Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG 2013 (3)


NGHỀ MÂY TRE

Nhớ đến các sản phẩm làm bằng mây tre, người Huế ắt nhớ đến làng Bao La ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Hồi xưa, các đồ đan bằng mây và tre được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống, nhất là ở thôn quê, chẳng hạn như nong, nia, giần, sàng, chẹp, lừ, sáo, say, v.v.. Trong nhà bình thường nào cũng có rỗ, rá, thúng, mủng, nôi, giường, chõng, v.v. Nhu cầu các 
sản phẩm này khá lớn cho nên vào thời chúa Nguyễn, một số dân làng Bao La đã di cư sang một địa điểm khác và lập làng mới, nay thuộc thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, cùng huyện Quảng Điền. Làng này cũng tiếp tục phát triển nghề truyền thống mà họ đã thành thạo.
Tuy nhiên ngày nay, các vật liệu mới được dùng thay cho mây tre nên nghề này cũng dần mai một. Gần đây, làng nghề được khuyến khích phục hồi với những sản phẩm mới như lẵng cắm hoa, đèn trang trí, giá sách, v.v.
Tại Festival 2013, Bao La cũng có hai gian hàng trưng bày:



Gian hàng ở công viên Tứ Tượng



Nông ngư cụ như chơm, oai (giỏ cá), quạt tay, khay trà, guồng quay tơ



Đèn lồng các loại



Gian hàng giới thiệu nghề mây tre ở công viên Thương Bạc



Đèn trang trí, đò làm vật kỷ niệm, 



Đèn trang trí



Đây là một trong những đèn treo thiết kế độc đáo



Đây cũng là đèn trang trí, dưới hình thức những nông cụ như chẹp, chơm bắt cá, oai (giỏ) đựng cá



Bộ salon bằng tre 



Gần đây thú chơi chim lan tỏa khắp nơi. Tại nhiều tụ điểm trong thành phố ngày nào cũng có người xách lồng chim đến ngồi uống cà phê, nghe chim hót, và chim thì hình như đang dạy nhau cách hót sao cho hay. Vì thế, trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống còn có cuộc hội thi chim hót. Do đó, nghề đan lồng cũng được kích thích phát triển. Ngoài những lồng bằng tre trị giá vài trăm ngàn đồng, còn có những lồng bằng gỗ, chạm trổ tinh xảo, trị giá nhiều triệu đồng.



Đây là một công ty mây tre


Sản phẩm cũng là đèn trang trí



Đèn đứng đặt trên sàn nhà

NGHỀ HOA GIẤY THANH TIÊN



Làng Thanh Tiên ở bên bờ sông Hương, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Dân làng chủ yếu làm nghề nông. Nhưng vào tháng chạp, nhiều gia đình nhộn nhịp chuẩn bị làm ra một sản phẩm truyền thống: đó là những chùm hoa giấy để cắm ở bàn thờ ông táo, ông địa, trang bà, v.v. Những bình hoa này có thể để quanh năm, chỉ cần thay một lần vào dịp giáp tết. Nghề này có từ thế kỷ 17. Trong thế kỷ 20, do các hoa bằng nhựa có mẫu mã đa dạng và cũng rẻ tiền cho nên nghề làm hoa giấy cũng mai một. Ngày nay một ít người vẫn còn làm hoagiấy, có thể là hoa cúc đồng tiền, hoa hồng, nhưng nhiều và đẹp nhất là hoa sen.



Em bé và hoa sen



Người đẹp Thanh Tiên làm du khách không thể dời gót.



Và hoa sen Thanh Tiên cũng có thể được trưng bày trong một không gian thoáng đãng ở công viên
BÀI VÀ ẢNH : TRẦN NGỌC BẢO

Không có nhận xét nào: