Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Bài viết của Võ Công Liêm về tập thơ mới của Từ Hoài Tấn

TỪ HOÀI TẤN

Đi, đứng và chạy... với thời gian

      Đọc chủ đề tập thơ của thi sĩ Từ Hoài Tấn mới phát hành gần đây (đầu 11/2012): ’Đi, đứng và chạy... với thời gian’ đã cho tôi một ấn tượng mới và gần gũi. Bởi tự nó đã chứa đựng một tâm tư giản dị, không cầu kỳ, bóng bẩy mà cũng chẳng ẩn với hiện. Một tâm hồn chân thật đó là cái qúy hóa của người làm thơ hôm nay. Từ Hoài Tấn và tôi là bạn ’trăm năm’ từ thuở hàn vi cho tới nay. Vẫn như một, không thay đổi, không mất chất, trước sao sau vậy, chung thủy với nàng thơ cũng như chung thủy với đời dù đời ’chơi không đẹp’. Từ Hoài Tấn vẫn giữ được nụ cười hiền hòa như để xoa dịu tâm can. Anh ngậm đắng nỗi đau từ buổi dẫm chân vào đời để (đi) với bao hệ lụy, bi thương. Anh đi trên con đường trước mặt là một khoảnh đời hy vọng và đi lên, bỗng nhiên gãy ngang, nhà thơ bàng hoàng sự thế, đổi thay vận mệnh, đổi thay luôn tình yêu, bốn phương hoả mù làm anh phải (đứng) trước những trạng huống như thế, đẩy nhà thơ vào một thế bị động, thi sĩ sợ chạy ở quân trường, sợ phải chạy những khi binh lửa giao tranh để rồi một lần nữa (chạy) như vượt thoát một tâm tư ngổn ngang khó xử; thế nhưng những dặm trường cứ nối đuôi, xô thi nhân vào con đường đi, đứng, chạy mà vẫn không yên; đó là (thời gian) một đối đầu với thực tại. Cho nên anh trở nên nhà thơ hiện sinh. Sao thế? Bởi thi nhân nhận trách nhiệm trước hành động của mình, không chối bỏ, không phân bua, một chấp nhận dấn thân; nói theo văn chương thẩm mỹ thì đó là ’nghiệp dĩ’. Tôi khâm phục một tâm hồn khí khái của nhà thơ Từ Hoài Tấn ở chỗ đó, khâm phục hơn nữa anh không bao giờ tự mãn chức năng làm thơ của nhà thơ. Thật khó kiếm ở giữa đời này cho ra một thi nhân như thế. Có nghĩa rằng anh không đòi hỏi ở cái lượng mà đòi hỏi ở cái phẩm. Một cái phẩm đúng tâm hồn, đúng ’cõi phi’ của thơ, không náo động, không bon chen, anh giữ đúng chất thi nhân, nhìn Từ Hoài Tấn là một dân thường, không đỏm dáng, không màu mè, nhưng bên trong anh là một nhà thơ thực sự của nhà thơ. Từ Hoài Tấn làm thơ đi từ cảm xúc của tâm hồn chớ không phải làm thơ theo thị trường; mà một số nhà thơ hiện nay đã xử thế như vậy. Từ Hoài Tấn để lại cho đời những bài thơ hiện sinh và hiện thực, xấp xỉ 50 năm qua, lượng đó không phải là ít. Đánh giá hay, dở chưa phải để cả quyết vấn đề mà phải qua thời gian; như cuộc đời của nhà thơ đã sống và đã làm được cái đam mê của mình. Một vượt thoát đầy đủ kinh nghiệm (lived Experience). Đó là giá trị tối thượng của thi nhân; ấy mới qúy!
Đọc thơ Từ Hoài Tấn đã lâu và nhiều lần, nhan nhản trên hành trình làm thơ của anh, trong thơ Từ Hoài Tấn xử dụng một chất liệu đặc sản tính dân tộc, anh không pha chế, nặn con chữ, anh chơi lối văn chương bình dân hơn ngôn ngữ văn chương bác học. Từ Hoài Tấn hoàn toàn một nhà thơ độc lập, anh không nặng lòng tư duy cá nhân, không ảnh hưởng một trường phái nào, kể cả trường phái Siêu-thực Dã-thú hay Đa-đa, vì rằng; trong thơ anh là một tổng thể của các trường phái đó. Rất hiếm! Anh khởi thể loại nầy rất xưa trước những khi có tân-hình-thức...ra đời gần đây. Có những bài thơ anh xây dựng như thể văn xuôi mà là thơ (poetry-prose). Anh đi ngược chiều dòng thơ gần như phá hủy loại thơ tiền chiến là thứ thơ chú trọng văn từ như ca dao, lục bát trắc bình, đối thể 6/8 ’ăn-rơ’ để cho câu thơ đúng niêm luật. Từ Hoài Tấn không chủ xướng phá thể, giải phóng chất thơ sáo-điệu đó, mà thi sĩ Từ Hoài Tấn chơi theo lối nói thông thường là vắt dòng (không vần của thể tự do) trong thơ anh một kiểu dáng lập lại (repetitive pattern of rhythm). Trong bài (Tình Yêu Mới) anh lập lại câu thơ trong cùng một bài thơ nhưng không thấy lập lại chút nào cả:’Như những câu thơ của tên thi sĩ dở hơi’ Một đôi khi bắt gặp một vài câu thơ độc giả đọc lên thấy vô nghĩa, chính cái đó Tây gọi là thơ-vô-nghĩa (nonsence poetry) nhưng có chất thơ siêu lý nằm trong đó. Những câu thơ sắp xếp để có nghĩa nhưng chẳng ăn nhập vào đâu cả. (Từ Hoài Tấn cũng như một số thi nhân nữ mà tôi bắt gặp thường dụng thơ qua lối vô nghiã nhưng duyên dáng chi lạ!) Từ Hoài Tấn thành công thơ ở chỗ đó. Cách hành văn (thơ), dụng văn, nhịp điệu  khi thăng khi bổng khi trầm, đều hòa, cân xứng, có duyên ngầm đó là điều tôi muốn nói vì trong cái giản dị ít nhiều là một ẩn tàn, có tính cách ẩn dụ ’metaphorical’. Thử đọc:’ta nhảy múa với niềm vui cô độc’(Trong Quán Rượu) nghe như có cái gì trừu tượng ở sau câu thơ. Không! Đó là tâm tư ẩn chứa một niềm vui không bao giờ có thực, một sự trở về (à rever) với hiện hữu. Một câu thơ khác linh động hơn : ’Tên thi sĩ dở hơi / Ở ngoài cõi hư không chấn động’ Rõ ràng Từ Hoài Tấn không nhận mình là thi sĩ, anh chối bỏ thực tại mà hình như có cái gì tự trách mình. Bởi ở ngoài kia  (beyond) là phù phiếm, là rối ren. Đó là những gì gọi là ẩn chứa, nghĩa là thấy ngổn ngang, bất công, thoái hóa mà không nói nên lời. Anh không dự cuộc như người ta nhưng thơ anh đã dự cuộc, một phản kháng nội tại, một tư duy hiện hữu.  Nhưng xin nhớ thi sĩ chan chứa tình yêu và tình hoài hương, đó là  rương-thư’  chứa đựng những phẩm vật qúy dù có chìm dưới đáy biển vẫn là báu vật, ấy là điều mà anh thường đem ra lần giở trước đèn (cảo thơm quê mẹ) mỗi khi nhìn về một cõi xa thẳm trong tâm hồn thi nhân...  
Từ Hoài Tấn có tên thường gọi là Hiền mà hiền thiệt, nếu được ngồi gần anh để ’nếm’ cái hiền thì quả không sai, nhưng đó là cái nhìn tri giác ngoại tại không phải vì thế mà coi mặt đặc tên cho nhà thơ. Thi sĩ hiền là bản chất là huyết thống, trong trí anh, trong mắt anh là một con người tình cảm, song le; nội tại anh là một cái gì đứng dậy, bung phá để xây dựng cái mới; một tiềm ẩn vượt thoát, tiếng thơ của thi sĩ như giải độc, người nào gần kề với Từ Hoài Tấn mới thấy cái chất phản kháng hiện sinh của thi nhân. Thử đọc một đôi câu thơ trong tập ’Đi, đứng và chạy... với thời gian’ (rút từ nguồn Hoa Đông Phương) :
                                                             ’Ngày đi qua
                                                    Thì thầm điệu ru tội lỗi
                                           Đôi tình nhân hôn nhau cuối hẻm’

Có cái gì chất chứa trong đó phải không? Hay một cái gì có tính chất ’négatif/negative’ ở thơ Từ Hoài Tấn? Suy ngẫm sẽ thấy chất liệu đó.
Một đoạn thơ khác:
                                                               ’Tình yêu ta
                                                                  Thừa thải
                                          Như những câu thơ của tên thi sĩ dở hơi’

Từ Hoài Tấn như tôi biết; anh là con người tình cảm. Anh không giàu tiền nhưng anh giàu tình. Anh khinh mạc đời đã phủ nhận tình anh. Anh phủ nhận cả chính anh. Anh không tin đời là có thực. Mặc dù bao kinh ngạc xẩy ra trong đời anh nhưng anh vẫn tin sự sống có thực; đó là tấm lòng của thi  nhân đối với đời, anh xử lý cuộc đời không thừa không thiếu với gia đình cũng như bè bạn cũ mới đều một chất thơ TÌNH dù dưới dạng thức nào. Thi sĩ Từ Hoài Tấn thực hiện hoài bảo đó như đã hứa với đời (dù những cuộc tình ruồng rãy ra đi) nhưng anh không cho đó là mất mà mãi mãi sống trong anh như người tình mới (trong thi tập Hành Tinh Phiêu Lạc và Những Dòng Sông Đêm (Tập thơ chung) cho ta một cái nhìn chân thật ở Từ Hoài Tấn. Nói về nhà thơ nầy không-ngạ! Hãy vào với :” Đi, đứng và chạy... với thời gian’ ắt sẽ sáng tỏ và rõ nét hơn bao giờ.
Dù tập thơ chưa tới tay tôi, nhưng nhìn bộ dáng cũng thấy được một tập thơ hoàn chỉnh. Một phong cách đầy đủ, trọn vẹn đào kép trên sân diễn giữa làng văn thơ. Một hình thức (bià) sang trọng, ’hoành tráng’ nhờ những nghệ nhân đớng góp, thêm sức nhất là phụ bản và bià nói lên nghệ thuật đương đại của hoạ sĩ Lê Thánh Thư.
Làm cho tập thơ thứ hai của Từ Hoài Tấn sanh nở đúng thời điểm, đúng nơi dung  dưỡng và nơi đầy tình người. Thơ không đòi hỏi một nhu cầu nào khác mà đòi hỏi một tri nhận của thơ và người làm thơ. Đây là một nhận định khách quan, một phê phán trong sáng có lý do – critique of the pure reason- của một người yêu thơ và ngữ điệu của thi sĩ Từ Hoài Tấn từ mấy lâu nay. Thế thôi! ./.

VÕ CÔNG LIÊM (ca. ab. 7/11/2012)  

Không có nhận xét nào: