Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

LÀM VÁN ÉP - truyện

Xưởng của Phúc nằm cuối đường, lọt thỏm giữa khuôn đất trống sau khu cơ quan của Ngô, bạn Phúc, là Phó Giám đốc Xí nghiệp. Hai bên ký hợp đồng ăn chia theo phần trăm 40/60. Bên có mặt bằng, bên có vốn, tay nghề, nhân công sản xuất ván ép Phúc lo. Xí nghiệp bao tiêu một nửa sản phẩm. Thế là xưởng sản xuất ván ép ra đời, gần được một năm nay. Đó là khoảng đầu năm một chín chín mươi.
Ngô và Phúc học chung trường Canh nông ra trường trước năm 75, mỗi đứa một đường. Ngô theo ngành, leo lên tới quan chức Nhà nước; Phúc lận đận nhiều nghề ở tận miền Trung, đến đầu năm nay mới trở lại Thành phố sau nhiều thất bại. Còn ít vốn liếng, số máy móc vừa mua vừa tự chế, bên vợ hỗ trợ thêm, mở xưởng sản xuất ván ép. Lúc này thành phố cơ chế mở, khuyến khích sản xuất nên việc xin giấy phép không mấy khó khăn, lại liên doanh với đơn vị Nhà nước, có nhiều mặt tương đối thuận lợi.
Nhà xưởng thuộc dạng tiền chế, lợp tôn, khá nóng mặc dầu giữa bãi đất trống. Dây chuyền sản xuất thủ công, có máy lạn ván, máy cưa bàn, hai máy ép công suất khoảng 145 tấn. Sản phẩm có hai loại thông dụng: 1 mét, 2 mét, ván ép ba lớp năm lớp. Bạn hàng đa phần của Xí nghiếp Ngô đưa về, một số đại lý bán lẻ trong nội thành. Nhân công mười lăm người, toàn bà con, đảm nhận đủ các khâu: ra ván, phơi phóng, bôi keo, ép, cưa tề đầu, bốc vác, sắp xếp. Cả đám làm quần quật có khi tới đêm hoặc qua đêm để có hàng giao. Phúc là Trưởng xưởng kiêm kế toán cung tiêu, thủ quỹ, đốc công … cái gì cũng làm.
Văn quay về, sau mười hai năm phiêu dạt ở vùng biên giới các tỉnh miền Đông Nam bộ và Campuchia, với những rẫy mỳ khoai, bắp đậu với đám người dân tộc làm thuê cho những chủ thầu mua đất khẩn hoang, xây dựng các khu kinh tế nông trại cho Thành phố. Ngô là bạn cũ hồi trung học với Văn. Văn tìm Ngô ở cơ quan nói: tao đang vả, thất nghiệp, cần kiếm hai bữa cơm. Ngô dẫn gặp Phúc. Phúc bảo bạn bè thôi, không chủ cả gì, làm cùng nhau, sướng khổ cùng chia.
Phúc giao cho Văn làm Tổ trưởng cưa cắt. Tổ có 4 người, em cháu Phúc cả, còn nhỏ chưa tới hai mươi.
“Ông có thể ăn ngủ ở đây, tôi bảo tụi nó đem cái giường tre bỏ bên văn phòng cho ông, kiêm luôn bảo vệ cũng được, tụi nhỏ đi chơi dữ lắm, không quản nổi.” Phúc nói.
Thế là xong. Văn phòng: là cái lều mấy mét vuông vừa đủ để cái giường đơn, cái bàn tre nhỏ, vách ván ép che sơ sịa mấy miếng hai bên hông, gió lộng nhiều hướng.
Một ngày lương bốn ngàn, cơm, thuốc lá, cà phê, dư vài trăm bạc mua báo. Đám công nhân nhỏ mười lăm mười sáu, mỗi mình Văn là bố già trong bọn.
Văn để râu trên, nắng của miền Đông còn sạm da mặt, bộ đồ Ngô đưa hơi rộng, trông vừa ngố vừa buồn cười và hơi lạc lỏng. Bữa đầu xuống xưởng, tụi nhỏ có vẻ e dè, lần hồi cũng có đứa lân la hỏi chuyện.
“ Chú làm đây hả ?”
“Ừ, như tụi mày thôi”
“Chú bạn ông Phúc?”
“Ừ, gần như thế”
“Sao chú lại làm đây?”
“Chứ mày nghĩ tao làm gì ?”
“Chú phải làm việc gì khác sướng hơn tụi con. Cực lắm chú “
“Thì phải chịu thôi “
“Lương ở đây làm sao chú nuôi vợ con nổi?”
“Nuôi được cái thân mình là tốt rồi”
“Tụi con sống một mình thiếu hụt lắm, nợ đìa”
“Tao chỉ cần ăn cơm tàu hủ chiên, hút thuốc đen, chiều chiều đâu có lai rai như tụi bây. Gói gọn thôi”
“Chú không nhậu ?”
“Chút đỉnh”
“Rẻ lắm cũng năm ngàn một chầu”
“Mình hợp tác “Cam pu chia sâm bành ki”, khi nào đi rủ tao với”
Khiêng ván, sắp vào mâm cưa, đo, ngắm, bật cầu dao. Được một đợt ván cao nghệu, tiếp tục câu chuyện.
“Chú mấy con rồi”
“Ba”
“Chà, hơi nhiều!”
“Nhiều hơn hai, bà xã mắn con. Kiêng rồi”
“Vợ chú ở dưới quê ?”
“Ừ”
“Lên về tốn kém dữ. Sao chú không tìm cách đưa lên?
“Lên ở đâu ? Làm gi? Một thân tao còn chưa xong”
“Nhà cháu cũng kinh tế mới về, ơ’ nhà thuê, ba chạy xích lô, mẹ bán rau muống, sống cũng được!”
“Từ từ mày ơi. Cái nhà tao dưới quê bị dột tùm lum, bán chưa ai mua, có mua cũng chẳng là bao. Thuê nhà chịu gì xiết. Mấy nhỏ còn vướng học hành, di chuyển khó. Tạm vậy đã. Mạnh ai nấy làm, no bụng ưu tiên, cạy cục cho bọn nó học may ra đỡ tấm thân, không lý như tụi mày suốt đời đi làm lao công sao “
Một lát. Một đống ván lại được chất lên. Sắp giờ trưa.
“Chú chắc lớn tuổi rồi nhỉ ?”
“Bốn mốt”
“Thua ba cháu 5 tuổi”
“Ba mày đạp khá không?”
“Lớn tuổi, chở mối không à, ngày kiếm được năm mười ngàn”
“Vậy là nhất rồi”
“Chia với chủ xe hết phần ba, mình còn hai phần”
“Thế cũng được. À trước ba mày làm gì?”
“Công chức”
“Không đi học à?”
“Công chức quèn, học chính sách tại địa phương mấy ngày thôi, xong đi kinh tế mới. Đi gần mười năm, mới về mấy năm nay”
Lứa tuổi những tên bốn mươi như bọn Văn bây giờ lỡ thầy lỡ thợ. Những tên già không có tuổi trẻ, và nếu có thì đó là cuộc chiến tranh vừa qua. Những thằng như Văn hiện nay đa số đều đổi vai cho bà vợ.
“Hồi trước chú làm gì?”
“Làm quan”
“Vậy là chú phải đi học tập”
“Phải vậy chứ. Nhưng ngắn thôi vì có thân nhân cách mạng bảo lãnh. Học ở trại không chừng lại sướng, mập và khoẻ như trâu vì ngày ngày đi rừng, đốn cây, cắt tranh, làm nhà, trổng tỉa rẫy nương, tối về ngủ khò, chả lo nghĩ gì cả. Nếu cách mạng cho đi học nữa chắc chú tình nguyện”
“Chú nói cho vui, ai đi cũng mong ngóng về”
“Ừ dĩ nhiên là tự do vẫn quý”
“Nhưng sao giờ chú ốm o vậy?”
“Về, thất nghiệp, làm đủ nghề, kể cả làm ruộng dù từ nhỏ lớn chẳng biết lúa mạ là gì. Buồn cười thật!”
“Sao chú không ở quê làm ruộng ? Cháu thấy mấy ông nhà quê lên sắm đồ khối tiền”
“Tùy thôi. Chú làm ba mùa sạch vốn, ruộng bưng mới khai phá làm không có ăn thua trắng. Đi đốn củi, thiếu ăn, bò ra chợ, không có việc lại mò trở về đây.”
“Ở đây mà không có tiền không sống nổi. Cái gì cũng tính bằng tiền”
“Đúng rồi. Nhưng có chút ít tiền khác với sự không có tiền. Cháo rau còn hơn là không có gì vô bụng”
“Chú có vẻ chán chường nhỉ?”
“Chán cóc khô gì? Vui không hết. Từ từ sẽ khá lên con ạ. Hết cơn bỉ cực ắt tới hồi thới lai!”
“Biết chừng nào?”
“Giàu nghèo cũng tợ áng mây thôi con”
“Chú nói như người cõi trên. Cháu chả thấy mây đâu cả chiều nào về cũng thấy ba má lằng nhằng có khi cự cãi nhau”
“Đời mà, nữa cháu ra sống giữa đời cũng vậy thôi, có vui buồn có cười khóc mới là đời”

Buổi sáng qua đi một nửa. Hơi nóng ngoài sân trống hắt vào, mùi hóa chất bên khâu ép đưa sang, cay xè con mắt.
Thằng nhỏ làm chung sắp xếp lại chồng ván ngay ngắn rồi rút điếu thuốc lẻ trong túi mời Văn.
“Nghỉ giải lao chú ạ?”
”Đồng ý”
Xưởng im lắng. Mùa hè. Hàng dừa trồng dọc theo hành lang tường rào xí nghiệp trông thật tội vì phải chịu trận trên vùng đất gò trái khoáy mùa nắng cháy khô. Không biết vị nào trong Ban lãnh đạo của Ngô nghĩ ra cái kế hoạch cây xanh một cách tréo cẳng ngỗng này. Những quài bông dừa trổ héo, rụng đầy dưới gốc. Không hề nghe ong bướm qua về, lui tới, gieo mầm nẩy hạt cho cây.


Phúc đi đâu về, ghé vào, mồ hôi nhễ nhại.
“Công việc thế nào?”
“Cũng được. Ông sao vậy?
“Chạy loanh quanh. Cả buổi sáng không kết quả gì, phải giải quyết ba cái tồn kho, kẹt vốn. Xí nghiệp không ứng trước nữa. Hết nguyên liệu rồi. Tôi đi đây”
Phúc vừa nói vừa đi về phía văn phòng Xí nghiệp, hình như thoáng thấy một bạn hàng đang đứng ở đó.
Thằng nhỏ nãy giờ lặng thinh, cái mặt choắt còm, ngó lên:
“Mười giờ rồi chú, làm chút nữa đi!”
"Ừ, làm thôi”
Lại khiêng, vác, chỉnh lưỡi cưa, bật cầu dao, đường cưa cháy xé khoảng không im ắng. Dù sao đó là công việc, hàng tuần có phát tiền vào chiều thứ bảy. Thứ bảy bao giờ cũng xinh đẹp. Và có 52 cái thứ bảy như thế mỗi năm. Làm một chầu cuối tuần, dãn cái lưng ra. Rủng rỉnh vài chục ngàn lưng túi, ra khỏi xưởng, về quê.


Buổi trưa đi ăn cơm căn tin, gặp Ngô.
“Ông cũng ăn cơm “nhà bàn” ? Phó Giám đốc gì xệ vậy”
“Bảy trăm đồng ngày, ra ngoài ăn gì được !”
Mỗi người lấy một suất, bưng ra bàn ăn.
“Làm được không?”
“Tốt. Qua ngày cái đã”
“ Để tôi nói Phúc cho ông chạy cung tiêu đi. Hợp với ông”
“Sao cũng được. Làm chung với tụi nhỏ cũng vui”
“Xưởng sản xuất yếu quá, không ra hàng được. Có lẽ Phúc phải chạy thêm một máy ép xịn nữa mới có khách”
“Đúng rồi. Chất lượng ép thua người ta xa, khó chạy hàng”

Bữa ăn lặng lẽ, chùng xuống. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hình như họ không phài đang nuốt cơm và thức ăn vào bụng.
Ngô, Văn và đám bạn cùng thời – năm 1968 – những ngày đêm trên lầu 3 của Trường Kiểu Mẫu ở Huế - những ước vọng của thời tuổi trẻ – quê hương hòa bình độc lập – Những người bạn đã bỏ đi về phía núi xanh cho lý tưởng cuộc đời mình. Cái hộ khẩu bảy người đăng ký ở trại tạm cư ngày ấy. Nhiều năm đã đi qua.
“Bà xã ông giờ sao:” Ngô bỗng hỏi
“Nhập nhằng mấy cái hụi hè. Bể hụi. Bị giựt dọc. Giờ cày trả nợ”
“Mấy đứa nhỏ ?”
“Cũng phải ráng cho tụi nó học”
“Găng nhỉ?”
“Ừ, duới đó cũng bí, tôi phải dọt lên đây, chờ kiếm một công việc nào khả dĩ ...”
”Lúc này khó, đâu cũng thải người ra. Ông còn giữ lại bằng cấp cũ không ?”
“Đốt hết rồi. Hồi đó bà dì trong nhà sợ quá đem đốt hết”
“Để mình hỏi xem có xin sao y lại được không, hồ sơ lưu sợ không còn”
“Cũng tìm cách, tạm thời với Phúc đã. Một thời gian xem sao, không chừng lại trở về quê”
“Ông bất ổn quá”
“Nó vậy mà, hinh như luôn luôn”
“Phải tổ chức lại cuộc sống”
“Ông thì dễ rồi. Thằng Vượng nói đúng ông là đứa ổn định nhất trong đám. Ra trường, lấy vợ, làm công tác khoa học, đâu cũng dùng được”
“Có lẽ vì thế mà mình luôn luôn bứt rứt thế nào. Mình sắp đi Ấn Độ, nửa năm. Mình sẽ thu xếp cho ông một công việc trước khi đi. Có đủ tiền để toan tính việc riêng”
“Cảm ơn ông, nhưng tôi sẽ liệu được. Mười lăm năm qua vẫn tồn tại đấy thôi”
“Thôi mình về đi!”

Buổi trưa nắng dội lửa. Khuôn viên vắng lặng. Mấy ngài tài xế xe tải nằm phê dưới gầm xe ngon lành. Văn nghĩ mình cũng muốn được như thế. Tại sao lại không được nhỉ?
Xưởng có lẽ không qua khỏi mùa mưa này, tôn ván lổ chổ hầu như mục nát. Phúc nói sẽ bàn với Ngô để di dời vào Kho lớn của Xí nghiệp mới cất, nhưng phải thương thảo lại với Ban quản trị Xí nghiệp. Phải qua năm tới. Như vậy thì đống hàng tồn có nguy cơ hư hỏng nếu không giải phóng sớm trứoc mùa mưa này.
Về tới mâm cưa Văn thấy thằng nhỏ đứng xớ rớ như có ý chờ. Nó rủ Văn đi uống cà phê trưa cho tỉnh.
Quán ngoài đường, kế cạnh xưởng. Cô chủ quán nhỏ xinh, quen thuộc với đám nhân công xưởng ván ép, đon đả chào hỏi.
“Bà con hả?”
“Ông chú ở quê lên, người mới đấy”
“Sao râu ria nhiều thế ?”
“Thì già rồi. Này, nhưng cạo gọt rồi coi cũng bảnh lắm đó. Không chừng em dòm cũng xiêu xiêu ấy”
“Cái anh này, nói điêu!”
Ly cà phê đặc quánh, lớp bơ màng nổi lên trên trông cũng khá hấp dẩn.
Buổi trưa nhưng xe cộ vẫn chạy qua lại ì ào. Coi vẻ mặt ai nấy cũng nghiêm trọng, âu lo, vội vã. Không hiểu họ đang nghĩ gì. Còn Văn ?


Buổi chiều làm qua đi, chừng ấy việc, với thằng nhỏ lắm chuyện nhiều điều han hỏi lan man trên trời dưới đất. Và mãi miết. Một đống ván cao ngất chất ngoài sân. Thằng nhỏ nói “tụi cháu chưa bao giờ làm nhiều như thế, làm chung với chú vui thật”
Bốn giờ, Phúc đi đâu về ghé báo tin:
“Ông Văn này, mẹ Ngô mất rồi”
Văn dừng tay:
“Hồi nào ?”
“Mới khi trưa, chở từ bệnh viện, mất tại nhà. Bà đau đã lâu và một cơn mệt cấp kỳ”
“Vậy cũng an phần, tội nghiệp Ngô chưa báo hiếu được bao lâu, hai mẹ con nơi tha hương. Chừng nào ông đi xuống nhà Ngô cho tôi đi cùng”
“Chiều tối ông cứ chờ tôi ở đây”

Bảy giờ tối Ngô mới xuất hiện, tay xách đùm đề hoa, trái cây, nhang đèn, nói Văn đừng mua gì hết, đã có đầy đủ đây rồi.
Nhà Ngô đặc người. Văn gặp lại đám bạn xưa cũ hồi sinh viên lao xao trong nhà ngoài cổng. Ốm gầy, mập phì, bụng bự, đen và trắng, mỗi đứa thay đổi một hình dáng. Nhưng thật thân thiết và cuộc tái ngộ thật cảm động. Nhiều nghề trước đây cả bọn không thể nghĩ ra, để kể nhau nghe, vừa vui vừa tức cười. Dĩ nhiên là không đàn đúm với nhau trong đám tang được.
Vượng có ở đó, tóc bạc hết cả đầu, râu ria xồm xoàm, nhưng thật trang trọng trong bộ đồ vía nghiêm chỉnh. Chắc chắn là nhiều năm rồi hắn không ăn mặc như vậy nên trông lạ mắt (hơi có vẻ khôi hài nếu đã từng biết nhau). Vượng hỏi thăm công việc Văn, rủ Văn ra đầu xóm uống rượu.
Không biết hai đứa uống bao nhiêu, khi bà chủ ra kêu tính tiền đóng cửa thì cả hai đã ngất ngư. Văn hơi tỉnh một chút (chắc uống ít hơn), gọi anh xe ôm tống ba về xưởng ván của Phúc. Vượng dọc đường ngâm nga lè nhè bài tứ tuyệt tặng Văn. Hắn chê Văn suốt đời chả yêu ai ra hồn ra tật cả. Bài thơ ngắn, dễ nhớ:
“ Sợ nhất là trật đường rầy
Khi con tàu phóng như bay qua đèo
Sợ nhất là gặp người yêu
Nói – im – cười – khóc cũng đều dở dang “

Hình như tấm chiếu cói cũng đã được trải ra dưới mâm cưa rộng hai thước trong xưởng ván ép của Phúc. Và hai đứa ngã vật xuống. Trong cơn thảng thốt, Văn nghe sức nặng của cái máy ép 145 tấn đè trên người.


TỪ HOÀI TẤN
(Tháng 9/1990)

Không có nhận xét nào: