Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

CÒN ĐÓ DI SẢN, PHẦN 1

Dũng Silk, tức Cu Bồi Sài Gòn, lần này, tháng 11, ra Huế vì mẹ đau. Ngoài những phiên trực ở bệnh viện anh Cu Sài đi lang thang ngoài đường, chụp ảnh. Từ một tấm ảnh chụp tượng cụ Phan Bội Châu, ở vườn hoa trước mặt khách sạn Morin, bạn Thùy Chương khóa 10 KMH, hiện sống bên kia bờ đại dương, nêu lên thắc mắc phải chăng đây là bức tượng trước đây đặt tại Phường Đúc, và  tại sao tượng có râu rậm, không giống với ảnh ở trong sách giáo khoa lịch sử. Nhân đó, Hà Thúc Phú, K4, cùng với hai anh Dũng Silk và Bảo, K1, thực hiện một chuyến đi ngắn thăm từ đường cụ Phan, nghĩa trang Phan Bội Châu, và lăng Thái Phiên-Trần Cao Vân.


Tượng cụ Phan Bội Châu, đặt tại vườn hoa đường Lê Lợi, trước mặt khách sạn Morin, tại địa điểm trước kia là Đài Phát Thanh Huế.



Công trình này do một số trí thức, văn nghệ sĩ Huế vận động quyên góp từ nhiều giới như sinh viên, học sinh, thương gia và yêu cầu nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, giảng viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, khi ấy đang được mời giảng ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế thực hiện. Lê Thành Nhơn đã hoàn thành bản thiết kế năm 1973 và bắt tay thực hiện ngay ở một xưởng tại Phường Đúc. Tượng được làm từ 12 mảnh đúc đồng và khi ghép lại tượng cao 4,5 m, rộng 3,5m và dày 2,5m, nặng khoảng 7 tấn. 

Vào năm 1974 tượng mới hoàn thành giai đoạn một, chưa thực hiện bức phù điêu ở chân tượng. Do đó tượng được để nguyên tại đây. Sau 1975, giới trí thức Huế tiếp tục vận động tìm chỗ đặt tượng. Mãi đến năm 1988 chính quyền mới cho phép đưa tượng về đặt tại từ đường cụ Phan ại số 119 đường Phan Bội Châu, bên cạnh chùa Từ Đàm. Ngày 25/3/2012 tượng được chuyển về vị trí hiện nay. 

Như vậy thì đây đúng là bức tượng mà thùy Chương đã thấy ở Phường Đúc. 

Trong vườn hoa này còn có bia kỷ niệm Thánh Tử Đạo, những Phật tử đã ngã xuống vào đêm Phật Đản, rằm tháng tư âm lịch, năm 1963.


Bia Kỷ Niệm Thánh Tử Đạo


Bia Kỷ Niệm Thánh Tử Đạo và tượng Phan Bội Châu ở đằng xa

Để đối chiếu với những bức ảnh, anh Bảo lục lại trong Wikipedia, tìm ra hai ảnh, một vào thời trai trẻ, và ảnh kia thường thấy trong sách giáo khoa.

Nguồn: Wikipedia

Trong ảnh người đứng là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, người ngồi là Phan Bội Châu. 


Ảnh thường thấy trong sách lịch sử.

Câu hỏi thứ hai tại sao có sự khác biệt giữa ảnh và tượng thì có thể trả lời là người họa sĩ hay điêu khắc thường sáng tác theo hình ảnh trong tâm trí mình, không nhất thiết phải đúng kích thước hay tỷ lệ trong tấm ảnh. Nhà nghệ sĩ có thể tạo ra những điểm nhấn để truyền đạt một thông điệp nào đó. Chẳng hạn, lông mày của tượng gồ lên, cau lại,diễn tả thái độ bất bình, thách thức chế độ thực dân. Bộ râu rậm diễn tả sức mạnh ý chí. Toàn bộ gương mặt toát lên sự cứng cỏi, quyết tâm tranh đấu cho nền độc lập.

Thiết nghĩ, cũng nên nhắc lại rằng năm 1904 Phan Bội Châu và một số bạn bè thành lập Duy Tân hội tại Quảng Nam nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, đã tôn Cường Để, hậu duệ của Hoàng Tử Cảnh (con trưởng vua Gia Long), làm Hội chủ. Năm 1905 ông sang Nhật đề cầu viện. Sau đó đưa Cường Để và nhiều thanh niên ưu tú sang Nhật học, khai sinh ra phong trào Đông Du. Đến năm 1908, hội đã đưa được khoảng 200 thanh niên từ nhiều nơi trên cả nước sang Nhật du học. 

Trong năm này ở Quảng Nam nổi lên phong trào "cự sưu khất thuế". tức là chống thuể. Phong trào này lan ra các tỉnh và bị Pháp đàn áp mạnh mẽ. Một số nhân vật quan trọng trong hội như Nguyễn Hàm bị bắt. Pháp còn đón bắt được hai người của hội từ Nhật về để nhận tiền tài trợ cho du học sinh. Sau đó, vào tháng 9, 1908, Pháp ký với Nhật một hiệp ước, theo đó Nhật trục xuất tất cả các du học sinh, và cả Phan Bội Châu và Cường Để.

Các du sinh phải lánh nạn sang Trung Quốc, Xiêm La (Thái Lan) hay Lào. Năm 1912 hội Duy Tân họp tại Quảng Đông, Trung Quốc đã quyết định giải thể hội và thành lập một hội khác lấy tên là Việt Nam Quang Phục Hội, đổi tôn chỉ từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ, và vẫn giữ Cường Để làm Bộ Trưởng Tổng Vụ của Việt Nam Quang Phục Hội.

Hội thực hiện một số vụ ám sát các viên chức người Pháp và quan lại người Việt cho nên chính phủ thực dân đã kết án tử hình vắng mặt Phan Bội Châu  và Cường Để. Năm 1913 Pháp lại thương lượng với Trung Quốc bắt giam Phan Bội Châu và một số người của Quang Phục Hội. Nhờ sự vận động của Nguyễn Thượng Hiền ở Bắc Kinh, Trung Quốc không dẫn độ các nhà cách mạng về cho Pháp, nhưng giam giữ tới năm 1917. 


Cụ Phan Bội Châu, nguồn: Wikipedia
Dù vắng mặt cụ Phan, Hội vẫn tổ chức nhiều hoạt động như đánh đồn Tà Lùng ở Cao Bằng (1915) do Nguyễn Thượng Hiền lãnh đạo, phá ngục Lao Bảo (1915), khởi nghĩa ở Trung Kỳ (1916) do Thái Phiên và Trần Cao Vân liên kết với vua Duy Tân,  khởi nghĩa ở Thái Nguyên (1917) do Trịnh Văn Cấn tổ chức, mưu sát toàn Quyền Đông Dương  Merlin ở Quảng Châu, Trung Quốc (1924), do Phạm Hồng Thái thực hiện. 

Năm 1925 Phan Bội Châu bị bắt cóc tại Thượng Hải đưa về Việt Nam và tòa án xử tù chung thân. Những người yêu nước khắp nơi đã biểu tình đòi hỏi thả cụ Phan. Sau đó Pháp đã đưa cụ về an trí trên đỉnh dốc Bến Ngự cho nên người ta gọi cụ là "ông già Bến Ngự". Cụ sống ở đây cho đến cuối đời và mất vào năm 1940.


Từ đường, bây giờ gọi là nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu. Xa xa là nhà ở xưa của cụ.



Dũng Silk đứng trước ngôi nhà phục chế, bên trái là nhà bên trong có bàn thờ cụ Phan



Do không có ai mở cửa nên phó nhòm chụp hình qua cửa số, không rõ nét cho lắm



Mộ cụ Phan nằm ở giữa sân



Sau lưng mộ cụ Phan là Bia Kỷ Niệm quan hệ giao lưu Việt Nhật dựng vào năm 2010 nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của bác sĩ Asaba Sakitaro. Bác sĩ Asaba là người đã tài trợ kinh phí cho du học sinh Việt Nam và các nhà lãnh đạo phong trào Đông Du bị trục xuất hồi hương vào năm 1909.  Năm 1918 cụ Phan đã quay lại Nhật, đến quê hương của bác sĩ Asaba và dựng bia kỷ niệm ân nhân tại đền Jorin, tại làng Umeyama, tỉnh Shizuoka. Tấm bia đó đã trở thành biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nhật. Trên tấm bia mà hội Asaba đặt tại từ đường cụ Phan có hình tấm bia cụ Phan đã đặt tại đền Jorin.



Cụ Phan dựng bia kỷ niệm ân nhân là bác sĩ Asaba tại quê nhà làng Umeyama. Trong hình cụ Phan là người ngồi hàng trước, thứ ba từ bên trái sang.

Trong sân nhà cụ Phan còn có tấm bia ghi lời cụ ca ngợi gương hy sinh của bà Lê Thị Đàn, một thành viên của Duy Tân hội, bị bắt và tra khảo trong nhà tù ở Quảng Trị, năm 1910, nhưng bà không khai và đã tự sát. Cụ Phan đã gọi bà là Ấu Triệu, tức bà Triệu nhỏ.



Bia Ấu Triệu



Mộ của Tăng Bạt Hổ, một chiến sĩ đấu tranh cho độc lập.
Tăng Bạt Hổ, người huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, từ năm 14 tuổi đã tham gia đánh Pháp trong đội quân do tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy. Sau đó, hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi năm 1885, ông đã về quê chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ chống Pháp. Năm 1887, căn cứ bị thất trận, ông phải lánh nạn qua Lào, Thái Lan, Trung Quốc, làm thủy thủ trên các tàu buôn và tham gia hải quân Nhật. Ông đã lập chiến công lớn trong trận Đại Liên và Lữ Thuận đánh quân Nga. Nhưng sau đó nghe theo lời khuyên của các chính khách Nhật ông về nước cùng với Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du, và chính ông đã đưa cụ Phan và Đặng Tử Kính sang Nhật, gặp gỡ những nhà hảo tâm và chính khách ở đó. Trong một lần công tác qua Huế năm 1906, ông lâm bệnh nặng và mất. Ông được bạn bè an táng ở làng Thế Lại Thượng. Năm 1956, một số thân hào nhân sĩ làng Thế Lại đã tổ chức truy điệu và cải táng hài cốt ông ở từ đường cụ Phan.

Ngoài ra trong khuôn viên từ đường còn có mộ của hai con chó, con Vá và con Ky, mà cụ Phan đã thương tiếc, chôn cất, và lập bia để ca ngợi tấm lòng trung nghĩa cũng như răn dạy đồng bào noi theo gương nghĩa dũng. 




Con Vá chết năm 1934. Bia đề:
 "Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó. Ôi con Vá này, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú; nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó". 
Bia con Ky, chết năm 1939, ghi : "Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy! Ai ngờ con Ki này lại đủ hai đức ấy. Chung nhau thờ một chủ, thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó, thiệt là nhân đó. Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng cơm dẫn dụ, thiệt là trí đó. Trí vừa nhân. Nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mày mới thấy. Mày sao vội chết! Hỡi trời! Hỡi trời! Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời. Đau đớn quá! Đau đớn quá! Kìa những hạng muông người!”

Bản của TRẦN NGỌC BẢO gởi qua mail

Không có nhận xét nào: