HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Tính từ khi tiểu luận Một lối thơ
mới trình chánh giữa làng thơ và bài thơ Tình già của
Phan Khôi được công bố trên Tập văn mùa xuân, phụ san của Báo
Đông Tây Xuân Nhâm Thâm 1932, và trên báo Phụ Nữ tân văn
ngày 10-3-1932, phong trào Thơ Mới ra đời đến nay đã tròn 80 năm.
Tính từ khi Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm giám đốc tuần báo
Phong Hóa vào ngày 22-9-1932, chuẩn bị cho sự ra đời của Tự Lực
văn đoàn sau đó[*],
80 năm cũng đã trôi qua. Nhân dịp này, một số cơ quan nghiên cứu và
giảng dạy văn học trân trọng kỷ niệm hai sự kiện văn học lớn, có ảnh
hưởng quan trọng đến tiến trình hiện đại hóa văn học nước ta.
Là sản phẩm của lịch sử và văn hóa Việt Nam, chịu ảnh hưởng bởi
những biến động chính trị, xã hội, kinh tế trong tám thập niên vừa
qua, hai hiện tượng văn học nói trên đã trải qua những chặng
đường gập ghềnh trong sự tiếp nhận, thưởng thức và đánh giá. Trong
những hoàn cảnh cực đoan, có lúc Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn đã bị
xem là những hiện tượng văn học suy đồi, tiêu cực, thậm chí có hại
cho việc giáo dục đạo đức và thẩm mỹ.
Đường lối Đổi mới xã hội và văn hóa, văn học khởi xướng từ năm
1986 đã góp phần cứu vớt số phận của hai trào lưu văn học này,
“chiêu tuyết” cho nó và từng bước đưa nó trở lại với đời sống. Những
thi phẩm công bố trước 1945 của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy
Cận, Huy Thông, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử,
Nguyễn Bính, Tế Hanh, Bích Khê, Hồ Dzếnh, Đoàn Phú Tứ, Nam Trân,
Phạm Hầu, Xuân Tâm, Đinh Hùng… lần lượt được in lại với số lượng
lớn. Truyện ngắn, tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam,
Trần Tiêu… cũng được tái bản và phát hành rộng rãi, chứ không phải
là tài liệu hạn chế trong thư viện chỉ dành cho một số ít nhà nghiên
cứu tiếp xúc mà thôi. Một số bài thơ hay của văn học lãng mạn được
đưa vào các tuyển tập, được bình giảng trong sách giáo khoa trung
học, được chọn làm đề thi tú tài và đại học. Hầu hết các nhà thơ,
nhà văn nói trên cùng tác phẩm của họ được khảo sát trong các tiểu
luận, luận văn, luận án ở nhà trường đại học.
Có
thể nói một trong những thành tựu lớn nhất của khoa nghiên cứu, phê
bình văn học thời kỳ Đổi mới là việc phân tích, nhận thức lại những
hiện tượng văn học quá khứ đã từng bị đánh giá bất công, từ đó đi
đến nhận định khách quan và xác lập cho nó vị trí xứng đáng trong
văn học sử. Những nhận xét thỏa đáng về các hiện tượng văn học ấy
của Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan trước 1945 và của những nhà
nghiên cứu ở miền Nam trước 1975 như Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Đặng
Tiến, Lê Huy Oanh, Bùi Đức Tịnh… được thừa nhận. Một số nhà nghiên
cứu từng nặng lời với Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn trước đây cũng thay
đổi cách nhìn. Đặc biệt, từ cuối những năm 80 thế kỷ trước đến nay,
nhiều công trình cá nhân và tập thể đã được biên soạn trong tinh
thần khoa học, giúp người đọc cảm và hiểu sâu hơn những tác gia, tác
phẩm của một giai đoạn văn học phát triển mạnh mẽ vào những năm
1932-1945. Có thể kể ở đây một số cuốn sách tiêu biểu: Thơ Mới –
những bước thăng trầm của Lê Đình Kỵ,
Mắt thơ của Đỗ Lai Thúy, Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện
đại hóa… của Vương Trí Nhàn, Về Tự Lực văn đoàn của
Nguyễn Trác và Đái Xuân Ninh, Tự Lực văn đoàn – con người và văn
chương của Phan Cự Đệ, Tự Lực văn đoàn – trào lưu và tác giả
của Hà Minh Đức, Ba đỉnh cao Thơ Mới của Chu Văn Sơn,
Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca do Huy Cận và Hà Minh
Đức chủ biên…
Trong các nhà nghiên cứu về Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn, chúng tôi
muốn nhắc đến hai tác giả với sự trân trọng về lao động công phu,
kiên trì và hiệu quả. Đó là Hà Minh Đức, giáo sư đầu ngành văn học,
với một loạt công trình biên khảo, sưu tầm, ghi chép về các nhà thơ
Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ trong bộ sách
được lần lượt xuất bản khoảng năm năm gần đây. Thuộc thế hệ trẻ hơn,
Vu Gia chuyên tâm nghiên cứu về những tác gia thành viên của Tự Lực
văn đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Thế Lữ.
Bộ sách của ông cuốn nào cũng dày từ ba trăm trang đến gần một ngàn
trang, đầy ắp tư liệu mới làm cơ sở cho những nhận định bổ sung vào
những khoảng trống văn học sử.
Những công trình nghiên cứu đa dạng và đa diện về phong trào Thơ Mới
và Tự Lực văn đoàn cho thấy đây là những hiện tượng “một đi không
trở lại” trong lịch sử văn học dân tộc, có giá trị đích thực và sức
sống dài lâu, còn có thể được tiếp tục khám phá. Bằng chứng là dưới
ánh sáng của thi pháp học, phong cách học, lý thuyết tiếp nhận, văn
bản Thơ Mới và văn xuôi Tự Lực văn đoàn bộc lộ vẻ đẹp và sự phong
phú của nó, đồng thời cho thấy tiếng vang của nó còn ngân xa trong
lòng các thế hệ văn thi sĩ và độc giả đến sau.
Tất nhiên, mọi hiện tượng văn học đều có những giới hạn lịch sử của
nó. Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn cũng không là ngoại lệ. Kỷ niệm hai
sự kiện văn học này không phải là dịp để chúng ta tôn vinh những
khuôn mẫu không hề bị vượt qua mà quan trọng hơn là rút ra những bài
học cho những cách tân hôm nay. Thời đại mới, con người mới luôn
luôn cần những tiếng nói nghệ thuật mới. Trân quý những tiếng nói
nghệ thuật cũ không có nghĩa là mãi mãi nằm trong bóng râm và vùng
từ trường của nó. Trên thực tế, văn học ở những địa bàn khác nhau
của đất nước, từ cuối những năm 50 thế kỷ trước đến nay, đã có những
bứt phá và đột phá mà có lẽ lúc đương thời những Nhất Linh, Khái
Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu…, dù đầy tài năng, cũng chưa thể hình dung
được.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
[*]
Nguyễn Tường Tam chính thức được ghi tên Directeur (Giám
đốc) trên trang bìa báo Phong hóa
số 14, ra ngày 22-9-1932. Đến số 87, ra ngày 02-3-1934,
Phong hóa mới công bố Tôn chỉ của Tự Lực văn đoàn.
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 22-9-12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét