(Tiếp theo và hết)
6/- NHẠC SĨ LÊ MỘNG BẢO
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sinh năm 1923 tại
Huế trong một gia đình nho giáo gốc Minh Hương. Năm 1940 lúc lên 17 tuổi
ông đã bắt đầu sống tự lập. Ông ra Bắc làm việc cho tờ báo Tiếng Dân
của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ông học chữ Hán với cụ Phan Bội Châu, học nhạc
với nhạc sĩ Đặng Thế Phong và Nguyễn Văn Thương. Năm 1944 ông trở về
Huế và làm việc tại Sở Bưu điện Huế .
Năm 1945 ông thôi việc và mở một tiệm bán
sách trên đường Trần Hưng Đạo. Ông xuất bản nhạc phẩm “Quảng đường mai ”
của Nguyễn Hữu Ba và từ đó ông đi luôn vào ngành xuất bản âm nhạc. Vì
công việc làm ăn nên ông thường hay đi Hà Nội, do đó ông quen biết nhiều
nhạc sĩ sống ở miền Bắc như Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi
Công Kỳ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Phúc vv…Trong thời gian này, theo
phong trào chống Pháp ông sáng tác bản nhạc đầu tay “Không làm nô lệ”.
Năm
1948 ông cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa của ông Tăng Duyệt và chính
ông đã giúp ông Tăng Duyệt phát triển thành nhà xuất bản nhạc phẩm uy
tín nhất VN. Năm 1952 ông Tăng Duyệt cử ông vào Saigon lập chi nhánh
nhà xuất bản Tinh Hoa 2 để xuất bản những nhạc phẩm của các nhạc sĩ
miền Nam .
Năm 1956 nhà xuất bản Tinh Hoa Huế ngưng
hoạt động vì tình hình chính trị thay đổi. Tại Saigon một mình Lê Mộng
Bảo khai trương nhà xuất bản lấy tên là Tinh Hoa Miền Nam. Ông có tài
kinh doanh nên ngoài việc xuất bản ông còn phân phối nhạc phẩm đến tận
các nhà sách và các nhà dù bán nhạc trên các lề đường Saigon. Nhà xuất
bản nhạc phẩm của ông là nhà xuất bản VN đầu tiên có tên trong danh mục
các nhà xuất bản nhạc quốc tế “Worldwide music trade directory ” .
Ông có nhiều nhạc phẩm sáng tác như “Đổi
thay ”, ”Mùa ve sầu”, “Phận nghèo”, “Thân phận”, “Bọt bèo”, “Xa anh
rồi”, “Không hiểu tại sao”, “Sao lừa dối em”. Ông có sáng tác chung
với các nhạc sĩ khác như Văn Phụng, Mạnh Phát, Tô Kiều Ngân , phạm Mạnh
Cương … Ông cũng có bài tân cổ giao duyên “Thân phận” soạn chung với
soạn giả cải lương Quế Chi. Bản này được thu thanh vào dĩa qua giọng ca
của Minh Vương và Thanh Kim Huệ.
Ông cùng các nhạc sĩ Lê Thương, Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Xuân Phát … thành lập Hội nhạc sĩ VN .
Năm 1973 ông cùng với nhac sĩ Văn Giảng,
các ca sĩ Mộc Lan, Kim Tước phụ trách lớp nhạc lý tại Viện khoa học
giáo dục. Ông cùng với nhạc sĩ Song Ngọc phụ trách chương trình “Hoa
tình thương” trên Đài truyền hình VN và đi lưu diễn tại các tiền đồn xa
xôi. Ông cũng là chuyên viên báo chí thời Hoàng Đức Nhã làm Bộ trưởng
Thông tin và Dân vận. Ông phụ trách tờ báo “Lẽ sống” ở Saigon.
Sau 1975 ông đi học tập cải tạo đến 1981. Năm 1993 ông sang Hoa Kỳ theo diện HO và đang định cư tại Cali.
7/- NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sinh năm 1930 tại Huế trong một gia đình trí thức và yêu văn học, nghệ thuật.
Ông có người anh tên Lê Mộng Hoàng là một
ca sĩ có giọng ca Ténor nổi tiếng trong thập niên 40 của Đài phát thanh
Huế. Nhưng ông anh thích làm diễn viên điện ảnh hơn làm ca sĩ. Sau khi
du học ở Pháp về ngành điện ảnh, ông trở về VN đạo diễn phim “Bụi đời”
và Lê Mộng Nguyên viết nhạc cho phim.
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sáng tác nhạc hồi
còn rất trẻ nhưng mãi đến năm 1948 ông mới cho ra mắt nhạc phẩm “Mừng
Khánh Đản” nhân dịp khánh thành chùa Từ Đàm Huế , “Vó ngựa giang hồ” ,
“Mùa lúa mới”, “Trường ca quân tiến” …
Khi ông 19 tuổi ông yêu tha thiết một cô
gái Huế tên M. và chính người đẹp này là nguồn cảm hứng để ông viết bài
“Trăng mờ bên suối” (1949). Sáng tác xong, ông gởi ngay cho nhạc sĩ Thu
Hồ lúc ấy đang là một ca sĩ nổi danh của đài phát thanh Pháp Á, mặc dù
trước đó hai người chưa hề quen biết nhau. Thu Hồ đã thu thanh bản nhạc
này với ban nhạc Trần Văn Lý. Từ Huế nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên nghe giọng
hát cũa Thu Hồ trình bày nhạc phẩm của mình với cái radio của người hàng
xóm qua làn sóng điện của đài Pháp Á. Từ đó ông tiếp tục gởi thêm những
bài khác cho Thu Hồ và hai người trở nên đôi bạn thân cho đến cuối cuộc
đời.
Năm 1950 ông sang Pháp du học về ngành
luật. Sau khi đỗ tiến sĩ ông dạy tại Đại học Paris về Luật hiến
pháp, Khoa học Chính trị và kinh tế. Năm 1996 ông về hưu và được bầu
vào Hàn Lâm Viện Khoa học hải ngoại Pháp.
Những nhạc phẩm của Lê Mộng Nguyên gồm có :
1948 - Mừng Khánh Đản, Mùa lúa mới, Vó ngựa giang hồ.
1949 - Trăng mờ bên suối, Một chiều thương nhớ, Trọng Thủy Mỵ Châu, Chiều thu, Mưa Huế.
1950 - Hoàng Hoa Thôn, Nhớ Huế, Bài thơ Huế, Cô gái Huế, Về chơi thôn Vỹ Dạ, Đôi mắt nhung, Mơ Đà Lạt, Ly hương.
1956 - Bên dòng sông Seine, Xuân tha hương, Lá thư cho mẹ, Trời Âu.
1957- Bụi đời, Người đã trở về. 1980 –
Xuân về nhớ mãi quê hương. 1988 – Chiều vàng trên chợ Đông Ba. 1991 –
Quê tôi. 1992 – Kiếp giang hồ.
8/- NHẠC SĨ THU HỒ
Nhạc sĩ Thu Hồ tên thật là Hồ Thu sinh
ngày 14/10/1919 tại làng Tân Mỹ (gần Thuận An), tỉnh Thừa Thiên. Ông có
khiếu về âm nhạc và thơ lúc mới 12 tuổi. Ông là ca sĩ đầu tiên đưa những
bài hát VN đầu tiên đến với thính giả, là gạch nối giữa những bài hát
Pháp lời Việt do cô Kim Thoa, Thanh Tùng, Tư Chơi khởi xướng và các bài
hát hoàn toàn VN. Thời gian theo học tại trường trung học Pellerin, ông ở
trọ tại nhà ông bác của nhạc sĩ Trần Văn Lý và được nhạc sĩ truyền dạy
cho nhạc lý Tây phương. Ông rất thích hát những bài mà Tino Rossi hay
hát. Ông cũng là ca sĩ đầu tiên hát trước công chúng tại Hội Chợ Huế bài
“La chanson du gondolier”.
Năm 1943 ông làm trưởng ga xe lửa Dầu
Giây. Xa quê, xa gia đình, ông nhớ nhà, rồi nhớ đến hai câu ca
dao “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
khiến ông nhớ đến mẹ và viết nên bài “Quê mẹ”. Tuy là tác phẩm đầu tay
nhưng lại là bài hát tiêu biểu trong sự nghiệp âm nhạc của ông.
Năm 1947 ông tham gia vào ban “Thần Kinh
nhạc đoàn với ban nhạc của nhạc sĩ Trần Văn Lý và các ca sĩ như Châu Kỳ,
Mộc Lan, Minh Diệu, Minh Tần, Kim Nguyên, Mạnh Phát, Thu Thu, Vĩnh Lợi
vv …
Năm 1948 đài Pháp Á mở thêm chương trình
tân nhạc VN và mời ông cộng tác. Từ đó tiếng hát cũng như tên tuổi của
ông đã vang đi khắp nước. Ngoài đài Pháp Á sau này đổi tên thành Đài
phát thanh Saigon ông còn hát cho đài Quân Đội. Thu Hồ không chỉ là ca
sĩ mà còn là nhà soạn kịch và diễn viên sân khấu. Ông đã soạn trên một
trăm vở kịch và cũng là diễn viên trong các vở kịch như “Hai chàng một
áo”, “Thầy lang bất đắc dĩ” vv… Thẫm Thúy Hằng đã mua những kịch bản của
ông để diễn trên Đài truyền hình.
Năm 1954 ông đi quân dịch, làm Trưởng ban
tuyên truyền lưu động Đệ I Quân khu đi ủy lạo binh sĩ ở các tiền đồn
biên giới. Trong dịp này ông làm bài “Khúc ca Đồng Tháp”.
Năm 1957 mãn hạn quân dịch, ông gia nhập ban văn nghệ “Vì dân” của Tổng nha Cảnh sát Quốc gia .
Từ 1959
đến 1970 ông là giáo sư âm nhạc các trường trung học ở Saigon như
Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Bá Tòng, Thiên Phước, Thánh Thomas… Ông là
thành viên của SACEM, hội âm nhạc của Pháp, trụ sở đặt tại Paris. Thu Hồ
còn là nhà thơ đưọc nhiều người mến mộ. Ông cho ra mắt tập thơ mang
tên “Ánh bình minh” năm 1965 .
Sau năm 1975 ông kẹt lại ở Saigon. Năm
1990 Mỹ Hà con gái lớn của ông và chồng là tài tử điện ảnh Trần Quang
bảo lãnh gia đìng ông sang Hoa Kỳ. Ông sống tại Santa Ana với người con
thứ là ca sĩ Mỹ Huyền cho đến cuối đời.
Năm 1993 ông và nhà thơ luật sư Ðỗ Đức
Hậu được Hội Thi sĩ quốc tế (International Society Of Poets) bầu là
“Đại sứ thi ca hòa bình” trong hội nghị thi ca họp tại Hoa Thịnh Đốn. Để
đánh dấu nhạc phẩm “Quê mẹ” tròn 50 tuổi, một đêm ca nhạc mang tên “Đêm
quê mẹ” được tổ chức tại vũ trường Ritz tối 14/10/1993 tại Anaheim.
Trong dịp này ông cho ra mắt tuyển tập nhạc “Hoa bốn mùa” gồm 22 bản
nhạc ưng ý nhất của ông như “Quê mẹ”, “Tiếng sáo chiều quê”, “Sầu ly
biệt”, “Nhớ nhau”, “Tím cả rừng chiều”, “Cô nữ sinh Đồng Khánh”, “Tà áo
Trưng Vương”, “Mái tóc em gái Gia Long”, “Trăng huyền diệu” vv…
Một tuần trước khi ông từ giã cõi đời,
các bạn bè đã tổ chức một đêm dạ vũ tương trợ dành cho ông tại Vũ
trường Ritz. Theo ý nguyện của ông các bạn trích ra 567 $ góp vào quỹ
tượng đài Chiến sĩ tự do. Ông mất ngày 19/05/2000, hưỏng thọ 81 tuổi.
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng gốc Quảng Nam, sinh
năm 1932 tại Huế. Ông là bạn đồng khoá với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từ
trường trung học Khải Định cho đến trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học
Văn khoa Hà Nội. Ông học đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, học lóm nhạc lý
Tây phương với nhạc sĩ Văn Giảng và học thêm cổ nhạc với nhạc sĩ
Nguyễn Hữu Ba. Những năm học trung học ông tham gia sinh hoạt văn nghệ
trong trường và trong Gia đình Phật tử với các bạn như Phạm Mạnh Cương,
Hồ Đăng Tín, Hoàng Nguyên, Kiêm Đạt, Diên Nghị, Tạ Ký (thơ), Minh Tuyền
(nhiếp ảnh), Lữ Hồ (văn học) …
Năm 1949 ông sáng tác ca khúc “Mục Kiền
Liên” và trình bày trong mùa Vu Lan tại Huế. Năm 1951 ông làm bài “Mùa
thi” được ban hợp ca Thăng Long dựng thành nhạc cảnh và trình diễn nơi ở
trong nước.
“Hôm nay mùa thi, bao nhiêu người đi
Xe rộn ràng, lớp ồn ào, niềm vui vấn vương .
Thi ơi là thi, sinh mi làm chi,
“bay” nghẹn ngào, “bám” ồn ào, buồn vui vì mi” .
Sau đó được ban Gió Nam của nghệ sĩ Trần
Văn Trạch cùng ban Thăng Long trình diễn “Mùa thi” tại Hà Nội năm 1954.
Ban Thăng Long đã làm bài hát này nổi tiếng và đưa tên tuổi ông đến
giới hâm mộ nhạc VN.
Năm 1953 ông ra Hà Nội học tại Đại học
Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm. Trong thời gian này ông học thêm âm nhạc
với nhạc sĩ Hùng Lân. Cuối năm 1954 ông di cư vào Saigon. Năm 1955 ông
tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm, được bộ Giáo dục biệt phái sang bộ Quốc
phòng và dạy tại trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt từ 1955 đến 1960. Trong
thời gian này ông sáng tác bản “Khúc hát ngày mai” được ban Thăng Long
trình bày trên đài phát thanh Saigon và đài Quân đội.
Năm 1960 về lại bộ Giáo dục ông dạy tại
trường Trần Lục rồi Nguyễn Du. Trong năm này ông cho ra đời bài “Mưa đêm
ngoại ô” và năm 1963 bài “Bước chân chiều Chủ nhật” do Thanh Thúy hát.
Năm 1965 ông nhập ngũ khóa 21 trường Võ
bị Thủ Đức. Ra trường với cấp bậc chuẩn úy, ông làm việc dưới quyền của
thi sĩ Tô Kiều Ngân, lúc ấy là đại úy Trưởng phòng và thi sĩ Tô Thùy
Yên, trung úy phụ tá Trưởng phòng của Phòng Văn nghệ Cục Tâm lý chiến.
Tại đây ông cùng làm việc với các nhạc sĩ khác như Lam Phương, Duy
Khánh, Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Phạm Minh Cảnh, Anh Việt Thu vv… Cùng
phục vụ trong Cục Tâm lý chiến ông cũng đã gặp và quen biết các nhạc sĩ
cùng các văn, nghệ sĩ như Trần Trịnh, Trần Thiện Thanh, Mai Trung
Tỉnh, Tường Linh, Du Tử Lê, Phạm Lê Phương, Tạ Tỵ…. Cũng trong thời gian
này ông viết bản trường ca “Những người đi giữ quê hương được Ban hợp
ca Quân đội trình bày tại rạp Thống Nhất nhân ngày Quân lực VNCH năm
1969, dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Vũ Minh Tuynh và Ngô Mạnh Thu.
Năm 1969 ông được biệt phái về lại bộ
Giáo dục và tiếp tục dạy học cho đến tháng 4/1975. Sau đó ông đi học
tập cải tạo đến năm 1978. Năm 1980 ông vượt biên rồi được định cư tại
Hoa Kỳ. Ông đi học lại nghề cũ và dạy học ở Boston cho đến 1999 về hưu.
Trong thời gian ở Mỹ ông phổ nhạc bài thơ “Tháng ba đi hành quân” của
Trần Hoài Thư.
Ngoài những nhạc phẩm nêu trên ông còn những sáng tác khác như : Mưa đêm ngoại ô, Sương đêm, Vòng tay giữ trọn ân tình, Vui dựng gia đình, Xin dìu nhau đến tình yêu.
10/- NHẠC SĨ HOÀNG NGUYÊN
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự
Phúc sinh ngày 03/01/1932 tại Quảng Trị, nhưng lớn lên và học hành tại
Huế. Ông mất ngày 21/08/ 1973 tại Saigon trong một tai nạn xe cộ lúc
ông 41 tuổi là lúc tài năng sáng tác đang lên .
Ông học trung học tại trường Quốc Học
Huế, đậu Cử nhân Anh văn tại Đại học Saigon, dạy anh văn và âm nhạc tại
Đà Lạt, Vĩnh Long, Saigon. Ông phụ trách ban nhạc đại hòa tấu “Hương
thời gian” trên Đài truyền hình VN và chương trình “Tiếng thời gian”
trên Đài phát thanh Saigon .
Ông có nhiều kỷ niệm với Đà Lạt và hai
nhạc phẩm nói về miền cao nguyên này là “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ
hoa đào” trở thành tác phẩm tiêu biểu của ông. Hai tác phẩm này hiện nay
được nữ ca sĩ Ánh Tuyết trình bày rất thành công, đã làm rung động
những tâm hồn yêu nhạc. Nhạc đã hay mà lời lại như thơ.
Nghe hơi gió len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dặt dìu như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước chuyện Đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa…
Về xứ Huế ông đã để lại cho đất Thần
Kinh nhạc phẩm “Tà áo tím” một bài hát trữ tình lãng mạn, êm đềm, thơ
mộng và đã được ca sĩ Hà Thanh ru vào lòng người :
Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím sao luyến thương , màu áo tím sao vấn vương
Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy , màu áo tím hôm nào
Tình quyến luyến ban đầu, chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao …
Những ca khúc khác của Hoàng Nguyên gồm
có : Anh đi mai về, Anh đi về đâu, Bài Tango riêng cho em, Cho người
tình lỡ, Đường nào em đi, Đường nào lên Thiên thai, Duyên nước tình
trăng, Em chờ anh trở lại, Lá rụng ven sông, Lời dặn dò, Sao em không
đến, Thuở ấy yêu nhau .
Nếu không có bài hát “Phật giáo Việt Nam”
được dùng làm bài ca chính thức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất thì rất ít người VN biết đến nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc, Nam, Trung từ đây
Một lòng chúng ta tiến lên vì Đài Sen…
Trước đây ông chỉ sáng tác những ca khúc
vui tươi dành cho thiếu nhi, cho học sinh nên thường những ai làm nghề
nhà giáo mới biết đến ông. Các bài hát vui của ông dành cho thiếu nhi
gồm có : Bài ca tình bạn, Ca mùa học vui, Hai chú gà con, Nhi đồng múa
ca, Ra chơi, Tập tầm vông, Tiếng còi đánh thức, Vui đi học.
12/- NHẠC SĨ PHẠM MẠNH CƯƠNG
Nói đến nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, người
yêu nhạc nhớ đến “Thu ca”, một trong những ca khúc được thu thanh nhiều
nhất từ trong nước đến hải ngoại và cũng là nhạc hiệu quen thuộc của
những chương trình ca nhạc của ông tại các Đài phát thanh và truyền hình
Saigon trước năm 1975.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sinh quán tại
Huế, tỉnh Thừa Thiên. Ông theo học bậc trung học tại trường Khải Định,
đỗ Tú tài 2 năm 1953. Sau đó ông ra Hà Nội tiếp tục việc học, tốt nghiệp
Cao đẳng Sư phạm và Cử nhân Văn khoa 1955.
Từ 1958 đến 1975 ông là giáo sư môn triết
và môn văn tại trường trung học công lập Pétrus Ký và các trường tư
thục lớn ở Saigon như Văn Học, Nguyễn Văn Khuê, Bồ Đề, Hưng Đạo, Văn
Lang, Lê Bảo Tịnh, Huỳnh Thị Ngà, Thượng Hiền…
Từ 1960 đến 1975 ông vừa dạy học vừa hoạt
động âm nhạc. Ông là trưởng ban các chương trình “Hoa thời đại” của Đài
Phát thanh Saigon, “Tiếng hát hậu phương”, “Nghệ sĩ và chiến sĩ ” của
Đài Tiếng nói Quân đội, “Chương trình Phạm Mạnh Cương” của Đài truyền
hình. Ông còn là giám đốc trung tâm “Tú Quỳnh”, một trung tâm băng nhạc
quy mô đầu tiên tại Saigon.
Năm 1980 ông rời Việt Nam và định cư tại
thành phố Montreal, tỉnh Quebec, Canada. Ông tiếp tục hoạt động văn
nghệ : thành lập ban nhạc Phạm Mạnh Cương với hai người con là nhạc sĩ
Phạm Mạnh Quỳnh và Phạm Lê Diễm Phúc. Đồng thời ông là chủ biên nguyệt
san Thẩm Mỹ từ năm 1994 đến nay.
Một số nhạc phẩm nổi tiếng của ông đã
xuất bản và thu thanh tại VN trước 1975 : Thung lũng hồng, Mắt lệ cho
người tình, Tóc em chưa úa nắng hè, Thương hoài ngàn năm, Tình yêu đã
mất, Giã từ cố đô, Về thăm cố đô Loài hoa không vỡ, Tháng bảy mưa ngâu,
Sầu ly biệt, Nhạc khúc mừng xuân, Thu về trong mắt em…
Tháng 04/2003 nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương
đã được trung tâm Thúy Nga mời xuất hiện trên băng Vidéo “Paris By Night
70”, chủ đề “Thu ca” cùng với hai nhạc sĩ Lê Dinh và Trường Sa.
13/- NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày
28/02/1939 tại Lạc Giao (cao nguyên miền Trung) trong một gia đình trung
lưu gốc Thừa Thiên. Ông lớn lên tại Huế và đỗ Tú tài ban triết học ở
trường Chasseloup Laubat Saigon. Ông tự học nhạc, học sáng tác không qua
một trường lớp nào cả. Trong thập niên 60 nhạc của ông xuất hiện như
một ngôi sao sáng trong vòm trời âm nhạc VN. “Ướt mi” là tác phẩm đầu
tay được sáng tác năm 1958. Ông mất ngày 01/04/2001 tại Saigon.
Mỗi bài hát của T.C.Sơn có một nét độc
đáo riêng. Ngay cả lời ca trong nhạc T.C.S. cũng có một sắc thái riêng
không giống với các nhạc sĩ khác. Lời ca của TCS không sống sượng theo
lối tả chân, không văn chương theo lối mòn sáo rổng hay rập khuôn theo
những qui ước có sẵn. TCS có lối sử dụng ngôn ngữ một cách khéo léo, mới
lạ để diễn tả một thứ tình cả m lang lâng, mơ hồ phải nhờ cảm tính
người ta mới hiểu được. Ví dụ TCS nói đến tình yêu đôi lứa mà không dùng
đến chữ “yêu” vì đã có bàn tay, mái tóc, đôi mắt … nói hộ cho rồi :
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đưòng dài hun hút cho mắt them sâu …
(Diễm Xưa)
Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em …
(Nắng Thủy Tinh)
Mỗi bài ca là một bài thơ. Ngoài chất thơ
ra trong nhạc TCS còn mang chút triết lý về thân phận con người , hạnh
phúc , khổ đau , lẽ vô thường của kiếp sống :
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày …
(Cát Bụi)
Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Sông bao lần sông đã ra đi
Những ngàn năm trôi đến bây giờ
Sông ra đi hay mới bước về …
(Gần Như Niềm Tuyệt Vọng)
Ôi tiếng buồn rơi đều
Nhìn lại mình đời đả xanh rêu …
(Tình Xa)
TCS đã từ giã cõi đời, ông đã trở về với
“Cát bụi”, “Một cõi đi về” của kiếp con người vì ông cũng chỉ là một
“Đóa hoa vô thường”. Đường trần ông đã đi qua, “Dấu chân địa đàng” ông
để lại là một gia tài âm nhạc gồm có các tuyển tập :
1967 – Ca khúc Trịnh Công Sơn - Tình Khúc Trịnh Công Sơn - Ca khúc da vàng.
1968 – Kinh Việt Nam
1969 – Ca khúc da vàng 2 - Ta phải thấy mặt trời .
1972 – Như cánh vạc bay - Cỏ xót xa đưa - Khói trời mênh mông - Tự tình khúc - Phụ khúc da vàng.
1973 – Lời đất đá cũ - Nhân danh việt Nam .
1989 – Một cõi đi về.
1991 – Em còn nhớ hay em đã quên - Cho con.
1992 – Lời của dòng sông - Khói trời mênh mông 2 .
1993 – Bên đời hiu quạnh - Trong nỗi đau tình cờ - Thuở ấy mưa hồng.
1995 – Những bài ca không năm tháng.
1999 – Tuyển tập ca khúc Trịnh Công Sơn 1, 2, 3, 4, 5, 6.
Ngoài các nhạc sĩ chào đời ở Huế hoặc lớn
lên và học hành tại Huế còn có những nhạc sĩ tuy không sinh ra ở Huế
nhưng có một thời gian sống hoặc làm việc ở đây, rất nặng lòng với đất
cố đô và đã sáng tác nhiều ca khúc bất hủ dành cho xứ Huế. Trong số
nhạc sĩ này ta có Duy Khánh, Hoàng Thi Thơ, Dương Thiệu Tước vv…
Yên Huỳnh post
Trích lại từ http://cafevannghe.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét