’Nhật
mộ hương quan cộng nhất sầu’*
Khi tôi bừng thức dậy, ám ảnh
mọi thứ giữa đời như ấn tượng xô đẩy ngả nghiêng, trộn lẫn vào nhau -quand je
me suis réveillé, j’ai eu l’impression d’avoir tout mélangé- ’Tôi’ ở đây là tôi
của nàng Kiều, một cái tôi chung, một chỉ định từ mỗi khi đã ’hoàn hồn’ thức tỉnh (to awaken), đó
là tâm lý nội tại, một bất chợt đơn thuần nhưng trong cái tư thế đó chính là cái
chao đảo, rối loạn tâm tư, chính những trạng thái đó âm hưởng phần nào tương
quan tâm trạng của Thúy Kiều từ khi mới lớn cho đến khi bước vào đời; với đầy đủ
mộng mơ của một cõi đi về hạnh phúc, nhưng cõi mộng trở về không có thực, để rồi
chấp nhận thương đau, dấn thân, nhập thế, con đường trước mặt Kiều là cả một đánh
đổi thương mong ’compassiononate’. Không riêng Kiều mà tư thế hồn nhiên như đã
an bài cho mỗi chúng ta. Cho nên, trong cuộc đời thực trạng làm người đều nằm
trong qui trình của thời gian và chính lẽ đó mà hồn nhiên không thấy thời gian.
Tuổi trẻ không thấy mình là thời gian. Kiều cũng thế; để rồi thương vay khóc mướn.
Không riêng Kiều; ’Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu’. Âu cũng là lẽ thường.
Cuộc đời và thời gian bắt đầu từ đây. Thức dậy -réveil/awakening- để nhận
ra thời gian, vì thời gian là cơ sở, là yếu tố hủy diệt. Thời gian là cuộc đời.Quan
Viên Ngoại và Kiều là đối tượng của thời gian, hai cái nhìn khác biệt nhau nhưng
tựu chung là một. Kiều rơi lệ với cha là một cái giá đánh đổi, Kiều biết đau xót
nhưng không thể ngăn được. Trong La vie En Fleur của Anatole France, có đoạn viết: ’Cuộc đời
con người hoàn toàn đau đớn và không khi nào dứt được những mối thương đau…’
cho nên trong thương đau cũng có cái sung sướng của đau thương; trong hạt lệ vẫn
có vinh quang của hạt lệ.
Đau thương là ý nghĩa cuộc đời, một hiện thể của con người. Cuộc đời đang
sống là đấu tranh với hạnh phúc, do đó con người phải biết chấp nhận đau thương
để trả cái giá hạnh phúc. Kiều là nạn nhân của sự chọn lựa bi thương và hạnh phúc.
Cái sự cớ đó đưa tới nước mắt, nước mắt nằm trong cõi vô thức của Kiều; khóc
cho cuộc đời, khóc cho chính mình, hạt lệ đó chính là thân phận con người,
trong đó thân phận con người mà Kiều đang thủ giữ là cái khóc âm thầm và trầm
thống :
’Khóc
than khôn xiết sự tình’
...’Người
ngoài cười nụ người trong khóc thầm’
Khóc thầm của Kiều là nước mắt khô không lệ. Đó là tiếng khóc mà Thượng
đế an bài trong chúng ta. Với tư thế hồn nhiên; Kiều đánh mất hiện hữu, nhất là
hiện hữu đó lại là một hiện hữu của tâm trạng, không còn là tính cách vật lý
nghĩa là không phụ thuộc vào sự chuyển vần của ngoại tại nhưng vẫn ý thức sâu
xa hiện hữu tính của mình. Thành thử qua sự chuyển vần ngoại tại và ý thức hiện
hữu, đấy là thời gian hiện sinh của Thúy Kiều. Cho nên chi ’kiếp người’ là cả
biến động với thời gian; đổi thay theo tâm trạng, đổi thay theo nhịp đời. Bởi
trong tư thế hồn nhiên con người không thể biết mình biến dịch và Kiều cũng ở
trong biến dịch hồn nhiên đó:
’Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân’
Đấy là sự bắt gặp giữa hiện hữu và vô tri (inconnu/unknown) qua thời
gian, ’trở về’ của tư thế vô tư có nghĩa là không biết chi cả, Kiều đang ở trạng
thái của sự trở về ’rever’ với cõi mộng mà mộng của Kiều là mộng ảo!
’Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng’
Điều ấy cho chúng ta thấy được tâm lý nội tại ở Kiều, một tâm lý hiện-sinh-hữu-thức
đưa đến vô-thức-trung-hòa của mộng. Chính cái sự lý phủ phàng nầy Nguyễn tiên
sinh đã nhấn mạnh rõ ràng như một qui trình thời gian và con người:
’Trăm năm trong cõi người ta’
Lời thơ mở đầu như nhắc nhở; trăm năm là thời gian, cõi người ta là hiện
thể, hai yếu tố nầy trở nên qui luật mà con người phải nhận lấy khi mở mắt chào
đời cho đến khi nằm xuống. Thời gian là nhân chứng của con người, thời gian đi
mà con người không đi, con người chết mà thời gian không chết, đó là hiện tượng
dung thông mà chỉ thốt lên lời ai oán để nhận lấy.Thốt nhưng không Than, vì
than là mất tính hiện hữu. Thốt hay than là một. Không! Nói như thế là không có
thời gian hiện hữu, thời gian xã hội và thời gian con người. Thốt là ngậm đắng
như Nietzsche đã nói trong Zarathustra: -Thốt để được trở về và Kiều muốn trở về
trong tư thế hồn nhiên đó!
’ Đau
đớn thay phận đàn bà
Lời
rằng bạc mệnh cũng là lời chung’
Giữa hoàn cảnh đó; ngoài thời gian hiện sinh, bao hàm hiện hữu tính của
con người. Nguyễn Du đưa vào trong Đoạn Trường Tân Thanh một thời gian Vô-Tri
/Unconscious đẩy Kiều vào ’nhập thế’. Kiều đã sống 3 nhịp đời khác nhau với đời.
Mà giòng đời đi qua trong Kiều là hình thể của vô-tri-tính nằm trong hiện-hữu-tính
của thời gian. Vậy ’trở về với Kiều trong tư thế hồn nhiên’ là một lý tính giữa
vô-tri và hiện-hữu, cả hai được qui về cùng một thể. Cho nên tâm lý sự thể và vật
lý sự vật đã tạo nên một trạng thái khác không kém phần quan trọng; ấy là sự chán
chường, buông xuôi, chấp nhận như chuộc tội, biết rằng đó là một hiện hữu phi lý.
Nhưng thật ra; nhìn vào tâm thức con người, sự bi đát đó không phải một hai là
thời gian mà chính là thân-phận-làm-người, ngoại vi của cuộc đời Nguyễn Du cũng
là thân phận, người đã nhận lãnh như an bài, đau đớn chấp nhận để trở về với mộng
ban đầu nơi ngọn Hồng Lĩnh với dòng sông Lam, mơ về thú điền giả... Đó là tâm hồn
của con người đang hướng ngoại để tìm nơi trú ẩn, một ý tưởng vượt thoát của Kiều,
vượt thoát ra khỏi quá khứ của Kim Trọng và Thúy Vân, vượt thoát những vướng mắc
đưa đẩy rồi đẩy đưa Kiều vào hoàn cảnh chán chường, buông thả, một hợp thể của đoạn
trường . Thật vậy; nhân gian cũng thường nói ’đoạn trường ai có qua cầu mới
hay’ đó là nỗi bi thống của Kiều nằm trong vực thẳm của Nguyễn Du, có thể là sự
cớ che lấp bản ngã của mình(?). Tất cả trở về trong tư thế hồn nhiên, một hành động
che lấp để được bình yên; dù rằng Kiều đang đối diện với sự thế, lấy cái vô tư để
khấp lỏa ’nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân’. Một lối dự phóng thời gian của
Thúy Kiều, nảy sinh từ sự chán chường của hiện hữu phi lý, điều mà đời kết nạp
cho Kiều, giờ đây chỉ còn là tiếng đồng vọng như lời ai óan, như đoạn trường, dự
phóng nầy là biểu lộ một nỗi niềm sợ hãi về đời người về cuộc sống, về thời gian
hiện sinh, về thời gian tâm lý mà bản thân Kiều cũng như Nguyễn tiên sinh phải
chịu nhận để sống còn, chính nhờ vào tư tưởng thâm hậu đó Kiều mới hiện hữu tồn
lưu (existence) tác động từ vô thức ngoại giới như một hiện tượng lướt qua
trong đời :
’Mai sau dù có bao giờ’
Đó là hoài vọng của những con người rơi vào tuyệt
vọng, thất chí để chờ xem ‘thời gian’ và ‘trở về’ làm được gì với tư thế hồn
nhiên :
‘Đốt lò hương ấy so tơ phím này’
Từ tất cả bi thương mà Kiều nhận lãnh là ý thức bất
mãn, chán chường không chịu được những giới hạn của phút giây đang hiện có và
phút sống hiện tại. Baudelaire cũng chua xót kêu lên trong Spleen de
Paris : ‘Any where out of the world’ bất cứ ở đâu của thế giới loài người đều
chua xót, chứa đựng một khí hậu xấu xa -il fait mauvais- một sự phẩn nộ trong
người. Chính là lúc Kiều muốn sống ngoài
cuộc đời này, ra khỏi thế giới của người đời như Baudelaire ; vì nhận rõ sự
bất tương, bất đồng của giòng thời gian trôi chảy, cái sự lý đó là chấp nhận hiện
hữu sống để được sống còn (survival/survivre) dù là thảm họa sẽ xẩy đến.
Qui nạp những tình huống như thế cho nên Kiều luôn
luôn mơ về, dù mơ về với mộng ảo, muốn vượt qua tất cả mọi thực tại, mọi biến cố
cũng như những trung gian đưa đẩy Kiều, ngay cả cửa Phật cũng đem lại khổ sở
cho con người trong hiện hữu. Một hiện hữu tha hóa, một xã hội tha hóa, một chế
độ phong kiến hủ hóa. Kiều hay Nguyễn Du đều là nhân vật sống thực, một kiểu thức
‘existential’ để rồi quay về với tư thế hồn nhiên. Cho nên con người ở thời điểm
đó chỉ biết ‘ngậm đắng’ :
‘Đau đòi đoạn, ngất đòi
hồi
Tỉnh ra lại khóc, khóc
rồi lại mê’
Nhưng phải nhận ngay rằng, những giai đoạn đời đẩy
Kiều vào hầu hạ, đẩy Kiều vào ‘lầu son gác tiá’, đẩy Kiều đi tới cái chết, đó là
ý thức sống dậy réveil/awakening để đưa Kiều về với thực tại của thời gian , tức
giá trị hiện hữu hoàn cảnh. Cái cơ bản đó là cơ bản của vọng lai để chờ đợi giải
thoát. Muốn được giải thoát Kiều phải có một tư thế sống hồn nhiên để được thương
mong, đó là tâm lý nội tại. Nguyễn Du dàn dựng như thế là hợp lẽ với đời. Vì
sao ? Thưa rằng nhân vật Kiều là kẻ bi-hùng-tráng nhưng đành sống trong yếm
thế. Xem lại thời gian sống của Kiều : 15 năm lưu lạc là một tại thế của sự
thất bại hoàn toàn. Kiều bị ‘quẳng’ vào đời, ném xuống hố tuyệt vọng, đứng ‘chịu
đòn’ với đời, hứng chịu ‘bề hội đồng’ ở lầu son, phỉnh phờ, lường gạt. Tất cả
Kiều nhận tất không một mảy may ; nhận trong chua xót, trong bi thiết,
trong bao nhiêu đớn đau của đời người. Thúy Kiều hóa thân từ Chánh Huệ để nhập
vào Tà Huệ. Đó là thảm kịch đời ! Có nên đẩy Kiều vào một góc tường nào đó
nữa không ? Hay phải đợi ba trăm năm sau rồi khóc. Trể ! nên khóc bây
giờ trước khi chết, đừng khóc khi đã chết ; đó là ý tứ của Tiên Điền nhắn
gởi.
Giữa hai hoàn cảnh khách thể và chủ thể họ sẽ xử lý
như thế nào ? Cả hai thứ nầy đều sống thừa dù xã hội hôm qua hay hôm nay.
Cho nên chi hủy diệt con người khách thể, hủy diệt con người chủ thể là cứu con
người bản thể tức cứu Kiều ra khỏi những háo hức, vụ lợi vô ý thức. Nguyễn Du đứng
trước một không gian đối tượng của vọng lai để làm sao cho Kiều sống như trở về
tư thế hồn nhiên. Nỗi đau ấy phát tiết như sau :
‘Thân sao thân đến thế nầy
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi’
Đấy là luận chứng luân lý về thời gian và con người,
hai vị trí nầy là tâm trạng khắc khỏi của bi thương, một ‘đoạn trường cho hết
kiếp nầy mới thôi’. Vũ trụ con người chính là thời gian nội giới, sự chuyển vần
của giòng tâm thức để đưa con người đến toàn diện hơn. Kiều là kẻ đứng trước tâm
thức đó, đối đầu với thời gian xã hội, mà thời gian xã hội chính là thảm kịch.
Trong sự phối hợp giữa mình cùng ngoại giới, con người phải tuân theo như mệnh
lệnh của luật chuyển di hay hủy diệt, điều đó như phát sinh ra cái gọi là ‘tài
mệnh tương đố’ để trở thành hình thể của nhân sinh quan. Từ nhận định khái quát,
về sự phối hợp tất nhiên giữa ngoại tại và nội tâm để tạo nên một thể thời gian
qui định của đời, cái đó thuộc thời gian của con người và thời gian xã hội, hai
sứ mạng nầy liên kết với nhau để tạo nên một vũ trụ riêng mình. Bao nhiêu biến động
trong đời Kiều là số phận, một số phận riêng tư nhưng đồng thời bao hàm thân phận
đàn bà phải trải qua những cuộc bể dâu là biện chứng từ ngàn xưa của nhân loại.
Trong Kinh Thi cũng nhắc đến ; ‘cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương’ Thúy
Kiều là nạn nhân bi đát của thời đại, Kiều là đại diện sự thật của thời gian,
thời gian của số phận được vận chuyển vào trong ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ bằng một
giòng thời gian như nhiên của vũ trụ ; bao gồm vũ trụ con người, vũ trụ thời
gian và vũ trụ xã hội đó là một liên trình của 3 thể luân hoàn : khách thể,
chủ thể và siêu thể. Đối với Kiều ; ‘mai sau dù có bao giờ’, dù hoạn nạn
hay bi thương, vinh hay nhục vẫn son sắc với đời, vẫn trở về trong tư thế hồn
nhiên để giữ được cái thế an nhiên tự tại :
‘Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao’
Đó là lời cuối trong đại thi phẩm vĩ đại của Nguyễn
Du. Một đại thi hào Việt Nam và cả thế giới. Cốt tủy của truyện thơ là nói lên
triết thuyết nhân sinh. Nói lên tính nhân bản, có lẽ cho tới ngày nay người ta
vẫn còn suy ngẫm về chân lý đó. Cho nên lý luận Kiều tức nói được nỗi lòng của
Nguyễn Tiên Điền, người đã gởi xác và hồn vào trong một tinh anh sáng ngời đó
cho muôn thế. Không có hạt lệ nào bi thương hơn Đoạn Trường Tân Thanh và cũng
không có tiếng thơ nào bi thiết và trầm thống như Kiều. Nó vẫn mãi mãi là giòng
thơ đương đại và thời thượng. Hơn hai trăm năm qua chưa có một thi văn nào nhỏ
xuống những dòng huyết lệ như thế. Thiết nghĩ ngày nay có tâm trạng đó chăng cũng
chỉ là ‘mua vui cũng được một vài trống canh’ chỉ là chiếu lệ cho vui với đời
thôi mà ! Làm sao có được một nhân vật thi bá như vậy. Có ! nhưng có
của lớp phường chèo mượn tiếng mua danh. Rõ khốn !
VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab Family-day 2/2012)
* ‘Bóng xế quê hương một nỗi lòng’ Hán Dương văn
diễn-Bắc Hành Tạp Lục. Nguyễn Du.
** Tranh vẽ : Cái Đầu. Khổ : 12’X 16’ trên
giấy cứng. Acrylics+Oilstick+India ink+Mixed. vcl 2009.
SÁCH ĐỌC :
- Truyện Thúy
Kiều. Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim. NXB Đại Nam. Không ghi ngày tháng năm phát hành.
Hiệu Khảo : Trần Trọng Kim : Hà-nội, Năm Ất Sửu 1925.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét