Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG 2013 (6)

NGHỀ MỘC DÂN DỤNG VÀ MỸ NGHỆ

Nói đến nghề mộc thì ở Huế hầu như ai cũng nhớ đến làng Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, nằm kề làng Phước Tích (nơi làm nghề đồ sành sứ). Trong suốt hơn hai thế kỷ nay , nhiều thế hệ thợ mộc làng Mỹ Xuyên đã góp phần làm nên hàng ngàn ngôi nhà rường từ trong hoàng cung, trong thành nội cho đến ngoài thành, khắp tỉnh, và nhiều nơi khắp cả nước. Các cấu kiện nhà rường có chạm khắc tinh vi, các bức hoành phi, câu đối gỗ, sập gụ, tủ thờ, trường kỷ, v.v. là công lao của những đôi bàn tay khéo léo của người thợ Mỹ Xuyên. 

Ngày nay, do kiến trúc nhà cũng như đồ dùng trong nhà ít dùng gỗ hơn, nguồn nguyên liệu cũng trở nên hiếm hoi và đắt đỏ,  nghề mộc cũng dần dần lao đao. Tuy nhiên, vì nhu cầu chưa mất hẳn nên một số thợ khéo vẫn còn giữ lấy nghề của cha ông. Vẫn còn đó nhu cầu về tượng Phật, tượng thần tiên, anh hùng dân tộc, tượng tam đa: Phước, Lộc Thọ, tượng tứ linh: long, ly, qui, phụng, phù điêu tứ quí: mai, lan, cúc, trúc, v.v. , cho nên các kỹ thuật chạm lọng, chạm chìm, chạm nổi, chạm sâu, chạm cạn, chạm khảm vẫn còn được lưu truyền.



Tác phẩm chạm gỗ tiêu biểu của nghệ nhân làng Mỹ Xuyên.



Tác phẩm điêu khắc gỗ: Hai Bà Trưng khởi nghĩa



Tượng ai đây? Phải chăng là An Dương Vương và Mỵ Châu?

Ở làng Mỹ Xuyên cũng còn nhiều thợ mộc đang sinh sống với nghề. Trong thành phố Huế hiện nay cũng có đại diện của nghề mộc Mỹ Xuyên mở cửa hàng trên đường Sư Liễu Quán, đối diện với chùa Từ Đàm.
Ngoài ra, cũng có nhiều cơ sở hành nghề mộc mỹ nghệ khác.



Cơ sở điêu khắc gỗ Thái Vinh trên đường Nguyễn Sinh Cung



Đồng hồ đứng, dáng cổ điển



Đồng hồ kiểu mới, kiểu dáng khá táo bạo

GỖ LŨA



Điêu khắc trên gốc cây, còn gọi là "gỗ lũa"
Riêng gỗ lũa thì tỉnh Gia Lai đóng góp một gian hàng



Gian hàng gỗ lũa Hoàng Thân từ thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai



Tượng ông Thọ bằng gỗ lũa.
Khi đi du lịch Hội An, du khách có thể đi thuyền trên sông để đến làng mộc Kim Bồng, thuộc xã Cẩm Kim. Từ thế kỷ thứ 18, làng Kim Bồng bắt đầu nổi tiếng với nghề đóng tàu thuyền, các đồ mộc dân dụng và cả mộc mỹ nghệ. Các nghệ nhân Kim Bồng cũng được triệu ra kinh đô Huế để đóng thuyền và lập thành làng Hòa An, nằm cuối dòng sông Hương, gần làng Vĩnh Lại, Qui Lai, thuộc  xã Phú Thanh, huyện Phú Vang.



Gian hàng mộc Kim Bồng, thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam



Sản phẩm của làng mộc Kim Bồng



Mỹ nghệ Kim Bồng

CẨN XÀ CỪ
Một trong những kỹ thuật khá tinh vi và đẹp trong nghề mộc là cẩn xà cừ hay khảm trai. Người ta vẽ tranh lên gỗ, đục lõm, rồi lấy mảnh vỏ con trai hay ốc gắn vào.
Có những loài trai cho vỏ óng ánh nhiều màu sắc, cho nên, sản phẩm đẹp và quí hay không một phần nhờ kiếm được vỏ trai đẹp.



Đây là tác phẩm Đức Phật Thích Ca cẩn xà cừ của cơ sở Trường Tiền ở Huế



Bồ Tát Quán Thế Âm cần xà cừ



Tranh cần xà cừ


Tranh khảm xà cừ




Tủ khảm xà cừ

Bài và ảnh : Trần Ngọc Bảo gởi

Không có nhận xét nào: