Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

PHIÊU LÃNG MÙA ĐÔNG, PHẦN 3

TRẦN NGỌC BẢO
 
Trên đường về xã Phong Chương, nhóm lãng du nhận được hai tin nhắn, một của Đặng Hữu Hùng, K7, nhờ thắp nhang ở ba ngôi mộ trước mặt lăng cụ Nguyễn Tri Phương, tin nhắn kia là từ thầy lang Lê Quang Khanh, nhờ thăm nhà thờ họ Lê Quang ở một làng Phú Nông gần đó. Vì thế, nhóm dừng xe ở một quán bên đường để mua nhang. Trần Ngọc Bảo xuống xe và nhìn thấy bên trái một cây cầu nhỏ cao cao, băng qua một con hói trông quen quen. Hình như hơn 10 năm trước mình đã đi qua. Hỏi chủ quán thì đúng là con đường dẫn đến lăng mộ cụ Nguyễn.

Vừa đi vừa nhìn đường và kiểm tra bộ nhớ, lão Trần mô tả lăng của cụ Nguyễn và con trai nằm trên một cồn đất cao giữa đồng ruộng, xung quanh có một lùm cây. Thế là o Hạnh đưa tay nhéo tai đại ca vì tưởng lão Trần chơi trò nói lái. O ni sinh sống trên cồn hay bị lụt cho nên nghe ai nói chi đụng tới "cồn" là o "cảnh giác" liền!



Lăng mộ cụ Nguyễn kia rồi, quả là nằm trên một cồn cao giữa đám ruộng bên dưới lùm cây



Lăng cụ Nguyễn Tri Phương



Sau khi dâng hương, nhóm chụp hình lưu niệm



Mộ Phò Mã Nguyễn Lâm, con trai cụ Nguyễn, nằm phía trước, bên trái

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là tướng chỉ huy quân đội chống Pháp ngay từ lúc liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh phá Đà Nẳng năm 1858 đòi triều đình mở cửa giao thương và cho phép tự do truyền đạo Thiên Chúa. Tuy vũ khí tốt hơn nhưng trước sự chống cự mạnh mẽ của quân nhà Nguyễn, và hệ thống nhiều đồn lũy liên kết, hỗ trợ nhau, liên quân không chiếm được đất Quảng. 

Đạo quân đi tìm kiếm thuộc địa chuyển địa bàn tấn công vào Gia Định năm 1859. Với kinh nghiệm ở Đà Nẳng họ dùng đại bác bắn cấp tập và hạ được thành. Tướng giữ thành là Võ Duy Ninh tự vẫn. Vua Tự Đức điều Nguyễn Tri Phương vào Nam tìm cách chiếm lại. Ông chia quân làm ba đạo, một đạo đóng ở Tân An (Long An bây giờ), một đạo ở Biên Hòa, một đạo ở Phú Thọ. Ba đạo xây đồn lũy rồi đánh lấn dần về Gia Định. Ông xây một đồn lớn, gọi là Đại Đồn Chí Hòa, người Pháp gọi là Kỳ Hòa. Nhưng thành lũy ấy không chịu nỗi sức công phá của súng đại bác của quân Pháp. Đồn bị hạ vào năm 1861. Em của ông là Nguyễn Duy tử trận. Ông bị giáng chức. 

Lúc ấy, miền Bắc bị các dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc bên Trung Hoa thất trận trong cuộc nổi dậy chống nhà Thanh, kéo sang cướp bóc. Nào là Ngô Côn, nào là Lưu Vĩnh Phúc (giặc cờ đen), Hoàng Sùng Anh (giặc cờ vàng), Bàn Văn Nhị (giặc cờ trắng). Các tướng như Hoàng Kế Viêm, Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết được điều ra đánh giặc, nhưng vẫn không yên. Vua Tự Đức lại phái Nguyễn Tri Phương làm Khâm Mạng Đại thần ra Bắc lo đánh dẹp bọn phỉ Tàu.

Một thương gia người Pháp là Jean Dupuis sang miền Bắc thăm dò mua bán với Trung Hoa bằng đường sông Hồng. Nhà cầm quyền trục xuất Jean Dupuis. Soái phủ Nam Kỳ phái đại úy Francis Garnier đem quân ra Bắc để giúp Jean Dupuis thương lượng. Ngày 5 tháng 11 năm 1873 Garnier ra Hà Nội gửi thư đòi quân Nam phải cho người Pháp dùng  sông Hồng để hoạt động thương mại và đòi trả tiền phí tổn cho tàu của Pháp từ Nam Kỳ ra giải quyết tranh chấp với Jean Dupuis. Nguyễn Tri Phương không nhượng bộ. Ngày 19, Pháp bất ngờ đánh úp thành Hà Nội. Phò Mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết ở cửa Nam. Nguyễn Tri Phương bị thương. Quân Pháp bắt được ông và cứu chữa, nhưng ông nhịn đói chịu đau đến chết vào ngày 20 tháng 12.

Vua Tự Đức cho người đưa thi hài về Huế. Vua đích thân làm bài văn tế Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm và cho xây đền Trung Hiếu tại quê nhà làng Đường Long (sau đổi thành Chí Long) tổng Chánh Lộc (bây giờ là xã Phong Chương), huyện Phong Điền. Ông cũng được thờ tại đền Trung Liệt trên gò Đống Đa ở Hà Nội. Người Pháp còn giữ quan phục của Nguyễn Tri Phương và trưng bày tại Bảo Tàng Quân Sự Les Invalides (theo Wikipedia).



quan phục Nguyễn Tri Phương ở Pháp (nguồn: Wikipedia, Internet)



đền thờ Trung Liệt, gò Đống Đa (nguồn: Wikipedia, Internet)



Tượng Nguyễn Tri Phương ở đền Trung Liệt (nguồn: Wikipedia, Internet)

Theo Đặng Hữu Hùng, K7, từ lăng mộ hai vị anh hùng nhìn ra khoảng 30m có ba mộ đất mà tên tuổi gắn liền với lịch sử (và tình sử) mà Hùng sẽ 
cho biết sau. Nhưng bây giờ thì nước trong cánh đồng đang dâng cao, không ra thắp hương được nên nhóm chỉ bái vọng.




Không rõ đây có phải là những nấm mộ mà Đặng Hữu Hùng đề nghị thắp hương?



Bữa trưa: ăn tiệc buffet trên con đường bê tông dẫn vào lăng Nguyễn Tri Phương (có bánh chưng, bánh mì, chè đậu ván đặc)



Xe chạy một đoạn rồi mà anh phó nhòm còn yêu cầu anh tài chạy chậm để chụp ảnh cái cồn. Hà Thúc Phú nói hễ thấy cái cồn nào lạ là anh Sum ưa chụp.

Theo hướng dẫn từ xa (qua điện thoại) của thầy lang Khanh, nhóm quay lại đường cũ một đoạn gần thôn Lương Mai, hỏi làng Phú Nông. Khi rẽ vào một cổng

đề thôn Phú Lộc thì gặp một anh trung niên đi xe máy, DũngSilk hỏi to: "Anh có biết nhà thờ họ Lê Quang ở đâu không?" "Ở đằng tê tề." Anh ta đưa tay chỉ rồi nói, "Tui họ Lê Quang đây." "Nhờ anh dẫn đường giúp." Nhưng chàng ta làm như không nghe thấy. Không sao. Cuối cùng cũng thấy được bức tường và cổng cửa rất "hoành tráng".



Cổng nhà thờ họ Lê  Quang. 
(Bích Vân bình luận: Hay ông đốc tờ muốn khoe nhà thờ đẹp đây?)

 

Cổng trước đóng, nhưng cổng bên thì mở



Bảo và Bích Vân thắp nhang rồi cùng Hạnh đứng chụp hình



Bức bình phong cũng cầu kỳ "ác liệt"!



Ngôi điện thờ khá bề thế, nhưng để tương xứng với cổng cửa, la thành, theo Bích Vân thì ông đốc ráng xây lớn hơn nữa.

Trong sân có một khoảnh đất trồng sắn. Bích Vân định nhổ một cây, nhưng kéo hoài không lên. Thế mới biết rễ củ nhà họ Lê ni vững chắc như thế nào!
Ngoài ra còn có nhiều bụi cỏ gà làm o Hạnh nhớ lại trò đá gà ngày thơ. O Hạnh kể nhờ uống cỏ gà mà chữa được bệnh sỏi thận. 



Cây cỏ gà còn có công dụng lợi tiểu, trị ho. 
Làm xong "nghĩa vụ" hành hương chiêm bái, đồng thời đóng vai trò "Sơn Đông mãi võ" quảng cáo thuốc "cao cỏ gà" cho thầy lang Khanh ( biệt hiệu cụ Cu Năng), nhóm phiêu lãng lại trở ra đi tìm đền thờ Trung Hiếu.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: