Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Mỹ học của Jean-Paul Sartre



Tiểu luận - Khổng Đức dịch


Jean - Paul Sartre (1905- 1980), nhà triết học nổi tiếng của Pháp, cũng là nhà hoạt động văn học và xã hội, là đại biểu chính của chủ nghĩa tồn tại, đặc biệt là mỹ học. Niềm thích thú triết học của Sarte phát sinh từ thời còn ở trung học, đến năm 1924 ông đậu vào học viện cao đẳng ở Paris, năm 1927 đã đạt được học vị tiến sĩ triết học. Năm 1933 được học bỗng du học ở Đức, nghiên cứu triết học, dưới sự lãnh đạo nổi tiếng về hiện tượng học của Husserl, tìm hiểu những trước tác của Kierkegard, Heidegger, Hegel... trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ 2, ông phục vụ quân dịch nên bị quân Đức bắt làm tù binh.

Đời ông, trước tác rất phong phú, về triết học và mỹ học có những tác phẩm chính: Tưởng Tượng (1938), Tưởng tượng tâm lý học (1940), Tồn tại và hư vô (1943), Chủ nghĩa tồn tại là chủ nghĩa nhân bản (1946), Văn học là gì (1947), Baudelaire (1947), 5 tập Cảnh ngộ (1964), Phê phán Biện Chứng Pháp (1960), ngoài ra còn viết rất nhiều tác phẩm văn học như La Nausee, Le Mur, Les Mots, và các kịch bản.

I- Tư tưởng triết học của Sartre  :

Triết học của Sartre có thể chia làm 3 giai đoạn: Hiện tượng học, chủ nghĩa tồn tại, và chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa tồn tại. Trọng tâm triết học của Sartre là nhằm giải quyết mối quan hệ giữa con người và thế giới. Đó là vấn đề ý thức và mối quan hệ với bộ phận tồn tại bên ngoài. Ông dùng khái niệm tự do là điểm chủ yếu để giải quyết vấn đề. Chủ trương triết học ban đầu của ông là bản-thể luận và tâm-lý học của hiện-tượng học mà tư tưởng bắt nguồn từ Husserl và Heidegger. Trong hiện-tượng học của Hussserl là khái niệm ý thức thuần túy và nguyên tắc ý hướng tính ảnh hưởng đến Sartre rất sâu; thế nhưng ông lại cự tuyệt lập trường của chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm của Husserl. Sartre cho rằng hiện-tượng học nên xuất phát từ ý thức thuần túy, và nên dùng nguyên tắc ý hướng tính để chứng minh. Nó hợp với chủ thể tư duy của Descartes “tôi tư duy là tôi hiện hữu”, có thể đưa đến nhị nguyên luận của sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng nhận thức. Cái tư duy của Descartes là một ý thức phản tỉnh, chứ không phải là tồn tại căn bản. Tất nhiên cần phải đi sâu vào phía sau của “tôi tư duy”, mới có thể phơi bày được sự đối lập của đối tượng, không có chủ khách thể. Ý thức tiền phản tỉnh, đó là ý thức có trước hoạt động nhận thức của con người, và là cơ sở tiền đề của hoạt động tư duy. Đó là ý thức nguyên thủy chân chính, là sự tồn tại kín đáo; triết học nên lấy điều đó làm điểm xuất phát. Trong sự nghiên cứu tưởng tượng và tình cảm, Sartre phát huy hiện-tượng học tiến thêm một bước nữa; ông cho rằng tình tự là ý thức của thế giới, nó cấu tạo thành tưởng tượng, tách rời và hư vô hóa hành vi. Bản-thể luận hiện tượng học của ông là theo sự xuất phát của hiện- tượng học mà lý giải ý thức và mối quan hệ của tồn tại. Ông cho rằng hiện - tượng của tồn tại là tổng thể hiện - tượng học lại có liên quan đến ý thức. Tồn tại là cơ sở của tất cả hiện tượng, nó có đầy đủ tính hiện tượng, lại còn có tính siêu việt. Sự tồn tại của hiện tượng siêu việt là tự-tại (en-soi) của tồn tại, tự-vi (pour-soi) của tồn tại, là tồn tại của tưởng tượng. Tự-tại của tồn tại là không có duyên cớ gì cả, nó là cơ sở và nguyên hình của tất cả sự tồn tại. Nhưng lại không cùng đẳng cắp với sự vật cụ thể tồn tại. Nếu theo bản tính mà nói, ý thức là một thứ hư vô, thì hư vô không có tính tồn tại, nó là sự hư vô hóa của tồn tại.

Nội dung chủ yếu của tư tưởng triết học Sartre là chủ nghĩa tồn tại, trong đó nó bao hàm ba ý tưởng chính:

1- Tồn tại có trước bản chất. Ông cho rằng sự tồn tại là trước tiên của con người, về sau mới theo tư tưởng tự kỉ mà tạo thành tự thân. Bản chất của con người không phải do trời sinh, không giống như bản chất của sự vật, mà trước tiên là do con người quy định, bản chất con người là do tự mình quy định lấy.

2- Con người là tuyệt đối tự do. Bản chất con người đã do con người tự tạo ra, nên con người là tuyệt đối tự do, nó có thể xuyên qua sự tự do mà chọn lựa, sáng tạo nên bản thân, trước mặt con người có đầy đủ các thứ khả năng bao trùm, mỗi người đều có thể “tự mình chọn lựa”, “tự mình sắp đặt”, bổ sung cho sự bao trùm đó.

3- Tha nhân là địa ngục. Con người vốn tuyệt đối tự do, nhưng tha nhân và xã hội tóm lại là hạn chế sự tuyệt đối tự do ấy. Do đó, giữa con người với con người luôn luôn có sự xung đột. Nhưng sự xung đột lại hàm nghĩa nguyên thủy là tồn tại. Do đó tha nhân là địa ngục: con người lại đối diện với một thứ hư vô, là một thế giới đầy phi lý.

Triết học của Sartre về sau lại có ý đồ dùng chủ nghĩa tồn tại bổ sung cho chủ nghĩa Marx. Điều này biểu hiện rõ trong tác phẩm “Phê phán lý tính biện chứng pháp”, đề xuất lý luận nhân học biện chứng pháp. Ông cho rằng chủ nghĩa Marx hiện đại đã quên mất con người, từ đó mới xuất hiện thành khoảng trống của nhân - học. Chủ nghĩa Marx nên dùng thực tiễn cá nhân làm cơ sở, tức là nhân-học chân chính, do đó nên dùng chủ nghĩa tồn tại bổ sung cho chủ nghĩa Marx.

II- Luận về tưởng tượng :

Vấn đề tưởng tượng là vấn đề then chốt trong mỹ học của Sartre. Kết quả đối với việc thảo luận về vấn đề này Sartre chịu ảnh hưởng hiện tượng học của Husserl; vấn đề được tập trung trong 2 tập sách: Tưởng tượng và Tưởng tượng tâm lý học.

Đối với sự suy tư về vấn đề tưởng tượng của Sartre là xuất phát từ triết học bản thể luận của ông. Sartre cho rằng tưởng tượng là một thứ hoạt động, nguyên nhân không phải xuyên qua bản thân của nó, mà chỉ là ý hướng hóa về một đối tượng tương tự như sự thay thế tác phẩm do nội dung tâm lý hay vật lý cung cấp cho, cụ thể là chỉ hướng về một đối tượng phi thực tại hay không có hiện diện nơi nào. Cho nên, ông nói rằng: tưởng tượng là một sự phủ định đối với hiện thực, về bản chất nó là một thứ tự do. Đương nhiên nói như thế không phải tưởng tượng là một thứ ảo tượng thoát ly ra ngoài thế giới hiện thực, mà ông cho rằng tưởng tượng trước sau vẫn lấy thế giới hiện thực làm cơ sở. Sartre nêu ra trong tưởng tượng có 4 đặc trưng:

1- Tưởng tượng là một thứ ý thức, nó là một từ có thể biểu hiện mối quan hệ giữa đối tượng và ý thức; nói một cách khác, nó chỉ phương thức biểu hiện đối tượng trong ý thức; hay như có người muốn nói rằng: nó là đối tượng tự thân xuất hiện trong ý thức như là một thứ phương pháp. Như tưởng tượng một cái ghế thì đó không phải là bản thân hiện thực của cái ghế, mà chỉ là khiến cho cái ghế hiện thực biểu hiện trong ý thức.

2- Nó gần giống như tính chất của sự quan sát. Nó là hoạt động tổng hợp nắm vững được đối tượng xuyên qua các thứ tưởng tượng. Như hình dạng của một khối vuông là có 6 mặt; nhưng trong hiện thực, dù nổ lực đến đâu chúng ta chỉ có thể thấy được 3 mặt qua một lần nhìn; nhưng qua sự tưởng tượng thì hình dạng 6 mặt có thể hiện ra trong trí óc chúng ta. Đó là do tác dụng của tính chất tưởng tượng gần giống với sự quan sát. Dĩ nhiên là thứ tính chất ấy cần phải có một tiền đề cơ bản, tức bình thường chúng ta đã biết rõ toàn diện của đối tượng.
3- Ý thức về đối tượng của tưởng tượng tính được coi như là hư vô. Trong đối tượng của tưởng tượng là phi tồn tại, bất cứ một sự tưởng tượng nào sống động đến đâu, khiến cho con người xúc động hay có lực lượng như thế nào, đối tượng hiện diện của nó vẫn là không hiện hữu, do đó tưởng tượng bao hàm ý hư vô.

4- Tưởng tượng là tính tự phát.

Như thế tính chất của tưởng tượng có tác dụng gì trong mỹ học và nghệ thuật. Theo Sartre, bản chất của mỹ chỉ là do tưởng tượng xác định. Ông nói rằng: “Sự vật hiện thực không phải là mỹ, mà mỹ đích thực chỉ có giá trị trong sự tưởng tượng, và cái giá trị đó về kết cấu cơ bản của nó là phủ định thế giới hiện thực. Sartre nói: cái tôi gọi là đẹp, chính là đối tượng cụ thể hóa của những cái phi hiện thực. Những quan điểm của Sartre hoàn toàn phủ định sự tồn tại trong thế giới hiện tượng, các sự vật có khả năng gọi là đẹp, rõ ràng là sự lầm lẫn. Tuy nhiên nếu dùng nó để giải thích cái mỹ trong nghệ thuật thì lại là một thứ hợp lý; vì nó chỉ ra được cái đặc trưng quan trọng trong cái mỹ của nghệ thuật, tức là cái đẹp trong nghệ thuật không phải là bản thân sự vật hiện thực, nó phải trải qua sự tưởng tượng sáng tạo của nghệ thuật gia.

Sở dĩ Sartre dùng tưởng tượng để xác định bản chất của Mỹ, là vì ông cho rằng khái niệm tự do dính liền với tưởng tượng và Mỹ; ông cho rằng: con người sở dĩ dùng đến tưởng tượng, là vì nó là thứ siêu nghiệm mang tính tự do. Nhưng nói ngược lại thì đó là một thứ tâm lý và kinh nghiệm có chức năng tưởng tượng, mà cũng là điều kiện tất yếu của sự tự do trong thế giới kinh nghiệm của con người. Tự do là điều kiện cơ bản để thực hiện sự tưởng tượng, và tưởng tượng cũng là điều kiện tất yếu của con người tự do. Ở đây tưởng tượng và tự do kết hợp chặt chẽ, không thể chia cắt ra được, đến nỗi con người đâm ra hoài nghi là có phải Sartre rơi vào một thứ phạm vi luận chứng tuần hoàn.

Một mặt khác, theo Sartre bản chất của mỹ cũng là cơ sở của sự tự do. Mỹ không phải là thế giới hiện thực, về căn bản nó thoát ra ngoài thế giới. Và muốn đến được điểm đó, chỉ có thể dựa vào ý thức hoạt động tưởng tượng tự do. Theo cách nhìn của Sartre thế giới là hư vô hóa, nó thoát ra và vượt bỏ hiện thực, có như thế mới có thể đạt được tự do. Hơn nữa, bản thân của sự vượt bỏ đó cũng là tự do. Về căn bản mà nói, đó cũng chính là xuyên qua sự thực hiện tự do tưởng tượng của nhà nghệ thuật. Do đó mới thấy, sự tưởng tượng của Satre trong tư tưởng Mỹ học chiếm một địa vị vô cùng quan trọng, nó tạo thành sự tự do, là cơ sở tồn tại của Mỹ.

Sartre còn tiến thêm một bước là dùng quan điểm cơ bản của vấn đề tưởng tượng để phân tích tác phẩm nghệ thuật. Ông cho rằng tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm do nghệ thuật gia tưởng tượng, tác phẩm nghệ thuật là một thứ phi hiện thực. Ông dùng bức họa chân dung của Charles vào khoảng thế kỷ thứ 8 làm thí dụ. Hình ảnh của Charles VIII trên bức tranh không phải là Charles trong hiện thực, mà chỉ là do ý thức của họa sĩ tưởng tượng ra, là vật liên quan đến ý hướng hoạt động. Họa sĩ sáng tác Charles VIII chỉ là “vật giống với tính vật chất” nó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của họa sĩ. Thế nhưng, Sartre đã đề ra một sự bảo lưu, cho rằng nghệ thuật gia không hoàn toàn sử dụng tâm lý tưởng tượng để thực hiện. Trong tác phẩm “Văn học là gì”, ông đã chủ trương, tác phẩm văn học là do tác gia và độc giả cùng chung tạo nên. Dĩ nhiên là nó bao hàm các tầng lớp ý tứ. Nghệ thuật gia sáng tác ra vật giống với tính chất vật chất của nó, tưởng tượng chỉ là để đạt đến trong bộ phận thực dụng, mà người thưởng ngoạn là căn cứ theo vật gần giống như tính vật chất mà thực hiện tái sáng tạo, có như thế thì tác phẩm nghệ thuật mới hoàn thiện.


III- Luận về Mỹ và Thẩm mỹ:

Đối với vấn đề bản chất của mỹ, Sartre cho rằng nó xuất phát từ khái niệm “tồn tại”. Theo cách nhìn của ông thì cái thế giới thực tế tồn tại  là một thứ “tồn tại tự tại”, một mảnh hỗn hợp hay là một khối hư vô to lớn, nó là sự ngẫu nhiên và hoang liêu (absurde). Do đó, trong thế giới thực tế tồn tại không hề có sự tồn tại của Mỹ, mỹ chỉ tồn tại trong thế giới tưởng tượng. Vì vậy, ông mới nói rằng mỹ chỉ là do con người sáng tạo mà thôi. Ở đây có thể tiến thêm một bước nữa là thấy rằng tưởng tượng có một vị thế quan trọng trong việc thảo luận về Mỹ. Sartre chỉ rõ trong tác phẩm nghệ thuật đối tượng của thẩm mỹ là một thứ phi hiện thực; như trong tác phẩm hội họa những thứ hiện thực, tranh vải bố, màu sắc, không phải là đối tượng Mỹ. Đối tượng thẩm mỹ là cái gì Mỹ, là một thứ phi hiện thực, hay nói một cách khác, cái gì Mỹ không phải là thứ tri giác của kinh nghiệm, mà là do bản tính của nó ở bên ngoài cái thế giới sự vật. Vật chất chỉ là công cụ chuyển tải đối tượng thẩm mỹ, đối tượng chân chính của thẩm mỹ là phi hiện thực, chỉ do ý thức tưởng tượng nắm được mà thôi.

Cái mỹ phi hiện thực phải có mấy đặc điểm:

1- Mỹ là do con người sáng tạo. Do đó tách ra khỏi sự tồn tại của người thì mỹ không còn tồn tại. Sự sáng tạo ấy cùng lúc phải là sự phong phú của nghệ thuật gia, phải có cơ sở tưởng tượng sáng tạo tính, sự sáng tạo ra mỹ là sự tồn tại chân chính, không thể chia cắt ra, mang tính phổ biến và kì lạ, đó là cái đẹp sống động.

2- Mỹ có thể từ cái xấu xí chuyển hóa ra. Sartre phân tích bức Guernica của Piscasso, đó là hành vi tàn sát nhân dân đầy tội ác, hiện thực là hành động xấu xa, nhưng xuyên qua sự sáng tạo của họa sĩ thì cái xấu xa tàn ác ấy thành ra cái đẹp. Nguyên nhân khi họa sĩ vẽ ra cảnh tàn ác ấy, là tiến hành một sự tố cáo nghiêm chỉnh. Dĩ nhiên trong sự tố cáo ấy vẫn tuân thủ cái quy luật của nghệ thuật trong sự tạo hình ra cái đẹp vẫn không làm rối loạn sự yên tĩnh, trái lại trong tạo hình mỹ chỉ tăng thêm chứ không làm phương hại đến lực lượng của tình cảm. Điều có thể thấy rõ tiền đề chuyển hóa từ xấu thành đẹp là đối với cái xấu phải có thái độ phê phán phủ định.

3- Mỹ là trình bày vận  mệnh của con người, vì theo Sartre mỹ là máu thịt của nghệ thuật, là sự tồn tại của nghệ thuật, sự biểu hiện của nghệ thuật tự thủy chí chung là vận mệnh của con người. Cái sáng lạng của mỹ là ở phía sau, xuyên qua cái đẹp đó, chúng ta chỉ thấy một thứ vận mệnh lạnh lùng vô tình đó là con người - con người chúng ta, cái vận mệnh công kích con người. Đương nhiên thứ hiển hiện ấy không phải phơi trần ra, mà là một thứ tổ chức với phương thức phong phú và vô cùng phức tạp, chỉ hiển hiện trong tác phẩm nghệ thuật. Thứ quan điểm mỹ học ấy của Sartre thể hiện đầy đủ trong chủ nghĩa triết học tồn tại liên quan với chủ nghĩa xã hội tư bản, trong cách nhìn của cảnh ngộ. Ông ta có câu nói nổi tiếng “tha nhân là địa ngục”; trong triết học của ông ta, mối quan hệ giữa con người với con người là lạnh nhạt vô tình, mối quan hệ ấy thường hay xung đột, thứ quan hệ lạnh nhạt và đối địch ấy biểu hiện vận mệnh con người; và mỹ là biểu hiện thứ vận mệnh ấy.

Qua những nhận xét trên, Sartre đối với mỹ có 2 đặc điểm:

1- Mỹ là hình thức và nội dung kết hợp thành một toàn thể hữu cơ thống nhất, và mỹ thành ra sự phát triển và biến hóa, nên từ cái xấu có thể biến đổi thành cái đẹp, cách nhìn đó bao hàm một số nhân tố biện chứng.

2- Là mỹ có liên hệ đến vận mệnh con người, nhưng cần phải thấy rõ, một mặt ông cho mỹ là phi hiện thực; mặt khác cho rằng mỹ cần phải biểu hiện cuộc sống hiện thực của con người trong vận mệnh, điều đó rõ ràng là sự mâu thuẫn nội tại. Tự xác định tính chất cơ bản của mỹ, Sartre tiến hành nghiên cứu sâu về hoạt động thẩm mỹ. Ông chỉ ra hoạt động thẩm mỹ là phải nắm vững cái đẹp phi hiện thực, hiểu rõ cái phương thức khách thể phi hiện thực, ông nói rõ hoạt động thẫm mỹ là hiểu rõ đối tượng phi hiện thực, nó không phải hướng vào hội họa hiện thực, mà là xuyên qua hiện thực của bức vẽ tưởng tượng tạo ra đối tượng. Đó là căn nguyên của tính phi công lợi nổi tiếng trong kinh nghiệm thẩm mỹ. Đối tượng thẩm mỹ là do ý thức tưởng tượng cấu tạo và nắm vững cái giả thuyết phi hiện thực. Rõ ràng là ông ta vận dụng cái mỹ của phi hiện thực để giải thích tính phi công lợi của hoạt động thẩm mỹ. Do đó ông hoàn toàn tán đồng sự phán đoán thẩm mỹ của Kant. Đối với sự thưởng ngoạn cái đẹp của mỹ nhân, ông thuyết minh rõ ràng, cho rằng trong khi ngắm nhìn thưởng ngoạn một đối tượng hiện thực thì sự vật hiện thực sẽ “bất tri bất giác nhập vào hư vô”; vì vậy đối với người thưởng ngoạn chỉ trình hiện “một thứ ý tưởng phi hiện thực” và bản thân sự vật hiện thực rút lui ẩn tàng ở phía sau ý tượng. Từ đó khiến cho kẻ thưởng ngoạn đối với đối tượng hiện thực sanh ra một thứ tâm ý lạnh lùng. Chính từ ý nghĩa đó chúng ta có thể nói, cái đẹp cao sang của thể xác nữ sẽ bị cái dục vọng của nó giết chết. Sự thật khi chúng ta ca tụng cái đẹp “phi hiện thực” của người đẹp, chúng ta không thể đồng thời thưởng ngoạn cái đẹp của nhục thể. Đối với dục vọng của cô ta, chúng ta cũng không còn biết cái đẹp vì bị chìm đắm trong sự đam mê, chìm đắm trong sự tình cờ hoang đường. Hiển nhiên Sartre căn cứ theo đó thuyết minh hoạt động thẩm mỹ, cần phải bài trừ ý muốn chiếm hữu, không dính dáng gì đến việc lợi hay hại. Quan điểm này là kế thừa và phát huy quan điểm của Kant.

Điểm thứ 2 là Sartre đem cái hoạt động thẩm mỹ khẳng định đối với con người là tự do. Điểm cao độ của chủ nghĩa tồn tại của ông được nhấn mạnh là sự tự do của con người, cho rằng “con người là kẻ tự do”, con người tức là tự do. Cái hàm nghĩa cơ bản nhất của tự do là trong thế giới tự ngã lựa chọn. Đối với việc nhấn mạnh sự tự do đồng nghĩa với nắm vững cơ cấu tạo lý luận thẩm mỹ.

Sartre không gọi là khoái cảm thẩm mỹ mà gọi là “hỉ duyệt thẩm mỹ”; vì coi cái hỉ duyệt thẩm mỹ là tiêu chí thành công của tác phẩm. Đối với hỉ duyệt thẩm mỹ có 3 cấp bậc có liên hệ với giới hạn của tự do. Ở cấp thứ nhất của hỉ duyệt thẩm mỹ trước tiên là con người tự do ý thức nhận diện đối tượng của bản thân, nên đối với tính siêu việt, tự do tuyệt đối với nhận thức là một thể.

Đến tầng thứ 2 “hỉ duyệt thẩm mỹ” cùng lúc là một thứ sáng tạo. Tức là ý nói rằng, sự thu hoạch của mỹ cảm không phải chỉ đối với đối tượng thẩm mỹ tự do nhận thức một cách tiêu cực, mà trong sự thưởng ngoạn còn đạt được kết quả sáng tạo tích cực. Sự tái sáng tạo ấy, là biểu hiện tính tưởng tượng trong quá trình sáng tạo.

Đến giai tầng thứ 3 là biểu hiện vấn đề hiệu lực của tính mỹ cảm phổ biến. Ông đề ra hoạt động thẩm mỹ là một thứ yêu cầu tuyệt đối là yêu cầu bất cứ người nào, tức nói về sự tự do, trong khi cùng đọc một tác phẩm thì cùng phát sinh một thứ khoái cảm như nhau. Điều kế tiếp là hoạt động thẩm mỹ tạo thành một thứ tình cảm đặc biệt, Sartre gọi là con người dùng tình cảm làm mới lại, sáng tạo lại đối tượng thẩm mỹ, nếu đối tượng thẩm mỹ làm xúc động con người, nó có thể xuyên qua nước mắt của chúng ta.

Tác phẩm nghệ thuật chỉ có xúc tiến tư tưởng tình cảm của nghệ thuật gia mới có thể đả động đến tình cảm của người thưởng ngoạn. Tình cảm phải cao quý. Trong sự tả tác không có đưa hiện thực vào tác phẩm, mà tình cảm trong sinh hoạt hiện thực phải được thăng hoa thành tình cảm của tự do rồi mới đưa tình cảm đó  vào tác phẩm. Người thưởng ngoạn không phải là gói kín bất đồng, tiếp thụ tác phẩm mà là dùng sự tự do của mình mà sáng tạo và thẩm tra sự biểu hiện thế giới của tác giả. Như vậy cái thế giới do nghệ thuật gia sáng tạo phải do nghệ thuật gia cùng với người thưởng ngoạn tự do hợp lực duy trì

IV-Luận về nghệ thuật:

Như trước đây chúng ta đã chỉ ra, Sartre cho rằng tác phẩm nghệ thuật là sản vật của tưởng tượng, và bản chất của tưởng tượng là tự do. Sự thật ông cho rằng toàn bộ nghệ thuật đều dùng khái niệm tự do làm trục trung tâm. Ông ban cho nghệ thuật định nghĩa: “nghệ thuật là do sự tự do làm mới lại và nắm lấy thế giới. Tự do là một khái niệm chính của chủ nghĩa tồn tại mỹ học, trong “tồn tại và hư vô”, Sartre đã từng chỉ rõ: tự do không phải cái gì tồn tại mà nó là sự tồn tại của con người, con người không phải có lúc là kẻ tự do, có lúc là kẻ nô lệ, nếu con người không hoàn toàn triệt để tự do, thì sự sảng khoái không tồn tại. Định mệnh con người là tự do, ý nghĩa ấy ngoại trừ tự do bản thân, con người không thể hạn chế tự do của chúng ta, hoặc có thể nói chúng ta không thể đình chỉ sự tồn tại tự do và tự vi là một. Thực tại của con người nghiêm chỉnh, nó vốn có cái hư vô cố hữu, cái đó là sự tự do. Triết học của Sartre là chủ nghĩa tồn tại và mỹ học là một thứ chủ nghĩa triết học nhân bản. Ông ta cho rằng sự tồn tại trước tiên của con người là một thứ tự do, cái trung tâm của thứ tự do ấy là tự ngã lựa chọn. Nghệ thuật dĩ nhiên là một thứ sáng tạo của con người, như thế nó vốn là một khái niệm tự do cần cầm nắm, đồng thời cũng là xây dựng một thứ nghệ thuật là cơ sở tồn tại của con người.

Sartre định nghĩa nghệ thuật trước tiên là nắm vững thế giới, ông cho rằng hoạt động sáng tạo là thông qua nó sản sinh hay nhìn lại cái đối tượng, thực tế là hoàn chỉnh hay làm mới lại mục tiêu nổ lực nắm lại thế giới. Nghệ thuật nắm lấy thế giới, đặc điểm cơ bản là thông qua tự do và tưởng tượng . Thứ nữa, cái động cơ chân chính của sự sáng tác nghệ thuật là để thể hiện sự tự do. Một mặt nhà nghệ thuật vận dụng tự do tiến hành sáng tác, xuyên qua sự sáng tác, sự tự do của nghệ thuật mới được chứng thực. Một mặt khác, bản thân sáng tác của nghệ thuật gia dùng thế giới tưởng tượng để trình bày sự tự do của con người. Do đó cái cơ sở thâm sâu của tác phẩm nghệ thuật chỉ có thể là sự tự do của người. Tiếp theo cái định nghĩa quy định đề tài của nghệ thuật chỉ là tự do, ông nói rõ tác giả chỉ có một đề tài là tự do. Có thế mới thấy Sartre đối với việc xác định bản chất nghệ thuật tuân theo quan điểm tự do của chủ nghĩa tồn tại. Phương diện hợp lý là ông vẫn kế thừa cao độ mỹ học của Tây phương nhấn mạnh cái truyền thống ưu tiên của tự do, khẳng định bản tính tự do của con người, yêu cầu nghệ thuật thành công cụ tranh thủ tự do. Nghệ thuật là phi hiện thực, là một thứ tân sáng tạo, thế nhưng trong đó vẫn bao hàm mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực, bởi vì theo ông thì nghệ thuật là phải phản ảnh bộ mặt của thời đại. Hơn nữa, phản ảnh hiện thực không phải là phục chế hiện thực. Nghệ thuật cần phải xuất phát từ hiện thực, khi đi vào sáng tác thì ý nghĩa của nó chưa có trước khi nó tồn tại. Tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo chỉ là chủ thể của nghệ thuật gia được thừa nhận là tiền đề. Chỉ đến khi tác phẩm đó thưởng thức, được tiếp thụ thì chủ thể của nghệ thuật gia mới đạt được sự thực hiện chân chính. Nhân đó, sáng tác và thưởng ngoạn cùng giúp đở cho nhau, cả hai cùng tạo thành sự hoạt động của văn nghệ. Sáng tác của nghệ thuật gia là thuyết minh, nó thừa nhận vai trò chủ thể tính và tự do của người thưởng ngoạn; chỉ có vì tha nhân mới có nghệ thuật, chỉ có thông qua tha nhân mới có nghệ thuật. Sự sáng tạo nghệ thuật chỉ trong thưởng ngoạn mới có thể nói là hoàn thành; do đó bất cứ tác phẩm văn học nào đều là một thứ gọi mời, là tác gia hướng về phía độc giả phát xuất sự gọi mời tự do. Và người thưởng ngoạn, thưởng thức là thuyết minh nó thừa nhận chủ thể tính và sự tự do của nghệ thuật gia. Cái quan điểm này của Sartre rõ ràng là khải phát từ mỹ học tiếp thụ.

Nhấn mạnh sự hành động, đó là tinh thần cơ bản của Sartre trong triết học của chủ nghĩa tồn tại. Tinh thần cơ bản ấy cũng giống như sự lý giải quán xuyến chức năng văn nghệ xã hội của ông. Tập trung nhất trong sự biểu hiện là thuyết “dấn thân” (Engager). Cái đề xuất mới mẻ nhất của ông là: “Văn nghệ nên dấn thân vào sinh hoạt xã hội”. Văn học theo ông là gia nhập vào sự chiến đấu, tả tác là phương thức yêu cầu của tự do, nếu bạn bắt đầu tả tác, không kể là bạn có ý muốn hay không muốn, bạn cũng đã tự dấn thân rồi. Chính là xuất phát từ thuyết dấn thân, mà ông chỉ trích quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật là sai lầm. Ông đề cao giá trị bức Guernica của Piscasso, nguyên nhân chủ yếu của bức họa là chống phát xít, tố cáo sự giết hại nhân dân Tây Ban Nha. Cái gọi là dấn thân tức là tác phẩm văn nghệ sẽ có tác dụng đối với vấn đề sinh sống của xã hội đương đại. Dấn thân tức là hành động. Văn nghệ dấn thân vào phương thức sinh hoạt của xã hội là do đặc điểm cơ bản quy định của văn nghệ, chủ yếu là thông qua các phương diện sinh hoạt hiện thực của xã hội đương đại ảnh hưởng đến tác phẩm văn nghệ. Đồng thời dấn thân tức là vì người dân mà nói năng, tức là trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà tranh thủ sự tự do. Nói cụ thể, là văn nghệ dấn thân vào sinh hoạt xã hội, trước tiên là phải phơi bày trong cuộc sống xã hội tồn tại những hiện tượng lạ hóa hay vong thân, và tiến đến là tiêu diệt các hiện tượng lạ hóa đó. Điểm thứ 2 là phải trực tiếp phục vụ trong cuộc đấu tranh chính trị, xúc tiến sự biến cách xã hội; kế tiếp là phát huy chức năng phê bình xã hội. Thực chất nghệ thuật gia là phê bình gia. Thuyết dấn thân của Sartre là đặc điểm cơ bản là hoàn toàn thể hiện triết học chủ nghĩa tồn tại. Nó bao hàm nhân tố tích cực của chủ nghĩa tồn tại, cũng bộc lộ lý luận lầm lần của chủ nghĩa này. Về mặt tích cực mà nói, thuyết dấn thân cực lực phê phán phái duy mỹ chủ nghĩa, khẳng định văn nghệ cùng với xã hội tồn tại hiện tượng “dị hóa” và phi chính nghĩa, đòi hỏi cải biến hiện trạng chủ nghĩa tư bản. Ông đòi hỏi văn nghệ phải bảo vệ dân chủ và tự do, dùng cây bút bảo vệ chúng không được, thì có lúc phải dùng đến vũ khí, đó là thể hiện tinh thần chiến đấu của thuyết “dấn thân”. Nhược điểm chủ yếu của lý luận thuyết “dấn thân” là như sau:

1- Quá đề cao vai trò tác dụng văn nghệ “dấn thân” vào cuộc sống xã hội

2- Ông muốn tranh thủ con người cho con người được tự do là một thứ thoát lý tất yếu có tính khách quan, và thực hiện tự do cá nhân một cách tuyệt đối khách quan, những điều đó tạo thành mâu thuẫn nội tại trong thuyết “dấn thân” và thực tiễn; tuy nhiên, quan điểm thẩm mỹ của ông vẫn đưa lại cho chúng ta nhiều ý kiến thích đáng, mới mẻ.

Khổng Đức
  (08/2011) 
Bản của tác giả gởi

Không có nhận xét nào: