S.H thực hiện
Mới đây có một số bài báo viết về quyển sách Đại Lễ Phục Việt Nam thời Nguyễn do tác giả Trần Đình Sơn biên soạn, nhưng thông tin có vẻ chưa đầy đủ qua các bài báo đó. Và nhiều người, nhất là các đạo diễn phim ảnh và sân khấu vẫn muốn tìm hiểu thêm về trang phục cung đình Việt Nam. Hôm nay chúng tôi tình cờ gặp nhà nghiên cứu Trịnh Bách, cho nên nhân tiện hỏi anh thêm vài ý kiến của anh liên quan đến vấn đề này. Sau đây là tóm lược vài điều chúng tôi rút ra từ câu chuyện trao đổi với anh.
Đánh giá quyển sách
Đánh giá quyển sách
Thật ra tôi nghĩ các báo đăng cũng đã đầy đủ rồi, câu chuyện cũng nên dừng lại ở đấy thôi. Riêng quyển sách này rất hữu ích, được sửa soạn công phu, in ấn đẹp, đáng được lưu giữ trong các bộ sưu tập sách quý Việt Nam. Nhất là đoạn dịch lại phần trang phục trong bộ Đại Nam Khâm định Hội điển của anh Trần Đình Sơn đúng và đầy đủ hơn ấn bản hiện hành.
Những điều học được từ quyển sách này
Những điều học được từ quyển sách này
Qua quyển sách này người đọc, nhất là các đạo diễn sân khấu và phim ảnh, có thể thấy được sự khác biệt của triều phục Việt Nam, so với loại triều phục phim ảnh Trung Hoa trong các phim truyền hình Trung Quốc, với các a ca, cách cách, lão phật gia, v.v. Tiêu biểu là triều phục Việt Nam ngắn hơn triều phục Trung Quốc, có tay áo rộng hơn và dài hơn (để ý đến nhiều nếp xếp trên tay áo, vì tay áo dài bằng gấu áo). Trên thực tế hình dạng áo mão với các hoa văn trang trí trên triều phục Việt khác biệt hẳn với trang phục triều Thanh, Trung Quốc.
Trong một bài báo mới đây có nêu ra vài chỗ không chính xác của các bức tranh trong bộ tranh của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân trong sách. Đây là
vài góp ý của Trịnh Bách:
Trong một bài báo mới đây có nêu ra vài chỗ không chính xác của các bức tranh trong bộ tranh của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân trong sách. Đây là
vài góp ý của Trịnh Bách:
Một vài ví dụ tiêu biểu nhất:
- Tay áo vua, quan triều Nguyễn không có cột thủy (các sọc dọc chéo), và gấu áo các quan không có cột thủy chéo đa sắc như ở triều phục nhà Thanh, Trung Quốc:
Mãng bào Tứ linh đại triều mầu cam bích của cấp thượng thư (chánh Nhị phẩm), không có cột thủy
Mãng lan của ngự tiền thị vệ (tòng Tam phẩm), không có cột thủy
Đơn giản là vì áo các quan là áo dệt. Mà nếu dệt các sọc dọc chéo đa sắc bằng kỹ thuật dệt giả thêu, gọi là dệt cài hoa, sẽ quá tốn kém, trong khi ngân khố triều đình eo hẹp. Dệt một đoạn 30 cm các cột thủy chéo góc tốn tiền và thời gian hơn nguyên 8 mét còn lại của áo. Nếu là cột thủy thẳng đứng hay đơn sắc sẽ đơn giản hơn nhiều. Áo thêu chỉ dành riêng cho các thành viên trong gia đình ruột rà của các hoàng đế tại vị. Và chỉ có các áo thêu này mới có sọc dọc đa sắc:
Riêng phần cột thủy chéo, đa sắc này thì thêu dễ hơn dệt. Các trang phục đại lễ của hoàng gia nếu may bằng vải dệt thì các sọc cột thủy ở gấu áo cũng chỉ đơn sắc:
Đến năm Khải Định thứ 5 (1920), vì ngân khố quá thiếu thốn nên các triều phục từ chánh nhị phẩm trở xuống ngũ phẩm nếu đến thời điểm ấy mới được ban áo thì chỉ còn 2 mầu vải nền: văn mầu xanh và võ mầu đen. Các quan đã được ban áo từ trước đó vẫn giữ nguyên triều phục với các mầu theo lệ cũ của mình.
- Bên trong áo bào của triều phục Việt Nam thời Nguyễn không có lớp áo lót tay rộng, cho nên không có tay áo lót rộng lộ ra khỏi tay áo bào. Vì khí hậu nóng, nên triều đình Huế đã bỏ cái áo giao lĩnh (vạt cổ cài chéo) bên trong áo bào như theo lệ cổ. Thay vào đó là một cái cổ giao lĩnh giả, nho nhỏ, mầu trắng, gắn vào bên trong cổ áo bào. Nếu thời cổ có mặc áo lót, thì tay áo lót cũng phải ngắn hơn tay áo bào bên ngoài. Trong các hý tuồng bên Trung Quốc cho tới trước thời Cách mạng Văn hóa các diễn viên mặc áo theo lối thời Minh, nhưng tay lại ngắn như trang phục triều Thanh. Họ không cắt ngắn cái tay áo lót trắng bên trong, mà để nó lộ dài ra để phất khi diễn bộ:
- Mặc đại triều phục không được cầm quạt, và nữ giới không cầm hốt. Vai áo không có vân kiên (tấm vải hình oval phủ trên vai):
- Có những bức tranh trong sách không theo đúng quy định về mầu sắc và quy định của áo mão đương thời. Mầu sắc của triều phục rất quan trọng, vì nhìn vào mầu áo một vị quan mọi người phải nhận ngay ra được cấp bậc và vị thế lúc bầy ban ở sân chầu của đương sự. Thời Trần, dù triều điển có thể còn chưa chặt chẽ như các triều đại sau này, vậy mà quan Nội mật viện Nguyễn Trung Ngạn bị hài tội khi sơ xuất xếp cho Bảo Vũ Vương thuộc đẳng áo đen đứng nhầm vào ban chầu của đẳng áo tím. May vua thấy ông là người có tài mà bãi tội cho (Việt Sử Toàn Thư).
- Và điều quan trọng không kém là phải biết phân biệt giữa trang phục đại triều và thường triều. Như trong tranh đề “Đại Nam Hoàng Đế Sắc Phục Tại Vị” ở trang 83. Tranh này có hai người mặc áo thường triều (áo mầu lục đơn sắc và có đeo bổ tử đỏ trước ngực) lại được đứng trước mặt nhà vua trong buổi đại triều. Haị vị quan này trong thực tế sẽ không vào được đến sân chầu và đã phải bị luận tội. Rồi các áo thường triều (áo cổ chéo đơn sắc mầu xanh trời nhạt, ngực đeo bổ tử đỏ) ở các trang 99 và 101 cũng bị ghi nhầm là trang phục đại triều (grande tenue).
Sai sót hơn nữa là tay của hai người đó lại cầm ngọc như ý. Trong lịch sử triều Nguyễn không bao giờ có sự kiện này. Mãi cho đến năm 1922, nghĩa là sau khi cụ Nguyễn Văn Nhân đã tạ thế, khi Vua Khải Định sách phong hoàng thái tử cho Hoàng tử Vĩnh Thụy, sau này là Vua Bảo Đại, nhà vua dụ rằng: “Lễ chế triều ta quy định hoàng đế cầm ngọc Trấn Khuê, bá quan cầm Hốt ngà để phân biệt vua tôi. Riêng đối với đông cung thái tử cầm vật gì, tra cứu trong các sách Hội điển đều không thấy có quy định … Lại tra cứu lễ chế của các triều Minh – Thanh thì quy định thiên tử cầm Trấn Khuê, chư hầu cầm ngọc Như Ý…” Và nhà vua ban ngọc như ý cho Hoàng thái tử cầm tay cho có sự phân biệt (Sách Khải Định chính yếu). Điều này được lập lại khi Vua Bảo Đại lập Hoàng thái tử Bảo Long sau này. Đối với triều luật nghiêm khắc ngày xưa thì hai vị quan này phải bị trọng tội tiếm xưng.
Triều phục của các giai đoạn khó có thể thay đổi
Triều phục của các giai đoạn khó có thể thay đổi
Triều điển của một triều đại có thể thay đổi tùy thời là chuyện không thể có được. Tất cả các chi tiết trên áo mão hay trong nghi tiết đều dựa vào các thuyết, các biểu tượng từ ngàn xưa. Triều phục Việt Nam thời Nguyễn vẫn nghiêm ngặt lấy quy định trong sách Tam tài Đồ hội của nhà Minh, Trung Quốc, làm chuẩn. Các hình ảnh, chụp hay vẽ chính thức về đại triều phục của của hoàng triều từ khi có được ở những đời Đồng Khánh, Thành Thái cho đến cuối trào ở thời Khải Định, Bảo Đại không có gì thay đổi. Có chăng là việc có thể vì thiếu thiện cảm mà người ta bươi móc chuyện Vua Khải Định dám đi đôi ủng cao cổ bó chân theo lối Tây Phương, với cái cây thúc ngựa gắn sau gót; rồi nhà vua lại dám đeo ngù vai lên áo võ phục long trấn tay chẽn, v.v., khi du hành sang Pháp năm 1922:
… Thật ra nhà vua chỉ muốn “hội nhập” thôi. Ở các nước chung quanh như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Thái Lan, Campuchia, Lào thì các vua của họ đã đổi sang mặc võ phục Tây Phương từ trước đó rồi. Và điều này càng chứng tỏ sự “ngoan cố”, khư khư bất dịch của triều điển triều đình Việt Nam. Chính Vua Khải Định một lần năm 1921 đã nói với triều thần rằng từ khi lên ngôi vẫn không dám canh cải điển chương cũ. Có lẽ cũng vì điều tiếng trên về vua cha, mà về sau Vua Bảo Đại không hề mặc trang phục pha phong cách Tây Phương trong bất cứ một triều lễ lớn nhỏ nào. Tuy có dụ về thay đổi mầu sắc triều phục của các quan từ năm 1920, nhưng đến năm 1939, trong lễ tấn phong hoàng thái tử cho Thái tử Bảo Long, thì cả Vua Bảo Đại lẫn triều thần vẫn đều mặc đại triều phục với mầu sắc theo điển cổ.
Ít thông tin về họa sỹ Nguyễn Văn Nhân
Ít thông tin về họa sỹ Nguyễn Văn Nhân
Vị thế của cụ Nguyễn Văn Nhân trong triều hồi xưa cũng không rõ ràng. Thật ra vấn đề này nêu ra thì lạc đề trong việc cần tìm hiểu của mọi người ở đây. Nhưng dù sao thì cũng chỉ biết là cụ có làm ký lục (ghi chép thư văn) trong tòa Khâm sứ Pháp ở Huế. Cụ có hàm Hàn lâm viện Biên tu không nhất thiết có nghĩa là cụ đã làm việc trong triều đình Việt Nam. Các hàm Hàn lâm, như Hàn lâm viện Biên tu, Kiểm thảo, Đãi chiếu, v.v, hay được thưởng cho những người dân có công trạng, đóng góp. Ví dụ như triều đình đã thưởng hàm Hàn lâm viện Biên tu cho Nguyễn Văn Tán vì lập được lò gốm cho người Pháp ở Thanh Trì, Hà Đông; thưởng hàm Hàn lâm viện Kiểm thảo cho Nguyễn Văn Phúc ở Bắc Kỳ vì chế tạo được chiếc tầu máy; thưởng Hàn lâm viện Biên tu cho người thợ chạm Vương Vĩnh Tuy ở Hà Đông vì giúp các việc chạm trổ trong phủ Toàn quyền ở Hà Nội; thưởng Hàn lâm viện Trước tác cho thương nhân người Bắc kỳ là Bùi Huy Tín cho nhiều lần lãnh thầu quan trọng ở Trung kỳ, v.v. Các ông Hàn, cụ Hàn này ở ngoài Bắc ngày xưa rất nhiều, và phần lớn do người Pháp đề cử. Các loại ân thưởng cho thường dân có công, như các hàm hàn lâm hay bá hộ, không được cao quá thất phẩm.
Linh Mục Cadiere có nhắc đến cụ Nguyễn Văn Nhân trong phần giới thiệu của quyển sách L’Art a Hue. Nhưng Linh mục giới thiệu cụ là một người vẽ thiết kế (dessinateur, designer) chứ không giới thiệu cụ là họa sỹ (peintre, painter). Và Linh mục cũng chỉ nhắc đến các hoa văn trang trí (motifs ornamenteaux) của cụ. Quả thật, quyển sách L’Art a Hue là quyển sách về hoa văn trang trí trên bàn ghế, tường, vách, mái nhà, v.v.
Hay trong bức tranh chân dung của vua Đồng Khánh, chỉ vì việc nhà vua có đề trên tranh là “…khẩn thỉnh thiện họa chức quan (xin thỉnh chức quan vẽ giỏi)…” thì cũng không nên đoán chắc vị họa quan đó là cụ Nguyễn Văn Nhân, và rằng cụ được Vua Đồng Khánh mời vào vẽ chân dung mình. Vua không “thỉnh’ ai, nhất là trong văn viết. Cả hoàng thái tử thì vua cũng “truyền”, “sắc” chứ không thỉnh, thì lý đâu vua lại thỉnh một viên quan cấp thấp không có chỗ đứng ở ban chầu. Có thỉnh là thỉnh “quý quan”, là cách cả vua lẫn quan thời đó xưng tụng người Pháp mà thôi.
Rồi chữ “phụng họa” trong tranh vẽ Hòa Thượng Hải Toàn Linh Cơ quả cũng có thể làm nhiều người nghĩ là do vua sai người họa sỹ đến vẽ. Nhưng chữ “phụng” chỉ là một kính ngữ để thưa gởi với bậc trưởng thượng, chứ không dành riêng cho vua. Ngày xưa cấp dưới làm theo lệnh cấp trên hay người trưởng thượng thì nói là phụng hành, phụng mệnh. Khi viết thư cho bạn mở đầu bằng chữ “phụng bạch” (kính thưa). Nếu vâng lệnh vua mà làm thì là phụng chỉ. Theo lệ cổ ở ngoài Bắc, khi tạc tượng các hoàng hậu, công chúa để thờ hậu trong chùa, người ta thường hóa thân các vị thành Bồ tát Quán Âm bằng cách khắc hình phật A Di Đà lên chỗ minh đường của mũ tượng, chỗ trước trán. Ở đây cụ Nguyễn Văn Nhân cũng vẽ theo phong cách này để tôn kính ngài Hải Toàn Linh Cơ làm Quán Âm Bồ tát, cho nên cụ ghi trong tranh là phụng họa, nghĩa là “kính vẽ” (Chúng tôi xem trên mạng thì thấy ngày nay trên các trang mạng của các chùa ở Huế, khi đăng chân dung Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ bằng bức tranh này người ta cắt bỏ đi phần mũ đó).
Nhận xét về các bức tranh
Hai tranh truyền thần vẽ Vua Đồng Khánh và Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ là do hai thủ pháp và họa phái khác nhau, thấy rõ nhất là ở mặt. Tranh vẽ vua Đồng Khánh “Tây” hơn, nét vẽ mềm mại, già dặn. Tranh vẽ ngài Hải Toàn tuy rất đẹp nhưng nét vẽ không thanh thoát bằng, hơi kỷ hà với hai bắp tay trên, cánh tay trái và các nếp xếp ở tay áo thẳng, cứng hơn so với tranh Vua Đồng Khánh.
Thật ra ở bộ hơn 50 bức tranh trong quyển sách này có vẻ cũng được vẽ bởi ít nhất là 2 thủ pháp khác nhau. Đẹp hơn cả là tranh vẽ các quan lớn (từ trang 83 đến trang 111). Nhất là quan nhất phẩm ở trang 83:
Các bức tranh này già dặn ở cả phong thái, tỷ lê thân thể, diện mạo, và nhất là ở nét bao (contour) sắc nét, dứt khoát. Mầu áo chánh nhất phẩm là mầu da đồng cổ khó pha, cho nên ở đây phải dùng mầu da cam (hỏa hoàng) của bậc thân vương. Tranh toát ra được cảm giác của tranh xưa. Tranh quan tòng nhất phẩm với mầu thiên thanh (violet, tím nhạt) chuẩn xác của triều phục nhà Nguyễn (khác với thiên thanh là mầu huyền trong các vải thanh cát và Nam sa).
Không hiểu sao lại thiếu hai cấp chánh nhị phẩm của hàm thượng thư với vải áo mầu cam bích (pourpre, purple, cà tím), và tòng nhị phẩm của tuần phủ với áo mầu quan lục (xanh lá cây đậm). Đến bức tranh các quan chánh và tòng tam phẩm ở trang 111 thì bắt đầu có sự sai lạc mầu sắc. Quan chánh tam phẩm đáng lý ra phải mặc triều phục mầu bửu lam (lam đậm), và quan tòng tam phẩm mặc mầu ngọc lam (jade, xanh lá cây nhạt). Các mão trong các tranh này đều là mão viên phác đầu (mão cánh chuồn chóp tròn) của quan văn.
Nhưng các tranh về hoàng gia, như hoàng đế, hoàng hậu, hoàng tử, tôn tước thì có vẻ do một vài thủ pháp khác không già dặn bằng. Thảm nhất là ông hoàng đế ở trang 83 với nét bao và diện mạo tối tăm, lối vẽ mới và cẩu thả, họa pháp khác hẳn tranh ở trang 103. Các tranh vẽ từ trang 83 đến 101 đều có tỷ lệ cơ thể và phong thái non hơn.
Một điều nữa là tất cả các nhân vật trong phần tranh này ở phần này (từ trang 83 đến trang 101) dù văn hay võ khi mặc đại triều phục đều đội mão phương phác đầu (mão cánh chuồn đỉnh vuông) của chức quan võ trung bình. Và đây cũng là phần có ảnh hưởng văn hóa miền Bắc nhiều nhất, không có trong triều ở Huế: Ở cái mão tứ phương bình đính tưởng tượng, với 4 tua rủ ở 4 góc, trên tượng của các phán quan Âm phủ ở các đền chùa ngoài Bắc trong trang phục tế Giao của vua, quan trong những hình vẽ này:
(Trên thực tế, mão tế giao của vua, quan triều Nguyễn đều có các tua rủ trước sau, nhiều ít tùy cấp bậc); hay ở cách quấn dây lưng nhiễu điều đỏ thắt múi bỏ bên hông (trang 85).
Thật ra bức tranh truyền thần của cụ Thượng thư Trần Đình Bá, cụ cố của tác giả quyển sách, anh Trần Đình Sơn, cũng nói lên đươc nhiều điều. Nét vẽ đẹp không thua gì, và sinh động với tỷ lệ cơ thể đúng theo tiêu chuẩn hiện đại hơn, so với tranh của Hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ.
Bức truyền thần này chứng tỏ rằng ở Huế ngày xưa còn có các họa sỹ khác, chứ không riêng gì cụ Nguyễn Văn Nhân. Vì cụ Thượng Bá thăng lên thượng thư tháng 7 năm 1919, trong khi cụ Nhân đã qua đời từ trước 1919.
Nguồn bài đăng : soi.com.vn
Trích lại từ trang :http://nghiencuulichsu.com/2014/03/27/vai-dieu-ve-nhung-buc-tranh-trong-sach-dai-le-phuc-viet-nam-thoi-nguyen/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét