SGTT.VN - Khác với đa số truyện ngắn, tản văn từ trước đến nay của Nguyễn Ngọc Tư, Sông
không dính líu gì đến sông nước miền Nam. Người đọc nó, bởi thế, sẽ bị
bứng ra khỏi cái toạ độ quen thuộc (ít ra là toạ độ của truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư). Đọc lần đầu tiên, những địa danh quen thuộc pha trộn
với những địa danh dọc một sông Di hư cấu có thể làm người đọc... lơ
đãng: không biết mình nên xem đây là một câu chuyện huyễn hoặc hay có
thật. Người đọc sẽ ngập ngừng “đầu tư” tình cảm của mình vào nó. Có thể
đây là chủ ý của tác giả, nhưng đó là đòi hỏi ở độc giả quá nhiều.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đang ký tặng tác phẩm Sông cho bạn đọc. Ảnh: Trung Dũng
|
Câu chuyện (nếu nó là câu chuyện) của quyển tiểu thuyết
là chuyến du khảo sông Di của ba người: Ân (khởi xướng và là nhân vật
chính của tác phẩm), Bối (bỏ cuộc nửa chừng) và Xu. Họ không biết nhau
trước cuộc đi này. Tác giả giải thích “Có chút nhẹ nhõm khi người ta
không mang quá khứ để đến với nhau”. Cũng có mặt xuyên suốt quyển tiểu
thuyết là mẹ của Ân, và Tú, người tình đồng tính của Ân. Liên hệ giữa Ân
và Tú có thể nói là rất “phức tạp” (sẽ rõ ra khi đi sâu vào câu
chuyện).
Sách dài 233 trang, chia làm 22 chương. Mỗi chương có
thể đứng riêng như một truyện ngắn. Sông Di, do đó, có thể xem như một
móc xích xuyên qua những truyện ngắn, những mảnh đời tách nhau ấy...
(“Sông Di là dòng sông của những mảnh đời cỏn con”, tr. 60). Chúng ta sẽ
gặp nhiều nhân vật hầu như luôn luôn có mặt trong tác phẩm của Tư:
những người đàn bà ngoại tình, những cô gái ăn sương, những người đàn
ông thô bạo, dữ dằn... Và hình như tất cả đều nhìn từ qua con mắt của
người con, hay một đứa trẻ.
Bằng cách đưa ra những địa danh hư cấu, có lẽ Nguyễn
Ngọc Tư không muốn người đọc liên tưởng đến những gì dính líu đến những
địa danh có thật. Cô muốn bứng rễ người đọc để đưa vào khung cảnh táo
bạo của câu chuyện. Nhiều tác giả đã dùng thủ thuật này (như Marquez với
Macondo, Faulkner với Yoknapatawpha County), nhưng
tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Tư đã không tận dụng hết những tiềm năng mà thủ
thuật này tạo cho người viết. Bởi lẽ, ở những tác giả khác thì một địa
phương hư cấu được cả một khối cư dân làm nền cho câu chuyện, với cá
tính và lịch sử đặc biệt của họ, còn sông Di của Nguyễn Ngọc Tư chỉ
là... sông Di (dù cô có cho thêm vài chi tiết hư cấu về lịch sử nhân
chủng của vùng ấy). Đó là một hư cấu tiêu cực (không muốn độc giả liên
tưởng đến địa danh quen thuộc nào khác) hơn là tích cực (với những cái
đặc biệt ở nơi đó). Nguyễn Ngọc Tư mời chúng ta theo cô đến miền hư cấu
ấy của cô, nhưng ta không thấy gì mới lạ ở đó, và tự hỏi: sao chúng ta
không “ở nhà”, một địa danh quen thuộc nào đó? Với những địa danh hư
cấu, trong trường hợp này, tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Tư đã gây cho độc giả
một sự “rối trí” không cần thiết. Vì sông Di không đem lại gì cho câu
chuyện, những đoạn về địa lý của sông ấy (gần sông nào, núi nào, thành
phố nào...) có hơi thừa, không có một tác dụng gì ở người đọc.
Dùng hình tượng một con sông để “xỏ xâu” các câu chuyện
lại với nhau không phải là một thủ thuật mới. Nhiều nhà văn (V.S.
Naipaul, Joseph Conrad...) sử dụng rất công hiệu kỹ thuật này trong
không ít tác phẩm kinh điển. Tuy nhiên, một người đọc khó tính (hay kỳ
vọng nhiều hơn ở Nguyễn Ngọc Tư) có thể tiếc rằng cô đã không tận dụng
sự súc tích mà hình tượng ấy có thể cung cấp cho cô, dù cô đã khai thác
khá nhiều.
Tôi nghĩ (hay đã đọc đâu đó) một tác phẩm nghệ thuật
(từ hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc, đến văn chương...) đều là một sự hội
ứng, một sự giao thoa, giữa người sáng tác và người thưởng ngoạn. Chính
người thưởng ngoạn đem đến cho tác phẩm những trải nghiệm của đời mình
khi đọc, khi xem, khi nghe... Một tác phẩm thành công là một tác phẩm mà
người sáng tác đánh thức tâm thức, bắt đúng tần số của đông đảo người
thưởng ngoạn. Với một bối cảnh địa dư “bán hư cấu”, Nguyễn Ngọc Tư giao
cho độc giả một nhiệm vụ nặng nề là dùng chính quá khứ, trải nghiệm của
mình để “giải mã” câu chuyện mà cô kể. Nhiều người (ở một lứa tuổi chưa
quá già, tôi đoán) sẽ thích thú tìm thấy ở đây một sự đồng điệu bất ngờ,
song tôi e rằng không ít độc giả sẽ thấy Sông quá xa lạ với họ. Tác phẩm này, tôi ngại, sẽ “kén” độc giả là vì thế.
Không phải là tác phẩm của một ngòi bút mới vào nghề
tuy gọi là tiểu thuyết đầu tay do có một sự tiến bộ rõ rệt về kỹ thuật
viết, và hiển nhiên là (như hầu hết tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư) một sự
cẩn trọng tột bực trong văn phong, tỉ mỉ trong chữ nghĩa, và những nhận
xét cực kỳ tinh tế về những sinh hoạt đời thường. Có những câu thật hay
(“Ham muốn tắt đi rất nhanh, nhưng rạo rực như cái đuôi. Quét lướt thướt
trong tâm tưởng” tr.23). Thậm chí, có nhiều đoạn đẹp đến nỗi người đọc
có thể thất vọng là câu chuyện chưa xứng tầm kỹ thuật của cô. “Đặc sản
Nguyễn Ngọc Tư” vẫn còn đó: chỉ cần đọc năm ba câu trong cuốn này thì
thấy ngay dấu ấn của Nguyễn Ngọc Tư.
Đây là một cuốn sách đòi hỏi sự kiên nhẫn ở người đọc
(ngay đối với người điểm sách này, phải đọc nhiều lần). Đọc từng câu,
từng đoạn, người ta thấy nỗ lực của Nguyễn Ngọc Tư (thậm chí, nhiều khi
có cảm tưởng là Tư nỗ lực thái quá). Nó là một tác phẩm văn học của một
ngòi bút cẩn trọng, còn tương đối trẻ nhưng rất dày tuổi nghề, và còn
muốn kiếm tìm, thử nghiệm... Văn Tư vẫn rất hay (có thể là hay nhất từ
trước đến nay). Đối với những người cho rằng, từ sau Cánh đồng bất tận,
Nguyễn Ngọc Tư ít có tác phẩm nào nổi bật (không phải vì chất lượng của
những tác phẩm sau này là kém đi), Sông sẽ tái khẳng định vị thế của
Nguyễn Ngọc Tư trong tốp đầu của những nhà văn năng động nhất Việt Nam
hiện nay.
Dù trên đây có nêu lên vài điểm “tiêu cực” của tác phẩm này, phải nói lại một lần nữa, nhiều lần nữa, rằng Sông
là một bứt phá quan trọng và dũng cảm của Nguyễn Ngọc Tư. Là một bứt
phá nhưng người đọc vẫn nhận ra đây là của Nguyễn Ngọc Tư. Chất “đặc
sản” của cô vẫn còn đó, dù rằng nó không còn là đặc sản của chỉ miền
Nam, nhưng là đặc sản của một thế hệ nhà văn mới, tìm tòi và thử nghiệm,
nhưng không phiêu lưu vô lối, bởi vì đặc sản ấy luôn luôn bám chặt gốc
rễ quê hương của cô.
Rõ ràng là có nhiều tiến hoá trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư (mà nhìn lại, thú vị thay, Cánh đồng bất tận
có thể được xem như tác phẩm cuối cùng của giai đoạn đầu của văn nghiệp
Nguyễn Ngọc Tư – giai đoạn mà sông nước Cà Mau là đề tài chính của cô
(mà tôi đã viết trong Nguyễn Ngọc Tư – Đặc sản miền Nam). Từ sau đó, những truyện ngắn, truyện vừa của Nguyễn Ngọc Tư đều chuyển qua một hướng khác, huyễn hoặc hơn (điển hình là Những cây sầu trên đỉnh Puvan), và chính những tạp văn của cô trong thời kỳ này mới là tiếp nối giai đoạn đầu.
Nguyễn Ngọc Tư tìm tòi cái mới lạ, và dù phải nói rằng
quyển này chưa hẳn là tuyệt đỉnh thành công của cô (và chắc cô là người
đầu tiên nhìn nhận như thế), đây là một cố gắng đáng ngưỡng mộ. Nguyễn
Ngọc Tư đang vạch một hướng đi mới, nhưng nếu nhìn ngoái lại thì người
đọc vẫn thấy con đường ấy bắt đầu từ hành trình đã qua của một Nguyễn
Ngọc Tư mà độc giả từng yêu mến. Chúng ta hãy cùng đi với cô.
Trần Hữu Dũng
sgtt.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét