Nguyễn Đình Đăng
Trong phần (1) – (3) của bài này, người viết tóm tắt lịch sử, giáo huấn cốt lõi và mục đích của Thiền dựa theo cuốn “Manual of Zen Buddhism” (Sách học Thiền Phật) của Daisetsu Teitaro Suzuki (1894 – 1966) – thiền sư Nhật Bản kiêm tiến sĩ văn học và giáo sư triết học Phật giáo, người được coi là đã có đóng góp quan trọng nhất trong việc truyền bá Thiền học sang phương Tây. Phần (4) kể truyền thuyết về 3 trong 6 vị tổ của Thiền tông mà người viết đã rút gọn lại từ các nguồn khác nhau.
1) Lịch sử tóm tắt của Thiền
Thiền (Zen 禅) là một tông phái của Phật Giáo Đại Thừa (Mahāyāna) [1], kết quả của sự kết hợp giữa lý thuyết hành thiền (Dhyāna) trong Phật giáo Ấn Độ với triết học Đạo Lão ở Trung Quốc.
Vị tổ đầu tiên (sơ tổ) của Thiền tông (禅宗) là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, 菩提達磨). Ngài là vị tổ thứ 28 tại Ấn Độ và là người đã đưa hành thiền vào Trung Quốc trong t.k. 5. Tại đây lý thuyết hành thiền Ấn Độ đã chịu ảnh hưởng của triết lý Đạo Lão và văn hoá Trung Hoa trong 3 thế kỷ từ cuối thời Nam – Bắc Triều (420 – 589), qua đời nhà Tùy (589 – 618), tới đời Đường (618-907) để phát triển trở thành Thiền tông. Đời Đường được coi là thời Hoàng Kim của Thiền tông. Sáu vị tổ của Thiền tông Trung quốc là:
1) Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma 菩提達磨, (khoảng t.k. 5 – t.k. 6)
2) Huệ Khả (Hui Ke 慧可, 487-593)
3) Tăng Xán (Sengkan 僧璨, mất 606)
4) Đạo Tín (Daoxin 道信, mất 580 – 651)
5) Hoằng Nhẫn (Hongren 弘忍, 601-674)
6) Huệ Năng (Hui Neng 慧能, 638-713)
Tới thời Tống (960 – 1279) Thiền tông trở thành trường phái Phật giáo lớn nhất Trung Quốc và có nhiều nhánh.
Từ Trung Quốc Thiền tông được truyền bá về phía nam tới Việt Nam (t.k. 6), phía đông tới Triều Tiên (t.k. 7 – 9) và Nhật Bản (t.k. 12).
2) Cốt lõi của Thiền
Giáo huấn cốt lõi của Thiền được trình bày trong Kinh Lăng Già (Lankavatara Sutra 楞伽經) [2] – kinh Phật giáo đại thừa quan trọng bậc nhất của Thiền tông. Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma được cho là đã truyền kinh này cho đệ tử Huệ Khả.
Khái niệm nền tảng của Thiền là “Duy Tâm” (cittamatra, chỉ có tâm) tức cái tâm tuyệt đối [3], khác cái tâm (hay trí tuệ) thông thường mà tâm lý học nghiên cứu. Trong kinh Lăng Già khái niệm Duy Tâm còn được gọi là Tịch Diệt Pháp (viviktadhama) tức Phật pháp của Cô quạnh, hoàn toàn tĩnh lặng [4]. Đó là thực tại tận cùng và chân lý tối thượng chi phối toàn bộ giá trị của thế giới vật chất. Duy Tâm bao trùm tất cả vì vậy không có sự phân biệt giữa Đức Phật và chúng sinh trong Duy Tâm. Mục đích của Thiền là đạt tới Duy Tâm. Con đường đạt tới chân lý đó là tự thân giác ngộ (svapratyatmagati).
Duy Tâm là thực tại tuyệt đối duy nhất. Không có thực tại nào khác ngoài Duy Tâm. Tất cả những gì ta cảm nhận được trong ý thức (tức cái tâm thông thường, vijnanas) như vật chất (thông qua nhìn, nghe, ngửi, sờ chạm, nếm) đều chỉ là ảo giác, hiện ra và biến đi trong Duy Tâm. Thế giới khách quan bị thống trị bởi nghiệp (karma) [5] và nhân quả, sinh ra do có sự phân biệt. Đó là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sinh – tử hay luân hồi (samsara). Nếu không có sự phân biệt thì không thể có thế giới nào cả.
Sự phân biệt sinh ra từ tập khí (vasana), tức là các thói quen của nghị lực ký ức, tiềm ẩn trong “Cái-Tâm-Chứa-Tất-Cả” (hay A-lại-da-tàng thức, alayavijana). Cái-Tâm-Chứa -Tất-Cả này nằm im lìm thụ động và chỉ bừng tỉnh nhờ một tác động bí hiểm mà chỉ cóThánh Trí (aryajnana) mới có chức năng hiểu được. Cái-Tâm-Chứa-Tất-Cả còn được coi là xuất xứ của Như Lai (Tathagata) vì thế còn có tên là Như Lai Tạng (Tathagata-garbha) tức cái thai mang và nuôi dưỡng Như Lai. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm(Surangama Sutra楞嚴經) (t.k. 8) Như Lai Tạng được gọi là cái Tâm Thiết Yếu và được mô tả như một cái gì đó rất độc đáo, bí hiểm, sáng ngời một cách kỳ bí, chân thực, hoàn hảo, long lanh như châu báu v.v., mà trí tuệ không thể đạt tới được. Trong Như Lai tạng hình là hư không và hư không là hình (sắc bất dị không, không bất dị sắc). Đó là nguồn của toàn bộ sự hiểu biết, là bản chất thực. Không có sáng tạo và hủy diệt trong Cái-Tâm-Chứa-Tất-Cả.
Trong đời thường, khi ta muốn biểu hiện một cái gì đó đúng bằng cách đối chiếu với cái sai, ta làm cả hai cái thành sai. Khi ta cố giải thích khách thể bằng chủ thể và chủ thể bằng khách thể, ta đã tạo ra một thế giới của một chuỗi vô tận các đối kháng và không lĩnh hội được thực chất của bất cứ thứ gì. Khi cái bản ngã hiện ra thì Tính Thể (Bản Chất) như đoá sen bí mật cũng tan biến. Các giác quan và nhận thức của chúng ta hoạt động hướng ngoại vào một thế giới mang tính tương đối. Vì thế chúng ta bị sa vào đó và không đạt được tự do vốn có trong mỗi chúng ta. Kết quả là chúng ta bị quấy nhiễu phiền não khổ sở tứ bề. Để xua mọi điều đó đi cần một sự đột chuyển (paravrittasraya) trong ý thức sâu thẳm nhất của bản thân chúng ta bằng con đường của Tự thân giác ngộ.
3) Tự thân giác ngộ
Theo Kinh Lăng Già, Thiền không tìm kiếm giải thoát khỏi kiếp luân hồi để tới Niết Bàn bằng ba con đường tiểu thừa, đại thừa và kim cương thừa như những kẻ phàm phu thường phân biệt. Họ không hiểu rằng Niết bàn nằm trong Cái–Tâm-Chứa-Tất-Cả nơi xảy ra sự đột chuyển bằng tự thân giác ngộ.
Như Lai giáo huấn rằng mọi vật đều vô sinh (không được sinh ra) bởi vì chúng không có thực tại mà chỉ là biểu hiện của Duy Tâm. Chúng không được sinh ra thành chúng sinh và phi chúng sinh, vậy nên chúng là vô sinh, tựa như sừng thỏ, sừng ngựa, sừng lừa, sừng lạc đà vậy. Chân lý mọi vật đều vô sinh trong tự tính là thuộc lĩnh vực của tự thân giác ngộ, chỉ đạt được bằng thánh trí, chứ không thuộc lĩnh vực nhị nguyên của những kẻ ngu si và trí tuệ tầm thường. Các đặc tính và tự tính của thân chỉ nổi lên khi những kẻ phàm phu tưởng mình có thể nắm bắt được Cái-Tâm-Chứa-Tất-Cả. Từ đó họ sa vào quan điểm nhị nguyên của sự hiện hữu, sự xuất hiện, trụ định, và biến đi của hiện hữu, họ coi mọi vật là hữu sinh và phân biệt thành chúng sinh và phi chúng sinh. Vì vậy hành Thiền tức là phải đặt mình vào kỷ luật của tự thân giác ngộ.
Để đi đúng đường, sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma đã giáo huấn 2 cách nhập và 4 cách hành động (nhị nhập tứ hành). Hai cách nhập là “Lý nhập” (Vào bằng lý thuyết) và “Hành nhập” (Vào bằng thực hành). Lý nhập là đạt được giác ngộ qua hiểu kinh kệ. Hành nhập là đạt được giác ngộ qua thực hành bằng 4 cách: 1) làm thế nào đáp trả thù oán, 2) chấp nhận nghiệp của mình, 3) không thèm muốn, 4) thực hành theo Phật pháp.
Trong “Truyền tâm pháp yếu” (tức luận thuyết cơ bản về truyền tâm) thiền sư đời Đường tên là Hoàng Bách Hy Vận (黄檗希運) (mất năm 850) nói: “Thay vì nhìn hướng nội vào trong tâm mình, các phật tử ngày nay chỉ nhìn hướng ngoại. Họ bị vướng vào các hình thể của thế giới, vì thế mà vi phạm chân lý.” Ông còn nói: “Khi tâm được tự do, thoát khỏi mọi hình dạng thì không còn sự phân biệt giữa Phật và chúng sinh nữa; một khi đạt được trạng thái vô tâm (無心) tức là cuộc đời của Phật tử đã hoàn tất. Nếu Phật tử không có khả năng nhìn thấu vào chân lý của vô tâm mà không cần bất cứ thứ gì làm trung gian, thì mọi trì giới về số kiếp mà họ noi theo sẽ không giúp gì cho họ đạt được giác ngộ, và họ sẽ không bao giờ được giải thoát. Trong quá trình đạt tới vô tâm, một số người sẽ tiến nhanh hơn những người khác. Có những người đạt được vô tâm ngay lập tức chỉ sau một lần nghe thuyết pháp, trong khi những người khác chỉ đạt tới sau khi trải qua toàn bộ các bậc phấn đấu của Bồ Tát hạnh.”
Cái-Tâm-Chứa-Tất-Cả hay Như Lai tạng hay cái Tâm Thiết Yếu là tiên đề đồng thời cũng là khái niệm khó nhất của toàn bộ Thiền học. Thiền sư Hoàng Bách Hy Vận giải thích: “Pháp là Tâm, bởi không có Pháp tách rời khỏi Tâm. Tâm là Pháp bởi không có Tâm tách rời khỏi Pháp. Tâm trong chính nó là vô tâm, và cũng không có cả vô tâm. Khi tâm tìm kiếm vô tâm tức là đã tạo ra một đối tượng đặc biệt của tư duy rồi. Lời chứng duy nhất là sự im lặng, vượt ra ngoài tư duy. Vì thế Pháp đoạn tuyệt với lời nói và đặt dấu chấm hết cho toàn bộ mọi trạng thái tinh thần. Cái Tâm này là Khởi Nguồn, là Phật tính tinh khiết tuyệt đối, có trong mỗi người chúng ta. Mọi chúng sinh dù thấp hèn tới đâu cũng chẳng khác gì các Đức Phật hay các vị Bồ Tát bởi tất cả đều cùng một bản thể. Chỉ vì những tưởng tượng và phân biệt sai lạc của mình mà các chúng sinh tạo ra nghiệp và hứng chịu hậu quả, trong khi Phật tính không có gì tương ứng với điều này. Phật tính trống rỗng, cho phép mọi thứ đi qua, hoàn toàn tĩnh lặng mà chiếu rọi, an bình và cực lạc. (…) Một khi bạn đạt được vô tâm mà không cần bất cứ thứ gì làm trung gian thì bản thể sẽ tự nó hiện ra với bạn, tựa như mặt trời hiện ra trên bầu trời, rọi chiếu khắp bốn phương và không có gì có thể cản đường nữa.
Vì lẽ đó, khi những người theo Thiền không vượt được ra khỏi thế giới của các giác quan và tư duy, mọi thứ họ làm đều không có ý nghĩa gì quan trọng. Tuy nhiên, nếu triệt tiêu mọi cảm giác và tư duy thì cũng có nghĩa là khép lại mọi con đường tới cái Tâm. Cái Tâm phải được nhận ra trong khi các giác quan và tư duy hoạt động, nhưng nó không thuộc về cảm giác và tư duy mà cũng không độc lập với chúng. Đừng xây dựng các quan điểm và sự hiểu biết của bạn dựa trên cảm giác và tư duy, song cũng đừng tìm cái Tâm xa rời với các cảm giác và tư duy, đừng cố lĩnh hội Pháp mà lại từ bỏ cảm giác và tư duy. Chỉ khi nào bạn không bám vào hoặc tách khỏi các cảm giác và tư duy thì bạn mới có thể hưởng thụ tự do hoàn hảo không bị trở ngại, và chỉ khi đó bạn mới đạt được giác ngộ.”
4) Truyền thuyết về các vị tổ của Thiền
Bồ Đề Đạt Ma được coi là sơ tổ của Thiền tông, người đã mang hành Thiền vào Trung Quốc vào t.k. 5. Một số nguồn cho rằng ngài là hoàng tử thứ ba con vua Pallava xứ Tamil, phía đông nam Ấn Độ, gần Sri Lanka này nay. Để truyền bá Phật giáo Đại thừa và võ thuật, ngài đã đi từ Ấn Độ sang Indonesia, từ đó sang Malaysia, Thái Lan, Việt Nam (khoảng năm 447, đời nhà Tống), rồi từ đây lên phương bắc tức Trung Quốc ngày nay. Tại Trung Quốc ngài còn có tên là “Bích Nhãn Hồ” (碧眼胡) có nghĩa là “kẻ ngoại bang mắt biếc”. Ngài cũng được coi là vị tổ của môn phái võ Thiếu Lâm Tự.
Tục truyền vào năm 527, Bồ Đề Đạt Ma yết kiến Lương Vũ Đế – vua nước Lương, đồng thời là một nhà bảo trợ Phật giáo.
Vũ Đế hỏi: “Trẫm đã cho xây chùa, chép kinh, cứu vớt chư tăng, dựng tượng Phật không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?”
Đạt Ma đáp: “Không có công đức gì. Những việc bệ hạ đã làm đem lại nghiệp tốt trong thiên hạ, nhưng không phải công đức.”
Vũ Đế: “Vậy ý nghĩa tối cao của chân lý cao thượng là gì?”
Đạt Ma: “Không có chân lý cao thượng, chỉ có sự trống rỗng.”
Vũ Đế: “Ai đang đối diện với trẫm đây?”
Đạt Ma: “Tôi không biết.”
Sau khi Đạt Ma lui, Vũ Đế hỏi quan thủ thư Đạt Ma là ai. Quan thủ thư thưa đó là hiện thân của Quan Âm Bồ Tát thuyết giảng về Tâm Phật. Vũ Đế tỏ ý tiếc, định phái sứ giả đi mời Đạt Ma quay lại song quan thủ thư can, nói nếu dân chúng toàn quốc có chạy theo mời, ngài cũng không quay lại nữa đâu.
Huệ Khả chặt tay mình dâng Bồ Đề Đạt Ma.
Tranh mực nho năm 1496 của hoạ sĩ thiền sư Nhật Bản Sesshū Tōyō (1420-1506).
Tranh mực nho năm 1496 của hoạ sĩ thiền sư Nhật Bản Sesshū Tōyō (1420-1506).
Thấy Vũ Đế không hiểu chân tâm, Bồ Đề Đạt Ma bỏ nước Lương sang nước Bắc Ngụy, tới chùa Thiếu Lâm. Bị từ chối nhập chùa, ngài vào một cái hang gần đó ngồi thiền, mắt trân trân nhìn vào vách hang, không nói một lời nào. Để khỏi ngủ gật trong khi thiền, ngải đã cắt mí mắt cho mắt không nhắm lại được. Mí mắt ngài rơi xuống đất làm đâm chồi cây chè đầu tiên trên đất Trung Quốc. Từ đó trà trở thành đồ uống để giữ tỉnh táo trong khi thiền. Sau 9 năm ngồi thiền ngài được nhập chùa và giáo huấn tại đó. Một số sử sách khác lại chép rằng ngài đã tịch trong hang ở tư thế ngồi thẳng lưng, hai chân teo lại do ít vận động. Vì thế hình tượng Bồ Đề Đạt Ma tại Nhật Bản thường không có chân (Người Nhật gọi Bồ Đề Đạt Ma là Đa-rư-ma) [6].
Nhị tổ Thiền tông Huệ Khả vốn là người Hà Nam (Trung Quốc) có tên tự là Thần Quang. Năm 528 khi Thần Quang khoảng 40 tuổi, ngài gặp đức Bồ Đề Đạt Ma tại chùa Thiếu Lâm. Truyền thuyết kể rằng lúc đầu, bị đức Đạt Ma từ chối không nhận làm môn đệ, Thần Quang đã đứng dưới trời tuyết suốt đêm trước cửa hang của Đạt Ma, cho đến khi tuyết rơi ngập tới thắt lưng, rồi tự chặt cánh tay trái của mình dâng sơ tổ để chứng tỏ lòng thành. Đức Đạt Ma sau đó đã chấp nhận Thần Quang và đổi tên ngài thành Huệ Khả có nghĩa là “Khả năng Trí Tuệ”.
Sau 9 năm, Bồ Đề Đạt Ma có ý muốn quay về Ấn Độ. Ngài gọi các đệ tử tới để hỏi họ đã lĩnh hội được những gì từ ngài.
Đạo Phó nói: “Đạo không lệ thuộc vào câu chữ nhưng cũng không tách khỏi câu chữ.”
Đạt Ma nói: “Con đã đạt tới da của ta.”
Sư nữ Ni Tống Trì nói: “Như được thấy lãnh địa của Phật A Súc Bệ [7]. Nếu đã thấy một lần thì khỏi cần thấy lại nữa.”
Đạt Ma nói: “Con đã đạt tới thịt của ta.”
Đạt Ma nói: “Con đã đạt tới xương của ta.”
Cuối cùng đến lượt Huệ Khả. Ngài bước tới, im lặng vái chào, rồi lại đứng thẳng lên, không nói nửa lời.
Đạt Ma nói: “Con đã đạt tới tủy của ta.”
Bèn truyền kinh Lăng Giả kinh, áo cà sa và bát tộ cho Huệ Khả. Huệ Khả trở thành vị tổ thứ hai của Thiền Tông.
Ba năm sau khi Bồ Đề Đạt Ma qua đời, sứ thần nước Bắc Ngụy là Tống Vân (宋雲) thuật lại cho Ngụy vương rằng có gặp Đạt Ma tại vùng núi Pamir, tay cầm một chiếc dép, nói rằng đang trên đường về Ấn Độ. Ngụy vương ra lệnh tống giam Tống Vân vì bịa chuyện bởi Đạt Ma đã chết và được chôn cất tại một quả đồi gần chùa Thiếu Lâm. Ngôi mộ sau đó đã được khai quật. Trong quan tài không có xác người, mà chỉ còn lại một chiếc dép. Có truyền thuyết lại kể rằng Bồ Đề Đạt Ma, thọ tới 150 tuổi, trên đường quay về Ấn Độ đã ghé qua Nhật Bản. Tại đây ngài đã gặp và ứng tác thơ với Thái Tử Shotoku (574 – 622) – con của Nhật hoàng Yōmei (用明天皇Dụng Minh Thiên Hoàng).
Nhị tổ Huệ Khả quay về Hà Nam vào khoảng năm 534. Tại đây ngài giảng Phật pháp. Tín đồ theo ngài rất đông, khiến các giáo chủ uy tín trong vùng lo ngại và ghen ghét, gièm pha. Kết cục Huệ Khả bị chính quyền bắt và xử trảm. Truyền thuyết kề lại rằng khi đầu ngài lìa khỏi cổ, máu phun ra không đỏ mà trắng như sữa [10].
Vị tổ cuối cùng của Thiền tông là Huệ Năng. Ngài vốn con nhà nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, không được học hành, mù chữ, phải bán củi kiếm tiền nuôi mẹ già. Một hôm đi bán củi, nghe thấy một người qua đường đọc kinh Kim cương, ngài đột nhiên ngộ nhập. Hỏi người đó về kinh Kim cương, ngài được người đó kể về ngũ tổ Hoằng Nhẫn hiện đang trụ trì trên núi Hoàng Mai và còn được người đó cho 10 lạng bạc chu cấp cho mẹ già để yên tâm lên núi tầm sư học đạo. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn lúc đầu không muốn nhận, chê Huệ Năng là kẻ mọi rợ vô học từ xứ Lĩnh Nam, làm sao mà mong tu thành Phật được. Huệ Năng trả lời tuy người ta được phân ra người phương bắc và người phương nam, nhưng trong Phật tính không hề có phân biệt bắc nam. Tuy kẻ mọi rợ này bề ngoài trông khác Sư tổ, nhưng Phật tính của chúng ta có khác gì nhau. Nghe vậy Hoằng Nhẫn bèn nhận Huệ Năng làm đệ tử, sai chẻ củi giã gạo.
Khi ngũ tổ Hoằng Nhẫn muốn tìm người kế tục, ngài bảo các đệ tử mỗi người viết một bài kệ [11] xem hiểu biết ra sao về Duy Tâm. Chỉ có Thần Tú dám viết một bài lên tường như sau:
身是菩提樹, Thân thị bồ đề thụ,
心如明鏡臺。 Tâm như minh kính đài.
時時勤拂拭, Thời thời cần phất thức,
勿使惹塵埃。 Vật sử nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Thân là cây bồ đề,
Tâm như đài gương sáng.
Cần thường xuyên lau chùi,
Chớ để cho bụi bám.
Vì mù chữ, Huệ Năng đã nhờ một đệ tử của ngũ tổ Hoằng Nhẫn đọc bài thơ của Thần Tú cho mình nghe. Nghe xong, Huệ Năng nhờ viết lên tường, ngay cạnh bài kệ của Thần Tú, bốn câu ứng đối như sau:
菩提本無樹, Bồ đề bản vô thụ,
明鏡亦非臺。 Minh kính diệc phi đài.
本來無一物, Bản lai vô nhất vật,
何處惹塵埃。 Hà xứ nhạ trần ai?
Tạm dịch:
Bồ đề không phải cây,
Gương không đài vẫn sáng.
Vốn gốc chẳng có gì,
Chỗ nào cho bụi bám?
Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đọc bài kệ, hiểu ngay Huệ Năng hơn hẳn Thần Tú, song ngại Thần Tú ghen ghét ám hại, bèn bí mật vời Huệ Năng canh ba vào phòng, giảng trọn Kinh Kim Cương cho Huệ Năng. Tới câu “Đừng để tâm vướng vào bất cứ nơi nào”, Huệ Năng đột nhiên đại ngộ. Hoằng Nhẫn liền trao áo cà sa và bát tộ cho Huệ Năng và bảo lánh về phương Nam.
Sau 15 năm ẩn dật, Huệ Năng lên đường tới chùa Pháp Tính ở Quảng Châu. Khi đó ngài vẫn còn là một cư sĩ, chưa phải là sư. Tại đây Huệ Năng chứng kiến hai nhà sư cãi vã về lá phướn động hay gió động. Huệ Năng nói: “Chẳng phải gió cũng chẳng phải phướn động mà là tâm các vị động.” Hoà thượng chủ trì chùa là Ấn Tông nghe vậy, biết Huệ Năng không phải người tầm thường, bèn mời vào đàm đạo, rồi hỏi: “Nghe nói y pháp Hoàng Mai đã truyền về phương Nam, phải chăng chính là cư sĩ?” Huệ Năng trả lời: “Không dám.” Ấn Tông cả mừng, hỏi sao Huệ Năng không bàn về thiền định giải thoát. Huệ Năng bảo: “Vì đó là hai pháp, không phải là Phật pháp. Phật pháp là bất nhị.” Ấn Tông lại hỏi: “Thế nào là bất nhị?” Huệ Năng bảo: “Pháp sư giảng kinh Niết bàn, rõ được Phật tính, là vì Phật pháp là bất nhị. Thiện căn có hai, một là thường, hai là vô thường, Phật tính chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; một là thiện, hai là không thiện, Phật tính chẳng phải thiện, cũng chẳng phải không thiện, ấy là bất nhị; kẻ phàm phu thấy hai, bậc trí giả thấy rõ nó không hai, tính bất nhị tức là Phật tính.” Ấn Tông nghe vậy bèn chắp tay thưa: “Tôi giảng kinh ví như ngói gạch, nhân giả luận nghĩa ví như vàng ròng.” Bèn sai người cạo đầu cho Huệ Năng, mời Huệ Năng gia nhập Tăng già [12]rồi tôn Huệ Năng làm sư phụ.
Từ đó Huệ Năng bắt đầu công cuộc giáo hóa, lập ra phái Nam tông của Thiền, chủ trương đạt tới giác ngộ nhờ giác ngộ tức thì(đốn ngộ). Trong khi đó, ở phương bắc, Thần Tú tự nhận mình là người kế tục ngũ tổ, thành lập phái Bắc tông, chủ trương tu hành theo kinh sách để dần dần đạt giác ngộ (tiệm ngộ). Phái Nam tông kết hợp với đạo Lão, vốn cũng khinh thường văn tự, dần dần lấn át Bắc tông, trở thành Thiền tông của Trung Quốc.
Viết xong ngày 27/10/2012
Tài liệu tham khảo:
[1] D.T. Suzuki, Manual of Zen Buddhism (1935), (Buddha Dharma Education Association Inc.), 114 pages (A4).
[2] Thiện Phúc, Từ điển Phật học Anh – Việt, Việt – Anh, Pali – Việt, California, 2005.
Chú giải:
[1] Đại thừa (Cỗ xe lớn) là một trong hai giáo thừa lớn nhất của Phật giáo (giáo thừa kia là Tiểu thừa tức Cỗ xe nhỏ hay Hinayana). Chủ đích của Đại thừa là cứu độ mọi chúng sinh, nhấn mạnh đến giá trị của người tại gia, cho rằng những người thế tục cũng có thể đạt đại giác ngộ và Niết bàn nếu cố công tu hành.
[2] Kinh (sūtra 經) là sách ghi thuyết pháp hay lý thuyết của Phật giáo. Đa số các tông phái sử dụng bộ kinh của tông phái mình. Riêng Thiền tông cho phép tự do sử dụng tùy ý bất kỳ bộ kinh nào mà các Thiền sư thấy phù hợp, thậm chí không dùng bộ kinh nào cả. Đó là ý nghĩa của “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” của Thiền tông (Không theo văn tự, truyền giáo lý ngoài kinh điển) tức là chân lý phải được lĩnh hội trực tiếp, không lệ thuộc uy tín của bất cứ thứ gì, kể cả kinh điển.
[3] Không nên nhầm với khái niệm duy tâm (idealism) trong nhận thức luận thông thường, có xuất xứ từ kinh Vệ Đà trong đạo Bà La Môn của người Hindu (t.k. 17 – 11 tr. CN) ở phương Đông và triết học của Plato ở Hy Lạp (t.k. 5 – 4 tr CN).
[4] Pháp (Dharma hay Đạt ma) trong Phật giáo có nhiều nghĩa: 1) Luật vũ trụ, trật tự lớn mà chúng ta phải theo; 2) Học thuyết của Phật; 3) Toàn bộ các qui tắc đạo đức và các chuẩn mực ứng xử; 4) Những biểu hiện của hiện thực, sự vật và hiện tượng; 5) Tư tưởng và nội dung tâm thần, ý tưởng và phản ánh của các hiện tượng vào tinh thần con người; 6) Các nhân tố của sự tồn tại.
[5] Nghiệp (Karma) là hành động và phản ứng, quá trình liên tục của nhân và quả. Luân lý hay hành động tốt xấu xảy ra trong lúc sống, gây nên những quả báo tương ứng trong tương lai. Đời sống và hoàn cảnh hiện tại của chúng ta là sản phẩm của ý nghĩ và hành động của chúng ta trong quá khứ hay tiền kiếp; các hành vi của chúng ta đời nay, sẽ hình thành cách hiện hữu của chúng ta trong tương lai. Dù là loại nghiệp gì đều sẽ có quả báo đi theo.
[6] Nhật Bản có phong tục đầu năm mua đồ chơi Daruma bằng giấy bồi, tô một mắt, còn mắt kia để trắng hàm ý nhắc nhở mục đích phải phấn đấu. Tới cuối năm, sau khi đã đạt được mục đích của năm, người ta tô nốt mắt còn lại rồi đem Daruma ra chùa đốt cầu may.
[7] Tức Phật Bất Động (Aksobhya Buddha) hay Bồ Tát Trí Tích.
[8] Bốn yếu tố tạo nên vạn vật: địa (đất, chất rắn, tạo ra hình), thủy (nước, chất lỏng, gắn các phần tử với nhau), hỏa (lửa, tạo ra năng lượng, sinh khí ) vàphong (gió, tạo ra khí trong cơ thể).
[9] Năm nhóm cấu thành con người: sắc uẩn (rupa) tức hình dạng, thọ uần (vedana) tức tri giác, tưởng uẩn (samjna) tức tư duy,hành uẩn (samskara) tức các hoạt động của tâm thần, vàthức uẩn (vijana) tức nhận thức.
[10] Trong truyện “Kiếm sắc” của Nguyễn Huy Thiệp có một chi tiết rất giống truyền thuyết này: “Nghe nói Nguyễn Ánh đã sai đao phủ dùng thanh kiếm gia truyền của Lân để chém đầu Lân. Khi chém đầu, máu phun ra không đỏ mà trắng như nhựa cây, một lúc sau thì bết lại.”
[12] Một hội đồng gồm ít nhất bốn vị tăng, hay một cộng đồng Tăng Ni sống trong tinh thần lục hòa, tức 1) giới hòa đồng tu, 2) thân hòa đồng trụ, 3) kiến hòa đồng giải, 4) lợi hòa đồng quân, 5) khẩu hòa vô tranh, 6) ý hòa đồng duyệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét