Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

PHIÊU LÃNG MÙA ĐÔNG, PHẦN 1

TRẦN NGỌC BẢO
 
Mùa mưa Huế năm nay (2012) đến rất muộn. Bây giờ đã giữa tháng 11 (cuối tháng 10 âm lịch) mới xuất hiện những đám mây lam, báo hiệu sẽ có mưa. Nhưng mưa không cản được bước chân của những người thích phiêu lãng. Người khởi xướng cuộc lữ hành hôm nay là Bích Vân, một netcitizen được yêu mến của Đồng Khánh và cả Kiểu Mẫu Huế, một nhà du hành đã từng in gót chân ở nhiều nơi trên thế giới. Thành viên thứ hai của nhóm phiêu lãng là Lê Văn Dũng, dân khóa 1KMH, cận vệ của Bích Vân, người (lỡ) ký hợp đồng phục vụ suốt đời cho kiều nữ. Thành viên thứ ba là Ngô Thị Hạnh, K3 KMH, thường được gọi là o Bắp, vì quê ở Cồn Hến và mang họ Ngô, một nhà du lịch có hạng, từng đặt chân đến hầu hết các danh lam thắng cảnh ở cả ba miền. Người kế tiếp là một trung niên thi sĩ, tới tuổi ngũ tuần rồi mà còn mắc bẫy tình yêu, đó là Hà Thúc Phú, K4, đang đỏ mắt chờ ngày đoàn tụ với partner ở bên kia biển Thái Bình. Nhân vật quan trọng nữa là Nguyễn Văn Sum, K8, một phó nhòm của làng KMH, và người cuối cùng là Trần Ngọc Bảo, K1, một lãng tử luôn sẵn sàng dong ruỗi .
Nhóm lãng du dự định đi theo quốc lộ 1 ra hướng bắc, đến Mỹ Chánh (cách Huế khoảng 40km),  rẽ qua Phước Tích thăm làng gốm cổ, xuống Phong Chương thăm lăng mộ Nguyễn Tri Phương, qua làng Kế Môn, dọc theo quốc lộ 49B xuống Điền Hòa, Điền Lộc, qua cầu Ca Cút, đập Thảo Long và trở về theo đường 49.

Khởi hành từ nhà Dũng silk, góc đường Trần Thúc Nhẫn-Nguyễn Huệ, xe đi qua cầu Bạch Hổ dưới bầu trời màu lam, có thể chuyển thành màu xám xịt bất cứ lúc nào .



Vòng xoay trên đường Bùi Thị Xuân, chân cầu Bạch Hổ. Bên phải là tháp nước Dã Viên. Bên trái là đường chui dưới Câu Lòn để lên Phường Đúc


Đường vắng xe nên thoáng chốc đã đến địa phận quận Phong Điền



Từ Mỹ Chánh rẽ phải vào khoảng 1km - làng cổ đây rồi!
Làng Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền. Làng được thành lập vào khoảng năm 1470 trong đợt di dân sau khi vua Lê Thánh Tôn thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Theo gia phả họ Hoàng, tổ khai canh của làng là ông Hoàng Minh Hùng, một võ tướng quê ở làng Cảm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, vào đất Thuận Hóa là do theo vua đi đánh giặc. Sau khi chinh chiến trở về ông chiêu mộ dân chúng lập làng mới. Ông chọn xứ Cồn Dương, là một nơi được bao bọc ba mặt bởi sông Ô Lâu,  làm nơi định cư lâu dài. 


Du khách tham khảo bản đồ làng và bàn địnhnhững nơi sắp đi tới.

Từ Festival Huế năm 2006 Phước Tích được chọn làm một địa điểm đón du khách đến theo chủ đề Hương Xưa Làng Cổ. Làng được Tổ Chức Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản, gọi tắt là JICA, giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch. Do đó nét mới đầu tiên là một bản đồ ghi rõ các điểm tham quan như Miếu Cây Thị, Bảo Tàng Gốm, Lò Gốm, bến nước, các nhà rường và cả một WC bằng gạch cho du khách!



Nhà rường cổ đầu tiên sau tấm bản đồ đóng vai trò là một trung tâm thông tin du lịch.
Chủ nhà họ Lương, gợi nhớ đến cô Thanh Huế, phu nhân thầy Vĩnh Tiên, và bạn Thanh Trà, con thầy Phiệt. Nơi này chắc cũng in dấu chân của cô hồi nhỏ và gần đây nữa, vì cô mới từ xứ Kangaroo về thăm cách đây vài năm.



Kiến trúc nhà rường không phải là lạ với du khách người Việt "gốc mắm ruốc" nhưng nét "hay hay" là nhà còn giữa được  
một hộp gỗ treo sát nóc đựng gia phả và các giấy tờ quan trọng của dòng họ. Đôi khi hộp này được thay bằng một ống bằng gỗ hay bằng tre. Ai muốn coi gia phả phải sắm sửa lễ vật (bao gồm một chai rượu nhỏ, bày trên một khay có ly, có thể đi với mấy miếng trầu) trình cho chủ nhà (thường kiêm chức trưởng họ).



Sau khi nghe chủ nhà kể chuyện về ngôi làng cổ và mời nhóm lãng du uống nước trà, Trần Ngọc Bảo viết vài dòng lưu niệm cám ơn.



Trên bàn có mấy câu "vè vẻ vè ve" cổ động du lịch Phước Tích



Nét đẹp gây ấn tượng đầu tiên, ngoài những nhà rường là con đường làng được lát gạch và những hàng rào chè tàu xanh ngắt.



Bầy gà  nuôi thả(gà ăn trong sân, một khung cảnh bình thường của ngày xưa,  ngày nay hiếm thấy



Con đường làng uốn lượn thong dong



Đây là Miếu cây thị, có lẽ thờ ngũ hành, là các yếu tố cấu thành vật chất, được coi là thiêng liêng đối với sự sống. Thờ ngũ hành là bày tỏ lòng biết ơn đối với hóa công, với cuộc đời.



Đường vào một ngôi nhà nhỏ gọi là Bảo Tàng Gốm



Bức bình phong, bể cạn, và đồ gốm



Bảo tàng có nhiều tủ kệ trưng bày đồ gốm cổ, đặc biệt có một chiếc triêng treo một cái trách đất lên cao. Hồi xưa trách cá kho hay thịt kho thường được treo lên để tránh chó mèo ăn vụng.



Người trông coi bảo tàng giới thiệu tên gọi và công dụng các đồ đột đột. Trên tay ông là "niêu ngự", là niêu nấu cơm cho vua. Khi cơm chín thì đập niêu để lấy cơm ra. Phần cơm hơi cháy bên hông có lẽ là phần ngon ngọt nhất.



Đây là "đồ nghề" để "duống " hay nhấc một trác đất từ bếp xuống
 : một đoạn tre cật mềm được uốn cong ôm lấy cổ chiếc trách



Và đây là cách "duống nồi" : dùng hai thanh tre hay đũa bếp xỏ vào hai quai rồi nhấc lên, đặt xuống.




Bùng binh hay con heo đất là nhà băng (bank) quen thuộc với hầu hết mọi trẻ em thời xưa


 

Đây là những đồ gốm được bỏ vào thúng sẵn sàng gánh ra chợ bán. Những sản phẩm này được gọi chung là đồ đột đột. Theo dân làng sở dĩ có tên gọi như vậy vì tổ của nghề làm đồ gốm là ông Đột, bạn của ông Hùng, tổ khai canh của làng. Chính ông Đột truyền nghề cho dân làng. Ông Hùng cũng tham gia làm đồ gốm cho nên dân làng gọi ông là ông Nồi.

  
Lu, ghè, bình vôi bên cạnh cối và chày





Bên ngoài nhà dựng một cây gàu múc nước bằng mo cau, có cán dài, dùng để múc nước ở bể cạn tát lên mái nhà trong trường hợp có cháy!

Giã từ Bảo tàng gốm nhóm lãng du đi tà tà trên đường làng thì gặp nhà một người quen của o Hạnh. Chúng tôi ghé vào chơi.
Đây cũng là một nhà rường cổ, nhưng đặc biệt có phòng cho khách du lịch nghỉ lại.



Cửa bảng khoa(thượng song hạ bản).

Nhà này có một bộ bàn tiếp khách theo kiểu hơi lạ mắt


Then cài cửa bên trên



Bộ đồ trà kiểu Nhật. Hóa ra Phước Tích cũng sản xuất đồ gốm hiện đại với một lò nung bằng gas do tổ chức JICA (Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật Bản) tài trợ. Họ cũng giúp khôi phục một lò nung bằng củi truyền thống. 
Sau khi trò chuyện với chủ nhà và một bà già tuổi hơn 90, nhóm lãng du lại tiếp tục đi bộ đến lò gốm.



Lò nung đồ gốm. Đây là lò sấp, còn gọi là lò cóc, đun bằng củi.



Lò gốm nung bằng gas



Sản phẩm nung bằng gas với mẫu mã mới do lớp thợ trẻ làm thử



Khách du đang tấm tắc khen các sản phẩm mới, nhưng vẫn băn khoăn về thị trường tiêu thụ. Những đồ gốm này ngày xưa là để sử dụng hằng ngày, ngày nay trở thành đồ trang trí. Vậy thì tầng lớp nào sẽ tiêu thụ những món hàng xinh xắn này?



Bình cắm hoa


Bình, lọ trông rất lạ mắt - các nghệ nhân thế hệ mới thật là táo bạo. Nhưng những tác phẩm nghệ thuật như thế này hình như khó kiếm khách thưởng ngoạn.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: