Nhiều 'sạn' trong bộ kỳ thư về trang phục cung đình
10/03/2014 00:23Tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802 - 1945 của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn gây xôn xao dư luận những ngày qua, nhưng bên cạnh giá trị của tập sách vẫn còn có những điều chưa thật chính xác.
Một phần nội dung quan trọng của cuốn sách là 54 bức vẽ màu khai thác từ bộ tranh Grande tenue de la Cour d’Annam (Đại lễ phục của triều đình An Nam) do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân thực hiện năm 1902. Có thể nói đây là bộ tranh quý, có giá trị nghiên cứu không chỉ trong lĩnh vực phục trang.
Ảnh chụp quan võ tam phẩm triều Nguyễn so với tranh vẽ quan võ tứ phẩm, ngũ phẩm của Nguyễn Văn Nhân |
Chim trĩ thành... gà trống
Dạng trang phục đáng chú ý nhất trong bộ tranh này là trang phục cổn miện của hoàng đế và vương công sử dụng trong lễ tế Nam Giao. Trong tranh, vua và các vị vương công triều Nguyễn đều đội mũ miện có 4 ngù đỏ rủ xuống từ 4 góc mũ, tương tự lối trang sức trên tượng Diêm vương, Ngọc hoàng thờ trong các chùa Bắc bộ. Kết hợp với mũ miện 4 ngù là áo bào giao lĩnh cổ trắng, thêu các họa tiết rồng mây sóng nước. Đặc biệt trên áo cổn của hoàng thân có thể nhận ra một hình búa ở trên vai, dưới là hình chiếc bát, tiếp theo là hình gà trống ở ống tay áo.
Theo quy chế được ghi lại trong Hội điển triều Nguyễn, mũ miện dành cho hoàng đế gồm 12 tua ngọc; mũ dành cho vương công bồi tự gồm 9 tua ngọc. Các tua ngọc này đều rủ từ miện bản xuống trước mặt. Kết hợp với mũ miện là cổn phục màu xanh đen, trong đó cổn phục của hoàng đế gồm 12 hoa văn (áo cổn thêu 6 hoa văn, xiêm thêu 6 hoa văn), cổn phục của vương công gồm 9 hoa văn (áo cổn thêu 5 hoa văn, trong đó hoa văn lửa, chim trĩ, cốc tế mỗi hoa văn thêu 3 hình ở hai ống tay áo; xiêm thêu 4 hoa văn). Ngoài 12 hoa văn được gọi là thập nhị chương này ra, trên cổn phục không có họa tiết rồng mây sóng nước, cổ đồ bát bảo như áo bào triều phục.
Như vậy, rõ ràng hình vẽ áo cổn mũ miện của Nguyễn Văn Nhân không chính xác. Điều này chúng tôi đã có dịp nêu trong cuốn sách Ngàn năm áo mũ, trang 305. Cần lưu ý thêm, hoa văn búa không có trên áo cổn, chỉ xuất hiện ở xiêm; hoa văn chim trĩ trong tranh bị vẽ thành hình gà trống, còn hoa văn cốc tế thay vì có hình khỉ nằm trong cốc thì Nguyễn Văn Nhân lại vẽ hình ngọn lửa trên miệng bát. Đây chính là những lỗi lớn khiến chúng tôi cho rằng, dạng thức cổn miện thể hiện qua bộ tranh niên đại 1902 này chỉ là họa phẩm vẽ theo trí tưởng tượng.
Chân áo bào triều phục của các quan qua tranh Nguyễn Văn Nhân (cột trái) so sánh với chân áo hiện vật (cột phải) |
Ống tay áo lót trong thường được vẽ quá dài, dôi ra ngoài áo bào triều phục là điều vô lý, chỉ có trong trang phục hý kịch của Trung Quốc; hoa bào trong tranh chỉ được vẽ những họa tiết hoa ổ lớn, thiếu những hoa văn cổ đồ, bát bảo nhỏ thêu xen kẽ xung quanh...
Gấu, hải mã, tê ngưu... thành báo
Hội điển cho biết quy chế năm 1845 quy định, các quan từ tam phẩm trở lên mặc mãng bào (áo bào thêu hình tứ linh: long, lân, quy, phượng), tứ phẩm mặc giao bào (áo bào thêu hình giao long ổ tròn), ngũ phẩm, lục phẩm mặc bổ phục cổ tròn (áo bào cổ tròn, giữa ngực đính bổ tử, tức vuông vải thêu hình chim muông hoa lá)... Song trong tranh của Nguyễn Văn Nhân, quan chính tứ phẩm vẫn mặc mãng bào thay vì mặc giao bào, quan ngũ phẩm mặc hoa bào thay vì mặc bổ phục, quan lục phẩm mặc bổ phục cổ tròn nhưng lại vẽ thiếu bổ tử. Ngoài ra, mũ hổ đầu chỉ áp dụng cho các quan tam phẩm trở lên, quan tứ phẩm đội mũ xuân thu. Tranh của Nguyễn Văn Nhân cho thấy quan tứ phẩm vẫn đội mũ hổ đầu.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Nhân vẽ quan võ tứ phẩm dùng hình sư tử thay vì hình hổ, võ ngũ phẩm dùng hình hổ thay vì hình báo, còn lại từ lục phẩm đến cửu phẩm về cơ bản áo mũ giống hệt nhau, ngay bổ tử cũng không phân biệt được các hình gấu, hải mã, tê ngưu. Những con vật này đều được vẽ như hình con báo. Hình vẽ quan văn từ thất phẩm đến cửu phẩm cũng tương tự vậy.
Trần Quang Đức
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: Bộ tranh đại lễ phục Việt Nam không phải do tưởng tượng
11/03/2014 03:00Trên Thanh Niên số hôm qua 10.3 đăng bài của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức với nội dung nêu một số chi tiết chưa thật chuẩn xác trong bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân do cuốn Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn giới thiệu. Dưới đây là phản hồi của ông Trần Đình Sơn.
Thiền sư Linh Cơ - họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ |
Cần nhớ HS Nguyễn Văn Nhân làm việc tại Tòa Khâm sứ Pháp và là người của Hàn lâm viện triều Nguyễn. Với hai vị trí ấy, HS Nhân có đủ điều kiện và thẩm quyền để ra vào hoàng cung trong các dịp cần thiết, nên tranh của ông được vẽ bởi mắt thấy trực tiếp chứ không phải “tưởng tượng” để miêu tả. Một yếu tố khác góp phần đối chiếu để tìm hiểu thêm tác phẩm của HS Nhân là bộ sưu tập hiện vật về long bào của hoàng đế hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cùng với phượng bào của hoàng hậu và hoàng thái hậu, tứ linh bào và xiêm dệt hoa văn bát bửu, sóng nước, tiên hạc của các quan nhất phẩm, cùng các kim khánh, kim bội, kim bào, ngọc bào do gia tiên họ Trần để lại đang được chúng tôi lưu giữ cẩn thận.
Anh Trần Quang Đức nhận xét rằng so với quy chế năm 1845 về phẩm phục triều Nguyễn thì các tranh của HS Nhân vẽ có nhiều chi tiết không đúng như các quan từ tam phẩm trở lên. Ông nghĩ sao?
Dĩ nhiên tôi không đồng ý hoàn toàn. Vì thật ra quy chế năm 1845 dưới thời Thiệu Trị cách rất xa so với thời HS Nhân vẽ bộ Grande tenue de la Cour d’Annam tức bộ Đại lễ phục của triều đình An Nam vào năm 1902 dưới thời Thành Thái - vì khoảng cách cụ thể giữa việc ban hành quy chế trên với việc ứng dụng có đến hơn nửa thế kỷ, cụ thể là 57 năm. Trong thời gian đó, mỗi vị vua lên ngôi có những sở thích riêng của mình nên đã thay đổi nhiều nét về kiểu cách lễ phục, trang phục, kiến trúc lăng tẩm trong thời mình tại vị. Từ sở thích ấy, các vị vua thời Thiệu Trị đến thời Thành Thái có những điều chỉnh chi tiết trên áo bào triều phục của các vị quan, cũng như ngay trên đại lễ phục của mình. Vì thế không thể dựa vào quy chế ấy để làm thước đo duy nhất cho một vài chi tiết lẻ tẻ trong bộ tranh quý hiếm của HS Nguyễn Văn Nhân được.
Đại triều phục Hoàng thân - họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ Vua Thành Thái với võ phục - Ảnh: tư liệu của Trần Đình Sơn |
Là một nhà nghiên cứu, tôi cũng đã dự kiến trước những ý kiến không đồng thuận với mình. Tuy nhiên, trước khi có bài viết của ông Trần Quang Đức, tôi có đủ tài liệu để khẳng định rằng HS Nhân không phải “tưởng tượng” để vẽ như ông Đức đã hai lần nhắc đến trong bài viết của mình. Tôi có căn cứ để khẳng định điều đó. Mà trước hết là bức chân dung của tổ Linh Cơ do HS Nhân phác họa với dòng chữ ghi rõ: “Long phi Thành Thái thất niên tam nguyệt sơ nhị nhật” nghĩa là vẽ năm Thành Thái thứ bảy vào ngày mùng 2 tháng 3. Tiếp đó phía dưới tranh ghi: “Trú kinh Khâm sứ tòa kí lục Nguyễn Văn Nhân phụng họa”. Ở đây chúng ta chú ý chữ “phụng” đại để nghĩa là “tuân lệnh” cấp trên để vẽ chân dung tổ Linh Cơ. Mà tổ Linh Cơ là vị như thế nào khiến HS Nhân phải “phụng” mệnh vẽ? Ngài là thiền sư có thế danh họ Nguyễn, quê Quảng Nam, xuất gia lúc mới 14 tuổi, ra Huế trụ trì chùa Diệu Đế, làm am chủ chùa Tường Vân, là tăng cang chùa Giác Hoàng, từng được thiền sư Huệ Cảnh - người khai sơn chùa Tường Vân năm 1850 - trao kệ phú Pháp: “Linh Cơ diệu giác tại tâm vương. Thủy hải toàn thanh kiến nguyệt chương” - tạm hiểu thoát nghĩa là ngài Linh Cơ đã từ tâm vương của mình giác hiện ra ngoài, tựa như nước biển mênh mông thuần một màu sáng sạch, thanh tịnh, vằng vặc bóng trăng rằm. Nội dung câu kệ ấy chắc đã được HS Nhân ngẫm nghĩ để thể hiện qua chân dung truyền thần vẽ ngài Linh Cơ với đôi mắt mở, đôi môi cười như người đời, nhưng thần thái lại rất ung dung tự tại, thoát tục khác thường, lặng lẽ như mặt biển im lìm minh tịnh. Nối theo là câu “quán Hà Nội tỉnh, Hoài Đức phủ, Vĩnh Thuận huyện, Kim Liên tổng, Kim Liên phường” cho giới nghiên cứu rõ thông tin về quê quán và chức vụ của HS Nhân thời ấy. Vậy HS Nhân vẽ tổ Linh Cơ năm 1895 và bộ Đại lễ phục của triều đình An Nam (Grande tenue de la Cour d’Annam) năm 1902, căn cứ vào đó mà xét, thì HS Nhân được phép tiếp cận, tiếp xúc, nhìn thấy trực tiếp nhân dạng của vua, quan để vẽ tranh chân dung những nhân vật quan trọng nhất ấy vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 chứ không phải “tưởng tượng”.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức: không thông qua triều đình
Thông qua việc phát hiện bức tranh truyền thần tổ sư Hải
Toàn - Linh Cơ do Nguyễn Văn Nhân vẽ vào năm 1895, nhà nghiên cứu Trần
Đình Sơn cho biết quê quán của Nguyễn Văn Nhân. Năm 1895, ông Nhân làm
ký lục cho Tòa Khâm sứ Trung kỳ, cũng tức là viên chức làm việc biên
chép sổ sách cho chính quyền Pháp. Năm 1902, khi thực hiện bộ tranh Đại
lễ phục của triều đình An Nam, ông Nhân đề vào sách: Nguyễn Văn Nhân,
chức Biên tu Viện Hàn lâm hưu trí. Ông Trần Đình Sơn cho biết, theo thể
lệ mới của chính phủ Bảo hộ, ông Nhân đã xin ban phẩm hàm tương đương
với ngạch ký lục ở Tòa Khâm sứ là hàm Chánh thất phẩm. Đây chính là
nguyên do giải thích cho câu hỏi vì sao bộ tranh được trực tiếp đưa về
Pháp mà không thông qua triều đình Việt Nam. Cũng chính bởi Nguyễn Văn Nhân chỉ giữ chức ký lục cho chính quyền Pháp, đến khi gần về hưu mới xin được hàm Chánh thất phẩm, cho nên về lý thuyết mà nói, Nguyễn Văn Nhân không có đặc quyền đi lại tự do trong cung, tiếp xúc với những dạng trang phục đặc thù như HS cung đình Tôn Thất Sa, nên có những mẫu lễ phục vẽ theo sự tưởng tượng. |
Giao Hưởng
thanhnien online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét