Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Sắp công bố toàn bộ báo Phong Hóa - Ngày Nay của Tự lực văn đoàn


 Ngày 22-9-2012 tới là ngày kỷ niệm 80 năm báo Phong Hóa (sau đổi thành Ngày Nay) ra đời. Cũng trong ngày này, dự kiến một số trang mạng trong và ngoài nước đồng loạt khởi đăng báo này dưới dạng số hóa lần lượt từ số đầu tiên cho đến số cuối cùng.

Bìa báo Ngày Nay số Xuân năm 1937
Bìa báo Ngày Nay số Xuân năm 1937.
Những người làm công việc số hóa toàn bộ tờ Phong Hóa - Ngày Nay trước hết là những người con của các nhà văn, họa sĩ vốn là thành viên làm việc cho báo này. Người thứ nhất phải kể đến chị Phạm Thảo Nguyên (nhũ danh Phạm Thị Thảo), hiện nay đã lớn tuổi.

Chị là con dâu của nhà thơ Thế Lữ- một trong những thành viên chủ chốt của TLVĐ. Chồng chị là tiến sĩ toán Nguyễn Thế Học, đã mất, con trai út của cố thi sĩ Thế Lữ.
Hiện chị sở hữu bộ báo Phong Hóa - Ngày Nay, tuy nhiên không hoàn toàn đầy đủ. Bắt đầu từ “tài sản” này, chị đã cùng một số hậu duệ của nhóm TLVĐ có ý tưởng sưu tầm và số hóa toàn bộ Phong Hóa - Ngày Nay.
Chị tâm sự: “chúng tôi mang hết tâm sức ra thực hiện việc số hóa và phát hành sưu tập Phong Hóa - Ngày Nay: Một Di sản chung của tất cả người Việt chúng ta”.

Báo Phong Hóa- Ngày Nay, với tổng cộng 414 số kéo dài suốt từ 1932 đến 1940 được xem như một phong vũ biểu về xã hội Việt Nam thời kỳ bấy giờ.
Sự kiện này thu hút sự quan tâm nồng nhiệt không những của những người yêu văn học, báo chí mà cả những người hoạt động ở các ngành lịch sử, kinh tế, xã hội học, các ngành KHXH và NV khác.
Người thứ hai, đó là anh Nguyễn Trọng Hiền, con trai của họa sĩ Cát Tường (1912-1946), có biệt danh là họa sĩ Lemur (Lơ-muya, tiếng Pháp: bức tường). Đây là một họa sĩ tài danh thời bấy giờ. Tuy không phải là thành viên của TLVĐ, nhưng ông đã cùng một số họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân tham gia như là những cộng tác viên ruột của Tòa báo.

Vào khoảng năm 1934, ông đã là người sáng tạo ra chiếc áo dài Lemur tân thời, từ đó loại áo này nhanh chóng được phụ nữ đô thị chấp nhận, rồi được phổ biến rộng rãi trên cả nước.
Anh Nguyễn Trọng Hiền, hiện làm nhiếp ảnh nghệ thuật. Anh là người công phu xử lý kỹ thuật toàn bộ bản số hóa này. Đây là một việc làm đòi hỏi cực kỳ tỉ mỉ, công phu, và kiên nhẫn. Ở tuổi 70 như anh, công việc này có thể quá sức, nhưng anh vẫn hoàn thành một cách xuất sắc.
Ngoài ra, còn có Martina Nguyễn Thục Nhi là một trong những người góp nhiều công sức. Hiện cô sống tại nước Anh, đang làm nghiên cứu và viết báo. Cô cũng sưu tầm được một số đáng kể Phong Hóa- Ngày Nay, đã chụp thành film, đem gộp cùng bộ của chị Thảo chỉ còn thiếu một ít số.
Từ đó, nhóm liên hệ với nhiều người để cùng chung sức tìm giúp. Ở bên hải ngoại có anh Đỗ Tuấn Khanh; trong nước có nhà văn Vu Gia- người đã công bố một số chuyên luận về Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ… Đặc biệt, anh Nguyễn Tường Thiết con trai của nhà văn Nhất Linh, đã chia sẻ một tư liệu vô cùng quý giá: Di cảo viết tay “Đời làm báo” của Nhất Linh.
Qua tư liệu này, cho đến nay, chúng ta mới có thể biết đích xác các thành viên chính thức của TLVĐ bao gồm 7 người: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu (Xuân Diệu là người được kết nạp muộn nhất).

Trước đây, do tư liệu gốc không có, nhiều tài liệu nghiên cứu đã công bố không chính xác số lượng các thành viên chính thức của TLVĐ, khi vắng người này, khi thêm người khác như Trần Tiêu, Nguyễn Gia Trí, Cát Tường…
Về phần kỹ thuật, ngoài vai trò chính là anh Nguyễn Trọng Hiền, còn có sự giúp sức của những người như Lê Thành Tôn, Đỗ Thị Kim Dung, Lê HuyềnThanh.
Đến thời điểm này thì toàn bộ báo Phong Hóa- Ngày Nay đã hoàn chỉnh bản số hóa.

Chị Phạm Thảo Nguyên
Chị Phạm Thảo Nguyên.
Trong phần Dẫn nhập, các tác giả cho biết: Báo Phong Hóa từ số 1 (ra ngày 16/6/1932) đến số 13 (ra ngày 8/9/1932) do ông Phạm Hữu Ninh làm quản lý. Ông Ninh lúc bấy giờ là đồng nghiệp cùng dạy học ở trường tư thục Thăng Long với Nhất Linh và Khái Hưng.
Tờ báo không có gì mới mẻ, không được báo giới chú ý và dần đi xuống. Chớp thời cơ đó, Nhất Linh mua lại. Từ số 14, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) chính thức đứng tên chủ bút.
Tuy 13 số Phong Hóa đầu tiên không phải của nhóm Nhất Linh làm việc, nhưng nhóm sưu tầm công trình vẫn đưa vào đầy đủ để độc giả làm tài liệu.

Ngoài ra, công trình cũng công bố một số bút danh của các thành viên TLVĐ mà lâu nay chúng ta ít biết. Đây là những chỉ dẫn quan trọng giúp cho người đọc dễ dàng tiếp nhận Phong Hóa- Ngày Nay.
Cũng có một tiếc nuối. Số là thế này: Sau số 224 ra ngày 07-09-1940, báo Ngày Nay bị chính quyền thực dân rút giấy phép, đóng cửa hẳn. Năm 1945, một số thành viên cũ như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ, Thanh Tịnh, Nguyễn Tường Bách… tụ tập lại, cho ra tờ Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, được 16 số thì đình bản, ngày 18-8-1945.
Theo như nhóm tác giả công trình số hóa cho biết, hiện không tìm thấy các số báo đó. Giá như, sau này, nếu độc giả nào có tư liệu này trong tay sẽ có thể giúp các tác giả công trình bổ khuyết thì hay biết mấy.

Được biết, mấy tháng nay, chị Phạm Thảo Nguyên thay mặt nhóm tác giả công trình Bản số hóa Phong Hóa - Ngày Nay đã từ Mỹ trở về nước, tiếp xúc với một số các cơ sở đào tạo và nghiên cứu văn học trong nước để hiến tặng công trình này.
Các nơi được thụ hưởng gia tài này bao gồm: Đại học Vinh, Trung Tâm Phật giáo Liễu Quán, Khoa ngữ văn - ĐH Sư phạm HN, Khoa Văn học và Ngôn ngữ - ĐHKHXH và NV TPHCM, Đại học Hoa Sen TPHCM, và Khoa Viết văn - Báo chí thuộc ĐH Văn hóa HN.
Các trang Website của các cơ quan này đã thỏa thuận và được nhóm tác giả công trình cho phép sẽ đồng loạt khởi đăng lần lượt các số Phong Hóa- Ngày Nay vào ngày 22/9/2012, ngày kỷ niệm báo Phong Hóa do nhà văn Nhất Linh giám đốc kiêm chủ bút ra mắt bạn đọc.
Việc khởi đăng bản số hóa Phong Hóa - Ngày Nay xứng đáng được xem là một sự kiện văn học, văn hóa thực sự có ý nghĩa trong đời sống hiện nay.

Ngày 14.9.2012

 Văn Giá 
Nguồn: Tiền phong
Trích lại từ phongdiep.net

Không có nhận xét nào: