau 1975 không được ưu ái, đành tự lực cánh sinh cùng vợ mở tiệm bán thuốc Tây. Đến năm 1989 theo gia đình vợ xuất cảnh qua Đức.
     Trên xứ người xa lạ chuyển qua nghiên cứu làm nghề gốm sứ nghệ thuật kết hợp vẽ tranh hợp thời hơn có thể giúp mưu sinh.
Còn nhạc vẫn làm nhưng không thành công gây tiếng vang như xưa do đã qua rồi thời tuổi trẻ sinh viên đầy nhiệt huyết đấu tranh. Và nhạc bây giờ chuyển hướng tìm đến với tình yêu hoài niệm quê hương Huế hòa quyện với niềm tin đạo Phật, 2 yếu tố thường song hành nối liền nhau:

“Tôi sông thơm lòng mẹ
Tình đầy nguồn xa xôi.
Đi qua bờ thế kỷ
Mênh mang điệu ru hời.
Sen chiều lên áo mới
Nội thành hát à ơi
Sông ơi, lòng có biết, tôi, sông là bến đò”.
                 (Tôi, Sông là bến đò)
     Vẫn thường xuyên về thăm quê hương, nhất là quê Huế thân thương ghi đậm dấu ấn một thời học trò Quốc Học.

1.174 - Trần Minh Dũng
“DŨNG VIỆT NAM”
Lao động Việt kiều Philippines sinh 1971 tại Khánh Hòa. Sống ở Philippines (2012).
     Năm 1989 vượt biên đường biển đến Philippines.
Sống luôn ở đây làm nghề bán giày dép vỉa hè, lấy vợ bản xứ sinh được 5 con.
     Từ năm 2004 trở thành ân nhân “cứu hộ” ngư dân VN đánh cá chẳng may xâm phạm lãnh hải Philippines bị bắt hoặc bị bão trôi giạt vào nơi đây không nơi nương tựa không ai giúp đỡ. Khi đó tự nguyện làm cầu nối trung gian với chính quyền địa phương, đóng vai trò thông dịch, chạy giấy tờ, thậm chí còn lo thủ tục tòa án trong trường hợp ngư dân bị đưa ra tòa Philippines. Đã giúp hơn 30 nhóm ngư dân VN như vậy.
     Từ đó được ngư dân VN thân tình gọi là “Dũng VN” như kiểu “Thần hộ mạng”, hễ ai đi biển cũng đều có số điện thoại của anh để gọi cầu cứu lỡ khi lâm cảnh ngộ lạc qua nước bạn bất đắc dĩ. Cả hải quân Philippines tuần tra biển cũng có số điện thoại này phòng ngừa khi cần sẽ nhờ hỗ trợ, phiên dịch.
     Trả lời tại sao làm việc không công như thế, chỉ nói đơn giản “Vì họ là đồng hương, ở xứ người thấy đồng hương gặp nạn không lẽ bỏ mặc?”
1.175 - Trần Ngọc Huế
TỪ NGƯỜI HÙNG ĐẾN TÙ BINH
Việt kiều Mỹ nhân viên ngân hàng về hưu sinh 1942 tại Huế. Sống ở Mỹ (2012).
     Xuất thân thiếu sinh quân VNCH, sau đó vào trường Võ bị Đà Lạt.
Ra trường 1963 xin chuyển về Sư đoàn 1 đóng tại Huế để ở gần quê nhà đúng như tên cha mẹ đặt.
     Đến trận chiến Mậu Thân 1968 tại Huế, là trung úy đại đội trưởng Đại đội Hắc Báo đơn vị đặc nhiệm  thiện chiến “đánh đâu thắng đó” của Sư đoàn 1 chỉ huy đánh giải vây Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1.
Từ chiến tích đó, được xem là một người hùng trẻ tuổi mới nổi lên của quân lực VNCH, được Tướng Tư lệnh quân Mỹ ở VN gắn huân chương, được Bộ trưởng Hải quân Mỹ tuyên dương là “Anh hùng của những anh hùng”. Cố vấn Mỹ rất khâm phục, còn đặt cho tên Mỹ là “Harry”.
     Tiếp tục sự nghiệp quân đội thăng tiến, năm 1971 lên lon trung tá tham gia chiến dịch Lam Sơn 719 đánh Hạ Lào (Cộng sản gọi là chiến dịch Đường 9 Nam Lào). Không may đơn vị bị bao vây, bản thân bị thương nên chấp nhận ở lại cầm cự cho binh lính dưới quyền rút lui. Kết quả bị bắt đưa ra Bắc ở tù 13 năm.
     Đến năm 1983 mới được trả tự do, vào Sài Gòn sống lây lất qua ngày.
May mắn có một cố vấn Mỹ cùng làm việc chung trước kia ở Sư đoàn 1 từng được sĩ quan Hắc Báo này  cứu sống trong một trận đánh luôn nhớ ơn nên khi về Mỹ đã tìm mọi cách hỏi thăm tin tức, gửi tiền giúp đỡ.
Sau đó vận động cho bạn mình được bảo lãnh xuất cảnh qua Mỹ năm 1991 cùng vợ và 3 con gái, còn giúp đỡ tìm nhà, tìm việc làm nuôi gia đình.
1.176 - Trần Ngọc Liễng
LÃNH TỤ “LỰC LƯỢNG THỨ BA” CUỐI ĐỜI ĐI TU
Luật sư về hưu sinh 1923 tại Vĩnh Long – Mất 2011 ở Đồng Nai (89 tuổi).
Từng có quá trình thân Cộng từ năm 1954 làm việc chung với luật sư Nguyễn Hữu Thọ (sau là Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Miền Nam).
Vì vậy bắt đầu năm 1966 từ nhiệm khỏi chức vụ ở chính phủ VNCH (phụ trách lĩnh vực xã hội) để tách ra hoạt động độc lập theo xu hướng chống Mỹ, chống chế độ độc tài quân phiệt Thiệu - Kỳ, đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ cho người dân Miền Nam.
Từ đó trở thành một trong những đại diện trí thức của lực lượng chính trị tự nhận là “Lực lượng thứ ba” không Cộng hòa cũng không Cộng sản mà đứng giữa hai thế lực đó với tham vọng đóng vai trò trung gian hòa giải tiến tới lập lại hòa bình cho đất nuớc. Biến nhà mình thành một địa điểm hội họp của phe đối lập chế độ Sài Gòn.
Nhưng thực tế không được như kỳ vọng với chiến thắng của Cộng sản 30.4.75 đẩy “Lực lượng thứ ba” tới chỗ không còn chỗ đứng, nhiệm vụ gì nữa đành tự động… giải tán!
Bản thân được chế độ mới mời làm “nhân sĩ” vào Mặt trận Tổ quốc VN, một tổ chức mang tính quần chúng không quyền lực chỉ đóng vai trò “làm cảnh” dân chủ cho chế độ. Cho nên chẳng còn làm được gì nữa như mong mỏi khác với thời trước dù sao cũng làm được vài việc có ích cho đồng bào, xã hội trên tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Có lẽ vì vậy mà mấy năm cuối đời đã lên một thiền viện ở Đồng Nai… tu luôn - có pháp danh đàng hoàng Thích Kiến Huyền - cho đến ngày qua đời.  

1.177 - Trần Quốc Hoàn
VẬN ĐỘNG VIÊN CHẤT ĐỘC DA CAM
Người khuyết tật sinh 1975 tại Quảng Trị. Sống ở Quảng Trị (2007).
     Cha là bộ đội bị nhiễm CĐDC nên mình ra đời đã 2 chân bị teo lại không đi được muốn di chuyển phải dùng tay bò đi.
Dù vậy vẫn phấn đấu học tốt nghiệp THPT. Nhưng nhà nghèo cha mẹ phải nuôi 6 anh em nên không có điều kiện học tiếp lên đại học.
Bản thân không cam chịu chí hướng mình dừng ở đó nên vừa tìm việc làm đơn giản kiếm sống qua ngày (nhận đập dẹp lon bia phế thải bán làm phế liệu đúc lại) vừa tự mở ra một lớp học tình thương tại nhà dạy cho các em nhà nghèo bỏ học nửa chừng. Song song đó còn tham gia tập luyện môn thể thao đua xe lăn.
Từ đó đã khiến một cô gái xứ Huế đem lòng yêu thương lấy làm chồng năm 2001.
Kết quả bao công công sức trì chí chiến đấu chống lại số phận không may mắn như thế giống như dã tràng xe cát biển Đông 10 năm đã giúp nhiều em học tốt nghiệp cấp 3 và còn lên đại học nữa. Phần mình đạt thành tích Huy chương vàng Hội thi Người khuyết tật toàn quốc 2001, Huy chương đồng Paragames toàn quốc 2003.
Cũng năm này còn đạt được một “siêu” huy chương nữa là có con gái đầu lòng quý hơn vàng.  

1.178 - Trần Tam Tiệp
VĂN BÚT CHỐNG CỘNG
Nhà báo Việt kiều Pháp sinh 1928 tại Vĩnh Long – Mất 2009 ở Pháp (82 tuổi).

     Trung tá tâm lý chiến binh chủng không quân VNCH, chủ biên nguyệt san “Lý tưởng” của binh chủng này.
     Trong biến cố 30.4.75 di tản qua Pháp.
Tại đây vào năm 1978 cùng luật sư Trần Thanh Hiệp (nhóm Sáng tạo)  và nhà thơ Nguyên Sa chủ xướng tái lập Chi hội Văn bút VN hải ngoại thành viên Văn bút Quốc tế (PEN Club) được công nhận. Bản thân giữ chức tổng thư ký 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
     Với chức vụ đó có điều kiện tổ chức mạng lưới viết bài chống Cộng ở nước ngoài lẫn trong nước tìm cách gửi qua đồng thời vận động tổ chức Văn bút Quốc tế chống Cộng, lên tiếng phản đối chế độ cộng sản VN vi phạm quyền tự do tư tưởng, sáng tác của người dân.
     Các hoạt động trên đạt một số kết quả trong thời gian đầu trên trường quốc tế nhưng về sau dần dần giảm hiệu quả do phản ứng từ chính quyền VN ngày càng được củng cố.
     Trong thời điểm khó khăn đó thì năm 1994 bản thân lại không may bị tai nạn giao thông nặng chấn thương sọ não. Tuy được cứu sống song từ đó không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục tham gia hoạt động văn hóa chống Cộng như trước nữa cho đến khi di chứng bệnh phát tác qua đời. 

1.179 - Trần Tâm
CÔNG DÂN KHÔNG QUỐC TỊCH NƯỚC NÀO!
Việt kiều Mỹ. Sống ở Mỹ (2007).
     Cha là nhà báo chế độ chống Cộng nên sau 1975 bị bắt rồi chết trong tù.
     Vì thế năm 1980 đưa gia đình (cả bà mẹ) vượt biên đường biển được một chiếc tàu Đức vớt đưa về Đức cấp giấy cho tạm trú.
     Năm 1986 tự động đem gia đình rời khỏi Đức qua Mỹ theo một người anh kiếm việc làm ở một tổ chức xã hội tại Los Angeles đồng thời tranh thủ đi học đại học. Từ đó năm 2001 nộp đơn xin vào Mỹ tị nạn chính trị.
     Nhưng bị bác đơn vì lý do trước đó đã ở Đức thì Đức phải giải quyết nên phía Mỹ ra lệnh trục xuất về lại Đức!
Tuy nhiên Đức cũng từ chối cho nhập quốc tịch Đức bởi đương sự và gia đình đang tạm trú mà đã tự ý bỏ Đức ra đi không xin phép quá thời hạn bình thường (như đi lo công việc riêng, đi thăm bà con hay du lịch) 6 tháng.
     Thế là rơi vào tình trạng sống và làm việc tại Mỹ, giấy tờ tạm trú ở Đức song không được công nhận là công dân của… nước nào cả!  
     Mãi đến năm 2007 do dư luận cộng đồng Việt kiều ở Mỹ lên tiếng vận dộng mới được Quốc hội Mỹ gọi ra điều trần. Nhưng điều trần xong thì lại bị cảnh sát… bắt với lý do khong tuân hành lệnh trục xuất!
     Cuối cùng được dân biểu Mỹ (Đảng Dân chủ) đại diện TP San Jose đông Việt kiều sinh sống can thiệp mới được tiếp tục cho phép tạm trú… chờ Uy ban Di trú Mỹ xem xét lại trường hợp này.

1.180 - Trần Thanh Sơn
NGƯỜI “KHÔNG THỂ TỰ ĐI”
Giảng viên đại học sinh 1984 tại Bình Định. Sống ở TPHCM (2012).
     Cha là bộ đội nhiễm CĐDC nên mình sinh ra bị teo 2 chân, một tay bị teo 70%.
     Chân như thế không đi được nhưng cũng không ngồi xe lăn tự đẩy được do tay quá yếu nên 12 năm học tiểu học đến THPT đều được cha cõng đến trường. May mà tay dù không bưng được chén cơm mà ăn song cũng còn đủ lực để cầm bút viết và sau này gõ bàn phím vi tính.
     Từ đó học tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Đúng lúc đó thì người cha kính yêu qua đời vì chứng ung thư gan vỡ ra. Bây giờ phải nhờ bạn bè, bà con thay phiên nhau cõng mình đi học tiếp lên cao học đồng thời đi dạy môn tin học văn phòng tại ĐH Văn Lang.
     Còn chịu khó học thêm ngành quản trị kinh doanh nhằm chuẩn bị sau này thực hiện ước mơ mở một ngôi trường nhỏ dạy miễn phí cho học trò khuyết tật cùng hoàn cảnh không may như mình: “Nếu mình đi được, con đường của mình sẽ khác. Nhưng mình không thể tự đi thì mình phải chấp nhận chuyện đó mà tìm cách khác để hòa nhập với cuộc sống.”
     (Còn tiếp)
 https://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky117

Không có nhận xét nào: