Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Cao Thoại Châu – Những bài thơ phố núi

Nguyễn Mạnh Trinh

Nhà thơ Cao Thoại Châu

Cao Thoại Châu là tên của một thi sĩ thành danh từ những năm cuối thập niên 1960,1970 của hai mươi năm văn học miền Nam. Những bài thơ đăng trên những tạp chí văn nghệ thời đó như Văn, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Văn Học, Thời Tập… với một bản sắc riêng, là những trầm khúc buồn của những bài bảy chữ , tám chữ mang phong vị hành, có một chút gì trân trọng với đời, với ngươì nhưng cũng có nỗi niềm của lãng mạn trộn lẫn với thực tại nhiều điều không được như ý. Thi sĩ đã sinh sống trên nhiều vùng đất nước với những địa danh như Châu Ðốc, Kontum, Pleiku, Long An và đã để lại dấu ấn rất nhiều trong thơ của ông. Những nơi chốn ông đã sống từng phần đời mình với những kỷ niệm buồn nhiều hơn vui. Những nơi chốn đó đã thành kỷ niệm, thành một phần xương thịt của chính mình.

Ðặc biệt là Pleiku, thành phố của núi rừng, của nơi mà người tứ xứ đến đây lập nghiệp hay những chàng lính thú trấn ải địa đầu hoặc những người mang thân phận lưu đầy. Một bài thơ của Cao Thoại Châu viết khi ông ở thành phố của bà Chúa Rừng hoang sơ, một bài thơ mà nhiều người đã cho rằng là một bài thơ hay nhất của ông, bài” Ðể Nhớ Lúc Trâm Xa”. Ðối với chính mình, Cao Thoại Châu đã nhớ lại về bài thơ ấy:
“Có thể nói là…tội nghiệp không khi tới năm 1969, tức là khi 30 tuổi mà tôi vẫn trắng tay không có một mối tình nào? Ấy là câu tôi tự hỏi mình tại phi trường Kontum vào một buổi chiều lơ ngơ tại đó. Lúc ấy khoảng 5 giờ chiều miền núi trời tối nhanh, lại là một phi trường rất nhỏ nên ngoài tôi ra chỉ còn vài người hình như là lính gác phi trường. Tôi phải lội bộ vào thị xã bởi chuyến bay đưa tôi về Kontum theo lệnh biệt phái từ quân đội sang giáo dục là máy bay quân sự của Mỹ mà tôi đi nhờ. Họ đã bay đi mang theo hành lý của tôi quên trên đó. Ðó là lý do tôi phải lội bộ tay không cùng với câu hỏi tự nêu trên.
Sau gần 4 năm đi lính, tôi trở về trường cũ với tay không như vậy. Nhưng lần này là người lính nên mọi thứ cũng có phần mạnh dạn hơn. Tôi hay sang Pleiku chơi và gặp những anh em viết lách bên đó như Kim Tuấn, Vũ Hoàng, Chinh Yên. Lúc đó Chinh Yên làm gì đó ở đài phát thanh QÐII và anh kéo tôi vào làm cho …có tiền mà may quần áo. Chinh Yên bảo thế. Vậy là mỗi ngày tôi có một bài viết cho người ta đọc vào sáng tinh mơ và khuya lúc 10 giờ. Giọng con gái trong và trẻ, và biết cách đọc theo ý người viết. Cứ mỗi sáng sớm tôi lại phải ra gửi xe đò bài viết về Pleiku.
Tự nhiên thành thính giả trung thành của đài phát thanh, dần dà thành khán giả của cô phát thanh viên và cảm giọng đọc ấy. Một lần sang Pleiku tôi được cả Kim Tuấn lẫn Chinh Yên đẩy vào “vụ Trâm” và khuyên tôi nên xin đổi sang dạy học tại Pleiku. Từ Kontum xin về Sài Gòn thì còn phải chờ xét chứ đấy sang đây cùng núi rừng với nhau thì chỉ hai tuần là có sự vụ lệnh đưa tôi về trường Nữ Trung Học Pleime tại thị xã Pleiku. Tất nhiên chuyện  “cháu Trâm” với “anh Châu” mọi thứ đã có Kim Tuấn và Chinh Yên lo! Suốt mấy tháng quen nhau, vì nghề nghiệp ngày nào cô ấy cũng đọc bài tôi viết và chuyện gặp nhau cũng quá bình thường bởi nhà cô ấy là một quán cà phê có vườn cây. Lúc ấy là năm 1970 mà sao tay cô ấy chưa bị cầm bởi tôi? Nói chi đến những thứ cao cấp hơn?
Vài tháng đi qua thật nhanh, một hôm Trâm nhắn sẽ về Sài Gòn nghỉ phép nửa tháng và thế là tôi có mặt tại phi trường cũng vào một buổi chiều hơi có phần u ám nhưng lòng thì hình như trái lại. Trước lúc lên máy bay Trâm trao cho tôi một cuốn sách gói gọn gàng vuông vức có phần công kỹ trong tờ báo cũ và khi cửa máy bay vừa đóng thì tôi mở nó ra. Ðó là một thiệp mời đám cưới và cô dâu là cô phát thanh viên gần một năm vẫn đọc bài tôi viết! Có một mảnh giấy nhỏ có vẻ không viết vội vàng” Em biết là anh có cảm tình với em, nhưng gần một năm rồi anh không tỏ tình gì cả. Có người tới thì em phải đi lấy chồng…” Ðọc xong mấy hàng chữ tôi giật bắn cả người, thì ra thế!
Trên đường về thị xã tôi nhẩm lại bài học…yêu thì phải tỏ tình! Bài học này tôi có mang ra thực hành sau đó ở những trường hợp khác. Nhưng có những khi người nghe lại cười bảo, “Không cần thiết”. Và trên đường vào thị xã tôi nhẩm luôn cho tới khi tới nhà thì xong bài thơ này! Khi bài thơ đăng báo, nhiều người quen có lời chia sẻ về “nỗi buồn” của tôi, chắc là vì bài thơ ướt át theo phong vị của một chia ly cổ điển nhưng nào có ai hay tôi tỉnh rụi và buồn bã như được chia sẻ thì không…Mới đó mà bài thơ đã 42 tuổi đầu, còn nhân vật nay đã bao nhiêu, ở đâu, ra sao thì tôi lại cũng không hề biết. Có điều là không thể nào tôi quên nhân vật bởi hình như “Ðể Nhớ Lúc Trâm Xa” là một bài thơ có sức chịu đựng trước những va đập, cuốn trôi và “lăng trì” của thời gian?” (Có ai nỡ “ lăng trì’ văn chương thơ phú không, ngoài những người Công sản của chế độ hiện hữu)
Bài thơ có những câu mở đầu bằng những câu hỏi, những vấn nạn của một người về tình yêu. Cao Thoại Châu nói với người tình, xưng hô bằng một tiếng “người” vừa xa lạ vừa thân yêu nhưng lại có phảng phất một chút gì xa cách. Thốt nhiên tôi nhớ lại câu thơ Thâm Tâm, của Tống Biệt Hành “đưa người ta không đưa sang sông/ sao có tiếng sóng ở trong lòng” hay Nguyên Sa của Tiễn Biệt “Người về lòng tôi buồn hay lòng tôi vui/ Áo không có màu nên áo cũng chưa phai/ Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ/ Tôi đưa người hay người đưa tôi”. Mỗi người mỗi ý tưởng. Nhưng xưng hô hoặc nói với người tình như thế khác với “em”của nhiều thi sĩ khác hay cũng không giống nói với “cưng” của nhà thơ Nguyên Sa “Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng”.
Với Cao Thoại Châu, những câu thơ của một người viết vào ngaỳ 11 tháng 5 năm 1969 ở phố núi Pleiku tơí bây giờ vẫn còn âm vọng:
“Hình như tôi vừa tiễn một người
có điều gì mất đi trong tôi
Lúc qua đèo tôi nhủ mình như thế
Lệ có bào mòn núi cũng không nguôi
Mấy giờ trưa nay người lên phi cơ
Người măc áo hoa lần đầu gặp gỡ
Hay áo hồng như chiều hôm qua
Buổi chiều mây đùn trắng xóa
Cho tôi già trong một cõi vô tư..”
Thơ làm ở phố nhỏ non cao nên có một câu thơ hay, đặt đúng chỗ và nhiều gợi cảm. “Lệ có bào mòn núi cũng không nguôi”. Núi vẫn ngàn năm sừng sững và nỗi buồn cũng như thế, vẫn còn nguyên dù suối lệ sông đau cố gắng bào mòn. Trong nỗi buồn của người làm thơ vẫn tràn đầy hình ảnh núi rừng, hình ảnh của con phố heo hút ánh đèn, của những cây cầu, những ngã đường của kỷ niệm không quên. Có lúc, thi sĩ thấy mình là đá núi, là những đá tảng của muôn đời trăn trở kiếp nhân sinh. Những câu hỏi, những vấn nạn, không phải của riêng một người vừa mất đi một cuộc tình mà có khi là cảm giác chung của chúng ta, những sẻ chia trong cuộc đời thăm thẳm. Thơ của “Khi Nhớ Lúc Trâm Xa” có núi có sông của Pleiku như những câu, những ngôn ngữ tạo nhiều ấn tượng và cảm xúc:
“… Chuyện người đi đã là có thật
thôi cũng đành to nhỏ với hư không.
Tôi là núi sao người bỏ núi
Tôi là thuyền sao người không qua sông
Tôi là cầu sao người không qua thử
Cho tôi nhìn bóng nước rung rinh
Cho tôi nhìn tôi hốc hác điêu tàn
Cho tôi khóc và nghe tiếng khóc…”
Bài thơ dài. Mỗi đoạn là một câu hỏi cật vấn người nhưng cũng truy tìm chính chân dung mình. Và đã tìm được đời sống ở môi trường của thành phố Tây Nguyên lạnh lùng, của ánh đèn điện lập lòe, của mưa và nắng, của những chuyến phi cơ mang người đi xa bỏ lại bến đậu đã mất một bóng người, của nỗi sầu biền biệt ngàn năm như đá tảng in hằn bầu trời mịt mù sương khói. Thơ của Cao Thoại Châu thường là ngôn ngữ bình dị và những câu thơ có thể là 7 chữ xen lẫn với những câu 8 hoặc 9 chữ không câu thúc trong khuôn khổ đã làm cho ý tưởng được diễn tả phóng khoáng tạo được nhiều liên tưởng qua ngôn ngữ và hình ảnh.
Cao Thoại Châu đã làm bài thơ ở tuổi ba mươi khi lên núi rừng làm thầy giáo sau khi được biệt phái về Bộ Giáo Dục sau bốn năm ở lính. Bài “Tiễn chân tuổi ba mươi” ghi lại tâm sự một người tình nguyện lên sống ở thị xã mù sương:
“năm hai mươi tuổi ta vào đời
tập đu đưa cùng miếng cơm manh áo
và áo cơm làm rạn nứt tâm hồn
khi mở mắt thấy vô cùng hoảng sợ
rồi ta bỏ loài người lên núi cao
cho gần gũi mặt trời và Thượng
những người này đều không nói năng
không ồn ào như thị dân dưới đó.
Ở trên này ta như một thần linh
Mang tâm tư ngỏ cùng mặt trời
Vì tương đối mặt trời cũng gần mặt đất
Ở cao nguyên lúc nào cũng sướng
Chẳng cứ gì mùa hạ mùa xuân
Chẳng ngựa xe, hoan hô chúc tụng
Và chẳng ai nhận ra ai
Nên ta yên tâm uống rượu trong nhà
trong cô độc mới thấy mình sảng khoái…”
Nhưng Pleiku có bông quỳ vàng, có kỷ niệm một thời, có những hình bóng không thể nào phai nhòa dù cho năm tháng trôi qua. Con phố của thị xã đìu hiu, nhắc lại những hình bóng xưa, những tâm tình cũ.
“ Nghe lòng mình cùng phố núi chao nghiêng
nai gõ móng trên thềm đá cũ
nghe cả những mừng vui buồn tủi
dã quỳ ơi anh đã quay về
tình yêu và em tan trong anh
áng mây bay trên đầu ngọn núi
rơi xuống những ánh vàng chói lọi
đá vẫn chờ như thế cả ngàn năm
và đá buồn vì đá ở không
nhìn anh về cô đơn rét mướt
dã quỳ ơi làm sao em biết
sầu anh lên gò đống tan hoang
anh còn buồn như thế cả ngàn năm
khác chi đá trên cao vô vọng
dã quỳ ơi vàng trong trí tưởng
ngày vui sao quá đỗi âm thầm.”
Bài thơ “Dã quỳ rực rỡ dấu chân thơm” để gửi tặng bông Dã Quỳ Phố Núi là một dấu tích để đi về những ngõđường mà chất lãng mạn đã tràn ngợp trong tâm cảm. Thơ nhắc lại để đi về một nơi nào ở trong qúa khứ nhưng chưa ngủ yên. Hoa quỳ vàng, ôi những thảm lụa vàng của miền cao nguyên dài xõa đến lưng trời ở trên phi cơ nhìn xuống đẹp lạ lùng. Nhiều thi sĩ như Nguyễn Xuân Thiệp, như Nguyễn Bắc Sơn, như Cao Thoại Châu,… hình như rời xa vùng biên địa này đã lâu mà sao vẫn nhớ hoài cái biển hoa vàng rưng rưng trong nắng. Hoa quỳ, có phải là của riêng những người làm thơ mà thiên nhiên của một thành phố hoang sơ đã là thân thuộc muôn đời.
Phố núi Pleiku có thật nhiều nhà văn, nhà thơ đã tạo thành một thánh địa của văn chương như Vũ Hữu Ðịnh, như Kim Tuấn, như Nguyễn Bắc Sơn… Cao Thoại Châu với nhiều năm dạy học ở Pleiku cũng là một trong những nhà thơ làm vinh danh thành phố ấy
Ông đã trả lời một câu phỏng vấn: “Tôi đặt chân lên Pleiku thành phố sương mù ấy từ những năm tháng còn chiến tranh. Tôi dạy học tại Trường Nữ Trung Học Pleime. Hàng ngày lên lớp với học sinh thời gian rảnh rỗi quanh quẩn cùng Phố Núi, với bạn be đàm đạo văn học nghệ thuật. Sau năm 1975 tôi về Long An sinh sống. Với Pleiku tôi cũng đau đáu một thời, những hình ảnh thiên nhiên và gương mặt khó quên đã là ký ức bây giờ. Ngày ấy anh em chúng tôi có thành lập một quán cà phê lấy tên là “Cà Phê Tay Trái” ở phía sau lưng cà phê Dinh Ðiền đường Hai Bà Trưng bây giờ là nơi gặp gỡ anh em nghệ sĩ. Những năm trước, khi nhà thơ Kim Tuấn còn sống và một số anh em về Pleiku chơi. Bây giờ ít có dịp quay lại nơi ấy nhưng lòng vẫn đầy ắp Pleiku yêu thương…”
Mấy chục năm sau, Cao Thoại Châu vẫn còn vương vấn với miền núi cao nguyên. Ông làm thơ sống lại một thời qua “Bài hành Tây Nguyên”:
“ thời trai trẻ khinh đời ngạo mạn
nhận án lưu đầy lên Tây nguyên
lúc bấy giờ nơi này quê kệch lắm.
Cả đất và người đều vô tâm
Nhỏ như bàn tay bốn bề là núi
Chiều chưa buông sương khói đã mịt mờ giăng
Phi trường đứng co ro như cái ghế
Cho ta ra nhìn xuống đồng bằng
Ðêm nghe gió tưởng mình lính thú
Dù ta không mặc áo trận bao giờ
Nhà mướn phía sau là vườn mít
Trái sần sùi tua tủa giống yêu ma
Không có điện ta đành thắp nến
Cháy mùng mền biết đã bao khi
Bất đắc dĩ phải cho hàng xóm biết
Họ bu quanh chật cả căn nhà
Người tỉnh lẻ thường hay lắm chuyện
Bàn tán vì sao ta sống một mình
Có cô gái đến xin làm vợ
Bắt cái chồng kiếm rể cho Tây nguyên…”
Cao Thoại Châu tên thật là Cao Ðình Vưu sinh năm 1939 tại Giao Thủy Nam Ðịnh. Ông tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm năm 1962. Nhiệm sở đầu tiên của ông là Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Ðốc. Bút hiệu của ông được ghép từ chữ Thoại (là chữ lót của một cô gái gốc Hoa) và chữ Châu (Châu Ðốc) mà thành. Sau biến cố tết Mậu Thân, ông nhập ngũ và thành sĩ quan của QLVNCH. Năm 1970, ông được biệt phái về dạy học và dạy tại trường trung học nữ Pleime ở Pleiku. Ông dạy tại đây cho đến khi có cuộc di tản các tỉnh cao nguyên về vùng duyên hải. Sau năm 1975 ông bị tù cải tạo hơn 3 năm và sau đó bị nghỉ dạy một thời gian khá lâu khoảng 10 năm sau mới được gọi đi dạy ở trường Trung Học Phổ Thông Long An và về hưu tại đây. Hiện ông đang sống tại Sài Gòn, Việt Nam.
Năm 1969, Cao Thoại Châu được trở về với phấn trắng bảng đen sau mấy năm quân ngũ. Kontum là nhiệm sở đầu tiên và trong lòng người lính biệt phái có chút bận lòng. Trở về với nghề nghiệp của mình mà sao không vui. Bài thơ “Khi trở lại Kontum” mang những tâm tư ấy của một thời buổi chiến tranh được đăng trên tạp chí Văn đã bị kiểm duyệt nhiều câu:
“… Lời giảng cũ bây giờ làm hối hận
cùng lời thơ rơi xuống xanh xao
cửa tương lai không có lối vào
Ta cứ đứng bên ngoài bứt rứt
Thầy đã về như một hồn ma hiện
Nhìn các em hết sức bao dung
Sự gặp gỡ chính ra là ngã rẽ
Ta vô tình đi lạc giữa thân quen
Thầy đã về và tự nhiên phải nghĩ
Tuổi ba mươi vừa sống hết đời mình
Có tất cả bao nhiêu dấu hỏi
Ðều trở thành những dấu chấm than.”
Thực tế của một xã hội trong thời kỳ chiến tranh đã tạo ra bi quan cho những người cứ đau đáu trong lòng những lý tưởng hấp thụ từ sách vở trường lớp như Cao Thoại Châu. Thơ của ông buồn vì “Giọng thơ tôi buồn vì đời có nhiều cái gì vui đâu? Hơn nữa người ta có thể vui giả nhưng phải buồn thật, mà cái thật là quý chứ? Với tư cach người từng đi dạy, tôi không bi quan về cái hữu hạn của con người thế nên vẫn nhắc (học trò và chính mình) rằng sự bon chen, ti tiện chỉ làm khổ thân và…rút ngắn cái hữu hạn lại mà thôi”
Sau năm 1975, sau khi đi tù cải tạo, sau khi thất nghiệp làm nghề tạm bợ để mưu sinh, ông được trở lại đi dạy học. So sánh hai nền giáo dục của hai thời kỳ trước và sau năm 1975, Cao Thoại Châu đã thẳng thắn phát biểu ý nghĩ của mình không né tránh: “Nói thật nhé, khác nhiều lắm. Thời ấy xã hội tôn trọng người thầy hơn nhiều, ‘nuôi’ người thầy ở một mức trung lưu để cho anh ta…sạch. Cái khổ của người thầy bây giờ theo thiển ý và xin nói đúng điều mình nghĩ nhiều sợi dây cột vào thân người thày quá, giáo án, hội họp, sách giáo khoa viết luôm thuộm mà sai tùm lum, thành tích (giả).”
Tuy đã bị tù vì là sĩ quan biệt phái và sau khi trở về Sài Gòn sống một đời lầm lũi áo cơm nhưng trong thơ, Cao Thoại Châu ít thổ lộ tâm can. Hoặc nếu có chỉ là những phớt qua như trong “Ðã Hết Thời Phát Vãng”:
“Cơn mưa sớm đưa ta về thành phố
đứa trẻ lạc loài nhớ lại buổi ra đi
ngồi thu lu trên chiếc xe đò
giống chiếc xe bít bùng đi phát vãng
mưa to quá xóa nhòa buổi sáng
kẻ lưu đầy trở lại phố phường xưa
gặp những ai ta đếm thử, không ngờ
chỉ thấy hai bên đường nhấp nhô cột điện…”
Tôi đọc thơ Cao Thoại Châu từ những lúc trên Văn, Bách Khoa, Nghệ Thuật,…từ những thập niên 70 khi những tạp chí ấy được mua và luồn trong áo saut nhà binh để tránh những hạt mưa ẩm ướt cùa thị xã ban đêm mưa buồn lạnh buốt. Ðến bây giờ qua cả trăm bài thơ mà ông làm về sau này và phổ biến trên mạng, tôi vẫn thấy chân dung một thi sĩ lấp lánh những tình cảm chân phương, rất nhạy cảm với cuộc sống và nâng niu từng con chữ trong phong cách diễn tả của mình. Dù thời thế đổi thay, ông còn sống ở trong nước nhưng thi ca vẫn là những cảm xúc chân thật để ông tâm sự với người yêu thương, với bằng hữu và với cả chính mình. Thơ của ông là những bài hành biến thể và là những ngôn từ ngất ngưởng của những tâm tưcủa một người luôn nhìn số phận đời mình qua lăng kính của một người làm thơ.
Riêng với tôi, Cao Thoại Châu là người còn rất nặng nợ với thành phố nhỏ “ đi dăm phút đã về chốn cũ” Pleiku. Ở đó có những ngày tháng không thể nào quên của một đời người nếu đã sống ở nơi chốn ấy. Cũng những cơn mưa làm lầy bùn đất đỏ làm vương trên gót quần hay tà áo trắng nữ sinh. Cũng có những mối tình của những hội ngộ lạ lùng như định mệnh. Cũng có những đôi tình nhân nên vợ thành chồng nhưng cũng có những mối tình của chia tan, của những bài thơ lãng mạn ghi chép lại từ những thi nhân nhiều cảm lụy. Cao Thoại Châu đã làm cho nắng ở chốn này hửng thêm, làm mưa ở nơi đây heo hút thêm và màu vàng dã quỳ rưng rưng thêm nỗi niềm của những người luôn hoài niệm về chốn cũ…
Nguyễn Mạnh Trinh
sangtao.org

Không có nhận xét nào: