Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG 2013 (4)

NGHỀ LÀM TRANH DÂN GIAN

Làng Sình, cách làng Thanh Tiên không xa, cũng nằm ven bờ sông Hương, ngay ở ngã ba sông, nơi sông Bồ gặp sông Hương, trước khi cùng chảy ra phá Tam Giang. Nghe đến Sình, người ta thường nhớ đến hội vật Sình vào ngày 10 tháng giên hằng năm, ít ai nhớ đến đây cũng là làng có nghề in tranh trên giấy dó giống như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh). Tuy nhiên, tranh làng Sình chủ yếu là tranh thờ cúng, chẳng hạn, tranh thờ ở trang Bà (Cửu Thiên Huyền Nữ), tranh bổn mạng, tranh Táo Quân, hay tranh để cúng và rồi đốt đi, như tranh thế mạng, tranh thần chuồng trâu, thần chuồng heo (cúng cho khỏi bị dịch bệnh). Vì vậy, vào thập niên 1980, chính quyền cho rằng nghề vẽ tranh này duy trì tục lệ mê tín dị đoan, bắt dân phải nạp các mộc bản dùng để in tranh, đem chẻ ra và đốt sạch. Chỉ một người là ông Kỳ Hữu Phước, do luyến tiếc nghề gia truyền, nên đem các mộc bản bỏ vào một hòm gỗ đem chôn sau vườn. Đến năm 1996, do tình hình cởi mở hơn ông mới đào lên và hành nghề trở lại. Ngoài tranh thờ cúng, làh còn có các tranh về cảnh sinh hoạt, như thi đấu vật,công việc đồng áng, đám cưới, nghệ sĩ chơi đàn cổ, v.v. Hiện nay, ông Phước cũng được hỗ trợ mở một điểm trưng bày và bán tranh trong làng.



Mộc bản (bàn khắc gỗ) để in tranh, thường làm bằng gỗ mít. 
Người ta bôi mực đen (làm bằng tro rơm) lên mộc bản, rồi dùng giây dó ép lên trên. Sau đó dùng màu tô thêm trên tranh.



Tranh thi đấu vật



Tranh Bài chòi



Tranh 12 con giáp

NGHỀ ĐÚC ĐỒNG

Nhắc đến nghề đúc đồng ai cũng nhớ đến địa danh phường Phường Đúc. Nhưng các lò đúc còn nằm trên phường Thủy Xuân. Tất cả đều nằm bên bờ Nam sông Hương, trong đoạn từ cầu Dã Viên ngược dòng lên Long Thọ. Làng nghề đúc đồng hình thành từ thế kỷ 17 và đã làm ra các sản phẩm bây giờ được xem là báu vật quốc gia như Cửu Đỉnh, các vạc đồng, Cửu Vị Thần Công, chuông chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, v.v.



Lư và hạc

 

Đại hồng chung và trống đồng (phục chế)



Cành vàng lá ngọc



Cây vàng lá ngọc



Chuông gia trì và rồng vàng

NGHỀ RÈN

Thưở xưa, nghề rèn cung cấp các dụng cụ rất cần dùng trong cuộc sống, như dao, kéo, rựa, cuốc, xẻng, v.v.  và làng HIền Lương, thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền là một trong các làng làm nghề rèn nổi tiếng. Ngày nay nhà thờ tổ nghề rèn cũng ở đấy. Tuy nhiên, do công nghiệp phát triển, các sản phẩm được làm ra trong nhà máy nên ít người còn theo đuổi nghề rèn. Tuy nhiên, ở Hiền Lương cũng như ở nhiều nơi khác, một số thợ rèn vẫn duy trì nghề của mình, một phần vì thị trường vần có nhu cầu, một phần vì thích thú với các sản phẩm làm bằng công sức và sự khéo léo của mình.



NGHỀ NẤU RƯỢU  

Nói đến rượu gạo ở Huế thì người sành rượu đều nhắc đến rượu gạo làng Chuồn, tức là làng An Truyền, nằm bên bờ phá Tam Giang (đầm Chuồn), thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang. Rượu gạo làng Chuồn được nấu từ gạo tám thơm. Trong làng ngày nay có tới hàng chục lò nấu rượu. Rượu làng Chuồn ngày nay được đựng trong các chai có kiểu dáng mỹ thuật.



Rượu làng Chuồn đựng trong chai trông khá "lịch sự", chứ không phải đong bằng xị hay chai lít như ngày xưa.

Bài và ảnh : Trần Ngọc Bảo gởi

Không có nhận xét nào: