Nhưng,
con người có bộ óc chứa đựng những tư tưởng kỳ vĩ, có tầm ảnh hưởng sâu
rộng đến xã hội đương thời, có một cuộc đời oanh liệt và kỳ lạ đến phút
chót, còn những gì mà hậu thế chưa nhìn rõ? Câu hỏi ấy phần nào được
giải đáp trong bộ sách dài chín tập Lời người man di hiện đại, với tập 1 - Thiết chế làng xã của người nông dân Việt Nam phát hành vào tháng 8 tới, lần đầu tiên tuyển chọn và giới thiệu trước tác đồ sộ của Nguyễn Văn Vĩnh.
Phóng viên đã trò chuyện cùng ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đồng thời là người biên soạn bộ sách.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh
Những điều chưa biết về
học giả Nguyễn Văn Vĩnh
*
Từ gần 10 năm trước, trong trào lưu “xét lại” các nhân vật lịch sử,
giới chuyên môn nhận định: Nguyễn Văn Vĩnh là cái tên đứng hàng ưu tiên,
nhưng tất cả đều bối rối trước khối lượng trước tác đồ sộ, đồng thời e
ngại khi phải tháo dỡ những định kiến về Nguyễn Văn Vĩnh. Ông có gặp
phải những áp lực tương tự, nhất là khi là người ngoại đạo và chỉ có bản
năng nòi giống đưa đường?
-
Tôi đã nhiều lần thú nhận là tôi “lớn” rất muộn. Gần 40 tuổi mới biết
mộ ông nội ở đâu. Ngoài 50 tuổi mới “mở mắt”, ý thức được việc phải cải
tiếng oan cho ông nội mình, nhưng lại hoàn toàn không có định hướng. Cả
một kho tư liệu gia đình thu thập và lưu giữ, đều không phải bản gốc, mà
muốn chứng minh, soi tỏ, lại cần đến những căn cứ chính xác.
Tôi
thì trình độ kém, nghiệp vụ không có, và cũng không biết tiếng Pháp.
Nhưng ơn giời, tôi đều vượt qua được. Đến phút này thì có thể khẳng
định, nếu không có rủi ro đặc biệt nào, bộ sách sẽ đến tay bạn đọc. Tôi
hiểu được sự trì hoãn và chậm trễ của những học giả từng muốn “xét lại”
Nguyễn Văn Vĩnh.
Có
những lý do người ta khó bước qua, vào hoàn cảnh ấy, giai đoạn ấy.
Chính tôi trước đây đã từng đề nghị tới một cấp cao, về việc cần đánh
giá lại toàn bộ sự nghiệp và con người Nguyễn Văn Vĩnh, để trên cơ sở
đó, định ra Ngày Chữ quốc ngữ. Trong văn bản phúc đáp, người ta tỏ ý cổ
vũ, đồng thuận, nhưng sau đấy, không hề triển khai.
*
Không ít người cho rằng, mối bất hoà giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Bội
Châu là nguyên nhân chính khiến Nguyễn Văn Vĩnh bị hậu thế hiểu sai.
Những tư liệu nào ông tìm được có thể giúp độc giả nhìn nhận đúng bản
chất của sự việc?
-
Khi đánh giá Nguyễn Văn Vĩnh, những người thuộc phái “định kiến” cố
xoáy vào mâu thuẫn của Nguyễn Văn Vĩnh với một số nhà yêu nước thời đó,
nhất là với Phan Bội Châu, nhưng họ chỉ trích dẫn một nửa sự thật nhằm
phục vụ chủ kiến.
Thật
không công bằng khi đánh giá toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của một con
người chỉ dựa trên một góc nhỏ của sự thật. Sau này, khi có đầy đủ tư
liệu về mối quan hệ giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Bội Châu, tôi thấy hạnh
phúc vô cùng, không chỉ vì cụ Nguyễn Văn Vĩnh là ông nội tôi.
Đó
là điếu văn cụ Châu “khóc” cụ Vĩnh, vốn được viết bằng cả chữ quốc ngữ
và chữ Nho (Hán văn). Phần Hán văn bộc bạch đầy đủ tấm lòng của cụ Châu
với cụ Vĩnh, không hề như trong những giai đoạn nào đó, người ta từng
phán xét.
Có
một điều chính tôi cũng thắc mắc, tại sao Nguyễn Văn Vĩnh lại lên án
Phan Bội Châu? Đó là bởi cụ Phan Bội Châu muốn cầu viện người Nhật, và
tổ chức phong trào kháng chiến, hai hành động này dưới con mắt của cụ
Phan Chu Trinh và cụ Vĩnh, là không hợp lý. Cụ chỉ rõ, việc cần phải làm
lúc đó không phải là giáo mác. Muốn giải phóng người dân đầu tiên phải
giúp họ có kiến thức. Có kiến thức, người ta sẽ biết quyết định vận mạng
của mình một cách sáng suốt. Mâu thuẫn giữa hai cụ thực ra đã được hoá
giải. Giữa hai người có cả một quá trình mâu thuẫn, trao đổi, rồi hiểu
nhau, chứ không chỉ thù địch như những gì người ta viết.
Ông Nguyễn Lân Bình
*
Khi tập hợp và chọn lọc giới thiệu các trước tác của Nguyễn Văn Vĩnh,
ông có nhận thấy ý đồ của cụ Vĩnh khi viết báo bằng tiếng Việt và khi
viết bằng tiếng Pháp?
-
Nguyễn Văn Vĩnh viết báo bằng tiếng Việt vì một mục tiêu rõ ràng: Để
người Việt Nam đầu thế kỷ 20 quen với chữ quốc ngữ. Để quen thì phải có
cái gì hấp dẫn để đọc, để nhớ. Chính vì vậy, cụ mới quyết định dịch
tiếng Tây, tiếng Tàu ra tiếng Việt để đăng báo.
Tôi
rất may mắn tìm mua được trọn bộ tờ báo đầu tiên của cụ, đọc mà sửng
sốt, vì hệ thống chuyên mục không thua gì báo chí bây giờ, đương nhiên ở
mức thô sơ thôi. Mà năm ấy cụ mới 25 tuổi.
Cái
vĩ đại của cụ, theo tôi, là đã đẩy việc quan tâm đến chữ quốc ngữ của
người dân thành phong trào, rồi thành cao trào, và từ đó phổ cập được
chữ quốc ngữ. Còn viết báo bằng tiếng Pháp, mục đích chính là để chỉ ra
quyền bình đẳng và sự ngang hàng giữa người An Nam với người Pháp.
Cụ viết báo bằng tiếng Pháp còn là để lách kiểm duyệt, bởi theo luật của Pháp, viết tiếng Pháp không bị kiểm duyệt.
*
Trái với nhận định, Nguyễn Văn Vĩnh với đầu óc tự do và khoáng đạt
không quan tâm và không thích dây dưa đến chính trị, có phải, ông đang
muốn chứng minh điều ngược lại: Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà chính trị với
nhãn quan sắc sảo và tầm nhìn xa rộng?
-
Đúng, đó là khía cạnh người ta chưa thấy, hoặc vô tình bỏ qua khi nhắc
đến Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyện bước đi trên con đường văn hóa, nhưng cụ đã
vô tình, hoặc hữu ý trở thành một nhà chính trị với nhãn quan xã hội và
chính trị sắc bén.
Cụ
phản bác chủ trương quân chủ lập hiến. Bởi đó khác nào một bộ máy trung
gian, tròng thêm một cái ách nữa vào cổ người dân. Coi thường triều
đình nhà Nguyễn, đả phá chính sách cai trị của Pháp, cụ quyết liệt thể
hiện chủ ý của mình qua những bài báo, chính vì thế nhà cầm quyền “Không
chịu nổi Nguyễn Văn Vĩnh nên mới nghĩ ra những chiêu trò tiêu diệt
Nguyễn Văn Vĩnh” (Nhà văn Vũ Bằng).
Mâu
thuẫn giữa Nguyễn Văn Vĩnh với người bạn thân Phạm Quỳnh cũng bắt nguồn
từ chính trị, khi cụ Quỳnh, dưới sức ép của nhiều thế lực, đã phối hợp
với nhà cầm quyền ủng hộ chế độ quân chủ.
Chính
vì sự kiện này nên cụ Vĩnh lập tờ Nước Nam Mới (L’An Nam Nouveau), như
một lời trách bạn, đồng thời khẳng định hình thái xã hội lý tưởng phải
là: Một xã hội cộng hòa, trong đó, luật pháp, quyền dân chủ và bình đẳng
được tôn trọng.
Theo
tôi, Nước Nam Mới là tờ báo thể hiện toàn vẹn sự nghiệp văn hóa, sự
nghiệp chính trị và con người Nguyễn Văn Vĩnh. Có thể, người ta cố tình
không nhắc đến Nước Nam Mới, một phần vì nó viết bằng tiếng Pháp.
*
Trong số những tiếng oan Nguyễn Văn Vĩnh phải đón nhận, có lời kết tội
cụ Vĩnh đã cắt đứt mạch văn hóa Hán Nôm cả nghìn năm. Nhưng qua loạt bài
viết về giáo dục, chứa đựng hàm ý: “Người An Nam mình vẫn phải là người
An Nam”, thì thấy một khía cạnh khác không ngờ tới ở Nguyễn Văn Vĩnh,
đó là dù có tư tưởng tân tiến, cụ luôn luôn lo lắng chuyện mất gốc và
gắng sức tìm cách giữ gốc?
-
Trong bộ sách Lời người man di hiện đại, sẽ có một cuốn nhan đề “Nguyễn
Văn Vĩnh là ai”. Qua đó, chắc chắn độc giả sẽ nhìn thấy Nguyễn Văn Vĩnh
một cách đầy đủ. Chính vì nhận thức được cái gốc của mình là ai, cụ mới
dốc sức vào đề tài người nông dân, thể chế xã hội hợp lý cho người nông
dân, và việc cần cải cách giáo dục…
HƯƠNG LAN
SGTT
http://sgtt.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét