Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Xem tranh CÙ NGUYỄN


     Cảm nghĩ của Khổng Đức

Với tính cách cố tri chí thiết, không thể không viết đôi dòng cảm nghĩ về phòng tranh của Cù Nguyễn, nhưng khi cầm đến bút mới thấy bao khó khăn.
Tranh của Cù Nguyễn quá đồ sộ qui mô, tất cả là 40 bức tranh sơn dầu; nói về lượng bức nhỏ nhất 60 x 75 cm, còn là 20 bức khổ lớn từ 80 x 80 đền 100 x 130; còn về phẩm ngoài ba bức có hình tượng thiếu nữ là Cung trăng,Suối tóc, Đồi mộng mơ, không phải dài dòng vì ai cũng có thể hiểu dù có nhiều cách thế khác nhau. Còn lại 37 bức là cả một thế giới của màu sắc, đường nét, bố cục đầy biến đổi, dù vẫn mang những danh hiệu vô cùng hấp dẫn: Cây Nhân sinh, Những con đường, Hình và bóng, Tây nguyên lễ hội, Sóng hoa,  Đồi trăng, Phố xanh, v…v… Nhưng là loại tranh không hình tượng (non-figuratif), giống như  tranh trừu tượng mà không mang dấu ấn gì của trường phái nầy; có thể nói đó là kết tinh của hơn 50 năm sống lăn lóc trong nghệ thuật. Cù Nguyễn cũng từng thổ lộ là không học, không chịu ảnh hưởng  của trường phái hội họa nào, mà chỉ tự học hỏi, tự tìm tòi với sự đam mê của bản thân. Điều này quá rõ Cù Nguyễn luôn luôn cố tạo dựng cho mình một bản sắc, một đường lối riêng biệt, nên từ năm 1961, lúc mới ngoài 20 tuổi Cù Nguyễn đã đạt được huy chương vàng về hội họa giữa Sàigòn hoa lệ này. Tuy nhiên vẫn không lạc ra ngoài cái quỉ đạo trào lưu tiến hóa của nhân loại là quay về với nội tại, với tâm linh, xa rời cái thực trạng ngoại hình đầy bụi bặm phũ phàng của thiên nhiên; không sao chép thiên nhiên như một đối tượng, mà chỉ quan sát, quán thông, khế hợp với nó để moi sâu, lột trần, thu hút cái bản chất thực tại tiềm ẩn trong đó. Vì vậy có thể nói nghệ thuật của Cù Nguyễn là nghệ thuật thuần túy – nghệ thuật phát sinh chân lý – nghệ thuật được mở rộng với cảm tính, với tự do, phát huy đến tận cội ngưồn  thực tại siêu việt của cái thế giới bên kia (de ce qui est au-dela), nó bao hàm cả vận mệnh, cả cuộc sống của con người, trong đó có liên quan đến sứ mệnh của dân tộc, của lịch sử. Mỗi bức tranh của Cù Nguyễn là một thế giới hình trạng riêng biệt (forme) từ đường nét đến màu sắc. Đây là điểm xuất phát đáng kể khi tuổi đời  của họa sĩ đã vào thế hệ ngoại thát thập (sanh năm 1938) mà sức sáng tạo, óc tưởng tượng vẫn còn rạt rào mang đầy tính chất thơ. Hay nói cho đúng hơn Cù Nguyễn đã sáng tác trong tư thế ý thức mà vô thức, tư thế của trực giác thi tính (intuition poetique) với cái âm điệu của tâm linh – như Valery, thi hào của Pháp từng nói “ cái hay cái đẹp của một bài thơ phải có âm điệu của người nữ lí tưởng, đó là âm điệu của tâm linh (la plus belle poesie a la voix d’une femme ideale, mlle Âme). Thật ra  bức tranh cũng là một bài thơ (thi trung hữu họa, họa trung hữu thi), bức tranh đẹp là tự nó như có khí lực, đúng như Tạ Hách đời Lục triều của Trung Quốc từng nêu là “khí vật sinh động”, là sự biến hóa của khí thế có sức truyền đạt thành ra như có âm thanh. Đặc biệt trong bố cục thường có nhiều khoảng trống (vide), nó khác hẳn với hội họa tây phương mà giống đông phương. Khoảng trống tự nó cũng có những vai trò vững chắc ngang hàng với màu sắc và đường nét – nó là tâm linh xuất phát từ chủ thuyết Đạo giáo. Cái dữ kiện ưu tiên là khái niệm Khí, cái khí tạo nên sự sống nên gọi là sinh khi. Chính dữ kiện đó làm cho hội họa trở nên sống động, thiếu vắng sinh khí chính là dấu hiệu làm cho hội họa trở nên tồi tệ ngay. Tương quan của khí chính là âm dương, nó là hiện thân của qui luật năng động quản lý cả vạn vật, nó là bóng tối là ánh sáng v…v….
Viết đến đây chắc có bạn đọc  đã cho tôi là quá thiên lệch, quá ca tụng bạn cố tri… Thật tế tôi đã xem tranh Cù Nguyễn với tính cách của người thưởng ngoạn; mà theo nghĩa hiện đại, thưởng ngoạn đúng nghĩa là tham dự hội nhập vào sự sáng tạo, nó chủ động. Hay đúng hơn thưởng ngoạn là tái sáng tạo, người thưởng ngoạn không phải là bất động gói kín trong sự tiếp thụ tác phẩm; mà là dùng sự tự do của mình để tái sáng tạo, thẩm tra sự biểu hiện của tác giả. Đối với loại tranh vô hình tượng (non-figuratif) chỉ có màu sắc, đường nét và  hình trạng (forme) nên thưởng ngoạn được nhiều lợi thế tha hồ mà tưởng tượng mà sáng tạo. Như vậy cái thế giới do nghệ thuật gia sáng tạo tức tác phẩm chỉ mới là tiền đề, chỉ đến khi được tiếp thụ, được thưởng thức mới đạt được sự thể hiện chân chính, mới gọi là hoàn thành. Nói rõ hơn là nghệ thuật gia với người thưởng ngoạn cùng tạo nên sản phẩm nghệ thuật.. Cụ thể hơn chúng ta hãy dùng ngay một vài bức tranh của Cù Nguyễn để làm thí dụ. Như bức Tây Nguyên lễ hội (số 30) được diễn tả như một bông hoa màu cam xòe cánh trên nền xanh đậm (Ờ đây tôi chỉ xin nêu lên đôi  nét chính).Màu xanh đậm là màu của núi rừng Tây nguyên, cũng như màu da cam là màu của đất cát”ba-dzan”, xem tranh TNLH lại nhớ đến câu thơ của Đinh  Như Thúy cũng nói về mùa lễ hội : “nhắm khít mắt, nhắm khín mắt đang mùa cồng chiêng…. Rừng lùi xa huyền bí lùi xa linh thiêng…” Trong cánh hoa màu cam lại có những vòng tròn dở dang như những  “ ẩn ức va đập ẩn ức …”Nhưng  các bạn có thể nghĩ, có thể tưởng tượng khác tùy theo  hoàn cảnh buồn vui hay bận rộn nhàn hạ….
Chúng ta hãy xem đến bức “mắt lưới” (số 13), lưới đây chắc là lưới cá, làm ta liên tưởng đến biển cả hay đến hình ảnh của một cuộc sống ràng buộc chằng chịt như ca mắc vào lưới, tự mình không sao tìm ra lối thoát…. Đường cong của bố cục với những hình trạng uyển chuyển như những con mắt dòm ngó đủ chiều…. Có những vòng tròn linh động… Theo hội họa trung quốc nét bút là sự kết hợp giữa con người và thiên nhiên. Nó là hiện thân của con người trong quá trình thể hiện cử chỉ của sự sáng tạo, nên nó là khí, là âm dương (đậm lợt), là thiên địa, vạn vật, tất cả vừa đảm nhiệm vừa chịu dựng  nhịp điệu và sự xung động ẩn bí của con người. Chúng ta hãy xem thêm một bức nữa là “ Vươn lên – số 38”,theo nhãn quan méo mó của tôi nó là một bức tranh mang tính tổng hợp Đông tây. Nó có đủ những yếu tố cơ bản của sự sáng tạo như đã trình bày ở trên. Đặc biệt có những khoảng trống, vô hình mà như hữu hình khiến ta tưởng đến như một con người đang cất bước, cho nên nó mang ý nghĩa “vươn lên”. Ở đây cái Tâm trú ngụ trong  khoảng trống như tập trung khí để phân phối khắp cơ thể của nội tạng. Vì khoảng trống đó mà Tâm con người trở thành qui luật hay là tấm gương chiếu sáng cho chính nó và thế giới….
Tranh của Cù Nguyễn quá đồ sộ không phải chì vì chất lượng  như tôi đã phác họa ngay đầu bài viết, mà cái đồ sộ đáng kính chính là phần ẩn tàng dấu kín, nó là chân lý là ý tưởng  ở phía sau mỗi bức tranh mà trong giới hạn của một bài viết về cảm nghĩ không thể nào nói hết được. Để kết luận cho bài viết, tôi hãy tạm thời mượn lời của Kandinsky mà nói rằng: “ Nghệ thuật của tranh Cù Nguyễn có khả năng cung cấp cho chúng ta yếu tố để trầm tư và cũng là chỗ để cho tâm hồn nghỉ ngơi.   
 Suýt nửa thì tôi quên, chủ đề của phòng tranh Cù Nguyễn kỳ này là “Hướng tới tương lai”, tương lai đây không phải là bản thân tác giả mà là nhắm vào  tầng lớp thanh niên, cầu mong có người noi theo gương cần cù  của tác giả mà thiết lập được những hệ thống qui luật mới mẻ cho nền hội họa Việt Nam.                                                                                      
                                                                                                                                 Khổng Đức   

Bản do tác giả gởi                                

1 nhận xét:

Standee nói...

Tranh của Cù Nguyễn chất lượng, chứa đựng nhiều chân lý phía sau. nhu cầu in tranh dán tường