Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi: Trăm tuổi vẫn sung sức

Minh mẫn, ăn vận chau chuốt và cách nói chuyện hài hước, dí dỏm, ít ai nghĩ rằng nhà văn, nhà viết kịch Học Phi đã tròn trăm tuổi. Điều khiến người ta kinh ngạc hơn là cụ già trăm tuổi ấy hằng ngày vẫn đều đặn miệt mài ngồi làm việc hoặc đọc sách ở thư phòng.
Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi: Trăm tuổi vẫn sung sức
Cách đây chừng 3 tháng chúng tôi đã đến thăm cụ tại nhà riêng (khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính, Hà Nội), khi ấy cụ đang dở tay với những trang bản thảo kịch bản "Âm vang Bãi Sậy”. Cụ bảo, những bạn bè, đồng chí, những bạn văn chương của cụ nhiều người đã về thế giới bên kia từ lâu lắm rồi. Vì thế, thời gian với cụ giờ đây chỉ là những khoảng đập yếu ớt và nhỏ nhoi trong vũ trụ bao la này. Nhưng chừng nào trái tim còn đập, đầu óc còn minh mẫn thì cái nợ chữ nghĩa, nợ văn chương vẫn còn chưa hết... Có lẽ vì thế mà "Âm vang Bãi Sậy” là một kịch bản điện ảnh (được phỏng từ tiểu thuyết cùng tên của cụ phản ánh về cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy), âu cũng là một "món nợ” cuối đời với mảnh đất Hưng Yên - nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn Học Phi. Kịch bản này đã được cụ bắt tay viết cách đó hơn một năm.
Thế rồi bẵng đi ít lâu, đến tháng 7 vừa rồi thì cụ đã hoàn thành kịch bản ấy. Hoàn thành xong, cụ gọi điện liền cho nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam. Bà Ngát kể, cụ viết kịch bản xong rồi thì gửi bưu phẩm qua đường bưu điện. Chỉ hai ngày sau cú "phôn” của cụ, bà Ngát đã nhận được tập kịch bản dày cộp, nặng 80 trang, đánh máy và in ấn cẩn thận…Quả không chỉ dẻo dai về sức khỏe, nhà văn, nhà viết kịch Học Phi cũng vẫn còn sung sức trên cánh đồng chữ nghĩa, văn chương. Mong muốn của cụ là Hội Điện ảnh Việt Nam sớm dựng kịch bản thành phim Âm vang Bãi Sậy.
Những người từng gặp cụ Học Phi đều nhớ chi tiết này, trước khi tiếp khách, bao giờ cụ cũng cẩn thận chau chuốt trong trang phục. Khi thấy mình đã tươm tất rồi cụ mới cho phép người giúp việc đẩy xe lăn ra phòng ngoài tiếp khách. Chúng tôi hỏi cụ, sao "trăm tuổi bạc đầu râu” rồi mà không nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho khỏe? Cụ cười ha hả, bởi điều phiền lòng nhất với cụ bây giờ chỉ là cái tai không nghe rõ lắm, đôi chân do ảnh hưởng của bệnh thoái hóa đốt xương từ vài năm nay, nên phải ngồi xe lăn... Chứ cụ ăn cơm vẫn thấy ngon miệng, ngày hai buổi sáng - chiều vẫn ra ban công nhìn xuống đường để ngắm dòng người qua lại, ngắm phố xá đổi thay để rồi thấy cuộc đời này vẫn đáng yêu, đáng sống lắm. Mà đã thế thì chẳng thể ngồi không được, cho nên cụ vẫn lấy nghiệp viết làm niềm vui... Cụ cũng cười lớn khi có ai đó hỏi về bí quyết "trường sinh bất lão”, vì chẳng có bí quyết nào cả, cụ cũng chẳng tẩm bổ bằng sâm nhung quí hiếm. Mấy chục năm qua cụ vẫn giữ thói quen ăn sáng bằng một cốc cà phê sữa với vài lát bánh mì và trứng ốp la hoặc kẹp pate, thi thoảng một hai lần trong năm cụ đổi món bằng xôi hoặc bánh cuốn. Cụ bảo chẳng mấy khi bị mất ngủ, cứ xem thời sự buổi tối xong là cụ đi nằm. Sớm hôm sau khi những người già trong khu lục tục trở dậy đi tập thể dục buổi sáng, cụ cũng thức giấc và ngồi xe lăn tập thể dục.
Khơi gợi lại tuổi trẻ và những mối tình trong đời, cụ Học Phi cho biết dù hoạt động cách mạng, nhưng cụ là người rất đào hoa. Trong cuộc đời cụ không nhớ hết có bao nhiêu cô gái đem lòng yêu thương say đắm. Tất cả sáng tác của cụ chính là những hồi ký cuộc đời được tiểu thuyết hóa. Từ "Cô bán rau”, "Chị Hòa”, "Một đảng viên”, "Ni cô Đàm Vân”, "Mở đường”... là những tác phẩm đã mang đến cho nhà văn Học Phi giải thưởng cao quý, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong đợt trao tặng đầu tiên.
Kể từ cuốn tiểu thuyết đầu tay "Hai làn sóng ngược”, cho đến nay gia tài của nhà văn, nhà biên kịch Học Phi có tới 30 kịch bản sân khấu, 10 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn. Năm 2010, cụ Học Phi xuất bản cuốn tiểu thuyết "Đi tìm mái ấm gia đình” và trở thành nhà văn cao tuổi nhất ở Việt Nam có tiểu thuyết mới được xuất bản. Trước khi bắt tay viết kịch bản "Âm vang Bãi Sậy”, cụ cũng đã kịp hoàn thành kịch bản truyền hình "Con nhà mõ”.
Dẫu vậy, kịch bản sân khấu mới là nơi cụ gửi gắm nhiều trăn trở nhất. Đã nhiều năm tháng trôi qua, nhưng những vở kịch được chuyển thể từ tác phẩm văn học vẫn là những vở diễn độc đáo, mang nét riêng của Học Phi. Cụ cũng cho biết, trong số những sáng tác của mình, cụ ưng ý nhất vẫn là kịch bản "Ni cô Đàm Vân”, vì cốt truyện được lấy từ nguyên mẫu một nhà sư cởi áo cà sa lên đường đi đánh giặc. Vở Ni cô Đàm Vân đã từng mang lại tiếng vang cho nhiều đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Đây cũng là vở kịch được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phục dựng lại để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cụ.
Trăn trở với thực trạng sân khấu chèo nước nhà, cụ Học Phi cho rằng không phải khán giả quay lưng với chèo, mà do những người làm nghề chưa biết cách kéo khán giả trở lại với sân khấu bằng những tác phẩm đi vào lòng người. Vì thế, theo cụ để sân khấu chèo hấp dẫn, yêu cầu quan trọng và phải chọn đề tài phù hợp để dàn dựng vở diễn.
Theo Hương Lê- Hà Thanh - ĐĐK

Không có nhận xét nào: