(Toquoc)- Trước hết, phải nói, Bến Tre là quê hương của nhiều nhà văn hóa lớn: Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký, Phan Văn Trị, Huỳnh Tịnh Của, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản… Tỉnh nhỏ gồm Cù lao An Hóa, Cù lao Bảo, Cù lao Minh, nối giữa mấy nhánh của dòng sông Tiền Giang, sông Hàm Luông, Ba Lai và Cổ Chiên, quê hương của Đồng khởi còn là vùng đất nổi tiếng của văn hóa chiến trận, nơi đã có hơn 37.000 liệt sĩ, 20.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, quê của Trung tướng Đồng Văn Cống, Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Đại tướng Lê Văn Dũng, và hơn 20 vị tướng khác… Nhưng hôm nay, chúng tôi vượt cầu dây văng Rạch Miễu, men theo quốc lộ 60, qua Nghĩa trang Liệt sĩ, dừng xe, đi bộ mấy trăm mét, dọc con kênh đào nhỏ, tìm tới túp lều cũ nấp dưới bóng dừa, nơi đó có một Ông già héo queo như cây kiểng còi, dọn mình bước vào tuổi 90; không còn vẻ nhanh nhẹn hoạt bát như hơn chục năm trước, khi nhà văn Nguyễn Hồ giới thiệu với tôi lần đầu, nhưng vẫn giữ đươc sự minh mẫn, và một cách nói hóm hỉnh, hài hước đặc Nam Bộ, một con người như câu thơ ông viết: ngạo mạn thách thức kiếp phận truânchuyên, đó là nhà văn Trang Thế Hy, mọi người quen gọi ông Tư Sâm.
Sau bước làm quen, biết chúng tôi có ý định hỏi chuyện đời, chuyện nghề của ông, im lặng một lúc, ông phản công:
- Bạn ơi, từ ông già lụm cụm, hom hem, da dẻ nhăn nheo, trí nhớ rụng dần này thì còn gì để có thể khai thác được nữa? Liệu có phí thì giờ bạn đọc không?
Để khỏi trực diện trả lời câu hỏi khó, chúng tôi chuyển đề tài. Câu chuyên mấy lần bị ngắt, vì nghe tin chúng tôi về, gồm nhà văn- nhà biên kịch Ngụy Ngữ, mấy bạn văn cùng đến chơi: cây bút truyện ngắn đặc sắc Ngô Khắc Tài ở An Giang được tân Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Từ Phạm Hồng Hiên đèo xe máy tới. Lát sau còn có nhà thơ Kim Ba Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bến Tre. Nghe đâu bạn bè văn nghệ đang rục rịch chuẩn bị tập sách mừng cây Cổ thụ (không dám gọi Đại thụ) của văn học Tây Nam Bộ bước vào tuổi 90.
- Tác phẩm đầu tiên hả? (quay qua Cúc Phương) Cô ở báo Nhân dân hả? Đó, đó, tác phẩm đầu là bài thơ dài Thanh gươm Tháng Tám ký tên Song Diệp đăng ở một phụ trương báo Đảng năm 1954. Tôi cũng có duyên với báo Nhân dân đó nghe.
- Những tác phẩm của Trang Thế hy dưới nhiều bút danh khác nhau như Áo lụa giồng, Nắng đẹp miền quê ngoại, Mỹ Thơ, Thèm thơ… (thời ở Sài Gòn), Anh Thơm râu rồng, Vui nhỏ trên đường dây, Quê hương thứ hai của người du kích, Bên miệng hố bon đìa (hồi ở rừng) đến Nợ nước mắt, Mưa ấm, Vết thương thứ mười ba, Hai người nhìn mưa dầm… (viết sau 1975) không chỉ kể cho bạn đọc chuyện xảy ra trên một miền đất mấy chục năm biến loạn, ít những trận chiến hào hùng mà giàu ở tâm trạng những con người nhỏ bé bị lôi vào cuộc chiến, vẫn ngời sáng lòng yêu nước và niềm tin vào một ngày mai tươi đẹp, qua đó cung biết ít nhiều về tiểu sử tác giả.
- Hình như ông đã từng làm nhiều nghề?
- Những năm chống Pháp dù làm ở Ty Thông tin tuyên truyền, nhưng cũng mới học viết gọi là. Sau 1954, được phân công ở lại, phải làm nhiều nghề vừa kiếm sống, vừa có vỏ bọc hợp pháp để hoạt động, nào phụ xe, soát vé xe đò, giữ kho, dạy kèm học trò, làm thư ký cho hãng buôn, rồi kế toán, sửa bản in cho các báo… không có nghề gì ổn định. Thế mà vẫn bị bắt vì có người khai báo. Đến giờ, tôi vẫn coi mình là cây viết nghiệp dư, nên số lượng tác phẩm cũng chẳng đáng là bao.
- Là một người lăn lộn trường đời, có nguồn mạch văn hóa thâm hậu, nhưng số trang viết không nhiều, ông từng trả lời báo chí: Tạo hóa có nhễu cho vài giọt năng khiếu nhưng bản thân tôi không phải là người có ý chí mạnh?
- Thì đó là tôi đã nói thật. Nhưng còn một lý do nữa mà tôi cũng đã trả lời trên báo: Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu nó. Tôi luôn tự dặn mình như vậy cả trong cuộc sống, chứ không chỉ khi viết văn. Với tôi, cái gì đã viết, dù ít, là phải chân thật. Đôi lần tôi bị vấp cũng là vì vậy.
- Sau Hiệp định Geneve 1954, một số cây bút ở lại Miền Nam nặng lòng với vận nước, tập họp trong mấy tờ báo, gióng lên tiếng nói cảnh báo về họa ngoại xâm, về sự tha hóa và băng hoại nhanh chóng của đạo đức xã hội, sự trỗi dậy ngang ngược của bọn cường hào mới, theo đó là sự bần cùng hóa của người dân. Những tên tuổi được chú ý như Lê Vĩnh Hòa, Lý Văn Sâm, Sơn Nam, Viễn Phương, Tân Đức, Dương Tử Giang, Vũ Bằng, Vũ Hạnh, Ngoc Linh, Truy Phong…. Trang Thế Hy với nhiều bút danh là một cây bút được nhiều người yêu mến. Có phải đó là giai đoạn sáng tác sung sức nhất của ông?
- Những năm cuối 1950, ở Miền Nam là một thời kỳ đặc biệt. Đất nước vừa độc lập mà lại bị chia cắt. Lòng người đang ngổn ngang trong sự lựa chọn. Niềm hy vọng về một ngày mai thống nhất gợi lên trong thế hệ người viết dạo đó rất nhiều cảm hứng. Chế độ mới chưa ổn định cũng tạo cơ hội tự do -ngoài ý muốn - cho người viết thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, ý nguyện tạo dựng một xã hội có đời sống tốt đẹp cho mọi người. Một thời kỳ văn chương yêu nước nở rộ. Nhưng cũng chỉ được mấy năm. Khi Luật 10/59 đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, thì tất cả đã xiết lại. Người viết phải chọn cách nói kín đáo hơn, cả việc lấy xưa nói nay, lấy ngoài nói trong. Năm 1962, do có người khai báo, tôi bị bắt. Nhờ đó có thêm vốn sống, để khi ra rừng viết được Anh Thơm râu rồng, kể chuyện vui về một người tù có khí phách, biết khôn ngoan lẩn tránh đòn hiểm của đối phương bằng cách tỏ ra sợ sệt khi ngón đòn đó anh lại chịu đựng dễ dàng.
- Nhiều người nhận xét, ông là nhà văn luôn tìm cái đẹp trong những con người bé nhỏ, cơ hàn, thậm chí lấm láp bụi trần, như cô gái bán thân trong "Thèm thơ", một đêm nào đó, tới đặt tác giả làm bài thơ kể chuyện thân phận mình, nhưng không dám trả tiền, vì: Em có tiền, nhưng tiền của em thì anh gớm lắm, em biết, và nhiều những con người nghèo khổ, sống dưới đáy xã hội mà vẫn giữ được chất ngọc tình người, hiểu được điều hay lẻ phải. Có phải ông đã thi vị hóa cái nghèo không? Hay ông là người chăm chút đi săn tìm những cái đẹp nhỏ nhoi bị bụi đời che khuất?
- Không phải, à nghen! Để tránh bị hiểu lầm, phải nói rõ, đó là những truyện viết từ những năm cuối 50 đầu 60 của thế kỷ trước, trong thành phố Sài Gòn đang bị thực dân hóa. Những người cùng đinh, nghèo khổ rất phổ biến. Nhưng chính đó là môi trường, là cánh rừng đại ngàn của lòng tốt, của sự hy sinh đã đùm bọc, chở che, nuôi giấu cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên khi bị kẻ địch săn đuổi, truy lùng, tìm diệt, ở khắp mọi nơi và cả trong thành phố. Từ ngày giải phóng, đất nước thay đổi thật nhiều, mà vẫn xảy ra bao cảnh ngạo ngược của tình đời. Trong chiến tranh tôi từng nghĩ và viết: Mai mốt nọ kia, thằng Mỹ nó về xứ là do máu xương công sức của số đông người lam lũ như cô, không phải nhờ một vài người giỏi chữ nghĩa đeo kiếng như tôi đâu… Thế mà đôi khi tôi tự bắt gặp mình đứng về phía nhân vật xấu của chính mình. Đó là điều quá ư đau xót đối với người cầm bút. Có lúc kể chuyện cười mà buồn, chuyện vui mà khóc. Truyện đầu tiên tôi viết sau giải phóng là Nợ nước mắt, ở đây nợ nước mắt phải trả bằng những trận cười. Có khi nó là lời bào chữa cho sự bội bạc đối với những cái gì mình đã lượm lặt, tích lũy, ôm ấp, nâng niu, nung nấu để quên đi! Cho nên đọc truyện của tôi như người ta ăn hột sen cả tim, nó nhân nhẩn, đăng đắng, ăn mất ngon nhưng nên thuốc. Đó là chất đắng bổ tim.
- Từ 1992, sau khi về hưu, nhớ đến lời khuyên từ bốn mươi năm trước của nghệ sĩ Tư Chơi, ông đã ĐI CHỖ KHÁC CHƠI tức trở về quê cũ. Từ ngày ấy ông còn quan hệ gì với giới văn nghệ?
- Tôi không phải là người đi ở ẩn. Tôi thuộc tạng người: Như con cá thòi lòi, hễ ra khỏi hang là nhớ. Đúng với câu thơ: Giang hồ, ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà. Nhưng bạn bè tứ phương về Bến Tre cũng có đôi người bớt chút thì giờ ghé thăm. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Vũ Giáng Hương, nhà văn Nguyễn Khải, thường xuyên hơn là Nguyễn Hồ, Nguyên Ngọc, Chim Trắng và nhiều bạn viết trẻ đến thăm. Tôi nhớ, có lần trò chuyện, nhà văn Nguyễn Đình Thi có tự nhận, ông là người lạc quan… buồn. Bởi trong thơ văn của ông, nhiều tác phẩm lớn, hào hùng, hoành tráng nhưng vẫn phảng phất nét buồn riêng của một người giàu suy tư, cả số phận chung của đất nước, dân tộc cũng như của bản thân. Mà ông nhận xét tôi là người buồn… lạc quan. Bởi nhiều truyện của tôi buồn là vì phần nhiều viết về những phận người nhỏ bé, nghèo khó mà cuộc đổi đời vẫn nằm trong hy vọng. Tôi cũng từng nói với ông Thi: Phải thay đổi cách nhìn về người nông dân Việt Nam, không thể hồn nhiên coi họ là người bạn, mà phải xác định cho đúng, họ là người ơn, vì điều đó có nguồn đạo lý sâu xa hơn tình bạn. Phải khẳng định như thế để khỏi trở thành những kẻ bội bạc, vong ân, miệng nhai cơm mà lòng hờ hững với người làm ra hạt gạo. Văn học ta vẫn còn nợ họ nhiều lắm.
- Mấy năm nay ông ít viết văn, nhưng vừa in tập thơ "Đắng và ngọt"?
- Không phải sau này tôi mới làm thơ. Nhưng mấy bài thơ bạn bè chọn in cho tôi hầu hết là mới, trừ bài Đắng và ngọt, vốn có tên là Cuộc đời đã được Phạm Duy phổ nhạc từ những năm 60 thế kỷ trước. Bạn đọc bài thơ này có sến không?
Bứt đứt sợi chỉ hồng (Lời một cô gái có người yêu là nhà thơ)
Hồi mình mới yêu nhau, cây kéo kiểm duyệt tạm trú trong đầu anh như khách không mời mà đến.
Chỉ thỉnh thoảng nó mới e dè cắt bỏ một vài bông hoa tư duy nhỏ nở ra trên trang viết của anh.
Nó ái ngại thấy anh ứa lệ nhìn những giọt nhựa tươi rỉ ra từ những cuống hoa bị cắt xén.
Từ ái ngại nó chuyển qua thương anh rồi tội nghiệp anh như một nhà thơ nhát gan.
Bây giờ cây kéo kiểm duyệt không phải là khách, nó có hộ khẩu thường trú trong trái tim anh.
Trước sự dửng dưng vô cảm của anh, nó cắt xén không thương tiếc những bông hoa cảm nghĩ của anh, kể cả những búp chưa kịp nở.
Nó lạnh lùng nhưng đôi khi cũng nói. Nó không nói anh nhát gan, nó nói anh hèn…
Không viết được nữa hay viết những điều làm nên phẩm chất quý giá của văn học, trước hết hãy tự hỏi mình: Có lạt lòng với lý tưởng cách mạng vì Dân, hay chỉ vì sự ấm êm, giàu có của bản thân, gia đình và phe nhóm mà phản bội lại những người đã hy sinh tất cả cho cách mạng. Lấy cớ nghèo, để thoát nghèo bằng mọi giá, người ta sẵn sàng làm mọi điều xằng bậy, thất đức, có khi tàn độc đến dã man. Nhưng bao giờ cũng có những con người ở tận cùng nghèo khó vẫn không cam phận sống hèn hạ, phản bội, bán rẻ nhân phẩm. Con người ta khi đã gắn bó quá chặt chẽ với đồng tiền rồi thì rất dễ quên đạo lý. Đó là thông lệ. Nhưng nâng nó thành định lý để bào chữa cho cách sông của ai đó thì trật.
Ngô Khắc Tài chen vào: - Văn chương Nam Bộ, người sáng tác nhiều, nhưng người làm lý luận phê bình ít. Đọc rồi khen chê nhau chỉ nói trực tiếp mà ít ai viết thành bài. Có thể do họ ít lý luận. Nên không mấy tác phẩm tạo được dư luận. Cả khi bị chê oan họ cũng làm thinh, ít khi phản ứng lại. Ông Tư Sâm đây là một trường hợp như vậy.
Trang Thế Hy: - Sê- khôp nói rồi nghe. Phụ nữ yêu văn chương ư? Họ yêu bản lĩnh người nào có nghị lực gây sự ồn ào trong văn chương. Tôi hoàn toàn không có bản lĩnh đó.
Ngụy Ngữ: - Tôi nhớ, năm 1959, ở ngoài quê Quảng Trị, cùng dăm thằng bạn học tiểu học, đêm đêm, qua đài, nghe đọc mấy truyên của Trang Thế Hy mà say sưa, ngây ngất. Tình quê, tình người sao có sức dẫn dụ mê hoặc lạ lùng. Cái chất Nam Bộ trong văn Trang Thế Hy nó bình dị mà có nét gì huyền ảo. Điều đó ít thấy trong văn học hôm nay.
Trang Thế Hy: - Không hoàn toàn thế đâu. Tôi đọc một số cây bút trẻ hiện nay cũng có những điều đáng phục lắm. Không nhiều, nhưng có những cây bút đáng nể, đang sợ. Vẫn có những bạn trẻ viết tinh tế từng ý, tứ, câu, chữ. Đó là điều không phải người viết nào cũng chú ý đúng mức. Mỗi thế hệ cũng như từng nhà văn, giỏi lắm cũng chỉ làm tốt vài chức phận xã hội bằng một số tác phẩm nào đó mà thôi. Nhưng phàm đã là nhà văn thì đều phải chung vai gánh vác một sứ mệnh chung là góp sức làm giàu ngôn ngữ của dân tộc, giàu từ, giàu ngữ, giàu sức chất chứa, đong đựng trong từng tác phẩm của mình bằng một phương tiện duy nhất là ngôn ngữ. Một nền văn chương muốn được người ta tôn trọng trước hết người viết văn phải tự tôn trọng nghề của mình, người chỉ có một tài sản duy nhất để đóng góp cho đời, đó là ngôn ngữ. Tác giả Nobel Cao Hành Kiện nói: Ngôn ngữ là kết tinh thượng thừa của văn minh loài người. Người viết văn đừng bao giờ quên một sứ mệnh của mình là làm đẹp, làm giàu ngôn ngữ dân tộc trong từng tác phẩm cụ thể. Đó cũng là cách góp sức làm giàu vốn văn hóa loài người. Hãy nhớ câu nói về Kinh Thánh: Kẻ phản Chúa là kẻ ở gần Chúa nhất. Phải sống nhiều năm tháng mới thấy đó là chân lý. Trong sự sa sút vị trí xã hội của văn chương hôm nay, trước hết hãy xem lại đội ngũ những người làm văn.
Trời ngả sang chiều. Cơn gió chướng non thổi qua vườn dừa xao xác làm cho gian nhà trống mát rượi. Ông báo một tin không biết nên vui hay nên buồn: Tới đây một con đường lớn sẽ được mở qua cửa nhà ông. Người ta cắt vườn nhà ông 500 mét vuông đất Thành phố mà không đền bù. Lý do là nhờ con đường mà đất nhà ông sẽ có giá hơn. Trời ơi! Đây là đất ở, ông có bán mua gì đâu mà đắt với rẻ. Nhưng gần đất xa trời rồi, từng thấy bao chuyện lạ đời, thêm một chuyện này cũng đâu có nhằm nhò gì. Chuyện dài suốt buổi làm ông hơi mệt, phải qua nằm võng. Cơn gió chướng cấn mạnh lên như muốn tiễn khách.
Nhà văn Trang Thế Hy (ảnh Vietpress.vn)
Không dấu là Cụ già răng móm, phát âm khó nghe, lại đặc tiếng Nam Bộ, không chỉ cách phát âm mà nhiều từ mới nghe lần đầu, mấy lần phải hỏi lại, có lúc cũng không dám hỏi, thế nên có thể có chỗ ghi không chuẩn lời, không đúng ý, xin nhà văn Trang Thế Hy, báu vật sống của vườn văn Nam Bộ lượng thứ. Ừ nhỉ, sao danh hiệu này chỉ giành cho các nghệ nhân dân gian mà không tặng cho Nhà văn cao tuổi? Ước gì có một phép lạ nào đó, nhân việc lấy đất làm đường, những người có trách nhiệm ở một miền đất giàu truyền thống văn hóa dựng cho ông một ngôi nhà tử tế để Bến Tre có thêm một địa chỉ văn hóa bền vững?
Nhà văn Trang Thế Hy
Tên thật: Văn Trọng Cảnh
Sinh ngày: 09-10-1924 ở xã Hữu Định Châu Thành Bến Tre
Các bút danh: Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Minh Phẩm, Song Diệp…
Năm 1945, cán bộ Ty Thông tin tuyên truyền Bến Tre. Sau 1954 ở lại hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn; 1962 bị địch bắt; 1964 cán bộ Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định rồi Tiểu ban Văn nghệ Giải phóng thuộc Ban tuyên huấn Trung ương cục; Sau 1975 công tác ở báo Văn nghệ; Về hưu năm 1992.
Tác phẩm:
- Nắng đẹp miền quê ngoại (Sài Gòn)- 1964
- Anh Thơm râu rồng (in chung với các tác giả được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu)- 1965
- Mưa ấm- 1981
- Người yêu và mùa thu- 1981
- Vết thương thứ 13- 1989 (tái bản 2011)
- Tiếng khóc và tiếng hát- 1993
- Nợ nước mắt- 2002
- Truyện ngắn Trang Thế Hy- 2006
- Đắng và ngọt (Thơ và thơ dịch)- 2009
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét