SGTT.VN - Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam sơ kết giai
đoạn 1 Hành trình tìm kiếm Kỷ lục Phật giáo, công bố 8 kỷ lục Phật giáo
năm 2013.
1. Trường Phật giáo đào tạo nhiều tăng ni sinh nhất (Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM)
Học viện Phật giáo Việt Nam tọa lạc tại số 750 Nguyễn
Kiệm, P.4, Q. Phú Nhuận. Số lượng sinh viên theo học ngày càng nhiều làm
cho Học viện trở thành trung tâm thu hút các học giả và các nhà nghiên
cứu từ nhiều nơi trên thế giới. Ước tính đến nay, Học viện đã đào tạo
gần 3.500 tăng ni sinh viên.
Học viện Phật giáo Việt Nam tọa lạc tại số 750 Nguyễn Kiệm, P.4, Q. Phú Nhuận.
|
2. Tượng Đức Phật Thích Ca bằng đá saphire lớn nhất (Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên - Vĩnh Phúc)
Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hội đá quý Hà
Nội tiến cúng đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam
Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) một pho tượng Phật bằng đá ngọc corindon có chứa
80-90% saphire (có độ cứng là 9, chỉ sau kim cương). Tượng cao 3,45m
nặng 31 tấn, tạo tác đức Phật Thích Ca đang ngồi kiết già. Điều đáng quí
là tượng được tạc từ đá ngọc Việt Nam có chứa 80-90% saphire (ở huyện
Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An), được các nghệ nhân thổi hồn dân tộc Việt Nam vào
tượng Phật nên tượng mang bản sắc văn hoá nghệ thuật, mỹ thuật Việt
Nam.
Tượng Đức Phật Thích Ca bằng đá saphire lớn nhất
|
3. Tượng Phật nhập niết bàn bằng đá saphire lớn nhất Việt Nam (Chùa Hội An – Bình Dương)
Kỳ Lam Ngọc Phật là pho tượng Phật được làm từ một loại
đá quý có chứa nhiều chất liệu corindon (saphire) màu xanh dương đậm.
Viên đá này (ở xã Châu Thành, huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An), có chiều dài
4,2m, nặng trên 46 tấn, khi hoàn thiện, trọng lượng pho tượng Phật còn
lại khoảng 35 tấn. Pho tượng được an vị trong khuôn viên chùa Hội An,
ngay trung tâm thành phố mới Bình Dương vào ngày mùng 9 tháng Giêng năm
Quý Tỵ (nhằm ngày 18/2/2013).
Tượng Phật nhập niết bàn bằng đá saphire lớn nhất Việt Nam
|
4. Ngôi chùa sản xuất phim Phật giáo nhiều nhất (Chùa Hoằng Pháp - Hóc Môn, TPHCM)
Chùa Hoằng Pháp được sáng lập năm 1957. Thực tế đa phần
những bộ phim Phật giáo đang lưu hành tại Việt Nam đều chuyển ngữ từ
phim nước ngoài, trong khi đó, đất nước ta cũng có rất nhiều bậc danh
tăng. Vì lẽ đó, chùa Hoằng Pháp những năm qua đã thực hiện nhiều bộ phim
về Phật giáo. Hiện tại, chùa đã phát hành 17 bộ phim (phim ký sự, phim
truyện, hoạt hình). Sự ra đời của các bộ phim về Phật giáo do chùa sản
xuất và phát hành không chỉ đáp ứng về mặt tinh thần cho cộng đồng Phật
tử trong và ngoài nước mà còn khẳng định rằng Phật giáo đã, đang và sẽ
chuyển mình cùng nhịp sống của thời đại.
Chùa Hoằng Pháp
|
5. Kênh truyền hình sản xuất và phát sóng nhiều chương trình nhất về chủ đề Phật giáo Việt Nam (kênh AVG)
Kênh truyền hình An Viên (AVG) là kênh truyền hình có
nội dung tư tưởng của đạo Phật, được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp
giấy phép. Ngay từ khi ra đời, kênh An Viên đặt mục tiêu trở thành một
kênh truyền hình tổng hợp, trong đó xây dựng nhiều chương trình mang
tính giáo dục cao, dựa trên nền tảng tư tưởng, giáo lý nhà Phật. Đến
nay, kênh truyền hình An Viên đã xây dựng được được gần 20 chương trình
như: Dưới bóng Bồ Đề, Chùa Việt Nam, Đâu là đúng, Ngày An Viên, Sống yêu
thương, Thiền, Xưa và Nay, Hiểu và Thương, Phim truyện Phật giáo, Vườn
yên tĩnh, Phim tài liệu Phật giáo,… Thời lượng phát sóng các chương
trình về chủ đề Phật giáo là 2 giờ/ngày.
6. Người biên tập và biên soạn kinh sách Phật giáo nhiều nhất (Thượng tọa Thích Nhật Từ)
Thượng tọa Thích Nhật Từ sinh năm 1969 tại TPHCM, trụ
trì chùa Giác Ngộ từ năm 1992 đến nay. Từ năm 2006 đến nay, Thượng tọa
đã viết 28 cuốn sách, đồng chủ biên 8 cuốn sách, biên dịch và biên soạn
hơn 100 các đầu sách cùng các tác giả khác… Đến nay, Tủ sách Đạo Phật
Ngày Nay do Thượng tọa Thích Nhật Từ chủ biên bao gồm các nghi thức tụng
niệm thuần Việt và trên 200 đầu sách nghiên cứu và ứng dụng về Phật
học, thuộc loại sách cần thiết cho mọi đối tượng độc giả. Một số cuốn
sách của Thượng tọa được lấy cảm hứng để dựng phim và làm thành bài
giảng sinh động.
Các tác phẩm Phật học của Thượng tọa Thích Nhật Từ
|
7. Người đọc sách nói Phật giáo nhiều nhất (Bà Nguyễn Hướng Dương)
Bà Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc "Quỹ từ thiện sách nói
dành cho người mù", sau tai nạn bất ngờ mất đôi chân năm 25 tuổi, đã
dành thời gian và công sức để đọc sách nói dành cho người mù. Số lượng
đầu sách bà đọc thuộc chủ đề Phật giáo hiện tại là 200 quyển. Sách nói
Phật pháp hiện đang được phát hành tại chùa Giác Ngộ, quận 10 và chùa
Dược Sư – quận Bình Thạnh, TPHCM. Hiện tại Thư viện sách nói dành cho
người mù của bà đã đưa được sách nói lên mạng internet để phục vụ rộng
rãi hơn cho người mù.
Bà Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc "Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù"
|
8. Bộ sưu tập tem về đề tài Phật giáo nhiều nhất (Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc)
Đây là bộ sưu tập tem của ông Nguyễn Đại Hùng Lộc
(TPHCM), được sưu tập công phu trong 10 năm. Bao gồm 24 khung tem theo
tiêu chuẩn quốc tế với tổng cộng có 384 trang khổ 23x29mm. Bộ sưu tập
được thuyết minh chi tiết theo các chủ đề Phật giáo. Tổng cộng có gần
2.400 vật phẩm bưu chính thuộc 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có nhiều
tem hiếm, tem dị bản (error), bì thư thực gửi quý hiếm, bản in thử
(proof), bản in đặc biệt (epreuve de luxe), block tem đặc biệt… Hình ảnh
trên mỗi con tem được thiết kế và in ấn rõ ràng với màu sắc hài hòa,
trên mỗi mẫu tem đều có những dòng chú thích thuyết minh.
Bộ sưu tập tem về đề tài Phật giáo
|
Theo Dân Trí
http://sgtt.vn/Thoi-su/177725/8-ky-luc-Phat-giao-2013-chao-mung-dai-le-Phat-dan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét