Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Nguyễn Bắc Sơn, Chút Tình Mang Xuống Mộ Chí


nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn



1
. Điều không may cho Nguyễn Bắc Sơn, cũng là điều không may cho chúng tôi, những người bạn, những độc giả đang muốn viết về ông, là cho tới nay ông vẫn chưa về bên kia chín suối. Tại sao lại là điều không may cho ông, là tại vì Đời Là Một Bể Khổ, như Phật nói. Do vậy, chưa chết là chưa hết khổ. Mà, điều cũng là lạ, là đã rất nhiều lần ông muốn chết. Năm mới 15 tuổi, ông đã lên nghĩa địa, cắt gân tay, nằm chờ chết. Không may cho ông là có người vào thăm nghĩa địa, thấy ông nằm, máu me tùm lum tà la, người đó đã cứu ông, đã cản trở bước đi của ông "phiêu diêu miền cực lạc". Sau đó, ít nhất ông cũng có ba lần nhảy lầu tự tử, nhưng cũng chỉ sứt trán, rụng vài sợi lông, trầy da, tróc vẩy chút chút. Không chết, trong khi đời là bể khổ. Điều này Phật nói, chắc chắc là đúng, chứ không phải Lê Mai Lĩnh tôi nói. Thế là ông tiếp tục Ngụp, Lặn, Bơi, Nhảy, Đánh Đu trong bể khổ.
Như thế ít ra là ông đã chơi cho tới "bốn lần" thách thức, đùa với ông Tử Thần, và thách đố, đánh đu với ông Định Mệnh. Thấy ông Nguyễn Bắc Sơn chịu chơi quá, ông Tử Thần, và ông Định Mệnh chào thua.
Còn như cái việc ông NBS chưa "an giấc nghìn thu" là một điều không may cho chúng tôi. Là tại làm răng rứa? Xin thưa là tại vì: nếu như ông "thôi còn thở" khi viết về ông, chúng tôi hoàn toàn tự do, viết hưu, viết vượn, viết cọp, viết beo, viết thằn lằn, rắn rết, chúng tôi không sợ. Khi vui, chúng tôi cho ông lên tận chín tần mây. Khi buồn, chúng tôi đạp ông xuống bùn đen. Khi thương, chúng tôi gọi ông là thi hào, thi bá. Khi buồn, chúng tôi gọi ông là nhà thơ tép rêu, cò con.
Thật tội nghiệp, khó khăn cho chúng tôi là ông còn thở. Nên viết khen ông, thì sợ rằng, ông cho chúng tôi là một: lũ nịnh bợ, thấy ông là Thi Bá nên tìm cách tâng bốc để được đến gần ông. Nếu viết chê ông, thì sợ rằng, ông sẽ đánh cho chúng tôi sặc máu đầu có làm đơn năn nỉ xin ông tha, ông cũng không tha. Tôi phải viết hoa hai chữ Võ Sĩ. Thưa ông NBS, tôi biết sợ ông quá đi chứ. Tôi sợ nhất ở ông là ngón đòn "Song Cước" và nhiều ngón đòn khác nữa... Tôi đã có những đêm trăng Phan Thiết, chứng kiến ông dạy võ cho những đệ tử choai choai của ông dưới những tàn lá cây dừa, trước sân nhà của một người bạn gần cổng chữ Y.

Từ những đêm hôm ấy, tôi bắt đầu "kết-mô-đen" với ông.

2.
Bấy giờ là tháng 9 năm 1968, sau khi tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi chọn về tiểu khu Bình Thuận ( Phan Thiết). Sau khi trình diện phòng Tổng Quản Trị/ Ban I, viên Đại úy Trưởng Phòng cho tôi thêm một tuần nghỉ phép, để sau đó đến nhận Sự Vụ Lệnh ra đơn vị là một đại đội Địa Phương Quân đóng gần cổng chữ Y, đường lên Quân Y viện Đoàn Mạnh Hoạch, cũng là đường lên sân bay.
Trong một tuần nghỉ phép này, không biết do ai giới thiệu, tôi quen anh Nguyễn Văn Hải, tên khai sinh của thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn. Trong lần đầu gặp anh cùng với một số anh em văn nghệ địa phương trong một cuộc rượu, anh em yêu cầu tôi đọc thơ. Lần đó tôi đọc thơ và tôi đã khóc giữa cuộc rượu. Tôi không biết và nhớ là tôi đã khóc. Mãi tới lần sau đó, anh em nói cho tôi biết.
Từ đó chúng tôi quen nhau. Nhưng mãi tới hai năm sau, khi tuần báo Khởi Hành của Hội văn nghệ sĩ Quân Đội giới thiệu những bài thơ viết về chiến tranh "quá đã, quá xuất sắc, quá xuất thần" của Nguyễn Bắc Sơn, tình bạn và tình thơ giữa anh và tôi mới keo sơn gắn bó.
Tôi cũng được biết, người cha của anh cũng tham gia Kháng Chiến và tập kết như người cha của tôi. Và hẳn nhiên, người mẹ của anh cũng như người mẹ của tôi phải buôn bán tảo tần, đầu sông cuối chợ, mưa mai nắng trưa, nuôi con cho chồng "đi làm cách mạng". Còn như các ông càng làm cách mạng chừng nào thì loài người càng thêm sặc máu, nói như thơ NBS, thì đó là chuyện về sau. Nhưng trước nhất, vào cái thời điểm Thực Dân Pháp xâm lăng, "Đúng là các ông đã đi làm cách mạng"
Chúng tôi thành lập một nhóm văn nghệ tỉnh lẽ, gồm các anh: Tạ Chí Đại Trường, bấy giờ là trung úy phục vụ tại quân Y viện Đoàn Mạnh Hoạch, nhà thơ Từ Thế Mộng, nhà thơ Nguyễn Như mây, nhà văn Phạm Văn Nhàn, nhà thơ Nguyễn Dương Quang, nhà thơ Nguyễn Quốc Hùng, nhà thơ Mai Việt, nhà báo Nguyễn Ngọc Hương, nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhạc sĩ Phan Anh Dũng, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn và tôi... Sương Biên Thùy, một bút hiệu rất chi Cải lương, Hồ quảng.
Chúng tôi chủ trương và phát hành tờ Nguyệt san Quê Hương, ra được 2 số. Đó là tờ tạp chí văn học, nghệ thuật đầu tiên trong lịch sử văn chương chữ nghĩa của tỉnh Bình Thuận.
Tôi còn nhớ trong số 2, chủ đề viết về người nữ sinh Phan Thiết, có một bài phỏng vấn nhiều người, nhiều giới, xem họ nghĩ gì về người nữ sinh Phan Thiết. Bài phỏng vấn này do Nguyễn Bắc Sơn phụ trách.
Trong bài phỏng vấn đó, có một cô nữ sinh Phan Bôi Châu trả lời rất vui, rất ngộ nghĩnh. Cô nói: "Cha mẹ chúng tôi sinh chúng tôi ra đâu phải để cho các ông nhìn."
Tôi biết, trước đoạn đường gần trường Phan Bội Châu có một quán cà phê vỉa hè. Thường thường, mỗi ngày, mỗi buổi sáng, trước khi tới nhiệm sở, anh em chúng tôi, đa số là sĩ quan, ghé vào quán uống một ly cà phê đầu ngày, nhưng chủ đích thật ra là ngồi để chiêm ngưỡng nhan sắc của các cô.
Có lẽ cô này phàn nàn, khiếu nại, ta thán, nguyền rủa chúng tôi về trường hợp các cô "bị nhìn" như thế.

Vào năm 1971, tôi không nhớ tháng nào, tôi nạp đơn ứng cử dân biểu. Hình như điều này không làm cho NBS vui, nên trong thời gian đó tôi chạy ngược chạy xuôi, lầm lũi ngày đêm đi kiếm, đi xin phiếu, đi mót, đi ăn mày phiếu, Nguyễn Bắc Sơn đã không giúp tôi dù chỉ một tiếng nói. Tôn trọng tài năng của bạn, tôn trọng tự do của bạn, lẽ nào tôi ghét NBS về chuyện này.
Tôi là ứng cử viên đối lập, nên sau khi tôi thất cử, Đại tá Ngô Tấn Nghĩa (Tỉnh Trưởng Bình Thuận) đổi tôi lên Đà Lạt.
Đêm 1/4/75 Đà Lạt di tản. Đêm hôm sau, tôi định ngủ tại nhà Nguyễn Bắc Sơn chờ sáng mai tìm đường bênh. Đêm đó, lính tan hàng, vô kỷ luật, đã nhiều lần chĩa súng vào nhà NBS đòi mở cửa. Vợ chồng con cái NBS nằm trên lầu, tôi nằm núp dưới bàn dưới lầu. Nhiều lần tình trạng như thế xảy ra, và tôi phải quyết định từ giã gia đình NBS từ đêm đó, trên chiếc Honda, tôi chạy về hướng Bình Tuy.
Sau ngày 30/4/1975, người cha của thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn trở về, không biết gia đình của NBS đã nói như thế nào mối liên hệ tình cảm giữa vợ chồng tôi và vợ chồng NBS. Ông cụ, bấy giờ là Đại tá Quân đội Nhân dân, đã đến thăm và tặng quà cho vợ chồng tôi trong trại tù. Ông cụ cũng có hứa sẽ làm đơn "bảo lãnh" cho vợ tôi về sớm.

Một thời gian ngắn sau, ông cụ qua đời trong một tai nạn xe hơi.
Sau này về Phan Thiết, tôi được dư luận cho biết: là cụ chết do sự tranh chấp địa vị và quyền lợi giữa những người miền Nam tập kết và những người Hà Nội vào tiếp thu. Lại có dư luận khác, cái chết của cụ là do sự tranh chấp, thanh toán nhau giữa cánh theo Trung Quốc và cánh theo Liên Sô.
Những đoạn trích sau đây nằm trong một bài thơ Nguyễn Bắc Sơn làm sau khi cụ mất 5 năm, bài Chuyện Hai Bố Con Tôi. Bài thơ quá hay. Hình như bài thơ nào của NBS cũng quá hay.
... Bố tôi qua đời đúng năm năm Tôi viết bài thơ này Để tâm sự cùng một người khuất núi
Thuở sinh tiền Ông rất thương tôi Và tôi rất thương ông Nhưng hai chúng tôi Đúng là hai người đàn ông có bề ngoài lãnh đạm.
Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng Và thế là ông từ tuổi thanh xuân Cùng bạn bè đi làm cách mạng Ông càng làm cách mạng chừng nào Thì loài người càng thêm sặc máu Tôi ước mơ cõi đời tốt dẹp Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người Tôi càng ca tụng chừng nào Thì loài người càng xấu xa chừng nấy ... ... Nếu mỗi chúng ta có làm điều gì tốt đẹp Chẳng qua là để phát huy một tấm lòng son Còn trái đất cứ ngày đêm sáng tôi Thịnh đã rồi suy Suy rồi lại thịnh
Bố ơi bố đã ra về Con ở lại làm thơ và chữa bịnh Chúng ra đến nơi này để phát huy một tấm lòng son Thành hay bại chỉ là chuyện vặt
Rất nhiều bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, từ trong tập Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi, ra đời cách đây đã hơn 30 năm, đến những bài thơ làm mới nhất sau này, đều có cái size, cái kích thước, cái tầm cỡ rất chi là Nguyễn Bắc Sơn. Không thể lầm lẫn với người khác. Cái size, kích thước, tầm cỡ của một thi hào.
Do vậy, khi đọc thơ NBS, quí độc giả có nổi da gà, nhịp tim đập mạnh, hơi thở dồn dập, muốn cười to khóc thét, muốn la toáng lên là do chất thơ của NBS đang ngấm vào người quí vị. Nhưng điều này cam đoan không có hại cho sức khỏe. Hoàn toàn an toàn trên xa lộ. Xa lộ thơ.
Ngày 30.11.1983 tôi ra khỏi trại tù Z30A, Gia Rai/Long Khánh, trại phát cho tôi 50 đồng và hai bộ quần áo. Như các bạn tù khác, ra tới chợ Gia Rai tôi bán hai bộ áo quần tù, được bao nhiêu tiền tôi không còn nhớ. Tôi đã ăn một tô phở và uống hai ly nước mía.
Tất cả bao nhiêu và còn lại bao nhiêu, tôi không còn nhớ. Nhưng có một điều mà tôi đã nghe nói trước khi còn ở trong trại là tôi không bao giờ quên. Đó là, khi những người đi học tập cải tạo về tài xế xe đò cho đi không lấy tiền, cũng có lúc hành khách cùng chuyến xe, họ tranh nhau trả tiền cho người tù.
Tôi ăn phở, tôi uống hai ly nước mía là quá ít. Khi đã có Quới Nhơn giúp đỡ như thế, tại sao mình không ăn nhiều hơn, không uống nhiều hơn cho cái bao tử được...
Tôi đưa tất cả số tiền còn lại cho người tài xế để mua vé về Phan Rang. Người tài xế nói là với số tiền đó tôi chỉ đi tới Phan Thiết. Và tôi đã đi Phan Thiết.
Từ bến xe Phan Thiết, tôi đi bộ về nhà NBS. Cả nhà vui mừng khi thấy tôi trở về. Bà mẹ của Sơn cầm tay tôi và khóc. Khi đó, nhìn lên bàn thờ tôi đã thấy chân dung của người cha của NBS.
Sau một đêm ngủ đỗ, sáng hôm sau mẹ của NBS cho tôi 100 đồng và NBS chở tôi lên bến xe bằng chiếc Honda Dame.
Ngày 20.4.2005 vừa qua. Khi gọi điện thoại về cho chị NBS xem chị đã nhận được tiền tôi gởi về tặng vợ chồng chị hay chưa. Chị cho biết ngay hôm sau ngày tôi gởi điện báo tin trước là tôi đã gởi tiền. Trong câu chuyện thăm hỏi, chị cho tôi biết, cái xe Honda Dame đó, vào thập niên 80, anh NBS đã cho ai rồi, trong nhà không biết. Công việc của NBS bây giờ là mỗi ngày, theo Thi sĩ Từ Thế Mộng cho biết qua điện thoại, là mỗi sáng, NBS ra đường rong chơi. Trước khi đi, vợ hay con cho vài chục ngàn dằn trong túi. Nhưng khi ra đường, thấy ai nghèo khó, hành khất là anh cho tất, tặng tất. Hôm sau cũng thế, ngày mai cũng vậy.


3.
Nhưng có thật ban tôi. thi sĩ Nguyên Bắc Sơn làm thơ hay không?
Để trả lời câu hỏi này, tôi xin mạo muội để thưa rằng: Nguyễn Bắc Sơn không làm thơ.
Nguyễn Bắc Sơn chỉ là một gã thư ký riêng "rất đặc biệt" của nàng thơ "đẹp, múp và mướt, trường túc, núi, đồi nhấp nhô. Quá đã".
Nguyễn Bắc Sơn chỉ là tên tà lọt làm cái công việc chỉ ghi chép cho ông Thần Thơ hay ông Thánh Thơ.

Hay nói một cách khác, thơ của Nguyễn Bắc Sơn viết là "thơ Thần, thơ Thánh, thì một người tự nhận mình là một tên DU ĐÃNG như NBS, không thể làm được những bài thơ thần sầu quỉ khốc như thế:
... Trên trái đất có rừng già, núi non cùng sông biển Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng Hoặc làm thơ theo khí hậu từng mùa ... (chân dung Nguyễn Bắc Sơn, trong Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi)
Hẳn quí độc giả còn nhớ như tôi, là trong Quốc văn Giáo Khoa Thư (nếu tôi không lầm) có bài nói về Chăn Trâu, có câu:

"Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ?"
Tôi nói lại theo cái ngu của tôi:

"Ai bảo làm thơ là sướng, làm thơ khổ quá đi chứ?"

Làm thơ khổ quá đi chứ?
Tôi nhớ cách đây 50 năm, khi tôi mới tập tễnh làm thơ để thực hiện "giấc mơ làm thi sĩ" mẹ tôi còn sống, nhưng tôi thử xem như mẹ tôi đã chết, để làm bài thơ "khóc mẹ". Tôi bắt đầu bài thơ Khóc Mẹ với câu:
"Than ôi mẹ đã đi rồi"
Thì đúng rồi, Mẹ đã đi rồi, nhưng mà là: mẹ tôi đi chợ.
"Đi rồi" trong ý nghĩ của tôi là chết. Nhưng mẹ tôi đang ngồi nấu ăn kia, mẹ tôi đã chết đâu. Nên câu thơ "Than ôi mẹ đã đi rồi" vừa là câu đầu cũng là câu cuối.
Nhưng đến năm 1988, mẹ tôi chết thật, thì từ đó tới nay tôi chưa làm được bài thơ nào để Khóc Mẹ.

...  Vậy thì, một tên tự nhận mình là du đãng như Nguyễn Bắc Sơn, thì mần răng có thể cho ra đời những bài thơ như Thần như Thánh như thế. Tôi nghi ngờ tài năng của NBS lắm. Tôi đã để ra nửa đời nghiên cứu, tra hỏi, thẩm định, cân nhắc, tìm tòi, đắn đo, suy tính.
Nay, tôi đi tới kết luận, là trong đầu của Nguyễn Bắc Sơn, có một nàng thơ xinh đẹp, múp mướt, trường túc... cũng có thể là trong đầu NBS có một ông Thần Thơ hay Thánh Thơ nằm vùng, đóng chốt, mai phục, trong đó. Có khi NBS nói: "Làm Thơ Theo Khí Hậu Từng Mùa" có nghĩa là NBS chờ cho tới khi Nàng Thơ, Thần Thơ, Thánh Thơ đọc và tên tà lọt Nguyễn Bắc Sơn cứ thế chỉ ghi ghi chép chép. Một người tự nhận mình là Du Đãng, là NBS, không thể làm được những bài thơ dễ dàng, hay ho, mê ly rùng rợn, vô tiền khoáng hậu như thế, nếu không có Nàng Thơ (....) Thần Thơ, Thánh Thơ thường trực, đóng chốt, mai phục, nằm vùng trong đầu Nguyễn Bắc Sơn để đọc, để gà, để làm được những bài thơ người chết cũng đội mồ dậy đòi xem, đòi đọc cho bằng được Từ đó, tôi cũng suy ra rằng, những lúc Nguyễn Bắc Sơn "lên cơn nổi khùng, quậy, phá, điên, nhảy lầu" đó cũng là lúc ông Thần Thơ và ông Thánh Thơ đang gây chiến tranh, mà chiến trường là cái đầu của NBS, để tranh đoạt chiến lợi phẩm là Nàng thơ...

4. Sau đây là những câu thơ của Thần Thơ, của Thánh Thơ được chép chép ghi ghi bởi Thi sĩ du đãng Nguyễn Bắc Sơn.
... Bên cạnh nhà tôi Sống một kẻ láng giềng Y thường phóng uế trước nhà Khi con gà nòi của y đi lạc Y nhìn vào nhà tôi Và chửi thề như máy Tôi đinh đến mùa hè này Tôi sẽ đá Y một đá Viết Tặng Những Nhà Cách Mạng Giả Hình Trong Thời Đại Tôi - CTVNVT)
... Khi em chết đi Em sẽ thành sấm sét Thành bụi vàng Thành gió thành mây Trong vũ trụ hoài hoài sinh diệt
Con sinh ra đời Chắc gì đã là điều đáng vui Bạn ta gục chết Chắc gì đã là điều đáng tiếc. Con Trai Ta Ra Đời, Người Bạn Ta Nằm Xuống. CTVNVT)
... Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn Đễ quàng vai ấm áp cuộc rong chơi
Dù mỗi ngày ta xé đi năm mười tờ lịch Thì thời gian đâu có chịu trôi nhanh Dẫu đen bạc là nơi cố xứ Bỏ đi biền biệt cũng không đành (Mai Sau Dù Có Bao Giờ - CTVNVT)
... Ta vốn ghét đàn bà như cứt Nhưng vì sao ta lại yêu em Ôi mắt em nhìn như là bẫy chuột Ta quàng xiên nên đã yêu em (Trên Đường Tới Nhà Xuân Hồng- CTVNVT)
... Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình Ăn muối đá mà hăng say chiến đâu Ta vốn hiền khô ta là lính cậu Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo Xem cuộc chiến như tai trời ách nước Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi Chiến tranh này cũng chỉ l~một trò chơi Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí Lũ chúng ta sống một đời vô vị Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau Mượn trời đât làm nơi đốt hỏa châu Những cột khói giả làm rồng thiêng uốn khúc Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết Và máu xương làm phân bón rừng hoang (Chiến tranh Việt Nam Và Tôi)
Sau đây là hai bài thơ của Thần của Thánh, được ghi ghi chép chép bởi tên tà lọt, thi sĩ du đãng Nguyễn bắc Sơn.

Bài Thơ Tình Viết Khi Nổi Sùng
Thời mạt thế người ta yêu nhau bằng cái búa Và tặng nhau hàng chục nhát dao găm Anh, kẻ chập chờn giữa càn khôn lảo đảo Tặng cho em nguyên một đóa trăng rằm
Thôi, thời đại chúng ta, thời của những thằng lăn dưa đá cá Tâm hồn em ô nhiễm cũng là thuờng Trời đất đã cho anh nụ cười bất sá Sá gì cái chuyện tơ vương

Gặp Mùa Gió, Lòng Mình Cũng Gió ( Chép tặng Lê Văn Chính)
Rồi một hôm gió bấc có ai ngờ Ai lãng đãng ngờ chi con gió bấc Cây bạch đàn trước cửa nhà em đang còn hay đã mất Sao anh hình dung như có vết thương Đang loang ra trong vũng máu vô thường Truyền tín hiệu đến ngậm ngùi vô tận Anh có nghe chuyện đời em lận đận Những chuyên đi buôn, những chuyến xe đò Tiếng nói sau lưng lời chua chát nhỏ to Giòng lệ em khô nhưng vẫn là giòng lệ mặn Đã qua chưa ôi cái đời đăng đẵng Đứng bên kia sông cũng ngó thấy điêu tàn Băng giá chuyển mình băng giá mau tan Tiếc câu thơ anh không thể làm cho đời em ấm cúng Tiếc loài người bày ra xích xiềng huyễn vọng Đến nỗi quên mình là hạt giống vô biên Câu chuyện tình như ngọn gió miền miền Thổi ấm Kinh Thi thổi lạnh hồn Kinh Dịch.
5. và 6. Trong chiến tranh Việt Nam vừa qua, hậu quả của nó đưa tới nhiều mất mát, nhiều tai ương, khổ đau cho nhân dân. Những mất mát, khổ đau đó, đã có nhiều người nói tới, viết ra, khắc ghi trong lòng. p>Nhưng có một điều, chưa ai nói tới, là cũng từ cuộc chiến tranh đó, lịch sử đất nước ta, xét về lãnh vực văn học, đã sản sinh ra được hai nhà Thiên Tài. Đó là, về âm nhạc có Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn, về Văn Chương có Thi Sĩ Nguyễn Bắc Sơn.

Trịnh Công Sơn có những bản nhạc phản chiến, Nguyễn Bắc Sơn cũng có những bài thơ phản chiến.
Hẳn nhiên bên cạnh đó cũng có những khác biệt, như Trịnh Công Sơn phản chiến khi ông đứng ngoài cuộc chiến. Nguyễn Bắc Sơn phản chiến khi ông là MỘT NGƯỜI LÍNH TRONG CUỘC CHIẾN. Một khác biệt nữa, sau 1975 Nguyễn Bắc Sơn vẫn cho mình sự ngang tàng của MỘT NGHỆ SĨ, KẺ SĨ.
Dù có những khác biệt đó, nhưng chúng ta phải công tâm và rộng lượng để xác nhận rằng: CẢ HAI ÔNG ĐỀU LÀ THIÊN TÀI CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM. (Lê Mai Lĩnh tôi xin trở lại vấn đề này trong một bài viết khác) ...
Lời sau chót gởi người bạn xưa. Phan Thiết
Thưa ông, Biết ông là một võ sĩ, tôi đã tuyên bố, là : tôi sợ ông rồi. Nhưng điều tôi muốn thưa với ông, rằng thì là, đừng vì bài viết này mà ông cao hứng đùa thêm nữa với Tử Thần và Định Mệnh.

Đêm qua, tôi đã gặp Tử Thần và Định Mệnh, hai ông ấy có nhắn với tôi rằng: mày hãy nói cho thằng bạn mày, tên thi sĩ du đãng Nguyễn Bắc Sơn, là đừng đùa dai với bọn ông. Những lần trước, ông tha. Nhưng lần này mà đùa nữa, bọn ông bắt.
Tôi được Thi Sĩ Từ Thế Mộng cho biết, thứ tiêu khiển từ lâu nay của ông, là muốn làm một vị Bồ Tát, đem tiền bố thí cho chúng sanh. Ông yên tâm, tôi sẽ có tiền mang về cho ông chơi trò chơi Từ Bi, Bác Ái. Để ông chơi một mình không vui. Tôi sẽ chơi với ông, cùng với Nguyễn Như Mây, Nguyễn Ngọc Hương, Từ Thế Mộng. Chúng mình sẽ lập một cái bang mệnh danh là Ngũ Hổ Bình Tài. Chúng mình sẽ mua năm chiếc xe đạp cho Ngũ Hổ. Mỗi sáng, sau chầu cà phê chào bình minh đầu ngày, chúng mình sẽ lên đường vào tận hang cùng ngõ hẹp, tặng tiền cho người nghèo. Mà là tặng tiền Mỹ. Đô la xanh. ok.
Tôi đang gom tiền. Khi nào đủ một tỉ đô la. Sáng hôm sau đã có mặt tôi tại Phan Thiết.
Sau chót, xin ông hãy xem bài viết này như một món quà tặng ông, chị Hồng và các cháu, cũng như tặng bạn bè của chúng ta ngày xưa ở Phan Thiết.


5/5/05
 Lê Mai Lĩnh
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo, Tập 20 Chủ đề nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn


Ghi chú:
Lê Mai Lĩnh tên thật Lê Văn Chính, còn có bút hiệu khác : Sương Biên Thùy. Trong bài viết này tác giả cung cấp cho người đọc những chuyện thật về cuộc đời Nguyễn Bắc Sơn. Tác giả dùng lối văn bỡn cợt nhằm đọc cho vui vì Nguyễn Bắc Sơn vốn là người ưa bỡn cợt với cuộc đời này.  PCH



(trích từ Blog Phạm Cao Hoàng)

Không có nhận xét nào: