Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Nghệ thuật : nơi nguyên thủy chân lý phát sinh



Dịch từ Nghệ thuật Triết học của Vương Đức Phong
I.                   Tính linh : năng lực tối cao của tâm trí con người.
          Chúng ta đã thảo luận về chân lý nghệ thuật, tức là cần phải thảo luận tiếp cái chân lý tạo thành năng lực tâm trí của con người. Sự sáng tạo nghệ thuật, nói về tính chất căn bản thì mỗi con người có thể tùy lúc tiến hành việc hoạt động, nó là tâm trí của mỗi cá nhân cung cấp cái năng lực ấy. Thứ năng lực đó theo từ ngữ cổ đại của người xưa, thì đó là “tính linh”.
 Tính linh là năng lực tâm trí tối cao của con người, nó vượt ra ngoài năng lực logic;  tính linh cũng có thể nói là “sức tưởng tượng của nghệ thuật”. Chúng ta thường cho rằng, chỉ có lí tính mới  là năng lực tối cao của tâm trí con người, và sức tưởng tượng của nghệ thuật nằm trong giai tằng cảm tính thấp kém. Nhưng cách suy nghĩ đó không chính xác. Tính linh cố nhiên thuộc cảm tính, nhưng không phải vì thế mà thấp hơn lí tính. Đó là năng lực tạo ra hình ảnh, sức sáng tạo ấy là ở trong cảm tính, tức sáng tạo phải trải qua  phương diện tạo hình mới thông qua tính siêu việt tồn tại. Khi chúng ta thưởng ngoạn cái đẹp của thiên nhiên, tính linh mới phát huy tác dụng là vì trong nội tâm chúng ta đã ám tàng sự tạo hình. Nếu không có thứ năng lực ấy, chúng ta không sao lãnh hội được vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên. Nếu  trong bụng chúng ta lúc nào cũng bòi bọt, phải chạy vạy lo miếng ăn, thì cảnh sắc thiên nhiên đối với chúng ta cũng không sao tồn tại được; vì tính linh của chúng ta bị cảnh sinh hoạt chèn ép, thì cảnh sắc dù có đẹp mấy cũng thành hư không.
Tính linh giúp con người dạt được thành tựu gì? – Thành tích nghệ thuật, tôn giáo, triết học đều có cơ sở từ tính linh. Dù chủ nghĩa học thuyết triết học là lí tính, nhưng cơ sở tôn trọng học thuyết ấy vẫn là tính linh. Tại sao vậy? Vì triết học chỉ dựa vào tính siêu việt tồn tại của cảm ngộ mới nắm được tài liệu và đối tượng chân chính của nó. Về phương diện khoa học chúng ta không thảo luận sự tồn tại của siêu việt tính, mà chỉ thảo luận lãnh vực đặc biệt cụ thể của sự vật cùng sự hỗ tương liên hệ. Chỉ có tại nghệ thuật, tôn giáo và triết học chúng ta mới tiếp xúc đến khát vọng tối cao của tâm linh con người, tức vượt bỏ sự hữu hạn để đạt đến vô hạn. Bình thường chúng ta không biết đến điểm này, nhưng đối với ý nghĩa của cuộc đời của chúng ta cũng như sự đánh giá về cuộc sống của mình, chúng ta đều phải xuyên qua điểm vô hạn. Tỉ dụ như làm sao bạn đánh giá được tình yêu? Tình yêu là sự kiện rất mâu thuẩn, bạn nghĩ về nó như thế nào? Chắc chắn là nó có hai phương diện: một phương diện nó là sự kiện của thế tục, tức là tình cảm quan hệ cụ thể giữa nam và nữ, trong đó mỗi bên đều hướng về một nguyện vọng và đối tượng khác nhau.
Do nguyện vọng và sự hướng về bên này bên kia mà thành ra mối liên hệ ràng buộc giữa hai đằng. Sự ràng buộc ấy là một thứ kinh nghiệm trong  thế giới tồn tại, nó có tính cụ thể, thế tục dễ trôi qua với biến đổi tiêu tan. Trong tinh thần văn hóa Trung quốc, điểu chính của ái tình có ý nghĩa thế tục, chứ không hề có tính  siêu việt thần thánh. Trước thời cận đại trong ngôn ngữ Hoa không có từ “ái tình”. Trong bộ tiểu thuyết lớn là “Hồng Lâu Mộng” không có từ ái tình, tuy nhiên chúng ta vẫn gọi mối liên hệ giữa Bảo – Đại là ái tình, và vai trò toàn bộ Hồng Lâu Mộng là “bi kịch ái tình”. Nhưng đó là cách nói của chúng ta, con người của đời nay, chứ tác giả của bộ sách không hề nghĩ đến là bộ tiểu thuyết ái tình.  Trong Hồng Lâu Mộng tác giả mượn cái miệng của tiên tử Kỉnh Ảo mà gọi nó là “ý dâm”; đưa nhân vật chính am hiểu tình ái là Giả Bảo Ngọc để nói rằng “đó là người dâm nhất trong thiên hạ cổ kim”. Dâm là từ rất tục,  nhưng dùng từ đó đủ làm sáng tỏ, mặc dù nó là “cơ phu lạm dâm” (sự dâm đảng thuộc về da thịt cơ thể); hiển nhiên vẫn là một vật thuộc thế tục. Nhưng  dân Trung quốc thực sự không muốn thừa nhận đó là sự vật của thế tục. Hồng Lâu Mộng tuy không đưa ra từ ái tình nhưng vẫn đề cao sự kiện đó; đề cao đến mức cực hư ảo. Ban đầu trên thượng giói kẻ hầu hạ là Thần Anh dùng nước cam lồ tưới bón cho cây Giáng Châu. Về sau Thần Anh được đầu thai xuống cõi trần, và Giáng Châu thì thành tiên nữ cứ bức rức không trả được ân nghĩa tưới bón ngày xưa nên cũng xin đầu thai xuống trần, sử dụng nước mắt để báo đáp lại cái ân vũ lộ xưa. Đó là cách giảng giải lai lịch tính siêu việt thế tục ái tình.
 Cho nên trong sự kiện ái tình chúng ta vẫn chìm trong thế tục mà vượt khỏi thế tục, Thực tế chỉ cần chúng ta phải chân thành với tình yêu, chúng phải tin tưởng rằng tình yêu là vĩnh hằng. là bất  hủ. Chúng  ta phải thừa nhận điểm cố hữu đó, nếu không thì chúng ta không thể nào đạt được hạnh phúc của con người  trong khung thế tục của động vật. Cũng vì vậy nên khi tình yêu bị thất bại, chúng ta phải đau khổ như thứ đau khổ cực thống thiết  của con người.
Phàm sự hoạt động của con người có ý nghĩa chân thực thì cuộc sống là hiện tượng có giá trị, tức là từ cõi thế tục trở thành siêu việt. Nếu phương diện siêu việt đó đánh mất thì chúng ta chỉ là một thứ động vật. Tính linh của con người chỉ đối chiếu với sự lãnh hội tính tồn tại siêu việt; hơn nữa sự lãnh hội là một thứ cần biểu hiện. nếu dùng khái niệm biểu hiện thì đó là triết học, còn sự biểu hiện dùng hình tượng của cảm tính tức là nghệ thuật. Trong triết học chúng ta triển khai sự nhận thức tự ngã, còn trong nghệ thuật chúng ta triển khai sự quán chiếu tự ngã (quán chiếu là từ của Phật, tức dùng trí tuệ xem xét sự lý thấu đáo).
Trong sự quán chiếu tự ngã chúng ta cấu tạo được hình tượng tự ngã của con người; trong cái hình tượng ấy lại bao hàm được bộ mặt của tính siêu việt. Trong tác phẩm nghệ thuật cấu tạo nên hình ảnh thế giới giúp chúng ta thấy rõ chân tướng và ý nghĩa của bản chất nhân sinh, khiến cho nghệ thuật thành khả năng của tính linh. Trong nghệ thuật chúng ta làm như vậy, trong triết học. tôn giáo chúng ta cũng làm như vậy. Thế giới hiện thực với thế giới chân thực là một khái niệm khác nhau.
II.- Nghệ thuật là chân lý nguyên thủy phát sinh – Vấn đề bản chất nghệ thuật đối vơi con người ngày nay mà nói rất khó khăn. Một khi nghĩ đến nghệ thuật là chúng ta nghĩ ngay đến thứ phi lí tính, nghĩ đến một thứ tình cảm, có cảm giác là nó không liên hệ gì đến chân lí. Nhưng thật ra nghệ thuật lại là nơi phát sinh chân lí nguyên thủy.
Bình thường chúng ta đều cho rằng,  con người suy tư phát hiện được chân lí là do  lí tính. Thế nhưng chính Marx lại bảo cho chúng ta biết rằng nguồn gốc của chân lý  là ở trong cuộc sống chúng ta. Trong tập bản thảo viết tay thời trẻ về triết học kinh tế năm 1844, Marx từng viết: trong sinh hoạt có một thứ cơ sở ngoài khoa học không có gì khác – đó là lời nói sai từ xưa tới nay; cảm tính mới là cơ sở của tất cả khoa học. Nói về sự sinh hoạt ở đây là chỉ  cho sinh hoạt cảm tính của con người, tự nhiên trong đó có bao hàm nghệ thuật.
Cơ sở lí tinh là sinh hoạt cảm tính của con người, nói theo ý nghĩa chân thực của mệnh đề ấy, nếu trong suy tư lí tính của con người phát sinh ra lời lẽ chân lý, thì thật ra đó là sự tìm lại được cái chân lí do cảm tính con người trong sự sinh hoạt đưa vào trong sự vật. Cho nên hình thức lí luận chân lí đó không phải là nguyên thủy. Vì vậy nên Heidegger nói: “ Khoa học quyết không phải là nguồn gôc phát sinh chân lí, khoa học chỉ là lãnh vực chân lí được mở rộng, trước sau nghệ thuật là một trong những phương thức căn bản được mở rộng.
Ngoài ra sinh hoạt cảm tính cũng là một thứ phong trào lịch sử, trong đó có liên quan đên sinh hoạt trọng đại của dân tộc, sự quyết định vận mệnh trọng đại của lịch sử. Nghệ thuật tham dự trong việc quyết định ấy, không phải chỉ là biểu hiện sự quyết đoán, mà nghệ thuật đối với việc tham dự quyết đoán có chân lý nguyên thủy phát sinh. Heidegger đối với vấn đề lịch sử nói rất rõ ràng, dù có vẻ cực đoan: nghệ thuật là xây dựng nền tảng lịch sử; nghệ thuật có ý nghĩa mang tính căn bản của lịch sử. Ông nêu ra sự kiện bi kịch của cổ Hi Lạp từng tham dự vào việc lựa chọn vận mệnh của dân tộc; vì nó dùng phương thức nghệ thuật bi kịch tham dự vào cuộc đấu tranh của dân chúng, cùng dùng sự đấu tranh làm quyết đoán. Ông nói: “Trong bi kịch không biểu diễn và khai triển cái gì mà là tiến hành sự đấu tranh phản kháng giữa thần mới và thần cũ. Do ngôn ngữ của tác phẩm sanh ra ngữ ngôn của dân chúng, bởi vì nó không hề bàn luận thứ chiến tranh ấy mà chì nói là dân chúng đổi thay; khiến cho từ ngữ mang bản chất tính của một thứ đấu tranh quyết đoán. Thần thánh là gì, phàm tục là gì? Cái gì là vĩ đại, cái gì là nhỏ nhen? Dũng cảm là gì, nhu nhược là gì? Cái gì là cao quí, cái gì là thô tục? Chủ nhân là gì, nô lệ là gì?
Dĩ nhiên tác giả và diễn viên của bi kịch không phải là kẻ chiến đấu trên quảng trường của một thành phố, thực tế người chiến đấu là dân chúng. Nhưng trong chiến đâu chưa chắc là có chân lí; khả năng đấu tranh hoàn toàn là đui mù, ý nghĩa tự thân của nó chưa hề được giảng giải. Do sự gia nhập của nghệ thuật, con người thể nghiệm được vận mệnh mới gia nhập đấu tranh.  Ở đây đề ra những sự việc trong bi kịch, tức là gia nhập vào văn học, cũng tức là thể nghiệm đối với ngôn ngữ vận mệnh mà gia nhập vào đấu tranh. Ngôn ngữ văn học cố nhiên là sinh ra từ  ngôn ngử của dân chúng; nhưng mối quan hệ của nó đối với ngôn ngữ dân chúng không phải là quan hệ biểu hiện, khái quát, trau luyện. Ngữ ngôn của dân chúng là ngữ ngôn của đấu tranh. Ngữ ngôn văn học trong bi kịch giống với ngữ ngôn đấu tranh, ngữ ngôn đấu tranh là biến đổi từ ngôn ngữ kịch; từ đó khiến cho sự đấu tranh thành đấu tranh tự giác. Đấu tranh tự giác là sự lãnh hội và thể nghiệm vận mệnh , cùng tại cơ sở đó mà mà thành ra có quyết định. Cho nên Heidegger nói:  Người xưa  chính là tuân theo những ngôn ngữ trong tác phẩm bi kịch, mỗi từ ngữ đều mang bản chất của sự việc đấu tranh mà đưa ra quyết định. Từ ngữ đưa ra quyết định tức là nghệ thuật tạo ra quyết   định. Trong sự quyết định của nghệ thuật phát sinh chân lý ngyên thủy.
Ngày nay chúng ta không còn tưởng tượng đến sự vật của nghệ thuật nữa; chỉ biết nghệ thuật đem lại cho chúng ta sự khóai thích, vật khiến cho chúng ta cảm thấy nhàn  hạ, không sao tưởng tượng nổi là nó tham dự vào quyết đoán lịch sử; mặc dù chính xác là nghệ thuật trực tiếp tham dự. Người xưa chính là tuân theo những chân lý ấy, vốn là từ nguyên thủy nghệ thuật phát sinh, đối với sự phát sinh ấy  chúng ta không chịu khó truy tầm. Kì thực khi có một thời đại mới hiện ra, thì người ta phát hiện cái tối sơ hiển hiện ra tinh thần tân thời đại và nguyên tắc của nó chính là nghệ thuật. Nghệ thuật dùng cái thực tiển phát hiện của nó là tinh thần mới và nguyên tắc mới.
Đạo lí ấy mà giảng giải ra là phạm vi to lớn của dân tộc, của con người, mà có lẽ con người chúng ta  không thể nào cảm được một cách chân thiết. Mỗi cá nhân con người chúng ta đều mang một vận mệnh, và vận mệnh là một thứ tồn tại siêu việt, không giống như cảm tính sự vật bình thường hằng ngày, chúng ta có thể trực tiếp cảm tri được. Chúng ta kể như là một cá nhân, thì vào lúc nào biết  được phải xử sự với vận mệnh ra làm sao? Chỉ khi bị đau khổ chúng ta mới biết đến vận mệnh. Thống khổ phát sinh tất không thể không đấu tranh; chúng ta xác thực cần tiến hành một thứ nỗ lực, đó là sự đấu tranh. Thống khổ là một thứ thể nghiệm tình cảm sâu sắc, nó khiến chúng ta phải chụp bắt lấy tâm linh của mình, bắt buộc phải đưa ra một quyết đoán. Thật ra, không có một thứ lí luận có thể giúp chúng ta giải quyết được sự thống khổ cùng quyết đoán điểm bước ngoặc quan trọng của đạo lộ nhân sinh. Thực tế chỉ có thể giải quyết bằng con đường nghệ thuật biểu hiện những bức xúc rắc rối mới giúp chúng ta lãnh hội được tính chất chân thực của sự thống khổ, thông qua hiện tượng đó mới nhận thức được vận mệnh, mà nhận thức vận mệnh là nhận thức bằng cảm tính trình hiện trong tác phẩm.
III.-  Có hai thú định nghĩa về Mỹ.- Đi sâu vào việc thảo luận bản chất nghệ thuật, tất phải đạt đến một thứ yêu cầu, tức nêu rõ giới hạn của truyền thống mỹ học và tính triết học nghệ thuật.Thế nhưng cái khó khăn cơ bản của truyền thống mỹ học là phân ra chân lý và mỹ học. Qui định hình thức của tác phẩm là Mỹ, còn chân lý của tác phẩm là nội dung chứ không phải là hình thức. Từ xa xưa, mỹ học đã từng cố gắng luận bàn về sự thống nhất giữa Mỹ và Chân. Nhưng trong mỹ học làm sao thống nhất được hai sự kiện ấy. Có thể giải đáp khái quát bằng một câu như sau: Chân chính nghệ thuật là sự biểu đạt hình thức nội dung của chân lý là mỹ. Cái gọi là họa phẩm chân lý, tức nội dung tác phẩm, là sự phản ảnh chính xác sự kiện hiện thực. Thế nhưng trong sự thống nhất ấy, mỹ và chân vẫn phân chia ra, vì chúng ta tuyệt đối không thừa nhận trong hình thức tác phẩm có chân lí, hay có chân lí phát sinh.
Chúng ta hảy đưa ra một sự việc làm thí dụ để thảo luận . Rõ ràng chúng ta không có cách gì để nói rằng họa phẩm đôi giày của Van Goch vẽ bằng sơn dấu trình hiện được cái giá trị mỹ học truyền thống của Tây phương. Như xem đến một phép tắc hòa hài, tất biết tôn trọng và từ đó tiếp thu được sự thích thú và khoái trá. Đến bây giờ mọi người đều thừa nhận bức tranh đôi giày người nông phụ của Van Goch là đẹp, nhưng nó đẹp ở chỗ nào? Tất nhiên không phải là bản thân hình thức của họa phẩm, cũng không phải xác định là do hình thức của cảm tính. Mà như Heidegger nói : Mỹ là vì tính tồn tại trong sự tồn tại – là sự trong sáng biểu hiện ra. Ông cũng định nghĩa về mỹ là “ cách thức làm cho chân lý phô bày ra”.
Trong khi đó Hegel lại định nghĩa: “ Mỹ là cảm tính của lí niệm hiển hiện”. Định nghĩa ấy mới xem qua so với định nghĩa của Heidegger không có gì khác biệt. Nhưng thật ra hai định nghĩa về căn bản rất khác nhau. Thứ I, chân lý của Hegel là lý niệm, còn của Heidegger  là “tồn tại của tồn tại không che đậy”. Lí niệm với không che đậy khác nhau. Lí niệm là pháp tướng của sự tồn tại; còn không che đậy là tồn tại của tồn tại được phô bày ra. Điểm quan trọng của nó ở đây là chân lí của sự tồn tại và chân lí tồn tại”. Nhưng chân lí của sự tồn tại là cái gì? Như đôi giày của Van Goch, bản tính đó là dụng cụ, chân lý là cái đó. Tại sao lại gọi là “chân lí tồn tại của sự tồn tại? Kì thực đôi gìày của Van Goch không phải để nói với chúng ta nó là cái gì; mà  phần lớn chỉ ra tính lao động của người nông phụ, tức là nhắm vào trong cái đặc tính đáng tin đó. Cái đặc tính đáng tin đó không phải là tính dụng cụ của đôi giày người nông phụ, mà liên quan đến sự sinh tồn của người nông phụ; và đó là cái tồn tại của sự tồn tại của đôi giày. Heidegger đã mô tả  cái thế giới của đôi giày mà Van Goch đã cung cấp cho chúng ta.
Từ cái điểm đen ngòm rách lủng bên trong của đôi giày như là nơi tụ hội những bước chân lao động đắng cay. Cái mũi giày cứng rắn, cái khu kín đáo há miệng, tích tụ nỗi lạnh lẽo trên cái đỉnh cao trơ trọi hay trên bước đi của bờ ruộng cheo  leo. Trên đôi giày dính các vết đất bùn. Vào những buổi chiều.đôi giày dã từng lủi thủi cất bước một mình trên cánh đồng hoang vu. Trong đôi giày đó không hề có một vảy gọi, rõ ràng là nó thuộc làu các hang hốc vắng lặng, biểu trưng các miền hoang vu trong thời tiết đông lạnh u ám. Cái công cụ ấy thấm đượm biết bao nỗi ưu tư, cùng với sự chiến thắng cảnh nghèo khốn vui vẻ không lời, ẩn chứa nỗi đau đớn run sợ trong thời sinh đẻ cận kề giây phút chết chóc.  
Dụng cụ ấy phần lớn thuộc vào thế giới nông phụ phải bảo tồn. Van Goch vẽ tất cả không phải là đôi giày nhà nông, mà là sự tồn tại của đôi giày nông gia, do sự tồn tại của đôi giày lóe sáng lên, vì thế mà họa phẩm thành ra đẹp.  Van Goch vẽ đẹp không phải do họa phẩm không đẹp mà là do tính đặc trưng của đôi giày nông phụ. Nó cũng không khai triển cái chân lý tồn tại mà là triển hiện sự ngưng tụ cái thế giới sinh tồn của đôi giày nông phụ.Vì vậy nên Heidegger mới lí giải cái chân lí khác với sự lí giải của Hegel.
Điểm thứ 2- Nếu nói rằng lí niệm là chân lí, thì dĩ nhiên chân lí liên quan đến tồn tại; như thế mỹ là trình hiện chân lí của hình thức cảm tính. Cho nên mới nói rằng cảm tính trình hiện. Như thế mỹ chỉ là đầu mối hiển hiện ở cảm tính chứ không phải nằm trong bản thân của lí niệm. Bản thân lí niệm không có cái gọi là mỹ hay bất mỹ. Còn trong định nghĩa của Heidegger mỹ là cách thức hiện thân của tự thân chân lí, mỹ tức nằm trong chân lí. Mỹ tự động phát sinh và thuộc về chân lí. Nó tự thuộc vào hiện tượng phát sinh nhưng không phải là phát sinh ở bên ngoài. Khi mà chân lí tự động phát sinh thì nó khiến chúng ta cảm động, cũng tức là chân lí nguyên thủy gây cho tình cảm xúc dộng là biết ngay. Cho nên Heidegger mới nói rằng: chân lí phát sinh xuyên qua sự sáng tạo thi ý. Mỹ và chân lí không phải cùng song song hình thành, mà  chân lí là tự thiết lập.
                                                                                             Khổng Đức dịch         
                                                                                                     4-2014

Không có nhận xét nào: