Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

PHIÊU LÃNG MÙA ĐÔNG, PHẦN 4

TRẦN NGỌC BẢO
 
Rời nhà thờ họ Lê Quang, nhóm lãng du trở ra tỉnh lộ 6 đi về hướng đông nam, gần đến Ngã Ba Xã (gần trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã Phong Chương). Sau đó, rẽ trái vào thôn Trung Thạnh. Chúng tôi nhận ra đền thờ Trung Hiếu nhờ các trụ biểu và bên trong có một đài kỷ niệm, có lẽ  mới xây, nhưng trong khuôn viên có tới hai đền thờ. Một nằm ngay trước đài kỷ niệm, một xa hơn, nhưng kiến trúc kiểu xưa hơn, mặc dầu có dấu vết trùng tu cũng rất mới.
Tuy nhiên, một điều lạ , cũng như lăng mộ, đền thờ không có biển hướng dẫn khách tham quan; ngoài ra, cổng vào bị chặn bởi một hàng rào gỗ và cột bằng dây sắt. Tần ngần một chốc anh lái xe leo vào và tháo dây, kéo hàng rào vào trong một chút cho mọi người bước vào . 



Cổng gỗ đóng và bị cột bằng dây sắt. Bên trong là đền thờ xây theo kiến trúc xưa, có bình phong.



Quang cảnh từ trong đền thờ nhìn ra. Cửa đền đóng kín.



Đài Kỷ  Niệm ba vị anh hùng



Không vào bên trong điện thờ được, khách hành hương đành tượng niệm tiền nhân trong lòng.
Dũng Silk phát hiện một nhà vệ sinh mới xây, lon ton chạy tới, nhưng rồi chạy lui vì cửa cũng bị khóa.
Đi loanh quanh một chút rồi du khách đành bái biệt.

Khi lùi xe để trở đầu thì một sự cố nhỏ xảy ra: một bánh sau bị sụp hố ngay trước đền.



Cả bọn loay hoay tìm gạch, đá kê bánh để kích lên. May sao, khi trùng tu đền người ta bỏ lại mấy thanh gỗ và vài tảng bê tông. Khoảng 20 phút sau thì xe leo lên khỏi mương nước, tiếp tục cuộc hành trình.

Chúng tôi đi về Ngã Ba Xã, rẽ trái sang hướng Ngũ Điền, đi ngang qua chợ Phong Chương. Sau khi đi qua cầu Hòa Xuân (vượt qua sông Ô Lâu) một đoạn chúng tôi lại rẽ trái, đi ngược ra hướng tây bắc để thăm làng Kế Môn. Sở dĩ nhóm ghé qua Kế Môn là vì Đặng Hữu Hùng, khóa 7, thường hay nhắc đến với lòng tha thiết và tự hào, thứ đến, đây là quê hương của danh sĩ Nguyễn Lộ Trạch, người đã dâng cho vua Tự Đức những bản điều trần  cách tân đất nước (giống như Nguyễn Trường Tộ); đây cũng là quê hương của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai, người được ghi tên trên bia đá ở Văn Miếu (1843), làm quan đến chức Thượng Thư bộ Hình, và đặc biệt là quê của ông tổ nghề kim hoàn : hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. 

Thật ra quê ông Cao Đình Độ là làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, năm 1783,  ông  di cư vào Phú Xuân, nhưng trên đường đi, ngang đập Cửa Lát trên phá Tam Giang, ông gặp sóng to gió lớn nên lui về tạm trú ở một mảnh đất trống làng Kế Môn. Ông được dân làng giúp đỡ cho nên quyết định định cư lâu dài và truyền nghề làm kim hoàn cho dân làng. Ông được cả nhà Tây Sơn lẫn nhà Nguyễn mời về Phú Xuân sung vào đội Ngân tượng phục vụ triều đình. Hai cha con đã dạy nghề cho rất nhiều người trong và ngoài làng Kế Môn. Hiện nay ở các thành phố lớn như Huế, Đà Nẳng, Sài Gòn, và thậm chí ở California, Texas (Hoa Ky) đều có tiệm vàng của người Kế Môn. Nhà thờ tổ kim hoàn ở đường Chùa Ông được xếp loại di tích văn hóa. Đặc biệt, người quê Kế Môn sống xa xứ đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng quê hương như xây đắp đường sá, cầu cống, thư viện làng, đình chùa, miếu vũ.


Làng Kế Môn trải dài theo hướng tây bắc - đông nam. Phía tây bắc giáp làng Vĩnh Xương cùng thuộc xã Điền Môn và phía đông nam giáp làng Đại Lộc (hay Đại Lược). Đoạn quốc lộ 49B chạy qua làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, dài khoảng 2,4 km. Con đường này dân làng gọi là "đường quan". Nhìn qua đám ruộng có thể thấy một con đường khác chạy song song, ven đường là những ngôi nhà khang trang. Đường ấy người địa phương gọi là "đường ngang". Gần biển có một đường song song nữa, gọi là "đường rú", hay "đường cấy", ngăn cách làng với đụn cát ven biển. Ngoài ra có nhiều đường xóm thẳng góc với cả ba con đường này. Con sông Ô Lâu chạy dọc theo ranh giới phía Nam của làng, cho nên ở đây đồng ruộng tươi tốt. Cánh đồng từ đường quan ra đến sông Ô Lâu mới được gọi là "ruộng", còn cánh đồng từ đường quan đến đường ngang (trong hình) được gọi là "trưa". Tuy nhiên, diện tích đồng ruộng không nhiều vì đụn cát trắng mà làng chia sẻ với những làng khác ven biển có chiều rộng khoảng 1 km chạy dài đến cửa Thuận An. 

Trên độn có rừng cây thấp, và cây bụi gọi là "rú". Dân làng cũng trồng thêm phi lao và keo tai tượng để chắn gió. Đây cũng là vùng đất xây lăng mộ. Nhưng nếu người dân nói "đi độn" thì có nghĩa là lên đó để "bỏ thư" (người ở gần sông thì "đi sông", gần đồng ruộng thì "đi đồng"). Người ở đây gọi sông là "rào". Do đó ăn hột mít thì sau đó thường chạy lên độn hoặc chạy xuống rào, như trong bài hò mà dũng Silk thích hát nghêu ngao: "Ăn hột mít địt tầm phào, ra ngoài rào địt cái ộn, vô trong độn địt cái rầm, . . ."



Đình làng Kế Môn



Miếu thờ trước đình trông giống như chùa Một Cột ở Hà Nội



Nhà lưu niệm tổ nghề kim hoàn

Trên đường về xe đi qua các xã Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải, thuộc huyện Phong Điền, và khi sang xã Quảng Ngạn, thuộc huyện Quảng Điền thì nhớ lại lúc làm ký sự "Rong chơi Quảng Điền" có đoạn mô tả bến đò Cồn Tộc- Vĩnh Tu, Dũng Silk có hỏi khi nào đi sang Vĩnh Tu xem bên ấy có chi, cho nên lão Trần đề nghị dừng lại nơi đây để xem "có chi không". 



Bến đò Vĩnh Tu. Khách có thể đưa xe máy lên đò.



Hai nữ du khách ra ngắm bến đò vượt phá Tam Giang



Thấy có một chiếc võng trên bến, lão Trần nằm ngả lưng một chút thì giật mình vì có người ném tiền vào ngực. Hóa ra khách qua đò, "tự động" trả tiền đò bằng cách ấy. Vậy thì đây là võng của "ông cai bến đò". Xếp tiền vào dưới một cục đá, lão Trần đứng dậy vì đụng tới tiền và tình có thể nảy sinh nhiều rắc rối! 

Không rõ Dũng Silk có thấy ở đây "có chi không". Lão Trần thì thấy ở đâu cũng có những con người vất vả làm việc để mưu sinh, ai cũng mang trong lòng những nỗi buồn dai dẳng và niềm vui chóng qua. Nhà cửa, ngựa xe có thể khác nhau, nhưng ở đâu cũng có trời, đất, sông, biển, núi, đồi, cây cối gần như nhau.

Xe đi qua xã Quảng Công của huyện Quảng Điền rồi đến Hải Dương của huyện Hương Trà, băng qua cầu Tam Giang, mà dân gian gọi là cầu Ca Cút.



cầu Tam Giang (vượt qua phá Tam Giang) từ xã Hải Dương sang xã Hương Phong



Phá Tam Giang từ trên cầu nhìn xuống. Một vùng trời nước mênh mang. Tấm lòng đối với quê hương và con người cũng mở rộng mênh mang.
Xe tiếp tục đi qua cầu- đập Thảo Long (cuối dòng sông Hương), gần cửa biển Thuận An , rồi qua một cầu ngắn không tên bắc qua sông Phổ Lợi (biển ghi cầu 0km 148, 73), rẽ phải rồi trở về trên đường từ cửa Thuận lên phố.

Cuộc lữ nào cũng đến hồi kết thúc. Cuộc chia tay có ít nhiều lưu luyến vì vài hôm nữa hai cư dân Sài Gòn sẽ trở lại "mái nhà nay", những người còn lại trở về "mái nhà xưa". Hợp rồi tan là qui luật tự nhiên thôi.

Nhóm phiêu lãng Đồng Khánh-Kiểu Mẫu tháng 11, 2012.


BẢN DO TÁC GIẢ GỞI

Không có nhận xét nào: