Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

CÒN ĐÓ DI SẢN, PHẦN 2

Trần Ngọc Bảo 

Trong
 khuôn viên nhà cụ Phan còn có hai ngôi mộ của ông và bà Phan Nghi Đệ, con của cụ Phan, người đồng hành cụ trên con đường công tác cách mạng. Ông Đệ cũng bị chính quyền bắt giam tại nhà tù Lao Bảo. Sau khi được trả tự do, ông về săn sóc cụ cho đến cuối đời và mất sau cụ 6 năm, vào năm 1946.
Ngoài nhà thờ của cụ còn có một công trình kiến trúc lớn nữa mà rất tiếc lúc ấy đóng cửa nên nhóm du khảo không vào thăm được, đó là "Từ Đường các Liệt Sỹ Tiền Bối và Phan Bội Châu Tiên Sinh". Tòa nhà này cao tới 8m, lợp ngói âm dương, do cụ Tôn Thất Sa thiết kế, xây dựng vào năm 1956. Hiện nay Bảo Tàng Lịch Sử và Cách Mạng  sử dụng một phần từ đường để trưng bày tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan.
Khi còn sinh tiền, cụ Phan có dùng tiền đóng góp của đồng bào khắp nơi tặng cụ để xây ngôi nhà tranh, số còn lại mua một miếng đất làm nghĩa trang. Nghĩa trang này nằm trên đường Thanh Hải, là đường từ Điện Biên Phủ, rẽ lên đồi Quảng Tế, cách đàn Nam Giao khoảng 100m, có diện tích theo một số tư liệu là 4000m2, nhưng thực tế hình như khoảng 1000m2.
Năm 1934 cụ Phan có thảo một qui ước cho những người khác sẽ được chôn cất trên miếng đất này, đó là những chiến sĩ cùng chí hướng, chiến đấu và hy sinh để giành độc lập cho nước nhà. Trong nghĩa trang hiện có khoảng 20 ngôi mộ.


Cổng nghĩa trang Phan Bội Châu



Nhà bia ghi qui ước nghĩa trang do cụ Phan soạn thảo



Biển báo Khu Di Tích Lịch Sử Lưu Niệm Danh Nhân Phan Bội Châu do Sở Văn Hóa dựng

Trong nghĩa trang này chỉ có một chiến sĩ được chôn cất lúc cụ Phan còn sống. Đó là Nguyễn Chí Diểu.



Nguyễn Chí Diểu là người làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Khi vào trường Quốc Học năm 1925 anh học sinh yêu nước này đã được tiếp xúc với những nhà hoạt động chính trị. Năm 1927 vì tham gia bãi khóa đòi chính quyền trả tự do cho cụ Phan, anh Diểu bị đuổi học. Anh gia nhập đảng Tân Việt và được cử làm Xứ Ủy Trung Kỳ của đảng vào năm 1928. Khi đảng này tách ra ba nhóm, và một nhóm tổ chức thành Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn anh trở thành một đoàn viên, và khi các nhóm thuộc Liên Đoàn trong ba miền hợp thành Đông Dương Cộng Sản Đảng anh trở thành đảng viên cộng sản và được cử làm bí thư tỉnh ủy Gia Định vào năm 1930. Anh bị Pháp bắt vào năm này và đưa đi tù ở Côn Đảo vào năm 1933. Nguyễn Chí Diểu được phóng thích vào năm 1936 và bị quản thúc ở Huế. Người chiến sĩ này vẫn âm thầm hoạt động cách mạng, nhưng rồi bị bệnh lao và mất lúc mới 31 tuổi, năm 1939.

Người thứ hai mà chắc có lẽ cụ Phan sẽ đồng ý được chôn cất ở đây là Liệt nữ Lê Thị Đàn. Trong khuôn viên nhà ở, cụ đã dựng bia thờ bà. 



Hài cốt của bà Ấu Triệu mới được tìm thấy và cải táng vào nghĩa trang này năm 2008.

Một người có công săn sóc mộ phần và hương khói cho cụ trong nhiều năm, đó là trưởng Hướng Đạo Võ Thanh Minh, hiệu là Hồng Sơn (cùng quê núi Hồng, Nghệ An, với cụ), tên rừng (cho hướng đạo sinh có bằng RỪNG, là bằng cấp chuyên môn cao nhất) là Dã Mã (ngựa hoang).




Anh huynh trưởng này có nhiều tài: viết báo, diễn thuyết, làm thơ (có xuất bản tập thơ Những Tiếng Thương Tâm ở Huế năm 1948), dạy võ, đua xe đạp (tham gia vòng đua Đông Dương năm 1937 và 1943), nhưng rất ngang tàng, không theo phe phái chính trị nào và sống giống như tên rừng của anh. Năm 1937 tại trại Bạch Mã anh được cử làm Tổng Ủy viên Hướng Đạo Đông Dương, trực tiếp phụ trách Hội Hướng Đạo Trung Kỳ. Tại Hội Nghị Geneva, Thụy Sĩ, năm 1954, trong khi trưởng Tạ Quang Bửu là phó đoàn của chính phủ VNDCCH, trưởng Cung Giũ Nguyên, đại diện cho Quốc Trưởng Bảo Đại, thì  trưởng Võ Thanh Minh lại đứng bên ngoài hội nghị, cắm lều bên hồ Leman, thổi sáo đòi hòa bình cho Việt Nam, phản đối chia cắt đất nước. Sau đó ông đi đến các nước châu Âu, vừa đi làm đủ việc để kiếm sống vừa viết báo kêu gọi tái thống nhất. Năm 1960 ông về nước, trú ngụ tại nhà thờ cụ Phan và xin chính quyền miền Nam làm người chèo đò trên sông Bến Hải để đưa thư liên lạc giữa hai miền Nam Bắc. Đề nghị này không những không được chấp thuận mà ông còn bị chính quyền bắt giam nhiều lần vì nghi thân cộng. 
Một người trong nhóm du khảo là TNB khi còn là thiếu sinh Hướng Đạo đã từng đến nhà thờ cụ Phan (1964) nghe trưởng Minh ngâm thơ và bình bài phú Bái Thạch Vi Huynh của cụ Phan Sào Nam.
Năm 1968 lúc chiến cuộc Mậu Thân nổ ra sôi động thì ông cùng với vài người bạn xông pha đi giúp đỡ đồng bào thì bị tử nạn.

Hai mộ kế đó được nhà nước cải táng về đây là hai mẹ con đã có duyên gặp gỡ cụ Phan trong đời, đó là Đạm Phương Nữ Sử và Hải Triều Nguyễn Khoa Văn.



Đạm Phương là bút hiệu của bà Tôn Nữ Đồng Canh, sinh năm 1881, cháu nội vua Minh Mạng, con của Hoằng Hóa Quận Vương Miên Triện. Thuở nhỏ bà được sự giáo dục rất chu đáo của gia đình cho nên bà giỏi cả chữ Hán, cả quốc ngữ và tiếng Pháp; bà cũng giỏi cả cầm, kỳ, thi, họa cho nên mới 20 tuổi đã được mời giữ chức nữ sử là người dạy cho phi tần mỹ nữ trong cung. Bà lập gia đình sớm lúc mới 16 tuổi với ông Nguyễn Khoa Tùng, cũng thuộc danh dõi thế gia. 



Ông Nguyễn Khoa Tùng và bà Đạm Phương

Bà có nhiều mối quan hệ xã hội rộng rãi. Bà có dịp tiếp xúc với các chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, tiếp xúc qua sách vở các tư tưởng tự do , dân chủ, nhân quyền của J.J. Rousseu, Montesquieu, v.v.. Năm 1918 bà gặp Phạm Quỳnh và bắt đầu gửi những bài thơ cho tờ Nam Phong. Từ đó cho đến năm 1930 bà là một nhà báo, nhà văn, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội rất tích cực. Cùng một lúc bà viết cho nhiều tờ báo như Trung Bắc Tân Văn, Thực Nghiệp Dân Báo, Hữu Thanh, Tiếng Dân, Phụ Nữ Tân Văn, Phụ Nữ Thời Đàm. Bà cũng là nhà văn nữ đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ (Kim Tú Cầu, Hồng Phấn Tương Tri). Bà chú trọng giáo dục cho phụ nữ, dịch các tác phẩm của Pháp, Đức, Ý về giáo dục để hướng dẫn cho phụ nữ phương pháp dạy con. Đặc biệt, vào năm 1926 được sự khuyến khích và hỗ trợ của cụ Phan, cụ Huỳnh, và những nhà trí thức khác như Đào Duy Anh, Đoàn Nồng, bà cùng với bà Trần Thị Như Mân và một số bà khác, lập Nữ Công Học Hội năm 1926 để dạy chữ quốc ngữ cho những phụ nữ không có cơ hội đến trường, dạy nữ công gia chánh, dạy nghề may thêu, nấu nướng, nói chung là tứ đức bao gôm công, dung, ngôn, hạnh nhưng chú trọng thực nghiệp, có nghĩa là một nghề để có thu nhập, khỏi lệ thuộc vào chồng, cũng như đóng góp cho sự phát triển văn hóa, kinh tế của xã hội. 
Năm 1928 bà bị chính quyền bắt giam hai tháng vì nghi bà có hoạt động chính trị. Các con của bà là Nguyễn Khoa Tú, Nguyễn Khoa Vĩ, Nguyễn Khoa Văn đều tham gia đấu tranh giành độc lập. Năm 1946 khi nổ ra cuộc kháng chiến, bà tản cư ra Thanh Hóa và mất ở đó vào năm 1947.



Mộ của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. 
Nguyễn Khoa Văn sinh năm 1906, là con thứ ba của bà Đạm Phương. Giống như Nguyễn Chí Diểu, ông cũng vào trường Quốc Học rồi bị đuổi vì tham gia các hoạt động yêu nước. Năm 1927 ông gia nhập đảng Tân Việt, sau đó vào Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn và rồi Đông Dương Cộng Sản Đảng. Ông được đưa vào Thành Ủy Sài gòn năm 1930 và hoạt động đến năm 1931 thì bị bắt giam. Được thả vào năm 1932 ông trở lại Huế mở nhà sách Hương Giang và viết cho báo Đông Phương, lấy bút hiệu là Hải Triều. Ông bắt đầu nổi tiếng qua cuộc tranh luận với Phan Khôi về chủ đề "duy tâm hay duy vật", "nước ta có chế độ phong kiến hay không"  trên các báo Đông Phương, Phụ Nữ Tân Tiến, và đặc biệt, qua cuộc bút chiến với Thiếu Sơn, Hoài Thanh về đề tài "nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị dân sinh" từ năm 1935 đến 1939. 
Tháng 8, năm 1940 ông bị Pháp bắt đưa đi an trí tại Phong Điền cho đến tháng 3, năm 1945. Tháng 8 năm 1945 ông tham gia giành chính quyền ở Huế, và làm giám đốc Sở Tuyên Truyền Trung Bộ. Trong kháng chiến, ông hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phổ biến chủ nghĩa Marx. Ông mất năm 1954 tại Thanh Hóa khi mới 46 tuổi, hài cốt được cải táng về nghĩa trang này năm 1984.

Những ngôi mộ khác cũng đều của những nhà văn, nhà báo cộng sản như nhà thơ Thanh Hải, nhà báo Lê Tự Nhiên. Nhưng có một ngôi mộ không rõ có liên hệ gì với cách mạng, đó là mộ của bà Hoàng Thị Phương, bà nội của Thùy Chương, và do thế, người có "nhiệm vụ" thắp nhang là Hà Thúc Phú.


Mộ bà Hoàng Thị Phương



Cháu rễ Hà Thúc Phú đang thắp nhang cho bà nội. 
Sau đó nhóm du khảo được mời vào nhà ông Lê Văn Thế, là người đang trông coi nghĩa trang.
 CÒN ĐÓ DI SẢN, PHẦN 3

Ba người trong nhóm du khảo đang mỗi người đi một hướng để xem các mộ bia thì nghe tiếng gọi của một ông già hỏi ai đó liền quay lại chỗ có biển báo di tích. Hà Thúc Phú trả lời đang thăm mộ thân nhân ở đây. Ông già hỏi tiếp mấy câu và yên tâm khi thấy khách viếng là những người "đường hoàng". Ông già tự giới thiệu là người coi sóc nghĩa trang ở đây - chỉ là tự nguyện chứ không phải người của bảo tàng nhà nước. "Nguyên ông thân sinh của tôi", ông già nói , "là người đánh xe cho vụ Phan." "Tôi ở đây để tiếp tục làm việc nghĩa, thay cho ba tôi." Anh Dũng Silk hỏi về tấm bia có chữ Hán. Ông già cho biết đây là bia ghi qui ước nghĩa trang do cụ Phan soạn ra. Ông lược dịch và sau đó mời vào nhà để tìm văn bản đã được in ra.



Ông Lê Văn Thế đang lục tìm bản qui ước nghĩa trang
Ông già tự giới thiệu tên là Lê Văn Thế, giáo viên tiểu học đã về hưu. Trong khi ông Thế đang tìm kiếm thì anh Phú chợt thấy một chiếc mũ cối, loại mà thanh niên đầu thế kỷ 20 thường đội. Anh với tay lấy và đội thử.



Anh Phú trông rất "savant" với mũ cối và cặp kính trắng, giống nhân vật "Tuấn, chàng trai nước Việt" của nhà văn Nguyễn Vỹ.
Hai người kia thì chăm chú nhìn các bức chân dung trên tường. Ông Thế cho biết đấy là những chân dung do ông tự vẽ.


Chân dung cụ Phan do ông Thế vẽ


Mô hình đầu tượng cụ Phan do ông Thế tự làm, có lẽ qua tham khảo bức tượng của Lê Thành Nhơn


Bức chân dung Kỳ Ngoại Hầu Phu Nhân



Chân dung hai người thân thuộc với cụ Phan. Bà Trần Hoành là người giúp việc, chuyên đưa đò cho ông già Bến Ngự đi chơi trên sông. Còn nhớ trong tạp chí Phổ Thông trước đây Nguyễn Vỹ có kể chuyện gặp cụ Phan trên một con đò lênh đênh trên sông Hương. Các nhà yêu nước khác vẫn hẹn cụ lên đò nói chuyện, tránh mấy ông mật vụ nghe lén.

Ngoài ra còn chân dung của một số người khác nữa. Thấy ông Thế loay hoay khá lâu mà chưa tìm ra anh Bảo nói thôi thì để khi khác quay lại thăm và sẽ nhận văn bản đó vì nhóm còn đi thăm lăng Thái Phiên-Trần Cao Vân. Ba người cám ơn chủ nhà và cáo từ.

Nhóm du khảo chỉ nghe nói mộ hai nhà cách mạng nằm ở khoảng giữa chùa Từ Hiếu và Châu Lâm nhưng không biết chính xác. Anh Bảo điện thoại cho o Hạnh, khóa 3, nguyên giáo viên trường Trần Cao Vân, thì o cho biết là cứ đi từ cổng chùa Từ Hiếu sang chùa Châu Lâm thì sẽ thấy một lăng mộ "to lắm". Giáo viên và học sinh trường trung học cơ sở Trần Cao Vân trên đường Lê Huân trong thành nội có "tục lệ" hằng năm đều đến thăm và làm lễ tưởng niệm tại lăng mộ này .

Con đường hẽm nhỏ sang chùa Châu Lâm có rất nhiều mộ và "lăng to" cũng không thiếu. Trần Ngọc Bảo đi từ lăng mộ này đến lăng mộ khác và đọc kỹ các bia mộ nhưng chưa tìm ra thì thấy một em học sinh, tuổi độ 14, 15 bèn hỏi. May mắn là em này tỏ ra rất thành thạo lối đi và còn "thuyết minh" là một bà bán bún lén lấy đầu hai người bị chém đem chôn, sau đó cải táng đến đây. Anh Dũng đề nghị cháu dẫn mấy chú đi.  

Dễ hơn là đi đường Lê Ngô Cát, đến 2 cột trụ đầu một con hẽm đề chùa Châu Lâm bên tay phải (còn cách cổng chùa Từ Hiếu khoảng 100m) , thì rẽ vào và lần lượt đi ngang qua cổng chùa Châu Lâm, chùa Thọ Đức, chùa Thiên Hỷ. Đến cuối đường rẽ trái sẽ gặp một ngã ba nhỏ. Đi theo nhánh bên trái một đoạn 20m, xuống một con dốc dài khoảng 30 m nữa, nhìn bên tay trái con đường, cách đó 15m, sẽ thấy một kiến trúc hình trụ cao như trong ảnh dưới đây. 


Lăng mộ chung của Thái Phiên và Trần Cao Vân


Bia mộ hai nhà yêu nước


Bia thứ hai ghi công bà Trương Thị Dương, người bí mật đem hài cốt liệt sĩ về đây.

Thái Phiên quê ở làng Nghi An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẳng). Thời trẻ ông đi tu tại chùa Cổ Lâm, huyện Đại Lộc, nhưng sau đó ra đời, rồi vào Bình Định làm nghề dạy học. Năm 1904 ông tham gia phong trào Đông Du. Năm 1913 ông là một trong những nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục Hội tại Nam Trung Kỳ. Ông cùng với Trần Cao Vân tìm cách gặp vua Duy Tân và tổ chức một cuộc khởi nghĩa chống Pháp.
Trần Cao Vân quê ở làng Tư Phú, xã Đa Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thời trẻ ông tham gia Nghĩa Hội Quảng Nam, nhưng hội đoàn này cũng bị nhà cầm quyền đánh phá tan rã. Ông lánh vào chùa Cổ Lâm (1887), sau đó vào Bình Định (1892), và rồi tham gia cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ tại Phú Yên.  Ông bị bắt giam 11 tháng. Khi được thả ông trở lại Bình Định (1900). Ông đi dạy học và nghiên cứu kinh Dịch nhưng bị bắt vì tội "xúi dục dân làm loạn", và "phổ biến yêu thơ, yêu ngôn". Ông bị bỏ tù 3 năm. Năm 1908 ông tham gia phong trào kháng thuế, lại bị đày ra Côn đảo đến năm 1914 mới được phóng thích. Năm 1915 ông gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội, rồi cùng với Thái Phiên mưu đồ khởi nghĩa. Kế hoạch bị lộ. Ông và Thái Phiên cùng với  Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề, hai người hộ vệ của vua Duy Tân, bị Pháp bị hành hình tại Cống Chém, An Hòa năm 1916. Vua Duy Tân thì bị đày ra đảo Reunion ở châu Phi.
Năm 1925, bà Trương Thị Dương, cũng là một người trong Việt Nam Quang Phục Hội, bí mật đào hài cốt hai ông đem chôn ở một nơi ở xã Thủy Xuân. 11 ngày sau nghe nói bị lộ, bà lại thừa lúc ban đêm đến đào lên và cải táng ở vị trí hiện nay.



Hai nhà du khảo Lê Văn Dũng và Hà Thúc Phú ở lăng hai nhà cách mạng


Phó nhòm Trần Ngọc Bảo

Nhóm du khảo hẹn nhau tiếp tục cuộc hành trình thăm di tích các danh nhân vào một ngày đẹp trời khác.

Không có nhận xét nào: