Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

NGÔ ĐÌNH HẢI & Cuộc đối thoại với lặng im

 
 
    NGÔ ĐÌNH HẢI & CUỘC ĐỐI THOẠI VỚI LẶNG IM.
    ( Nhân đọc tập thơ NHỎ ƠI – NXB Hội Nhà Văn 2012)
                                                                                                                                 LÊ VŨ

Thơ cho góc phố , con đường , thơ cho những mối tình thơ dại
Thơ cho buổi sớm mai , thơ cho người xa lạ
Thơ cho cây cỏ , lá hoa và thơ cho luôn cả...đàn bà (Hắn) 

Ngày vẫn nghìn nghịt khói bụi và nhao nhác bán mua. Mặc kệ!  Hắn- Ngô Đình Hải-  vẫn thẩn thơ thơ thẩn dù biết thừa Thơ đâu phải gạo... tới tận giờ! (Lấy Chồng Thi Sĩ ). 
Nhỏ ơi! – Tập thơ 63 bài, mỗi/ cụm bài có khi là một ô cửa xanh thơm lay dòng hương tóc, có khi là một góc nhỏ nhăn nhúm áo cơm cháo lão, có khi là một ngã ba ngờ ngợ, rù rì mưa nắng phân vân. Không, tuyệt không có hí lộng chữ nghĩa, cũng không nghiêm cẩn với những đại tự sự hay lớn tiếng diễn ngôn rao giảng; cũng không ẩn tàng chứa chất những nan đề với chân vọng, tâm linh. Nhỏ ơi! lặng im để róc rách trộn vui với buồn, pha hồn nhiên dịu ngọt trên những gam màu đục lờ no đói, gắp giấc mơ tình thơ dại nói chuyện giữa diễn đài với ngân ngấn nước mắt. Thơ là thơ, không lớn lao nhưng cũng không hề bé mọn khi đây đó là những vết nhăn bội số.
Hai viên bi cụng trên thềm/ Dành nhau lăn đến chỗ em…rồi nằm! ( Bắn bi).
Ai đó có thể phán là thơ dỏm, thơ trẻ nít, thơ tán gái, thơ bông đùa nhưng với tôi, Nhỏ ơi là cuộc đối thoại với lặng im ngay giữa Sài Gòn bụi khói với ồn ĩ.
*
Ngày với ô nhiễm, những bất ổn, lật bật những giao kèo thỏa hiệp, những nhom nhem sáng tối nhưng thơ Hải cứ bình tĩnh lăn đi với tiết tấu chậm của một điệu cười, những giai điệu của một mắt liếc long đen đến mụ mị, một sắc môi hồng từ bình minh đến đêm nguyệt tận. Vâng, thơ chậm vì anh còn đủ thời gian cúi nhặt cái hồn nhiên của nhỏ vừa đánh rơi.
Nhỏ cao chân bước qua mười tám/ Rớt cái hồn nhiên xuống mặt đường
Anh nhặt lên ba-ga xe đạp( Nhỏ ơi)
Người thơ còn chậm hơn khi em phóng hon da vèo qua mặt anh trong khi anh tiếp tục ngong ngóng những mưa móc ân huệ đã trôi tuột qua kẻ tay tự bao giờ. Anh không biết/ chưa biết!
Một chiếc áo dài cởi ra thay váy ngắn, anh ngờ nghệch hỏi cái lý do em  “cải táng”  ngày cũ với dài áo dài thương. Và tôi cười đến mếu máo khi đọc một bài tưởng là thơ “ nói cho vui”.
Cũng may em là /đàn bà/Nên ta được thấy mình là /đàn ông
Cũng may em không/thật lòng/Nên ta còn được thong dong tháng ngày (Cũng may)
Thơ Hải đọc để  “cười” và tôi có thể xác tín  thơ anh không nói gì cả, không có những hú cười rờn rợn, không có những đớn đau hoang tưởng, những vờ vịt màu mè chữ nghĩa, và đa phần là những chuyện vui thôi mà** 
Hai Chiếc Lồng Đèn là một ví dụ.
Em con gái có chiếc lồng đèn hình con bướm/ Anh con trai có lồng đèn hình phi thuyền/ Con bướm tung tăng ngày chúng mình lên tám/ Phi thuyền chưa quen bướm chúi mũi nằm yên !
Nhưng có thể nói, đây là một vĩ đại vui đa/ loạn sắc với một chút giễu nhại (ironic), một ít nước mắt, có thể. “Đi rất xa vào sự bông đùa tức là thôi không bông đùa nữa”. (Chesterion). Trên cơ sở lý giải này, Nhỏ ơi! lại rất nghiêm túc và trong chừng mực, những câu sáu tám của anh đang chụp lại những bức ảnh với tâm thức của người đương đại: nửa ngờ hoặc, nửa yêu thương đến da diết, nửa bỡn cợt nhưng lại hom hem đau đớn khi hiện tiền đen trắng Phật ma lẫn lộn.

*
Nhỏ ơi! Sẽ rất nhiều người cho Hải đang làm thơ tình phụng hiến thiếu/ phụ nữ khi những vần thơ uyển chuyển kể chuyện từ trường đến nhà với lọ mực tím, trò nhảy dây, cả chuyện lồng đèn và trầu cau, thiệp cưới. Tôi không phủ nhận những cũng không gật đầu vì thơ Hải tưởng dễ mà khó đọc khi anh giăng trùng trùng khin khít những bẫy rập, mở ra hàng hàng khoảng trống sau những con chữ “ nhảy múa”. Một đồng tiền vừa rơi và thơ cũng kêu lên ngơ ngáo. 
Tiền rơi có một đồng thôi/ Còn công anh đợi gấp đôi ...đồng tiền! (Đồng tiền)
Chuyện tan trường đợi em không gặp ở đây chỉ là cái cớ, một cái cớ rất duyên và cấu thành một tứ thơ rất tuyệt, giấu vào những con âm hình chữ không lấy gì làm lóng lánh nhưng là thơ thứ thiệt, khác biệt với thơ giả giả.  
Nhỏ ơi còn thiệt hơn khi đối thoại với vợ, không còn bận tâm đến chữ nghĩa. Viết cứ như nói!  Cảm ơn em, nếu em không biết đếm! (Con số không). Còn kể chuyện em đi lấy chồng cũng không hề làm dáng, không dùng chữ như một thứ diêm dúa phấn son trang điểm cho tri thức hay thi pháp.    
Thừa cành hoa rũ trước nhà/ Nếu em để ý biết là…của tôi (Báo tin)
Nhỏ ơi cuối cùng là gì ? Tôi nghĩ, đó chính là chân dung tự họa của Hải bằng những nét bút vờ sân si để rồi che miệng chọ chẹ ho, giấu những bàng hoàng nghều nghào vào tay áo. Chân dung Hải rất xanh nhờ những mỏng mảnh yêu thương dù cuộc sống chật vật những toan lo khốn khó đời thường. Đọc Nhỏ ơi để thấy đời vẫn thơm phức, vẫn đáng sống khi còn những hòn bi ve, chiếc lồng đèn, con mắt cười lạc phố. Nhưng nếu không có một vài nghĩ suy trăn trở thì sẽ là bỏ quên hiện thực. Thơ không thể phi thực đến thành vô cảm. Tôi sợ tôi về chiều cứ hay nhìn lại/ Tìm sau lưng một chút nắng rơi/ Trước khi trời sập tối. ( Sợ)
Còn nữa, một thằng tôi nhỏ nhoi, lẻ loi, trơ trọi, mệt nhoài, tội lỗi, tăm tối, mù lòa là những thú nhận nghiêm cẩn nhất trong đêm tự phản tỉnh. Những câu thơ tự sám hối không hề thiếu bên cạnh những vần thơ kiểu như: Em đi cao gót mới vừa/ Uổng đôi guốc của tôi mua trăm ngàn ( Cao gót)
Trong chừng mực, Nhỏ ơi! còn là bức tranh xã hội thu nhỏ chuyển động qua mấy thập kỷ, đi từ thời kinh tế thị trường bước vào giai đoạn hội nhập. Đồng tiền và tốc độ phát triển kỹ thuật đã tác động rõ nét lên chính những nếp gấp văn hóa và tính cách con người.
*
“Vĩnh cửu là một khoảnh khắc dài vừa đủ một câu nói đùa”. (Hermann Hess) còn  Ferlinghetti thì định nghĩa Thơ “là những đêm trắng và những chiếc miệng khát khao”. Hải đã thức đêm tàn canh rụng để ngộ, đã he hé những rạn vỡ khát khao. 
Dù khéo che đậy và bày biện những xếp lớp thế nào đi nữa, hành trình thơ của một người chính là con đường quy hướng về nội tâm  để phản tỉnh, quay lại nhìn vào chính mình, tìm thấy cái chân lý. Nó là sự dằn vặt bi đát đến bạc cả tóc,  một kiếm tìm vô vọng nhưng không hề là những lẩm cẩm hạch toán.
Tìm mãi không ra , tìm mãi không ra!.../ Hắn là cái giống gì trong cõi người ta ?( Hắn)
Nhỏ ơi là tập thơ không phải đọc để mua lấy một nụ cười còn Ngô Đình Hải thì bên ngoài cười nụ bên trong khóc thầm. Tôi gấp lại tập Nhỏ ơi! và cùng lặng im. Lặng im để kiến trúc tôi…

Buổi tối phố phường 5/11- LV. 
·         Những câu in nghiêng trích tập thơ, in đậm là tên bài thơ
·         Chữ của Bùi Giáng khi trả lời nhà văn Mai Thảo.


                        & CHÙM THƠ CỦA NGÔ ĐÌNH HẢI
                              ( Trích Tập NHỎ ƠI! - Nxb Hội Nhà Văn 2012) 


NHỎ ƠI !

Nhỏ cao chân bước qua mười tám
Rớt cái hồn nhiên xuống mặt đường
Anh nhặt lên ba-ga xe đạp
Đem về cho bớt tiếc bớt thương

Nhỏ ơi! nhớ mang theo sân trường
Lỡ mai bước lạc chốn mù sương
Vẫn có sau xe anh một chỗ
Vắng Nhỏ rồi! Còn đó mùi hương

Xưa ngồi để anh giữ "ghi- đông"
Nhỏ cười làm xe chạy cong vòng
Còn hỏi: "có em leo dốc nặng?"
Cũng đâu nặng bằng chở trống không!

Chắc là tại anh thiếu sợi dây
Không buộc được Nhỏ ở nơi này
Giờ phải đi tìm bao góc phố
Nhìn nắng phơi khô tháng với ngày

Phải chi Nhỏ cứ luôn mười bẩy
Anh chở Nhỏ hoài tới...."tết Tây"
Nhỏ đi xa mấy anh cũng kệ
Vẫn đợi Nhỏ về! Chở Nhỏ đây....

ĐỒNG TIỀN

Tan trường đợi không gặp em
Ngẩn ngơ như thể đồng tiền vừa rơi
Tiền rơi có một đồng thôi
Còn công anh đợi gấp đôi ...đồng tiền!

ÁO DÀI 1

Em cởi áo dài lúc xa tôi
Len lõi theo người kiếm cuộc vui
Gói luôn ngày cũ vào trong áo
Mặc chiếc váy kia ngắn đủ rồi
Chừng nào mộng quá xa tay với
Thì em hãy mặc lại áo dài
Cho bao dấu tích thân kỳ nữ
Theo phấn hương đời lũ lượt trôi

CŨNG MAY

Cũng may em là
đàn bà
Nên ta được thấy mình là
đàn ông
Cũng may em không
thật lòng
Nên ta còn được thong dong tháng ngày


HẮN

Hắn không hề biết đọc một chữ trong tiếng Tàu
Nhưng lại thích ngâm nga thơ Đường
Hắn không rành đàn ca hát xướng
Nhưng vẫn biết nghe và vỗ tay tán thưởng
Hắn không mấy nhiệt tình nhậu nhẹt
Nhưng lại khoái ngồi bù khú với anh em
Hắn cũng không ưa lắm mấy ả ăn sương
Nhưng sẵn sàng chọc ghẹo cho mấy em bớt tủi
Hắn giao du với hết thảy mọi người
Từ vị thầy tu đến kẻ giang hồ
Từ lão thương gia đến gã đạp xích lô
Từ ông quan to đến bà bán hàng ở chợ
Hắn trồng hoa hướng dương rực rỡ
Lên trên bụi gai đời để níu chân những giấc mơ
Khi nỗi cô đơn dài đến tận cùng đáng sợ
Hắn đem lại tiếng cười trong những câu thơ
Khi đường đời trở thành vũng lầy sau mưa
Hắn trải lên đó thảm cỏ khô bằng vần điệu
Hắn làm thơ ban phát tin yêu
Thơ cho góc phố , con đường , thơ cho những mối tình thơ dại
Thơ cho buổi sớm mai , thơ cho người xa lạ
Thơ cho cây cỏ , lá hoa và thơ cho luôn cả...đàn bà
Hắn xây lâu đài thơ bình yên cho bất cứ ai
Mà không cần có gì trả lại
Bất cứ ai – Bất cứ ai - chỉ trừ mỗi một người
Là chính hắn – lại không bao giờ có nỗi
Một chỗ dừng chân khi trời tối
Một chút tình khi mùa đông lại
Một ít hương vị của ngọt ngào từ lâu đã quên trên đầu lưỡi
Rốt cuộc hắn phải đi tìm - mà tìm mãi không ra
Tìm mãi không ra , tìm mãi không ra!...
Hắn là cái giống gì trong cõi người ta ?

NGÔ ĐÌNH HẢI

Không có nhận xét nào: