Đưa ý kiến trên Báo Thanh Niên số ra ngày 11.3.2014, ông Trần Đình Sơn cho rằng quy chế trang phục năm 1845 thời Thiệu Trị cách rất xa thời họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ cuốn Lễ phục (1902), cụ thể là 57 năm. Do vậy, không thể dựa vào quy chế ấy để làm thước đo đánh giá bộ tranh của ông Nhân.
Quy chế chuẩn được ghi trong Hội điểnQuy chế được ghi lại trong Hội điển là quy chế chuẩn mực, nếu vào một thời điểm nào đó có thay đổi, quy chế mới ắt sẽ tiếp tục được ghi nhận và viết tiếp vào sách. Điều này được minh chứng qua hai bộ sách lớn của triều Nguyễn là Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Chính biên và Tục biên). Tuy nhiên, những khác biệt trong bộ tranh của Nguyễn Văn Nhân đã không tìm thấy bất kỳ cứ tư liệu nào xác quyết qua hai bộ Hội điển kể trên, cùng các sách ghi chép quy chế trang phục triều Nguyễn như Thoái thực ký văn, Đại Nam điển lệ toát yếu... cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Ở đây, trong khuôn khổ của bài báo, chúng tôi chỉ xin trình bày quy chế trang phục cổn miện, dạng trang phục vua quan nhà Nguyễn sử dụng khi tế trời, để qua đó thấy rằng những hình vẽ của ông Nhân hoàn toàn không khớp với quy chế cổn miện thời Minh Mạng 1830, cũng như những ảnh chụp cổn miện các năm 1885, 1916, 1923 cùng hiện vật áo cổn của hoàng đế triều Nguyễn.
Mũ miện 12 tua và 9 tua
Quy chế năm 1830 quy định rõ: Mũ miện của hoàng đế gồm 12 tua, mỗi tua 12 hạt ngọc; mũ miện của vương công gồm 9 tua, mỗi tua 9 hạt ngọc. Quy chế này được thể hiện rất rõ qua ảnh chụp Gia Hưng vương năm 1885, vua Khải Định năm 1916 và đại thần Tôn Thất Hân năm 1923. Hình vẽ của họa sĩ cung đình Tôn Thất Sa in trong bộ sách Những người bạn của cố đô Huế (BAVH) năm 1916 cũng thể hiện chính xác quy chế này (ảnh 1, 2).
Kết hợp với mũ miện là áo cổn màu xanh sẫm, gần đen. Theo đó, quy chế năm 1830 quy định: Áo cổn của hoàng đế thêu 6 hoa văn: nhật (mặt trời), nguyệt (mặt trăng) ở hai vai, tinh (sao), sơn (núi) ở lưng, long (rồng), hoa trùng (chim trĩ) ở hai ống tay áo; Xiêm thêu 6 hoa văn: tảo (rong), hỏa (lửa), phấn mễ (gạo), tông di (cốc tế), phủ (rìu), phất (hoa văn chữ Á 亞).
Áo cổn của vương công thêu 5 hoa văn: long (rồng) ở hai vai, sơn (núi) ở lưng, các hoa văn hỏa, hoa trùng, tông di mỗi hoa văn 3 hình ở hai ống tay áo. Màu cổ áo như màu áo. Xiêm thêu 4 hoa văn tảo, phấn mễ, phủ, phất.
Toàn bộ quy chế này, được thể hiện chính xác qua hình ảnh vua Khải Định và các vương công có mặt trong lễ tế Giao năm 1916 mà người Pháp chụp được (ảnh 4, 5).
Riêng họa tiết hoa trùng trên tay áo hoàng thân, ông Nhân vẽ thành hình gà trống. Theo sách Tống sử thì các hoàng đế nhà Tống (960 - 1279) mặc "áo cổn màu đen, có bảy hoa văn nhật, nguyệt, tinh, sơn, long, trĩ, hổ dữu". Sách Tam lễ đồ thời Tống chú rõ: "Trĩ tức là hoa trùng vậy". Ngay trên hiện vật áo cổn của hoàng đế nhà Nguyễn, họa tiết hoa trùng cũng thể hiện rõ là hình chim trĩ, được tham khảo từ họa tiết hoa trùng trong sách Tam tài đồ hội thời Minh (ảnh 6).
Trần Quang Đức
thanhnien.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét