Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Công bố hai tác phẩm chưa in của Bùi Giáng




Kỷ niệm 10 năm ngày thi sĩ Bùi Giáng đi vào cõi "ngàn thu rớt hột" (17.8 Mậu Dần - 17.8 Mậu Tý), gia đình thi sĩ đã cho xuất bản tập di cảo thứ 6 của ông. Đó là tập thơ Rớt hột phiêu bồng được in lần đầu bởi NXB Văn Nghệ, phát hành chính thức vào hôm nay (thứ sáu 12.9).
Tập thơ gồm 100 bài Bùi Giáng viết vào những năm cuối đời, báo trước ngày đi khỏi "mộng trường" dằng dặc, đúng kiểu của ông: "Anh sẽ chết như chưa bao giờ chết/Anh sẽ về thăm viếng các em ôi/Em khốn khổ như ngàn thu mỏi mệt/Anh chào em, anh chết suốt thiên thâu/Là chết giỡn cho vui chơi tuế nguyệt...". Quả thật, thi sĩ coi chuyện chết là "chết giỡn" chứ không phải "chết thật". Nên trong các bài thơ cuối cùng, viết về tuổi đời chồng chất như "non cao" và suối vàng thì đang trút nước, ông vẫn thản nhiên "mừng rỡ với lá cây" mà bước tới bên rừng. Rồi ông lại ngó qua phần số của người khác, lại thấy những người "em gái nhỏ" mai kia cũng sẽ phai tàn như hoa, nên ông viết bài Các em ôi, nói rằng các em "sẽ chết như anh" nhưng đừng lo, khi chết các em nằm cũng đẹp: "Một mai em sẽ lìa đời... Em đi em đứng em nằm/Toàn nhiên em đẹp nguyệt rằm thiên thu...".
Đọc mấy bài trong di cảo Rớt hột phiêu bồng, có thể thấy Bùi Giáng đã "chết giỡn", rất hợp với tinh thần "thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm" của Bát Nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh.
Theo tinh thần đó, các chư pháp ở quanh ta như gió thổi, mây bay, núi cao, sông rộng đều là "không tướng" và con người thật ra cũng "không sanh không chết" như Bùi Giáng viết về sinh mệnh, về phong thái lộng lẫy của một "giọt sương đời": "Ông chúc phúc ngàn thu con rất đẹp/Rất vui buồn với tình mộng chia xa .../Con sẽ đứng sẽ đi sẽ vùng vẫy/Sẽ huy hoàng như một giọt sương sa...".
Một giọt sương cũng huy hoàng nếu hiểu lẽ vô sanh. Nhưng một bầu trời xuân cũng sẽ âm u nếu con người cứ "trụ" vào cái ngã của mình mà đòi bất tử! Theo Bùi Giáng, con người như vậy thật đáng tiếc: "Anh tiếc lắm, tiếc cho em, em hỡi/Tiếc tận cùng từ sa mạc thiên thu/Anh gục đầu nhắm mắt khóc hu hu/Rồi can lệ ngẩng đầu mắt ráo hoảnh...".
Vì sao vừa khóc "hu hu" xong, Bùi Giáng lại ngẩng lên "mắt ráo hoảnh"? Có lẽ với ông, khóc là khóc theo phàm tình, thương cảm, còn "ráo hoảnh" vì thấy sanh tử, mất còn, được thua, vinh nhục... chẳng có gì đáng cười đáng khóc. Phải chăng vì thế, Bùi Giáng đã im lặng, một mình sống trong đất địa của chơn tâm vào một ngày xuân của tỉnh giác: "Mùa xuân tao ngộ bất ngờ/Ngồi im lặng viết bài thơ một mình". Cái tứ "vô sanh" ấy bàng bạc suốt trong Rớt hột phiêu bồng.
Cũng trong dịp này, lần đầu tiên tác phẩm nổi tiếng L'école des femmes của André Gide do Bùi Giáng dịch dưới nhan đề Trường học đờn bà sẽ ra mắt độc giả cả nước. Dịch phẩm gần 350 trang này nằm trong di cảo Bùi Giáng, do NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành lần thứ nhất, với phong cách dịch "ngẫu nhĩ trùng lai" tuyệt chiêu của Bùi Giáng.

Không có nhận xét nào: