Chủ nhật về đầm Chuồn (Phú An, Phú Vang) thấy một sinh khí hoàn toàn
mới mẻ. Vào vụ nuôi trồng thủy sản mới nên nò sáo được sửa chữa, giăng
lưới mới ngay hàng thẳng lối tạo nên một bức tranh đầm phá rất đẹp.
Nhưng điều làm sôi động một vùng đầm phá vốn bình yên tĩnh lặng này
chính là nhờ phát triển dịch vụ. Từ hai năm nay, một số ngư dân đầm
Chuồn đã bắt đầu làm dịch vụ. Ngay trên đầm phá. Ban đầu chỉ một hai
người làm. Cũng là vì xuất phát từ nhu cầu của khách. Những người khách
thành phố thích thiên nhiên, về thuê thuyền rong ruổi trên đầm phá rồi
lưu lại những nhà chồ của ngư dân ăn uống. Đầm phá thì không thiếu những
đồ thủy sản tươi ngon. Các loài đặc sản như tôm rảo, cá kình kình, cá
ong, cá mú, cá bống không thiếu. Vừa tươi, vừa giá rẻ, vừa được thưởng
thức trong một không gian đẹp và cực kỳ lãng mạn như vậy nên người này
mách tai người khác vậy là trở thành một nhu cầu của du khách. Đã có cầu
thì ắt có cung. Đến thời điểm này nhiều người đã xây dựng nhà hàng giữa
đầm phá để làm dịch vụ, trong đó có một nhà hàng qui mô lớn có sức chứa
cùng lúc khoảng 300 người.
Cảnh đẹp Đầm Chuồn hấp dẫn khách du lịch (Ảnh: T. Ninh)
Ở đây cũng xin ghi nhận hai tác nhân khác cho sự bùng nổ lượng khách về
đầm Chuồn là chính truyền thông và mạng xã hội. Dưới tác động của các
phương tiện này, những hình ảnh đẹp, hấp dẫn của đầm Chuồn lan tỏa khắp
nơi.
Nhân nói về dịch vụ ở đầm Chuồn, xin luận bàn mấy lời về du lịch cộng đồng.
Chương trình du lịch cộng đồng đầm phá đã từng được ngành du lịch khởi
xướng nhưng sức hấp dẫn đối với khách lại không thành công. Ví dụ như
tuyến du lịch cộng đồng ở Quảng Lợi ( Quảng Điền). Theo thống kê, có năm
xã Quảng Lợi chỉ đón vỏn vẹn chưa được 200 khách, kể cả những người tổ
chức thuộc ngành du lịch và phóng viên báo, truyền hình về tuyên truyền.
Ở đây cũng cần ghi nhận sự cố gắng của những nhà tổ chức nhưng không
gặt hái được thành công như mong muốn có lẽ là do sự chọn lựa địa điểm
thực hiện, cách thức tổ chức, nội dung… không xuất phát từ nhu cầu thực
tế mà chỉ xuất phát từ ý chí chủ quan của người tổ chức (ở đây có một
phần từ sự hỗ trợ của dự án).
Đầm phá Quảng Lợi cũng có cái hấp dẫn của nó, đó là nơi có một trong
hai chợ nổi độc đáo nhất của Thừa Thiên Huế. Đêm người dân đánh bắt trên
đầm phá. Rạng sáng là lúc là lúc họ đưa những loài thủy sản bắt được
vào bán. Thế là hình thành chợ nổi. Đó là nơi thủy sản tươi ngon, người
mua kẻ bán lao xao, thuyền ghe tấp nập đã hình thành nên một nét văn hóa
chợ nổi đặc sắc.
Không thành công lắm ở Quảng Lợi, thì theo tôi, ngành du lịch với tư
cách quản lý nhà nước ở lĩnh vực này nên tác động để phát triển du lịch
đầm phá ở đầm Chuồn. Một nơi người dân làm tự phát nhưng chỉ riêng trong
dịp tết Giáp Ngọ vừa qua đón cả hàng chục nghìn khách là một tiền đề
hết sức quan trọng. Vậy ngành du lịch nên tác động như thế nào?
Đầm Chuồn cũng có nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên như nhiều vùng đầm
phá khác nhưng ở đây ngư dân có hai nghề hết sức đặt biệt là nghề cào
lươn và đi tủ. Chúng ta có thể hình dung như thế này. Có những vùng nước
sâu đến ngực, chỉ với một dụng cụ là một cái cào (là một thanh tre, đầu
được bịt sắt, có ngạnh kiểu như móc câu) mà người dân bắt được lươn. Có
thể nói là hết sức tài tình. Nghề này không phải ai cũng làm được mà
nghề cha truyền con nối.
Nghề đi tủ lại có cái đặc biệt khác. Dụng cụ chỉ là một dây thừng.
Chiếc dây thừng được bủa sát đáy và cứ siết lại hẹp dần. Cá bống bị đánh
động dồn lại và cuối cùng vào một miệng lưới đã đặt sẵn. Sức hấp dẫn
của nghề này là quang cảnh làm, sự hiểu biết về đặt tính của loài cá
bống, điều mà có lẽ sự hiểu biết được tích tụ nhiều đời người dân mới
nghĩ ra nghề này.
Du khách về đầm Chuồn, việc dịch vụ để người dân tự lo. Và họ đã làm
rất tốt. Ngân sách nhà nước nên đầu tư một khoảng kinh phí ban đầu để
người dân “quảng diễn” những nghề này. Du khách về đây ngắm đầm phá, tận
mắt chứng kiến cảnh làm nghề và sinh hoạt đời thường của ngư dân và sau
đó là thưởng thức đặc sản đầm phá. Ngân sách nhà nước chỉ đầu tư mang
tính gợi mở ban đầu và hướng dẫn một cơ chế liên kết giữa người làm nghề
và làm dịch vụ. Sau đó người dân sẽ tự làm. Du khách sẽ “xứng đồng tiền
bát gạo” mà trả tiền.
Một việc khác nhà nước cần tác động và thể hiện vai trò là hướng dẫn
cho người dân tổ chức dịch vụ du lịch sao cho thật tốt. Đang từ ngư dân
“qua một bước nhảy vào dịch vụ” chắn chắc người dân chưa có kinh nghiệm,
cần sự giúp đỡ, hướng dẫn.
Nói gì thì nói, phải có con người hết sức cụ thể. Phải có một bộ phận
nào đó gồm những con người tâm huyết, hiểu biết đại diện ngành du lịch
chuyên trách việc này. Bao nhiêu tour du lịch cộng đồng mở ra nhưng
không thành công, không duy trì được có lẽ cũng một phần là do không có
người lo. Hoặc nhiều người lo nhưng chỉ chung chung.
Mấy điều thiển nghĩ mong được chia sẻ.
Theo Lê Phương (TT-Huế)
http://hue.vnn.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét