Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG 2013 (2) - Bài và ảnh : TRẦN NGỌC BẢO

FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG 2013 (2)




Đây là cổng chào du khách đến với Festival làng nghề., bên trái là nhà sách Phương Nam, bên phải là Trung Tâm Văn Hóa Liễu Quán. 
Đoạn đường này dẫn ra bờ sông, nơi có con đường dành cho người đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

NGHỀ GỐM SỨ

 

Nghĩ tới nghề gốm, người ta nhớ ngay đến làng Phước Tích, ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, nơi hồi xưa làm đồ "đột đột", nào là chum, ghè, thạp, lu, om, nồi, niêu, ấm, chén, bùng binh, bình vôi, bình hoa, bếp lò,  v.v. bằng đất nung, không hoặc có tráng men. Các sản phẩm này được bán khắp cả nước. Nhưng trong khoảng nửa thế kỷ qua, nghề làm đất nung và sành sứ dần dần mai một. Các lò nung không còn hoạt động. Gần đây, các nghề truyền thống được khuyến khích và giúp khôi phục cho nên Phước Tích bắt đầu đắp lại lò và nổi lửa. 



Sản phẩm mới của Phước Tích: các bình, lọ trang trí hoặc cắm hoa



Kiểu dáng và màu sắc khá độc đáo



Có lẽ đây là những tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm của những người thợ trẻ. Lớp nghệ nhân già đã nghỉ tay. Phước Tích chưa trở lại với nghề làm những sản phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày.



Làng gốm Bát Tràng nằm bên sông Hồng ở  Hà Nội có một quá trình hoạt động dài mấy trăm năm, ít gián đoạn. Gạch Bát Tràng được sử dụng trong hoàng cung và phủ đệ đã lâu. Đồ sứ tráng men của Bát Tràng cũng được ưa chuộng. Bát Tràng ngày nay được trang bị thêm các lò nung bằng gas, đạt nhiệt độ cao và ổn định nên sản phẩm ngày càng đẹp, mẫu mã ngày càng đa dạng.



Sản phẩm dùng men lam giống như đồ ký kiểu làm ở Giang Tây, Trung Quốc



Đồ thờ cúng với màu men xưa thuần Việt



Bình gốm với men rạn thời Trần, nhưng họa tiết màu sắc tươi tắn hơn



Cũng là chóe với men rạn, họa tiết kiểu xưa nhưng màu sắc mới mẻ



Tượng các vị La Hán và kinh sách xưa



Chú Tễu, nhân vật dẫn chuyện trong các tuồng múa rối nước, hình tượng của nông dân xưa, vui tươi, hóm hỉnh, hoạt bát.



Tranh gốm: chất liệu xưa, hình thức hiện đại



Làng gốm Bầu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang khoảng 10km về hướng nam. Đây là một làng cổ của người Champa. Nghệ nhân Bầu Trúc không dùng bàn xoay nên các sản phẩm không hoàn toàn như nhau. Sản phẩm làm đất sét trộn với cát mịn, và màu lấy từ cây rừng, tất cả đều có trong tự nhiên ở địa phương. Các tác phẩm sau khi được nặn, phơi nắng, tô màu và nung lộ thiên, không có lò nung.



Bình đựng nước được trang trí bằng hình ảnh các vị thần Ấn Độ giáo, như shiva, Vishnu



Các bình, chậu xưa được cách tân thành đài phun nước để trang trí sân vườn



Rắn thần hay mãng xà cũng là một đề tài  trang trí đền đài  quen thuộc của người Chăm. Trong Ấn Độ giáo, rắn thần Naga là vị thần ở sông nước, làm chủ các nguồn nước.



Thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao theo Ấn Độ giáo, thường được điêu khắc thành người múa hoặc thành tượng linga.



Tháp của người Chăm, thờ các vị thần Ấn Độ giáo

ĐẤT NUNG QUẢNG NAM
Bên cạnh đồ gốm Huế, sành sứ Bát Tràng, xứ Quảng cũng góp mặt với các sản phẩm đất nung. 



Đà Nẵng có bảo tàng Chăm, Quảng Nam có di tích Mỹ Sơn, trong đó các tác phẩm nghệ thuật, tượng thần Ấn Độ giáo chiếm đa số



Phù điêu chạm nổi thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao, có năng lực bảo hộ sự sống, thường được thể hiện bằng hình thần có bốn hay sáu tay.


Các loại đèn, heo đất trang trí trong nhà và sân vườn

Không có nhận xét nào: