Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Nhà phê bình Đặng Tiến: Hàn Mặc Tử là nạn nhân của chính mình

(TT&VH Cuối tuần) - Như thông tin trên TT&VH ra ngày 18/9/2012 (Câu chuyện đi tìm bản in đầu tiên tập thơ Gái quê) liên quan tới số phận tập thơ Gái quê của Hàn Mặc Tử, TT&VH Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học Đặng Tiến, người có công tìm ra ấn bản trọn vẹn của thi phẩm này, vừa được công ty Phương Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành nhân kỷ niệm 100 năm sinh Hàn Mặc Tử (22/9/1912 -22/9/2012). Ngoài 34 bài (khác với bản phổ biến hiện hành, có 21 bài), ấn phẩm mới này còn có 170 trang biên khảo của Đặng Tiến về nhà thơ họ Hàn. 

 
“Văn bản Gái quê chúng tôi tìm được chỉ là bản sao, đánh máy lại, từ gia đình bà Hoàng Thị Kim Cúc, một thời là người trong mộng của nhà thơ, là nhân vật nữ trong bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ. Tuy chỉ là bản đánh máy nhưng đã có bàn tay bà Kim Cúc điều chỉnh. Dĩ nhiên là chúng tôi đã đối chiếu văn bản với nhiều nguồn tư liệu, ví dụ luận văn cao học của ông Nguyễn Đình Niên, trình tại Sài Gòn năm 1973. Ông ấy đã sử dụng tập Gái quê bản gốc, nhưng đánh mất trong tao loạn”, mở đầu câu chuyện, nhà phê bình Đặng Tiến cho biết.

Nhà phê bình văn học Đặng Tiế và Hàn Mặc Tử
Tập thơ “bị thiến”

* Xin được hỏi ngay, bản in 21 bài xuất hiện lần đầu năm bao nhiêu? Theo ông, tại sao chúng bị cắt đi 13 bài? Do ai cắt? Động cơ tại sao?
- Bản Gái quê 21 (tạm gọi như thế) đến từ Chế Lan Viên, bạn thân với Hàn Mặc Tử ngày xưa, tuyển chọn, biên tập và viết lời giới thiệu, xuất bản năm 1987. Theo Chế Lan Viên trong một tuyển tập “mình có quyền cắt, đề nghị cắt”. Có thể hiểu động cơ cắt chỉ là tùy thích. Câu nào, chữ nào mình không thích, mình cho là không hay, không thanh nhã, thì cắt. Ông ấy cắt 13 bài, bỏ cái tựa của Phạm Văn Ký, đục tên người được đề tặng, trừ một Quách Tấn; có bài 4 đoạn thì cắt ba chỉ giữ lại đoạn cuối, như bài Em đi lấy chồng, có câu: “Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ/Em có chồng rồi… ” mà nhiều người biết.
Mà không cứ gì ở tập Gái quê. Trong các thi phẩm khác, câu nào không ưa thì cắt. Ví dụ bài Ave Maria, có câu đầu nổi tiếng:“Như song lộc triều nguyên ơn phước cả”, cũng bị cắt, có lẽ ông cho là vô nghĩa. Ngày xưa, 1942, Kiều Thanh Quế cũng đã lớn tiếng chê câu này là “quái dị” và thách Hoài Thanh, Trần Thanh Mại giải thích!


* 13 bài bị cắt này có chất lượng như thế nào? Cắt đi sẽ có lợi hay có hại đến hình ảnh và diện mạo của Hàn Mặc Tử?
- 13 bài này chất lượng cũng trung bình thôi, nhưng vấn đề không phải ở đây. Nó không tăng không giảm gì giá trị sự nghiệp Hàn Mặc Tử, nhưng quan trọng là việc khôi phục lại toàn bộ tác phẩm cho tác giả. Ngoài ra, về mặt nghiên cứu văn học, đối với một tác gia nổi tiếng, có đóng góp vào quá trình văn học thì thơ hay hoặc thơ dở gì cũng là tư liệu có giá trị văn học. Ngay các tác giả đương thời cũng than phiền bị cắt xén. Xuân Diệu đã từng than: “phải giết bao nhiêu con vịt mới đánh được một bát tiết canh”. Tác phẩm Tế Hanh trước 1945 đã bị một tuyển tập cắt đi một nửa, nói vậy để phần nào cảm thông với “tinh thần thời đại” của Chế Lan Viên.

* Tại sao bao nhiêu năm rồi vẫn duy trì tình trạng phổ biến sự thiếu hụt này?

Hiện nay giới sưu tầm sách cũ đang đặt giá 2.000USD cho bản in năm 1936 tập Gái quê.

- Lý do thì nhiều, nói không bao giờ hết chuyện. Nguyên nhân chính là xã hội ta không có truyền thống văn bản học, chỉ mộtTruyện Kiều mà cho đến nay, vẫn phải thảo luận về văn bản. Thứ đến, Hàn Mặc Tử là nạn nhân của chính mình. Những bài thơ làm sau 1936, chủ yếu là tập Thơ điên (sau đổi thành Đau thương), hay hơn, độc đáo, tân kỳ hơn, lấn lướt đàn anh là tậpGái quê. Trong Gái quê, những bài hay là Bẽn lẽn, Tình quê, Âm thầm, thì đã đăng báo và được nhiều nơi trích dẫn, thời đó, nhiều người đã chép tay, nên người đọc không hăm hở tìm kiếm, gìn giữ ấn bản đầy đủ.

Thêm một lý do khác là Hàn Mặc Tử có đời sống bất hạnh tạo ra nhiều giai thoại, người đọc quan tâm đến thơ tình hay thơ bệnh tật, kiểu: “Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra”, ngoài ra là thơ tôn giáo: “Ma-ri-a linh hồn tôi ớn lạnh”. Còn khía cạnh nghệ thuật qua toàn bộ thi phẩm, những biến chuyển từ thơ Đường luật, qua Gái quê đến các thi tập Xuân như ý, Thượng thanh khí thì ít ai quan tâm.

Tuy nhiên, trả lời như vậy là dựa trên lý luận văn học, vẫn chưa đáp ứng sự tò mò người đọc. Họ vẫn còn thắc mắc đơn giản, cụ thể là: một tập thơ mỏng mảnh in năm 1936 mà mươi, hai mươi năm sau, sao đã tuyệt tích? Thời ấy đã có lệ nộp lưu chiểu, vậy các thư viện làm gì? Tại sao những người thân cận, bạn hiền như Quách Tấn, em ruột là Nguyễn Bá Tín, sao không sưu tầm vào thời 1954 hay 1960? Ông Nguyễn Đình Niên có sách, thì ắt nơi khác cũng có. Riêng nhà thơ lừng lẫy Chế Lan Viên khi tìm ra bản gốc Gái quê tại tủ sách ông Nguyễn Văn Y, sao không thuê đánh máy lại và công bố, ít nhất là cung cấp tư liệu cho giới thân cận?

Vì vậy trả lời anh cho rốt ráo thì tôi chịu thua. Đành phát ngôn liều: con người, cũng như một tác phẩm văn học, nghệ thuật, một bức tranh chẳng hạn, có số phận của nó. Chúng tôi tìm ra, dù chỉ là một bản sao, từ ngoài nước, cũng là do tình cờ, may mắn. Nhưng chỉ tìm ra được vào phút chót, kịp in ấn và phát hành vào đúng kỷ niệm 100 năm của nhà thơ, thì là duyên số. Nói như vậy là duy tâm, là quê mùa, vớ vẩn, dù cho chân thành; vì quả tình, chúng tôi không tìm ra một lý do nào khác.

Mộ Hàn Mặc Tử được gia đình cải táng tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn và “chuẩn cái tên” Hàn Mạc Tử.
Còn nhiều khuất lấp

* Thưa ông, từ góc độ nghiên cứu, tập Gái quê này có ý nghĩa và vai trò như thế nào đối với văn nghiệp của Hàn Mặc Tử và cả với văn giới, người đọc nói chung?
- Trong nền thơ Việt Nam hiện đại, Hàn Mặc Tử là một nhà thơ lớn. Sau khi ông qua đời tại trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn) ngày 11/11/1940 thì dư luận đã xao xuyến vì một tài thơ sớm ra đi vào tuổi 28, sau 4 năm bị chứng bệnh ngặt nghèo, trong hoàn cảnh bi thảm. Về nghệ thuật thơ ông, lời khen cũng lắm, lời chê cũng nhiều. Nay đã 70 năm qua, sự đánh giá bình tĩnh hơn. Xin trích dẫn nhận định năm 2004 của Phan Cự Đệ, không phải là nhà phê bình vội vã: “Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt nhất trong phong trào Thơ Mới. Chỉ trong mấy năm, từ 1935 đến 1940, ông đã làm một hành trình văn học bằng một thế kỷ, mở đầu là thơ bát cú Đường luật và tiếp đó là những bài thơ chứa nhiều yếu tố tượng trưng, siêu thực. Ông là người tiên phong đưa thơ vào con đường hiện đại, hòa nhập vào mặt bằng thơ hiện đại thế giới” (theo Phan Cự Đệ, Văn học Việt Nam thế kỷ 20, tr.454, NXB Giáo dục, 2004, Hà Nội). Nhận định này quan trọng vì đến từ một ngòi bút phê bình chuyên nghiệp, kinh điển, thận trọng, nổi tiếng dè dặt, nhất là đối với các tác giả không “cùng phe”. Nó đúng với Hàn Mặc Tử, và đánh dấu một bước ngoặt trong cái nhìn “chính thống” về lịch sử văn học.

Hàn Mặc Tử làm mới thơ mình và cách tân thi ca nói chung chỉ trong vòng 5 năm: 1935-1940. Tập Gái quê được sáng tác trước đó, là một tác phẩm giao thời. Trước Gái quê là thơ Đường luật cổ điển, dù cảm xúc có mới mẻ. Nói khác đi là khiên cưỡng. Trong Gái quê không còn một bài thơ Đường luật nào cả, Hàn Mặc Tử toàn sử dụng những hình thức mà ngày nay ta gọi là thơ mới, chủ yếu là thơ 7 chữ phân đoạn 4 câu. Đặc biệt có bàiTình quê ngũ ngôn nửa mới nửa cũ, hoặc là “bình cũ rượu mới” theo lối ví von thời đó. Sau Gái quê, chủ yếu là thời bệnh tật, 1936-1940 thơ ông đã dần dần mang âm vang hiện đại, trong tập Đau thương và những bài thơ cuối đời. Như vậy, với người nghiên cứu văn học, nắm vững, nắm trọn vẹn văn bản gốc của Gái quê là quan trọng, vì thấu triệt được toàn bộ quá trình biến đổi của một nguồn thi hứng, qua một tác gia cụ thể. Uyên bác như Phan Cự Đệ mà không biết được nguyên bản Gái quê là rất tiếc. Cho dù rằng biết được cũng không mảy may gì thay đổi nội tình, thì trong nghiệp vụ biên khảo, biết vẫn hơn là không biết.

Nhà giáo - cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc, một người hiếm hoi còn giữ tư liệu đầy đủ về tập Gái quê, bản in năm 1936, dù chưa phải là bản gốc.
* Cuốn sách còn có phần hồ sơ do ông biên soạn khá dày dặn, nó chủ yếu đề cập những vấn đề gì?
- Thời gian gấp rút, điều kiện giới hạn nên công việc biên soạn cũng sơ sài thôi. Đại khái, việc chính là rà soát văn bản, sau đó kiểm chứng lại phần tiểu sử. Có những điểm lạ lùng: Hàn Mặc Tử là người Công giáo, tên thánh là Phan-xi-cô (Francois), chịu bí tích rửa tội tại nhà thờ Tam Tòa, Đồng Hới, ngày 25/9/1912. Sao nhiều tài liệu, bắt đầu từ ông em ruột, Nguyễn Bá Tín, lại ghi Phê-rô (Pierre)? Ông ấy qua đời lúc 5h45 ngày 11/11/1940, sao các ông Trần Thanh Mại, Quách Tấn đều nói là 11h? Ông ấy được mai táng ngay chiều hôm ấy, ngay tại nghĩa địa nhà thương Quy Hòa, sao ông Chế Lan Viên nói là chôn ở Đèo Son?

Vẫn còn nhiều điều khuất lấp về con người và tác phẩm của Hàn Mặc Tử. Nó thể hiện nhiều điều bất cập, tùy tiện trong công tác tư liệu, văn bản ở Việt Nam.
Những chi tiết này nhỏ thôi, nhưng cụ thể nên dễ kiểm chứng. Và từ đó truy ra những giai thoại, huyền thoại khác. Và xa hơn nữa, thấy rằng tư liệu nước ta nhiều điều bất cập, tùy tiện.
Chúng tôi cũng không quên nêu lên vấn đề sơ đẳng: tên nhà thơ là Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử, và nghiêng về thuyết thứ hai. Ngoài ra có thêm đôi bài mới, về nét hiện đại trong tác phẩm nhà thơ bất hạnh.
* Xin cảm ơn ông.
Văn Bảy (thực hiện

Không có nhận xét nào: